Yên Bái gìn giữ bản sắc văn hóa phi vật thể trong tiến trình phát triển - Bài 2: Giữ bản sắc, dệt tương lai

  • Cập nhật: Thứ năm, 2/9/2021 | 8:39:12 AM

YênBái - 15 Nghệ nhân ưu tú, 7 nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hó phi vật thể là “báu vật nhân văn sống” lưu giữ tinh hoa văn hóa truyền thống các dân tộc. Trong dòng chảy hội nhập, công tác bảo tồn, phát huy những giá trị quý báu ấy đã và đang được các nghệ nhân cùng các cấp chính quyền chung sức gìn giữ, dệt một tương lai đậm đà bản sắc và phát triển.

Câu lạc bộ văn nghệ tại các xã, phường là hạt nhân tích cực trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Câu lạc bộ văn nghệ tại các xã, phường là hạt nhân tích cực trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.


Yên Bái có 15 cá nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú (NNƯT), 7 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh phong tặng danh hiệu Nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể. Đây là "báu vật nhân văn sống” lưu giữ tinh hoa văn hóa truyền thống các dân tộc. Trong dòng chảy hội nhập, công tác bảo tồn, phát huy những giá trị quý báu ấy đã và đang được các nghệ nhân cùng các cấp chính quyền chung sức gìn giữ, dệt một tương lai đậm đà bản sắc và phát triển.

Những người khơi nguồn văn hóa

Trong hành trình đến với DSVH phi vật thể, một tối cuối tuần chúng tôi ghé nhà Nghệ nhân cấp tỉnh về lĩnh vực tiếng nói, chữ viết Triệu Quý Tín người dân tộc Dao ở xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên. Tiếng dạy, tiếng đọc những bài cúng của người Dao vẫn vang vọng, xua tan màn đêm tĩnh lặng vùng nông thôn. 

Quan sát suốt buổi học, trước sự hăng say học hỏi của người học, nét mặt Nghệ nhân Triệu Quý Tín luôn rạng rỡ, biểu thị sự hài lòng. 22 giờ, lớp học tan, những người đến học lục tục ra về, ông Tín vội quay sang phân bua với chúng tôi: "Mọi người đến sớm quá tôi không tiếp được, thông cảm giúp tôi nhé! Các học viên hầu hết đều là người lao động, có người ở gần, cũng có người ở xã khác, đi lại xa xôi, ban ngày lao động mệt, ban đêm đến học mà về muộn thì vất vả quá, nên tôi cứ lên lớp đã. Giờ ta nói chuyện nhỉ!”.

Thế mới thấy cái sự học, lòng đam mê với văn hóa truyền thống trân quý đến nhường nào. Như chỉ cần khơi gợi, mọi kỷ niệm, cảm xúc về quá trình dày công học hỏi, mày mò tìm hiểu về văn hóa dân tộc Dao của người nghệ nhân lại ùa về. 

Ông Tín tâm sự: "Tôi được cụ Lý Tiến Thọ - một người am hiểu về văn hóa, tập quán, ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc Dao quần chẹt trong xã truyền dạy. Năm 2016, để bổ sung thêm kỹ năng truyền dạy, tôi tham gia học lớp bồi dưỡng tiếng và chữ Nôm Dao tại Trường Đại học Hồng Đức, tỉnh Thanh Hóa. Sau khóa học, tôi củng cố kiến thức để truyền dạy cách phát âm chuẩn tiếng Dao, viết và đọc được một số quyển sách phục vụ cho các lễ hội tâm linh truyền thống”. 

Nặng lòng với văn hóa truyền thống của dân tộc mình, trong tâm khảm nghệ nhân Triệu Quý Tín luôn đau đáu suy nghĩ làm sao để truyền dạy được thật nhiều những gì mình biết, mình được học cho thế hệ trẻ. Đó cũng là những trăn trở mà chính quyền xã Lương Thịnh quan tâm, đồng hành để bảo tồn, gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống trên địa bàn. 



Nghệ nhân Ưu tú Triệu Quý Tín ở xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên thường xuyên dạy tiếng nói, chữ viết, văn hóa truyền thống của người Dao cho thế hệ trẻ. 

Đồng chí Triệu Khánh Thiện - Phó Chủ tịch UBND xã Lương Thịnh cho biết: "Nghệ nhân Triệu Quý Tín chính là niềm vinh dự, tự hào và là kho tư liệu sống quý báu không chỉ của địa phương. Cho nên, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân học hỏi, lưu giữ và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc, chúng tôi luôn trân trọng, tạo mọi điều kiện để nghệ nhân có thể tổ chức các lớp truyền dạy văn hóa, thông qua hoạt động lễ hội của các dòng họ người Dao hay các lớp dạy về văn hóa, tập quán, ngôn ngữ, chữ viết của người Dao quần chẹt tại thôn An Phú, xã Y Can hay thôn Vực Tròn và thôn Khe Bát, xã Lương Thịnh. Đến nay, nghệ nhân Triệu Quý Tín đã tổ chức 3 lớp học cho trên 120 người, góp phần cho việc bảo tồn, lưu giữ những giá trị truyền thống, kiến thức về văn hóa, tập quán, ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc Dao”. 

"Tôi yêu văn hóa truyền thống của dân tộc mình, có lẽ tình yêu ấy chính là động lực giúp tôi có thể ngày đêm nghiên cứu. Nhìn các thế hệ học trò trưởng thành tiếp tục truyền dạy, lan tỏa niềm đam mê đến mọi người là tôi thấy vui”. 

Đó là tâm sự của NNƯT Hoàng Kế Quang - người dân tộc Tày ở xã Hưng Khánh. Không thể trả lời tình yêu văn hóa truyền thống dân tộc Tày lớn đến nhường nào, chỉ biết "Văn hóa dân tộc Tày, điệu hát Then như là máu, là da thịt, như là hơi thở, lẽ sống của cuộc đời”. 

Vì tâm huyết, say mê với văn hóa truyền thống của dân tộc mình, NNƯT Hoàng Kế Quang luôn nỗ lực truyền dạy cho nhiều thế hệ học trò trong xã và các xã khác điệu hát, múa, xòe, then và đàn tính. Bên cạnh đó, ông còn giúp cho nhiều khu dân cư trên địa bàn xã Hưng Khánh thành lập đội văn nghệ và ra mắt khu dân cư văn hóa. 

Nghệ nhân Hoàng Kế Quang cho biết thêm: "Được công nhận NNƯT tôi được Nhà nước tặng thưởng hơn 10 triệu đồng và được hỗ trợ 700.000 đồng/ 1 tháng. Danh hiệu cũng như số tiền hỗ trợ hàng tháng dù không nhiều nhưng với tôi đó là niềm vinh dự, tự hào nhất của cuộc đời. Với danh hiệu này tôi sẽ cố gắng hơn nữa để làm gì đó, giúp gì đó cho địa phương, cho thế hệ trẻ, cho văn hóa truyền thống của dân tộc tôi”.

Dệt tương lai đậm đà bản sắc và phát triển

Đã thành thông lệ từ nhiều năm nay mỗi khi hè về cũng là lúc trẻ con ở bản Đêu 2, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ lại tập trung về căn nhà của Nghệ nhân Điêu Thị Xiêng để học hát khắp, múa xòe. Lớp học đông vui có sự tham gia của những cô bé, cậu bé độ tuổi từ 5-6, cũng có em mười chín, đôi mươi cùng hòa nhịp ngân nga âm điệu câu khắp của người Thái Mường Lò. 

Mới 5 tuổi, vẫn ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, vẫn ham chơi đùa như lũ bạn đồng lứa, nhưng khi học hát em Lò Ngọc Khánh, 6 tuổi ở xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ lại rất tập trung, say sưa hát không kém gì các anh, chị lớn. 

Cô bé Lò Ngọc Khánh chia sẻ: "Hát khắp khó học, khó nhớ nhưng con vẫn muốn học. Bà Xiêng với các anh chị vẫn khen con hát hay, múa xòe đẹp, con vui lắm!”. 

Hình ảnh lớp học hát khắp của nghệ nhân Điêu Thị Xiêng lại khiến chúng tôi nhớ đến hình ảnh lớp trẻ hăng say trong lớp học của nghệ nhân Triệu Quý Tín ở xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên. 

Tôi nhớ mãi chia sẻ của cậu học trò Triệu Đức Hà ở thôn Vực Tròn, xã Lương Thịnh - học trò xuất sắc của nghệ nhân Triệu Quý Tín: "Dù nói được thành thạo tiếng của dân tộc Dao nhưng để học viết, học nghi lễ và hiểu các bài cúng sau về thực hành tại gia đình đòi hỏi rất nhiều thời gian, lòng kiên trì và say mê. Nhưng khi đã thực sự yêu thích thì có lẽ bất kỳ ai cũng như em đều có thể thu xếp thời gian, công việc, mọi khó khăn đều có thể giải quyết để được theo học”. 

Đi khắp nẻo đường Yên Bái, chúng tôi được nghe những câu chuyện về văn hóa truyền thống thật đặc biệt. Còn rất nhiều câu chuyện của các nghệ nhân, của những già làng, trưởng bản đang ngày đêm miệt mài lưu giữ, truyền dạy văn hóa truyền thống các dân tộc; những lớp trẻ với tình yêu văn hóa truyền thống. 

Trong khuôn khổ có hạn của bài viết chúng tôi chỉ tham vọng phác họa rằng có những sự học như thế, truyền dạy như thế, cả những đam mê và đau đáu về văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, để thấy rằng văn hóa truyền thống vẫn luôn trường tồn, có sức sống mãnh liệt. 

Và chính những lớp trẻ như em Lò Ngọc Khánh hay Triệu Đức Hà là những người đang nắm giữ tương lai của một di sản độc đáo, hàm chứa những nét thanh tao, những tinh hoa của cả văn học lẫn âm nhạc dân tộc. Di sản văn hóa là tài sản, một trong những nguồn lực quan trọng góp phần thực sự vào sự phát triển.

Đồng chí Nguyễn Lâm Tới - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh: "DSVH phi vật thể như một mạch ngầm kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai. Việc bảo vệ và phát huy giá trị DSVH phi vật thể sẽ góp phần bổ khuyết cho giá trị văn hóa, nhân văn của xã hội nhằm tạo sự phát triển bền vững. Chính quyền địa phương có trách nhiệm quản lý, tuyên truyền, quảng bá để người dân hiểu hơn về giá trị di sản mà họ nắm giữ nhằm khơi dậy tình yêu, trách nhiệm giữ gìn di sản, tạo điều kiện cho họ được tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm bảo tồn di sản hiện đại với các phương thức truyền thống. Song song với đó, các cấp, các ngành và Nhà nước cần có sự đồng hành cùng cộng đồng và có những chính sách đãi ngộ phù hợp với các nghệ nhân, người thực hành di sản để khuyến khích họ giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản ngày một tốt hơn”.

 Lê Thương - Thu Hiền

Tags Yên Bái gìn giữ bản sắc văn hóa phi vật thể tiến trình phát triển giữ bản sắc dệt tương lai

Các tin khác
Mẹ Việt Nam anh hùng Vũ Thị Thiệp (bên phải) luôn nhắc nhở con cháu sống xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha, ông.

Mái tóc cước trắng, tấm lưng còng - năm tháng đã hằn in trên bóng dáng Mẹ Việt Nam anh hùng Vũ Thị Thiệp ở tổ 3, phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái đã ở tuổi 95. Thế nên chuyện cũ những ngày xưa xa có những điều nhớ và quên, đan xen lẫn lộn trong tâm trí mẹ. Nhưng cũng có những miền ký ức vẫn chưa thể phôi pha....

Người Thái Mường Lò với nhiều nét văn hóa đặc sắc được tái hiện lại trong các lễ hội.

Yên Bái là vùng đất đa sắc màu với nhiều dân tộc thiểu số cùng chung sống, sự đa sắc màu ấy tạo nên một nền văn hóa hội tụ những tinh hoa, giàu sắc thái, đậm đà bản sắc dân tộc.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản toàn tỉnh đạt 6.800 tấn, bằng gần 58% kế hoạch, tăng 1.800 tấn so với cùng kỳ. Trong ảnh: Người dân Yên Bình nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà. (Ảnh: K.T)

Thời gian qua, nông nghiệp Yên Bái tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng, là nền tảng, là trụ đỡ tạo đà phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sản xuất nông nghiệp vẫn giữ được nhịp độ phát triển, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn, nền nông nghiệp từng bước chuyển đổi từ "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp".

Khu tái định cư Bản Lùng hôm nay.

Sau bao dự định, cuối cùng chúng tôi cũng đến được Bản Lùng - thôn đặc biệt khó khăn của xã vùng cao Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên để được tận mắt chứng kiến cuộc sống của người dân nơi đây sau trận lũ quét lịch sử ngày 20//2018. Trước mắt tội là một Bản Lùng trái hẳn với cảnh hoang tàn của 3 năm về trước...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục