Đột phá Tú Lệ - Bài cuối: Vùng cao thay áo mới

  • Cập nhật: Thứ tư, 29/9/2021 | 8:18:45 AM

YênBái - Với khí thế thi đua của nhiệm kỳ mới, cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ xã Tú Lệ đã và đang thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết, tinh thần đổi mới, sáng tạo cho đội ngũ cán bộ cơ sở, tạo bước đột phá mới ở địa phương.

Mô hình chăn nuôi bò của ông Hoàng Văn Yếng trên đỉnh Khau Thán.
Mô hình chăn nuôi bò của ông Hoàng Văn Yếng trên đỉnh Khau Thán.


Đảng bộ xã Tú Lệ đã khơi dậy và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh gắn với tập trung phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội; đồng thời, đổi mới phương thức lãnh đạo, hướng mạnh về cơ sở; nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, công tâm, khách quan, đặt lợi ích tập thể lên trên hết; tăng cường kiểm tra, giám sát, rà soát những tồn tại, hạn chế và tìm hướng khắc phục. 

Với khí thế thi đua của nhiệm kỳ mới, cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ xã Tú Lệ đã và đang thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết, tinh thần đổi mới, sáng tạo cho đội ngũ cán bộ cơ sở, tạo bước đột phá mới ở địa phương.

Khau Thán thuộc thôn Nước Nóng nằm trên đỉnh núi Khau Thán với 34 nóc nhà người Mông, là bản khó khăn nhất của xã bởi đa số hộ nghèo còn lại của xã đều tập trung tại đây. Đường lên Khau Thán dốc ngược cách quốc lộ 32 gần 3 km. Đây là một trong 2 tuyến đường của xã Tú Lệ chưa được bê tông hóa. Khau Thán có 34 hộ thì có tới 27 hộ nghèo, không điện lưới quốc gia nhưng người dân vẫn sẵn sàng đóng góp mỗi hộ 1 triệu đồng để làm đường. 

Có được sự đồng thuận cao đó phải kể đến vai trò của những đảng viên của thôn; trong đó, có Trưởng thôn Hoàng Văn Yếng. 23 năm làm Trưởng thôn, ông Hoàng Văn Yếng hiện là người giàu nhất thôn Nước Nóng. Ông Yếng là người dân tộc Thái nhưng có thể nghe và nói rất sõi tiếng Mông. Từ năm 1993, khi Tú Lệ đang tập trung cao cho chiến dịch xóa bỏ cây thuốc phiện, cũng giống như các hộ nghèo trong thôn, nhà ông Yếng ít ruộng chẳng đủ ăn, ông gom góp hết tài sản đầu tư bộ đồ nấu rượu, nuôi lợn. Mỗi năm xuất vài lứa lợn, ông lại đầu tư để mua trâu, bò, mua đất đai. 

Năm 1996, ông Yếng bắt đầu mô hình nuôi bò trên đỉnh Khau Thán bởi ở đó có nhiều bãi chăn thả cỏ mọc tự nhiên, tươi tốt. Hàng ngày, ông đem muối lên cho bò ăn, tránh việc bò đi ăn xa không tìm về được. Đàn bò của ông Yếng được làm quen với môi trường tự nhiên, có sức đề kháng tốt, bộ lông dày, chịu được lạnh nên ít khi bị chết rét hoặc dịch bệnh. Đến nay, đàn bò của ông Yếng có trên 50 con. Học tập ông Yếng, nhiều người dân Khau Thán cũng bắt đầu chăn nuôi trâu, bò. Trong đó, anh Lý A Chư có 7 con trâu, một đàn lợn nái; bà Thào Thị Mú có 8 con trâu, bò và hơn 100 gốc đào rừng. 

Năm 2018, bản Khau Thán sáp nhập vào thôn Nước Nóng. Nhận thấy Khau Thán có nhiều tiềm năng chưa được khai thác, Chi bộ đã ra nghị quyết về phát triển kinh tế bản Khau Thán, trong đó tập trung phát triển chăn nuôi hàng hóa, trồng rừng, trồng măng sặt, vệ sinh môi trường hướng tới xây dựng bản du lịch sinh thái. Đến nay, 34 hộ dân ở Khau Thán nhà nào cũng có 1-2 con trâu, bò. Đời sống người dân tuy vẫn còn khó khăn nhưng đã có nhiều đổi mới. 

Đặc biệt, khi Tú Lệ có chủ trương làm đường bê tông lên Khau Thán, người dân sẵn sàng đóng góp tiền của, công sức. Không chỉ người dân ở Khau Thán mà 152 hộ dân người Thái của thôn Nước Nóng còn góp gần 70 triệu đồng để làm đường. 

Bí thư Chi bộ thôn Nước Nóng - Lự Văn Hải cho biết: "Việc chung của thôn người dân đoàn kết lắm! Phong tục tập quán của người Mông, người Thái tuy có khác biệt nhưng chung sống hòa thuận, đoàn kết giúp đỡ nhau. Tuyến đường lên Khau Thán đến nay chuẩn bị đầy đủ, chỉ chờ qua mùa mưa là bắt đầu thi công. Cuối năm nay, người dân sẽ có đường. Lên Khau Thán khi đó cũng chỉ mất vài phút thôi!”. 

Được biết, Khau Thán đã có dự án đầu tư lưới điện đang được triển khai. Có đường, có điện, người dân sẽ có điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - văn hóa. 

Bí thư Đảng ủy xã Tú Lệ - Bùi Thị Doan cho biết: "Phải thực sự phát huy vai trò chủ thể của người dân, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng phải là giải pháp quan trọng hàng đầu. Làm cho dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng bằng sự tích cực tham gia bàn bạc, hiến kế, đóng góp công, của và chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình, xóa bỏ tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đây là yếu tố quyết định sự thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới ở Tú Lệ”. 

Xác định nông nghiệp, du lịch là mũi nhọn trong việc phát triển kinh tế địa phương, trong 10 năm triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Tú Lệ đã tập trung chỉ đạo sản xuất theo hướng hàng hóa, chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp, kinh tế mũi nhọn chủ yếu là nông sản chủ lực như: nếp Tú Lệ, các làng cốm và loại hình dịch vụ du lịch. 

Tổng diện tích gieo trồng lúa nước 288,29 ha, tập trung chỉ đạo nhân dân gieo cấy 2 vụ với cơ cấu giống 30% là giống lúa thuần chất lượng cao và 70% là giống lúa nếp đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế ổn định về thu nhập cho người trồng lúa. 

Tổng đàn trâu, bò của xã hiện có 2.183 con, lợn 2.957 con, gia cầm 20.848 con. Xã làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, tăng đàn gia súc, gia cầm. 

Cả xã hiện có 19 cơ sở cho thuê lưu trú gồm: 2 nhà hàng, khách sạn; 1 khu nghỉ dưỡng; 6 nhà nghỉ; 10 điểm du lịch cộng đồng, hàng năm phục vụ trên 10.000 lượt khách trong và ngoài nước, góp phần tăng thu nhập ổn định cho người dân địa phương. 

Những năm qua, nhờ chính sách hỗ trợ các dự án phát triển kinh tế của tỉnh và huyện, nhân dân xã Tú Lệ đã tích cực tham gia các loại hình phát triển kinh tế, thành lập và hoạt động có hiệu quả các tổ giúp nhau làm nhà, tổ hợp tác giúp nhau làm giàu chính đáng, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. 

Năm 2012, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 8 triệu đồng/năm, đến năm 2018 đạt 31 triệu đồng/năm, năm 2019 đạt 33 triệu đồng/năm, năm 2020 đạt 36,3 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 35% năm 2011, giảm xuống còn 10,59% cuối năm 2020. Số hộ có nhà đạt chuẩn theo Bộ Xây dựng là 1.217/1.320 hộ đạt 92,2%. 

Văn hóa - xã hội phát triển có chiều sâu, quốc phòng - an ninh luôn ổn định và giữ vững, xây dựng được các mô hình, điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; các hộ vươn lên thoát nghèo, có đời sống khá ngày càng tăng. Có cách làm phù hợp với điều kiện của địa phương thông qua lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, vận dụng sáng tạo cơ chế chính sách. 

Có phương thức huy động các nguồn lực phù hợp; lồng ghép sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ ngân sách của Nhà nước và các nguồn lực đa dạng; việc huy động, đóng góp của người dân được thực hiện trên cơ sở thực sự tự nguyện, bàn bạc dân chủ không quá sức dân. 

Phát huy tốt Quy chế dân chủ công khai, minh bạch, thực hiện tốt công tác kiểm tra giám sát, kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn những lệch lạc tạo niềm tin cho quần chúng nhân dân. Tất cả những yếu tố quan trọng đó là điều kiện để giúp Tú Lệ đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới. 

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Văn Chấn lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định phải thực hiện thành công 3 khâu đột phá theo định hướng chung của tỉnh Yên Bái và 5 chương trình trọng tâm của huyện, với 19 nhiệm vụ cụ thể trải đều trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Huyện Văn Chấn đã xây dựng "Đề án Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. 

Huyện xác định Đề án này chính là sợi dây xâu chuỗi, kết nối tất cả 3 khâu đột phá, 5 chương trình trọng tâm và 19 nhiệm vụ đã đề ra. Đồng chí Mai Mộng Tuân - Bí thư Huyện ủy Văn Chấn cho biết: Quan điểm của huyện Văn Chấn khi xây dựng Đề án này chính là nhằm đảm bảo giải quyết cơ bản các vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó mục tiêu cốt lõi là nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị; gắn kết quả xây dựng nông thôn mới với trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy”. 

Đến nay, huyện Văn Chấn đã có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, riêng năm 2021 phấn đấu 3 xã về đích nông thôn mới, trong đó Tú Lệ là xã vùng cao đặc biệt khó khăn đầu tiên của huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Những cách làm hay, sáng tạo, phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, đặc biệt là vai trò người đứng đầu được phát huy sẽ là kinh nghiệm để các xã vùng cao khó khăn khác của huyện Văn Chấn học tập.

Đến Tú Lệ hôm nay, được cùng vào thăm làng cốm đi trên những con đường bê tông phẳng lỳ, chiêm ngưỡng rừng thông, đồng lúa xanh mơn mởn, ngắm những ngôi nhà cao tầng khang trang mọc lên san sát, chúng tôi cảm nhận rõ hơn sự đổi thay ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn này.

Anh Dũng - Ngọc Sơn

Tags nhiệt huyết tinh thần đổi mới sáng tạo bước đột phá mới nông thôn mới

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục