Mang lại những đổi thay hạnh phúc

  • Cập nhật: Thứ hai, 4/10/2021 | 7:58:42 AM

YênBái - “Nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức người dân để cải thiện việc tiếp cận dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng bởi bạo lực giới” - Dự án được thực hiện bởi sự phối hợp giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh và Tổ chức Hagar quốc tế tại Việt Nam, từ tháng 10/2019 đến 9/2022, thí điểm trên địa bàn hai xã Minh An và Bình Thuận, huyện Văn Chấn, đã có nhiều tác động tích cực tới đối tượng tiếp cận.

Anh Trần Quang Hợp chia sẻ về sự thay đổi nhận thức và hành vi khi tham gia Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc - vun đắp yêu thương” tại hội nghị đánh giá giữa kỳ thực hiện Dự án.
Anh Trần Quang Hợp chia sẻ về sự thay đổi nhận thức và hành vi khi tham gia Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc - vun đắp yêu thương” tại hội nghị đánh giá giữa kỳ thực hiện Dự án.

Với mục tiêu: "Phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực, cụ thể là bạo lực gia đình, xâm hại tình dục, mua bán người và những người có nguy cơ được tăng cường sự an toàn, phúc lợi và tiếng nói của bản thân”, nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả đã được triển khai trong nửa kỳ Dự án.

Hỗ trợ 260 nạn nhân bị bạo lực

Lấy chồng từ khi còn rất trẻ, cuộc sống gia đình nhiều khó khăn, cộng thêm nhận thức còn chưa đầy đủ, chị Đ.T.T ở thôn Khe Phưa, xã Minh An từng cam chịu hành động bạo lực từ người chồng trong thời gian dài. Từ khi được tham gia Dự án, chị T và chồng có thêm hiểu biết về bình đẳng giới, về phòng, chống bạo lực gia đình; được hỗ trợ, chia sẻ nhiều về tâm lý, cách phòng, tránh những tình huống xấu xảy ra trong xung đột, mâu thuẫn gia đình… "Giờ đây, mình đã hết hẳn chuyện bị bạo lực. Chồng còn biết cùng làm việc nhà, chăm con” - chị T chia sẻ những điều tưởng đơn giản ấy trong nước mắt của niềm vui.

Với mục tiêu 100% phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực, xâm hại tình dục và mua bán người mà Dự án tiếp cận được tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ toàn diện có hiểu biết và sang chấn để chữa lành và phục hồi, Dự án đã thành lập 2 tổ phản ứng nhanh tại 2 xã Minh An, Bình Thuận hỗ trợ các trường hợp nạn nhân bị bạo lực gia đình, xâm hại tình dục và mua bán người xảy ra tại địa phương. Tổ phản ứng nhanh có sự tham gia của 30 thành viên gồm lãnh đạo UBND xã, cán bộ hội phụ nữ, tư pháp, công an, lao động - thương binh và xã hội, các trưởng thôn, chi hội trưởng phụ nữ. 

Các thành viên được phân công rõ trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ một cách nhanh nhất, toàn diện nhất các dịch vụ cho những nạn nhân. Các thành viên tổ phản ứng nhanh của 2 xã đã thực hiện gần 400 lượt thăm hộ gia đình nạn nhân hoặc nắm thông tin qua điện thoại, hòa giải thành công 16 cuộc xung đột xảy ra tại địa bàn, lập kế hoạch và danh sách đề xuất hỗ trợ cho 260 trường hợp nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới. 

Bà Hoàng Phương Thúy - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh, Phó ban Quản lý Dự án nhận định: "Có thể thấy, Dự án hỗ trợ cho 260 trường hợp nạn nhân bị bạo lực đã tạo được sức lan tỏa, niềm tin trong cộng đồng dân cư, là chỗ dựa an toàn cho các trường hợp là nạn nhân của bạo lực giới. Các trường hợp nhận được hỗ trợ đã thay đổi rõ rệt về mặt hiểu biết, kỹ năng; đã tự tin chia sẻ câu chuyện của mình, thậm chí giúp đỡ người khác vượt qua tình trạng bạo lực”.



Tuyên truyền kiến thức phòng, chống bạo lực giới qua Cuộc thi "Gia đình chung sức - vun đắp yêu thương” tại xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn. 

Hàn gắn, vun đắp gia đình

Để hỗ trợ nạn nhân có chiều sâu, toàn diện, cùng với tổ phản ứng nhanh, Dự án đã thí điểm thành lập Câu lạc bộ (CLB) "Gia đình hạnh phúc - vun đắp yêu thương”, đối tượng tham gia là các cặp vợ chồng có tình trạng, nguy cơ bạo lực và bị bạo lực, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cần giúp đỡ. 

"Có thể nói, mục tiêu thí điểm thành lập CLB "Gia đình hạnh phúc - vun đắp yêu thương” là một thách thức đối với các thành viên Ban Quản lý Dự án, bởi quan điểm bạo lực là chuyện riêng của mỗi gia đình, người bị bạo lực thường xấu hổ không dám nói ra câu chuyện của mình, luôn mặc cảm, tự ti; người gây bạo lực thường nặng nề về vai trò giới, gia trưởng, ít quan tâm tới vợ con. 

Dự án đã phối hợp với chính quyền địa phương, tiến hành lập danh sách các hộ gia đình có xảy ra tình trạng bạo lực và có nguy cơ bị bạo lực gia đình, tổ chức các cuộc gặp gỡ, tuyên truyền, vận động với từng thành viên nam, nữ, nêu rõ ý nghĩa, lợi ích của việc tham gia CLB. Sau 1 thời gian nỗ lực, kiên trì, đến tháng 1/2021, 2 CLB chia theo nhóm nam, nữ được thành lập với sự tham gia của 30 thành viên tại xã Minh An” - Phó ban Quản lý Dự án Hoàng Phương Thúy cho biết. 

Sau khi thành lập, các thành viên của nhóm nam, nữ được tham gia 5 cuộc tham vấn để các thành viên cảm thấy an toàn khi chia sẻ về sang chấn cá nhân của họ; được cung cấp kiến thức về bình đẳng giới, bạo lực phụ nữ, trẻ em gái, luật pháp để nâng cao nhận thức của phụ nữ về quyền của họ, giúp họ tăng sự tự tin và giúp nam giới nhận thức và biết cách chế ngự các tác nhân gây bạo lực. Sau đó, nhóm tổ chức 12 buổi sinh hoạt hàng tháng nhằm nâng cao nhận thức cho các thành viên về tác động của sang chấn tới trẻ em và giao tiếp phi bạo lực, thúc đẩy đối thoại và học hỏi. Nguyên tắc bảo mật và an toàn được áp dụng trong các nhóm. 

Chị Lò Thị Phấn - Chủ tịch Hội LHPN xã Minh An, cán bộ phụ trách Câu lạc bộ (CLB) nhóm nữ nhận định: "Theo ghi nhận thực tế, đến nay, sau một thời gian tham gia các buổi tham vấn, các cuộc sinh hoạt CLB, thành viên nữ đã tự tin hơn để chia sẻ các câu chuyện của mình cũng như hiểu biết hơn và đã biết lên tiếng về vấn đề bạo lực của mình. 

Chị H.T.H - thành viên nhóm nữ chia sẻ: "Từng có lúc bị chồng bạo hành đến mức phải đi nằm viện nhưng mình cứ nghĩ phụ nữ bị vậy là bình thường nên cam chịu thôi. Giờ hiểu biết hơn, mình đã dám thẳng thắn nói với chồng về việc không được phép bạo hành khi vợ chồng mâu thuẫn, rồi biết cách ứng xử hơn với nhau để tránh dẫn đến bị bạo hành. Đến nay, gia đình hòa thuận hơn xưa nhiều. Chồng còn chia sẻ, giúp đỡ việc nhà, đấy là điều trước đây chưa từng có”.

Các thành viên của 2 CLB đều nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc cũng như hậu quả của bạo lực đối với các thành viên trong gia đình và xã hội. Đặc biệt là đối với nam giới - những người thường gây ra bạo lực và được đánh giá là nhóm khó tiếp cận, tuy nhiên, đến nay, đa số các thành viên nam đã nhận thức được việc mình gây bạo lực là vi phạm pháp luật, đã từng bước có những chuyển biến về mặt tư duy và nhận thức, biết nói lời "xin lỗi" sau những gì mình đã gây ra đối với các thành viên trong gia đình. 

Theo khảo sát ban đầu khi thực hiện Dự án tại 2 xã Minh An, Bình Thuận  cho thấy: có 57,6% phụ nữ, trẻ em cho biết họ đã phải chịu ít nhất một trong các hành vi bạo lực thể chất, tinh thần, tình dục và kinh tế từ trước tới nay; 43,5% phụ nữ, trẻ em cho biết đã trải qua ít nhất một trong các hành vi bạo lực thể chất. 

Anh Trần Quang Hợp - thành viên CLB nhóm nam thật lòng bày tỏ: "Tham gia CLB, tôi đã hiểu biết thêm về pháp luật liên quan tới bạo lực giới. Đã có hiểu biết, nhất là về pháp luật như vậy thì không được phép để mình vi phạm pháp luật. Tôi cũng nhận thức được nhiều điều về bình đẳng giới, thấy mình cần chia sẻ việc nhà với vợ. Bản thân tôi đã có những thay đổi rất nhiều trong suy nghĩ và cả hành động theo hướng tích cực. Cuộc sống gia đình giờ đây tốt hơn trước nhiều”. Theo đánh giá của Ban Quản lý Dự án, làm việc với nam giới, những người có trải nghiệm bạo lực là một thành công ngoài mong đợi trong quá trình thực hiện Dự án. 

Nhằm nâng cao giá trị cuộc sống, trao cơ hội nhiều hơn cho nữ giới, Dự án còn hướng dẫn các thành viên của nhóm nữ đề xuất ý tưởng, sáng kiến phát triển sinh kế của gia đình; mỗi đề xuất sẽ yêu cầu hạch toán kinh tế cụ thể, lợi nhuận mang lại của sáng kiến. Đến nay, 15 sáng kiến của các thành viên đã được phê duyệt với ý tưởng chăn nuôi lợn, trâu, bò tổng trị giá gần 300 triệu đồng. 

Từ việc hỗ trợ sinh kế, Dự án hướng tới mục tiêu thúc đẩy quyền năng hơn cho người phụ nữ trong việc giúp họ có thể tự chủ về mặt kinh tế, tự tin hơn trong cuộc sống, thay đổi cách suy nghĩ về vấn đề bạo lực của mình. 

Đây là dự án đầu tiên can thiệp một cách trực tiếp và có hiệu quả tới thân chủ là nạn nhân bị hại nhằm thay đổi nhận thức trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng. Ban Quản lý Dự án đánh giá, phụ nữ, trẻ em bị bạo lực giới đã được tiếp cận với các dịch vụ trợ giúp, từng bước thoát khỏi bạo lực và xây dựng gia đình phát triển. Dự án sẽ kết thúc vào cuối tháng 9/2022.

Theo chia sẻ của nhiều đối tượng Dự án tiếp cận, nhất là những người trong cuộc của bạo lực giới, thì từ chính những thay đổi của họ, họ mong sao Dự án này hay những dự án tương tự như vậy được nhân rộng, phát triển thêm, để có thêm nhiều người được thay đổi nhận thức, hành vi, thay đổi cuộc sống gia đình. 

Thu Hạnh

Tags Yên Bái Dự án Tổ chức Hagar quốc tế Văn Chấn

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục