Dân An Lương giờ nhiều người giàu thật!

  • Cập nhật: Thứ ba, 5/10/2021 | 7:43:41 AM

YênBái - A Sáu bảo: "Cái nhà này em xây hết 3,2 tỷ đồng. Nếu xây ở trung tâm xã thì được 2 nhà”. A Sáu vẫn còn 4 tỷ đồng gửi ở ngân hàng và anh tiết lộ mình có trên 5 chục héc-ta quế và số tiền trên 7 tỷ đồng kia chỉ vừa khai thác một diện tích nhỏ. Ông Trần Văn Tăng bị bệnh mấy năm nay phải chạy chữa rất tốn kém, vậy mà vẫn đang hoàn thiện ngôi nhà trên 1 tỷ đồng. Nhiều người ở các thôn xa tít của An Lương mà nói đến tiền tỷ cứ nhẹ tênh tênh...

Anh Giàng A Sáu ở thôn Sài Lương 3, xã An Lương (ngồi giữa) bán quế thu một lúc 4 tỷ đồng. Ảnh: Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Chấn kiểm đếm tiền bán quế của anh Giàng A Sáu gửi Ngân hàng.
Anh Giàng A Sáu ở thôn Sài Lương 3, xã An Lương (ngồi giữa) bán quế thu một lúc 4 tỷ đồng. Ảnh: Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Chấn kiểm đếm tiền bán quế của anh Giàng A Sáu gửi Ngân hàng.


Hơn hai chục năm trước, mỗi lần vào Văn Chấn, tôi thường nghe lãnh đạo huyện nói về một xã An Lương xa ngái. Nơi ấy, thiên nhiên thật tươi đẹp. Con người sống thanh bình, hồn hậu trong sắc thái văn hóa truyền thống... Nghe nói, tôi háo hức lắm. Chỉ mong có dịp đến nơi này. Cơ may rồi cũng đến. Ấy là, dịp đầu xuân năm 1998, tôi khai xuân vào Văn Chấn. Đúng lúc, huyện có đoàn công tác về xã và tôi được mời nhập cuộc.

Bấy giờ, đến An Lương chỉ có cách đi bộ từ thị trấn Nông trường Liên Sơn xuôi về cuối ngòi Thia. Chúng tôi khởi hành từ sáng sớm và quá trưa mới tới. Tết vừa xong, nên bà con chưa vào vụ. Bởi thế, vừa đến đầu thôn Bản Mảm, bà con tíu tít đón mời như đón những người thân lâu ngày gặp lại. 

Chủ tịch xã bấy giờ là anh Nồng Văn Nhâm - người Tày. Anh thuộc típ người năng động và thực việc. Biết tôi làm báo ở tỉnh, anh bắt tay thật chặt và bảo: - Vui quá! lần đầu tiên xã được đón nhà báo đến thăm.

Cả chiều hôm ấy, anh Nhâm tất bật khắp nơi để chuẩn bị buổi tối giao lưu văn nghệ phát động Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và hôm sau xã tổ chức lễ cúng miếu làng khai xuân. Đi đâu, Chủ tịch xã cũng kéo tôi cùng đi. Thành thử, vừa đến mà tôi đã cảm nhận được thật nhiều về một vùng đất mới. Kết thúc lễ cúng miếu, anh Nhâm mời tôi về nhà nghỉ. Xung quanh nhà, anh vừa trồng khá nhiều nhãn. 

Anh phân trần: "Dân An Lương chủ yếu làm nông nghiệp theo lối tự cung, tự cấp nên còn khó khăn lắm. Bà con người Tày, người Dao có ruộng, có nương và chăn nuôi gia súc, gia cầm nên còn có cái ăn, chứ người Mông chỉ làm một vụ lúa nương, trồng ít ngô nên thiếu đói lắm. Bởi vậy, huyện định hướng xã phát triển thêm cây nhãn, vì An Lương không có đường lớn, xa trung tâm huyện nên trồng nhãn sau này làm long nhãn vận chuyển tiêu thụ sẽ dễ dàng mà hiệu quả kinh tế lại cao. 

Mạch chuyện chùng xuống giây lát, rồi anh quả quyết: 

- Nhưng mà tớ nghĩ nhiều rồi! An Lương phải trồng quế mới khá lên được!

Tôi tỏ vẻ băn khoăn. Chủ tịch xã lại giãi bày: 

- Việc này hoàn toàn có cơ sở để làm! 

Anh kể về ông Đặng Văn Thông, người Dao ở thôn Tặng Chan có 6 cây quế to được tư thương vừa đổi hẳn chiếc xe Dream Thái (giá xe hồi ấy dao động từ 8 - 10 cây vàng). Một số nhà người Dao khác có ít quế cũng đều có người đến tìm mua. Bên huyện Văn Yên, người Dao nhà nhà trồng quế đều khá cả. Có điều, qua thăm dò mới thấy, để vận động bà con mình trồng quế thì không hề đơn giản.

- Hiệu quả kinh tế như vậy, cớ gì lại khó? - tôi hỏi.

Chủ tịch Nhâm phân tích ngọn ngành. Khó là ở chỗ tâm lý bà con mình từ xưa chưa quen trồng loại cây nào mà phải mất nhiều năm mới được thu. Cái lo lớn nữa của dân là, đường sá không có thì mua bán quế thế nào…? Nhưng mà, phải quyết tâm làm! Không có đường thì đóng bè mảng đưa quế ra Văn Yên. Xi măng, sắt thép, tấm lợp… mình vẫn chở về xã bằng cách ấy.

Từ những trăn trở của anh mà sau này, mỗi khi gặp anh ra huyện công tác, tôi lại hỏi anh về tình hình trồng quế. Anh bảo: 

- Cũng phấn khởi chú ạ! Cấp ủy, chính quyền địa phương nghị quyết mỗi năm phấn đấu trồng một ít. Xã yêu cầu cán bộ, đảng viên phải nêu gương làm trước. Bà con từ chỗ còn nghe ngóng thì dần đua theo khá mạnh. Có điều, trên mấy thôn người Mông còn nan giải lắm!

Vừa rồi, lên thăm bản người Mông, được nghe tỷ phú quế Giàng A Sáu nói rằng, năm 2004 anh bắt đầu trồng quế, không biết bao nhiêu người Mông từ các thôn tò mò đến xem và đều bảo: "Mày trồng cái cây này thì bán ai mua”. 

Nghe thế, tôi mới ngộ thêm biết bao cái khó thuở nào An Lương khởi động phong trào trồng quế như Chủ tịch Nhâm từng giãi bày. Dẫu vậy, từng bước một, xã kiên trì tuyên truyền, vận động, động viên một số nhà làm điểm như gia đình A Sáu, A Phử… 

Đồng thời, quế trồng ở các thôn người Tày, người Dao bắt đầu cho thu hoạch. Vậy là, người Mông rục rịch làm theo. Đến bây giờ, nơi khó nhất ấy lại là nơi bạt ngàn toàn quế, vì người Mông sống ở nơi đất rộng người thưa. Chàng thanh niên tên Giàng A Súa - Bí thư Chi đoàn thôn Sài Lương 3 chở tôi lên thăm bản. Vừa đi vừa trò chuyện, em cho biết mình có 4 ha quế. Xe đi ngang đường bỗng trục trặc, Súa điện cho anh trai quay lại đón tôi và anh trai của Súa cho biết mình cũng có mấy héc-ta. 

- Ai cũng nhiều quế thế thì giàu to nhỉ? - tôi hỏi. 

Anh trai của Súa bảo rằng: 

- Diện tích như thế là bình thường thôi chú ạ! 

Trở về từ Sài Lương 3, tôi ghé thăm anh Nồng Văn Nhâm. Anh đang tất bật bên vườn ươm quế. Anh mới nghỉ hưu được mấy năm. Bao nhiêu kỷ niệm xưa ùa về xen lẫn câu chuyện toàn nói về quế. "Hồi ấy, nhiều hội nghị ở huyện, mình luôn nêu ý kiến cần phát triển cây quế ở các xã vùng cao. Nếu các xã ấy cũng mạnh dạn làm như An Lương thì bây giờ nhiều xã giàu to” - anh Nhâm tỏ bày trong nuối tiếc.

Phải nói, dân An Lương giờ nhiều người giàu thật! Trung tâm xã và trong các thôn rất nhiều nhà xây bạc tỷ đều từ tiền bán quế. Nhiều người ở các thôn xa tít mà nói đến tiền tỷ cứ nhẹ tênh tênh. Ví như, A Sáu bảo rằng: "Cái nhà này em xây hết 3,2 tỷ đồng. Nếu xây ở trung tâm xã thì được 2 nhà”. 

A Sáu vẫn còn 4 tỷ đồng gửi ở ngân hàng và anh tiết lộ mình có trên 5 chục héc-ta quế và số tiền trên 7 tỷ đồng kia chỉ vừa khai thác một diện tích nhỏ. Ngoài A Sáu thì A Phử là người có nhiều quế thứ hai trong vùng người Mông. 

Ông Trần Văn Tăng ở cụm Đá Đen, thôn Khe Chầu bị bệnh mấy năm nay phải chạy chữa khắp nơi và tốn kém rất nhiều tiền. Vậy mà, ông vẫn đang hoàn thiện ngôi nhà trên 1 tỷ đồng. 

- Mình phải bán bao nhiêu quế để xây nhà ạ? - Tôi hỏi. 

Vợ ông Tăng thủng thẳng: 

- Chẳng đáng bao nhiêu, vì quế trồng gần hai chục năm rồi nên bán được giá cao. 

Trong căn biệt thự của anh Đặng Văn Dần cùng ở Khe Chầu đầy đủ tiện nghi đắt tiền như nơi phố thị. Anh cũng chẳng giấu giếm mình đang sở hữu hơn chục héc-ta quế trị giá khá nhiều tỷ đồng.

Kỹ sư nông nghiệp Hoàng Văn Cội - Chủ tịch UBND xã An Lương là người Tày ở xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên. Anh vốn là cán bộ Tỉnh đoàn về xã công tác năm 2003 theo Đề án 600 trí thức trẻ tình nguyện phát triển nông thôn miền núi của Tỉnh đoàn rồi trải qua các chức vụ: Bí thư Đoàn xã, Phó Chủ tịch UBND xã và là người rất tâm huyết với cây quế. Anh cho hay, toàn xã có 800 hộ, 4.045 nhân khẩu. Trong đó, đồng bào Tày 30%, Dao 27%, Mông 27%, còn lại là các dân tộc khác, nhưng ruộng nước chỉ khoảng 10 ha. Bởi vậy, bà con sống chủ yếu dựa vào 2.300 ha quế. Trong đó, 40% diện tích đã cho khai thác. Mọi nhà đều có quế. Nhà ít có vài nghìn cây, còn phổ biến có một vài héc-ta. Bình quân mỗi năm xã thu nhập từ quế vỏ thấp nhất cỡ 30 tỷ đồng trở lên, chưa kể nguồn thu rất lớn từ gỗ, lá quế và quế giống. 

Theo cách tính của dân địa phương, nếu ai có 1 ha quế là đã có thể cầm tiền tỷ. Cách trồng quế cũng đã nhiều thay đổi và không trồng thưa 4.000 - 5.000 cây/ha như trước, mà trồng dày đến gấp đôi. Quế không khai thác trắng một lần mà đến năm thứ 3 trở đi sẽ tỉa bớt những cây chậm lớn bán cho nhà máy chưng cất tinh dầu. Từ năm thứ 5 trở đi, quế được tỉa thưa dần để bán vỏ, lá là đủ tiền chi tiêu cho cuộc sống. Khi quế được gần 2 chục năm tuổi, mỗi héc - ta chỉ cần giữ từ 1.500 đến 2.000 cây to, với giá bán ngót triệu đồng/cây như hiện tại thì sẽ có một khoản tiền rất lớn.

Giá trị kinh tế của cây quế lớn như vậy, nhưng cấp ủy, chính quyền xã vẫn đang triển khai và ấp ủ nhiều giải pháp nâng tầm cây quế hơn nữa. Theo đó, bằng nhiều nỗ lực thu hút, hiện xã mời được một doanh nghiệp đến đầu tư nhà máy chưng cất tinh dầu. 

Đồng thời, xã tập trung sản xuất quế hữu cơ để được thụ hưởng các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất của tỉnh và hướng tới tham gia hiệp hội quế, có chỉ dẫn địa lý về cây quế… tạo thuận lợi cho liên kết tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm. Cùng đó, với cả trăm hộ có nghề ươm quế, xã sẽ phát huy lợi thế nguồn gen quý về chất lượng giống quế An Lương đang được nhiều tỉnh ưa chuộng để phát triển thành trung tâm cung ứng quế giống… 

 

Tỷ phú Giàng A Sáu ở thôn Sài Lương 3, xã An Lương trao đổi về hiệu quả kinh tế của cây quế với bà con người Mông huyện Trạm Tấu đến tham quan. 

Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Cội còn cho hay: Để cây quế phát triển bền vững và sức nóng kinh tế của nó không phá vỡ môi trường rừng, cấp ủy, chính quyền xã quyết liệt cắm mốc giới khoanh vùng khu vực trồng quế. Do vậy, con thác Da Dé tầng tầng nấc nấc quanh năm rì rầm chảy. 

Suối Tặng Chan trong mát là bến tắm của nhiều thôn. Rừng tự nhiên có vô số sản vật như: dược liệu, măng sặt, măng nứa… Bởi thế, khi có dự án mở đường nối từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi vào thị xã Nghĩa Lộ, có 6 km đi qua xã gồm cả một đoạn cầu sàn bê tông gần 1 km vắt qua lòng hồ thủy điện Văn Chấn rộng hơn chục héc-ta, khiến An Lương đang ấp ủ bao dự định và háo hức đợi chờ cơ hội trở thành cửa ngõ vùng du lịch phía Tây Yên Bái. 

Theo đó, cấp ủy, chính quyền xã sẽ nỗ lực từng bước hướng tới làm du lịch để dẫn du khách đến với các bản nhà sàn trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo của bà con các dân tộc; được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên; được đắm mình trong dòng suối mát… Xã cũng sẽ khuyến khích phát triển các mô hình: nuôi lợn đen bản địa, gà Mông… để những sản phẩm ấy cùng măng sặt, măng nứa, các vị thuốc quý của người Tày, người Dao, đồ lưu niệm chế tác từ quế… sẽ là thứ quà không thể thiếu với du khách khi qua An Lương đi khắp mọi miền đất nước.

Có một con đường êm thuận, tài nguyên thiên nhiên phong phú, tiềm lực kinh tế mạnh, bản sắc văn hóa Tày, Dao, Mông độc đáo. Đặc biệt, có lớp lớp cán bộ, đảng viên luôn nghĩ trước những điều có lợi cho dân và điều gì có lợi cho dân thì quyết làm cho kỳ được. Chắc chắn, miền quê tỷ phú này còn vươn xa hơn nữa.      
                                                                                                        
Hoàng Nhâm

Tags Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa An Lương chăn nuôi gia súc gia cầm trồng quế tuyên truyền vận động

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục