Không biết từ bao giờ, khèn đã trở thành biểu tượng văn hóa của người Mông, được cộng đồng người Mông dù ở bất kỳ nơi nào gìn giữ như một báu vật truyền đời. Có hàng trăm bài khèn, cách thể hiện, biểu diễn khèn khác nhau. Khèn là loại nhạc cụ có kết cấu cầu kỳ, chi tiết tỉ mỉ, tuổi thọ sử dụng ngắn. Thế nhưng, trước những đổi thay và những ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại, người biết chế tác, thổi khèn, múa khèn dần ít đi theo thời gian...
|
Một "hồn cốt” của dân tộc...
Đối với người Mông, tiếng khèn có ý nghĩa quan trọng, gắn liền với đời sống hàng ngày. Khèn góp mặt từ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, lao động, sản xuất đến cưới hỏi, hội hè, tâm linh... Tiếng khèn đã ngấm vào xương, vào máu, thân thuộc như bát cơm, chén rượu. Tiếng khèn, các vũ điệu khèn là món ăn tinh thần không thể thiếu, là một loại "gia vị” đặc biệt làm nên sự thành công của mọi lễ hội người Mông.
Tiếng khèn đã kết nối tơ duyên cho biết bao chàng trai, cô gái nên duyên vợ chồng. Tiếng khèn là nguồn an ủi, động viên, sẻ chia trong các cuộc tiễn đưa, chia ly, từ biệt. Tiếng khèn thay lời chào, lời tri ân sâu sắc.
Tiếng khèn thể hiện ý chí, tinh thần, nghị lực chinh phục tự nhiên của người Mông. Người Mông hiện nay sử dụng khèn phổ biến nhất khi có đám tang, đám giỗ. Tiếng khèn là sự kết nối âm dương, lời nhắn nhủ, gửi gắm, dặn dò cuối cùng của người sống dành cho người đã khuất về các tôn ti, trật tự, nghi thức, nghi lễ.
Theo ông Thào Chù Vàng ở bản Nậm Pảng, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải - một trong số ít người còn am hiểu về khèn ở vùng người Mông huyện Mù Cang Chải: Trong đám tang có trên 400 bài khèn, đám giỗ có trên 20 bài khèn. Trong đời sống văn hóa, văn nghệ, múa khèn được coi là linh hồn của người Mông.
Tiếng khèn thể hiện tiếng lòng với bạn bè, cộng đồng, với thiên nhiên, núi rừng. Khèn văn nghệ cũng có hàng trăm bài khèn với các nhóm như: khèn làm dâu, khèn khai xuân... Tiếng khèn, điệu nhảy luôn vui nhộn, nhẹ nhàng, trong trẻo.
Đối với việc thổi khèn, múa khèn được lưu truyền phổ thông, công khai nhưng do nội dung nhiều, dài, rộng và yêu cầu độ điêu luyện cao nên cũng không có mấy người học, tập, lĩnh hội được hết tinh hoa.
Nghệ nhân Ưu tú Giàng A Su ở tổ dân phố 1, thị trấn Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu chia sẻ: "Để trở thành nghệ nhân khèn là phải thuộc hàng trăm bài khèn kết hợp vừa thổi vừa múa thành thạo, nhuần nhuyễn theo các điệu như: nhảy đưa chân, quay tại chỗ, đổi chỗ, vờn khèn, ngồi xổm đi tiến, đi lùi các hướng, quay hất gót tại chỗ và quay hất gót di động trên vòng quay lớn rồi thu hẹp dần theo hình xoắn ốc, lăn nghiêng, ngửa, đá gà, đá ngựa, tay nọ vỗ vào chân kia và ngược lại... mà tiếng khèn vẫn không dứt, vẫn đúng bài, đúng nhịp và đỉnh cao là thổi khèn đi trên cầu dây. Chưa kể là phải tách được bài, thể, chuyển bài, chuyển thể rõ ràng nên học thổi khèn Mông rất khó, dù học nhiều cũng khó có thể am hiểu, nhớ hết được”.
Bởi vậy, người học thổi khèn phải kiên trì trải qua một quá trình rèn luyện công phu, kết hợp "3 trong 1”: trí nhớ, động tác, hơi thở và phải là người khỏe mạnh, dẻo dai, có năng khiếu, kỹ năng trong lấy hơi, rèn khí để hơi thở được sâu, dài, đều.
Múa khèn trong ngày khai mạc Festival Dù lượn "Bay trên mùa vàng” ở huyện Mù Cang Chải năm 2019.
... Chế tác cầu kỳ, nguyên liệu của núi rừng
Khèn Mông thân làm bằng gỗ, khoan rỗng bên trong. Phần bầu khèn khoan 6 lỗ vuông góc với thân khèn để gắn 6 ống trúc có độ lớn, nhỏ và dài, ngắn khác nhau. Trên mỗi ống trúc, ở phần giấu trong bầu thân khèn có gắn một lưỡi gà bằng đồng mỏng để tạo ra âm thanh. Trên mỗi ống trúc, tại phần giáp bầu khèn cũng dùi một lỗ để dùng ngón tay điều chỉnh âm điệu. Với kết cấu đó, có thể thổi ra hay hít vào khèn đều phát ra âm thanh.
Khèn là loại nhạc cụ đa thanh, khi thổi nhiều ống trúc có thể phát ra âm thanh cùng lúc, tùy chỉnh làm cho âm thanh lúc cao vút trong trẻo, khi trầm vọng, thiết tha làm say đắm lòng người. Từng vùng miền, nhóm Mông mà có cách thể hiện khèn khác nhau, song đều chung là tiếng khèn vui thì âm thanh cao vút trong trẻo, bay bổng khiến người nghe hưng phấn, rạo rực; tiếng khèn buồn thì âm thanh chậm và trầm lắng, khiến người nghe xúc động, bồi hồi. Khèn được lưu truyền trong đời sống người Mông từ ngàn đời nay với hai khâu độc lập gồm chế tác và thổi, múa.
Chế tác khèn thường được lưu truyền nhờ bí quyết gia truyền. Khèn chủ yếu được chế tác bằng phương pháp thủ công, chi tiết rất tỉ mỉ nên đòi hỏi người làm phải có năng khiếu, kiên trì, nắn nót trong từng đường cắt, mũi giũa thì mới có được sản phẩm chất lượng cao.
Đối với nguyên liệu, trước đây rất thiếu đồng để làm lưỡi gà nên các nghệ nhân luôn phải tiết kiệm. Ngày nay, công nghệ phát triển, có sẵn đồng thì lại thiếu cây trúc, thân gỗ làm bầu dẫn đến việc sản xuất khèn cũng gặp nhiều khó khăn.
Với một cây khèn chất lượng, ngoài tính thẩm mỹ cần phải có âm thanh chuẩn, bền mới được khách hàng ưa chuộng. Từ nhiều khó khăn, hạn chế đó mà không ít người chế tác khèn phải bỏ nghề vì công, chi phí làm ra một chiếc khèn cao nhưng sản phẩm làm ra không bán được.
Hiện nay, ở huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu cũng chỉ còn khoảng 5 người vẫn đang làm nghề chế tác khèn. Trong đó, ông Thào Cáng Súa ở bản Sáng Nhù, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Sản phẩm khèn của ông được người sử dụng đánh giá cao về chất lượng và thẩm mỹ.
Mai một theo thời gian
Hiện nay, trong cộng đồng người Mông ở huyện Trạm Tấu, số người còn biết thổi khèn, múa khèn, lưu giữ được tinh hoa của khèn chỉ còn đếm trên đầu ngón tay và họ đều đã ở độ tuổi xế chiều. Lớp càng trẻ càng ít người biết, có một số người cũng biết nhưng chỉ biết một phần nhỏ trong các nội dung, đặc biệt lớp trẻ 15 - 20 tuổi gần như không còn ai biết thổi khèn. Vùng người Mông ở huyện Mù Cang Chải cũng chung tình trạng.
Ông Thào Chù Vàng ở bản Nậm Pảng, xã Nậm Có trăn trở: "Cứ đà này vài năm nữa, lớp trẻ có còn ai biết khèn nữa không, khèn sẽ đi về đâu khi chính người Mông cũng không còn biết thổi, múa khèn. Tôi biết khèn nhưng các con, các cháu không ai chịu học nên đều không biết. Bây giờ, trong vùng này, những người trên 70 tuổi như tôi phần lớn đều biết khèn. Riêng những người am hiểu về khèn như tôi, cả xã còn khoảng 6 cụ. Lớp 50 - 60 tuổi, mỗi bản có hơn chục người biết về khèn rồi lớp trẻ dưới 30 tuổi, xã có 3 - 4 người biết khèn nhưng chưa biết nhiều, chưa biết hết. Lớp dưới 20 tuổi thì không nhìn thấy người nào thổi khèn nữa”.
Khèn Mông là loại nhạc cụ có tính đặc trưng, riêng biệt về cấu tạo, âm thanh cũng như cách sử dụng theo bài cụ thể. Để khèn Mông tiếp tục được sử dụng đúng bản chất là loại nhạc cụ độc đáo vừa gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Mông trong tương lai thì cần lắm sự chung tay, vào cuộc ngay từ bây giờ của cộng đồng người Mông!
A Mua
Bài 2: Bảo tồn phải gắn với thực tiễn