Cho tiếng khèn mãi ngân vang - Bài 2: Bảo tồn phải gắn với thực tiễn

  • Cập nhật: Thứ năm, 21/10/2021 | 7:29:49 AM

YênBái - Cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chỉ đạo của tỉnh Yên Bái và sự nỗ lực thực hiện của các cấp, ngành, địa phương trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thì hơn hết, chính mỗi người Mông phải cùng nâng cao ý thức, trách nhiệm, tạo cơ hội, động viên thế hệ trẻ tích cực học tập, gìn giữ, phát huy giá trị đặc sắc, độc đáo của khèn Mông phù hợp với hoạt động thực tiễn của đời sống xã hội.

Nghệ nhân Thào Cáng Súa (ngoài cùng, bên phải) ở bản Sáng Nhù, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải chế tác khèn.
Nghệ nhân Thào Cáng Súa (ngoài cùng, bên phải) ở bản Sáng Nhù, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải chế tác khèn.


Động lực mới từ quyết sách đúng đắn

Tỉnh Yên Bái xác định việc phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc là sức mạnh làm nên giá trị riêng có của từng địa phương, là động lực trong tiến trình phát triển và hội nhập. Những năm qua, tỉnh đã có các chính sách khuyến khích nhân dân các dân tộc bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Giai đoạn 2015 - 2020, ngành văn hóa Yên Bái đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh bảo tồn, phát triển và khôi phục nhiều nghề truyền thống. 

Tại hai huyện có đông đồng bào Mông sinh sống là Mù Cang Chải và Trạm Tấu, cùng với sự phát triển các nghề: rèn, chạm khắc bạc, se lanh, dệt vải thì nghề chế tác khèn, học thổi và múa khèn Mông được chú trọng. Bên cạnh đó, khai thác những giá trị văn hóa tiêu biểu của các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, tạo sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút du khách là một trong những hướng đi Yên Bái ưu tiên thực hiện và đã bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. 

Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh Yên Bái, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra 1 trong 7 nhiệm vụ trọng tâm là "Khơi dậy khát vọng vươn lên, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa và xây dựng con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”, tạo nền tảng, sức mạnh cho sự nghiệp đổi mới, phát triển của tỉnh. Tại Kỳ họp thứ XXI, Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã ban hành Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. 

Trong đó, tại điều 11, 12, 13, 14 của mục 3 đã nêu rõ về các điều kiện, nội dung, mức, cơ chế hỗ trợ phát triển tài nguyên du lịch. Theo đó, các huyện, thị căn cứ theo điều kiện xây dựng các nội dung phù hợp. Đối với hai huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu, các nội dung về gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Mông cũng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy và phát triển giá trị văn hóa đặc sắc, độc đáo của khèn Mông. 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 37-KH/TU ngày 09/6/2021 xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” đã đề ra mục tiêu tổng quát: "... phát huy giá trị, bản sắc văn hóa, ý chí tự lực tự cường, yêu quê hương, đất nước, thấm nhuần tinh thần dân tộc, vừa mang đặc trưng văn hóa, con người Việt Nam vừa thấm đậm nét riêng của con người Yên Bái, sẵn sàng cùng cộng đồng xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. 

Một trong những nhiệm vụ chung được nêu ra là: "Chú trọng giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, những phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc”, trong đó cũng đặt ra yêu cầu đối với thế hệ trẻ: "... có ý thức giữ gìn và bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc”. 

Nhân rộng mô hình, tạo môi trường văn hóa đa dạng 

Đồng bào Mông ở Yên Bái chiếm trên 13% dân số toàn tỉnh, chủ yếu sống ở hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Từng bước thu hút giới trẻ người Mông tham gia học khèn, ngoài cách học truyền thống thì hiện nay tại Trạm Tấu và Mù Cang Chải múa khèn được đưa vào luyện tập thường xuyên trong hoạt động văn hóa, văn nghệ tại các trường bán trú, nội trú THCS có phần lớn học sinh người Mông. Mặc dù chỉ mới dừng lại ở việc sử dụng khèn làm đạo cụ múa nhưng đây cũng là cách khơi gợi, giúp các em thêm hiểu biết về văn hóa khèn, nghệ thuật khèn. Thông qua các hoạt động này cũng có thể phát hiện những em có năng khiếu, sở thích học khèn. 

Điển hình như Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Mù Cang Chải trong hoạt động ngoại khóa đã cho các em trải nghiệm, khám phá những giá trị văn hóa dân tộc Mông. Ngoài làm quen với các sản phẩm, nghề truyền thống và tuyên truyền, phổ biến giá trị văn hóa đặc sắc, nhà trường đã tổ chức mời nghệ nhân đến dạy thổi khèn cho học sinh. 



Những tiết mục múa khèn được dàn dựng rất công phu nhưng khèn chỉ là đạo cụ phụ họa nên còn thiếu tính hấp dẫn và đặc sắc. 

Thầy giáo Giàng A Của - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Mù Cang Chải cho biết: "Góp phần bảo tồn, gìn giữ văn hóa đặc sắc của dân tộc Mông, đặc biệt là văn hóa khèn, nhà trường đã chú trọng tuyên truyền về các nét đẹp, giá trị truyền thống của văn hóa dân tộc Mông trong các buổi ngoại khóa, giúp các em học sinh sớm ý thức về tầm quan trọng của văn hóa truyền thống. Trường cũng đã thành lập các câu lạc bộ khèn, đàn môi, sáo, nhị để các em có thể tập luyện theo nhóm có chung sở thích, năng khiếu. Riêng với khèn vẫn chủ yếu tập múa khèn trên nền nhạc và sử dụng khèn làm đạo cụ múa, còn học thổi khèn và múa khèn truyền thống thì có 1 nhóm 10 em tham gia học”. 

Hoạt động văn hóa, văn nghệ được xem là môi trường tốt cho học khèn bởi ở đây, các nghệ nhân, diễn viên có nhiều cơ hội cùng nhau tìm hiểu, luyện tập, biểu diễn và trao đổi, học hỏi lẫn nhau. Hiện nay, ở 23 xã của 2 huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu có đồng bào Mông sinh sống, địa phương nào cũng có đội văn nghệ và có tiết mục múa khèn, chưa kể còn nhiều đội ở các thôn, bản cũng có tiết mục múa khèn nên nhân lực để học khèn tương đối dồi dào. Nhờ đó, từ việc chỉ dùng khèn làm đạo cụ múa phụ họa, nhiều người cũng dần đầu tư thời gian học thổi, múa khèn truyền thống. 

Ở thôn Xá Nhù, xã Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu, nghệ nhân Giàng A Tủa đã kết hợp hài hòa giữa múa khèn văn nghệ với múa khèn truyền thống để thu hút thanh niên học khèn. Nghệ nhân Giàng A Tủa chia sẻ: "Thu hút các bạn trẻ học khèn truyền thống, tôi đã thay đổi cách thể hiện một số bài khèn phù hợp với cuộc sống hiện đại cho các cháu học để đi biểu diễn văn nghệ. Khi đã hiểu các quy luật hợp âm, tách âm thành thạo, thuộc nốt nhạc khèn sẽ giúp các cháu có động lực học hơn. Tôi luôn đồng hành với các học viên để chỉnh, nắn những chỗ chưa đúng, chưa chuẩn và tạo cơ hội cho học viên được trải nghiệm thực tế mỗi khi địa phương có công việc cũng như tham gia biểu diễn văn nghệ trong các lễ hội của xã, huyện. Hiện có gần chục thanh niên trong thôn thường xuyên đến học khèn ở nhà tôi”.

Việc nhân rộng mô hình học khèn Mông gắn với sinh hoạt văn hóa, văn nghệ ở các địa phương đòi hỏi các nghệ nhân, người am hiểu về khèn cần sáng tạo, đổi mới hình thức thể hiện, cách dạy phù hợp. Các điểm du lịch cộng đồng cũng cần quan tâm xây dựng sản phẩm du lịch, quà lưu niệm và tăng cường hoạt động trình diễn, cho du khách trải nghiệm sinh hoạt văn hóa dân tộc Mông. 

Duy trì hoạt động thường niên, Yên Bái tổ chức các hội diễn văn nghệ quần chúng, Lễ hội khám phá Di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Ruộng bậc thang Mù Cang Chải… và đặc biệt là năm 2019 tổ chức sự kiện "Giới thiệu sắc màu văn hóa Mông Yên Bái” ở Hà Nội tạo môi trường tốt để đồng bào Mông, nhất là thế hệ trẻ thêm tự hào và khơi dậy ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. 

Để công tác bảo tồn giá trị khèn Mông hiệu quả hơn nữa, cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và các địa phương, mỗi người Mông cũng cần thay đổi tư duy, nâng cao trách nhiệm để cho tiếng khèn mãi ngân vang.
A Mua

Tags Mù Cang Chải khèn Mông văn hóa dân tộc Mông gìn giữ giá trị đặc sắc độc đáo

Các tin khác
Bí thư Huyện ủy Yên Bình An Hoàng Linh trao hỗ trợ lợn giống cho gia đình anh Hoàng Văn Hợi, thôn Ngòi Sọng, xã Xuân Long.

Hiện, tỉnh đang duy trì phân công 51 sở, ban, ngành, tổ chức hội, đoàn thể hỗ trợ, giúp đỡ 1.072 hộ nghèo tại 59 xã đặc biệt khó khăn và 5 xã có thôn đặc biệt khó khăn thoát nghèo. 8 tháng năm 2021, các đơn vị đã giúp đỡ các hộ nghèo với tổng kinh phí trên 896 triệu đồng.

Tiếng khèn không thể thiếu trong các lễ hội. Trong ảnh: Màn đưa lễ Cúng rừng ở xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên.

Đối với người Mông, tiếng khèn có ý nghĩa quan trọng, gắn liền với đời sống hàng ngày. Khèn góp mặt từ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, lao động, sản xuất đến cưới hỏi, hội hè, tâm linh... Tiếng khèn đã ngấm vào xương, vào máu, thân thuộc như bát cơm, chén rượu. Nhưng khèn sẽ đi về đâu khi chính người Mông cũng không còn biết thổi, múa khèn?

Chị Nguyễn Thị Khuyên - Giám đốc Công ty TNHH Ngói màu Nasaki Việt Nam (thứ ba, trái sang) chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh với các nữ doanh nhân.

Khát khao, tự tin và nỗ lực - họ dù là đã, đang hay vẫn còn đi qua nhiều thử thách nữa để chạm đến thành công, mơ ước nhưng đều đã là người viết lên câu chuyện của những người phụ nữ và khát vọng vươn lên, những nữ doanh nhân và gần như thế.

Đoàn viên thanh niên Công an huyện Văn Yên tặng quà các bệnh nhi điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Văn Yên nhân dịp tết Trung thu.

Cuối tháng Tám, giữa thu, tiết trời vẫn oi nồng, nhưng cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Văn Yên đều hăng hái trong “Ngày thứ 7 cùng dân” quyết tâm để nhà văn hóa thôn Trạng Xô, xã Châu Quế Thượng có cái sân rộng rãi, bền chắc, bà con có nơi hội họp và nhất là duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục