Nghĩa Lộ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ - Bài 1: Bồi đắp niềm tự hào

  • Cập nhật: Thứ ba, 2/11/2021 | 2:04:07 PM

YênBái - Giáo dục, bồi đắp lý tưởng cách mạng; khơi gợi, phát huy lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc; trân quý, giữ gìn và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của các tổ chức Đoàn, ngành giáo dục - đào tạo mà còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và xã hội.

Học sinh trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ thường xuyên thăm viếng tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Khu di tích lịch sử Căng và Đồn Nghĩa Lộ.
Học sinh trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ thường xuyên thăm viếng tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Khu di tích lịch sử Căng và Đồn Nghĩa Lộ.

Ở thị xã Nghĩa Lộ, giáo dục truyền thống lịch sử và cách mạng cho thế hệ trẻ đã phát huy được vai trò của các thiết chế, các di tích lịch sử, văn hóa, giúp giáo dục truyền thống ngày càng đi vào chiều sâu và thể hiện bằng những tình cảm, kết quả học tập, rèn luyện cụ thể của tuổi trẻ thị xã.

Đã thành thông lệ, trong mỗi năm học, cứ vào dịp kết nạp đoàn viên là Đoàn trường THPT Nghĩa Lộ lại tổ chức lễ kết nạp trang trọng tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nội dung: dâng hương báo công lên Bác, hát Quốc ca, Đoàn ca, báo cáo về quá trình tu dưỡng rèn luyện; biểu dương, khen thưởng các đoàn viên ưu tú, có thành tích xuất sắc. 

Bạn Phan Diệp Anh - lớp 11A1 được kết nạp Đoàn mới đây bày tỏ: "Em rất xúc động khi được kết nạp Đoàn tại Khu tưởng niệm Bác. Em càng xúc động hơn khi được tìm hiểu thêm về thân thế, sự nghiệp của Bác, nhất là tình cảm của Bác dành cho đồng bào dân tộc miền núi, bối cảnh và lời căn dặn của Bác khi thăm Yên Bái. Với lòng biết ơn vô hạn đối với Bác, em luôn nhắc nhở mình làm theo lời dạy của Bác, phấn đấu học tập và rèn luyện để trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội.” 

Hàng năm, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh phối hợp với ngành giáo dục - đào tạo và các nhà trường tổ chức lễ kết nạp Đoàn, kết nạp Đội cho gần 1.000 đoàn viên, đội viên mới; phối hợp tổ chức các buổi tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh và giới thiệu về Khu di tích lịch sử Căng và Đồn Nghĩa Lộ cho học sinh với hình thức phong phú nhân dịp Quốc Khánh 2/9, Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4, Ngày giải phóng Nghĩa Lộ 18/10, Ngày Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, Ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5... 

Chị Nguyễn Thị Như Quỳnh - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Văn hóa thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Trung tâm đã tham mưu và quan tâm sửa chữa tôn tạo Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Khu di tích lịch sử Căng và Đồn Nghĩa Lộ; làm các panô ảnh tuyên truyền theo từng chủ đề, nhất là chủ đề về thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ đề về xây dựng Đảng; cử tuyên truyền viên phối hợp với các nhà trường làm thuyết minh viên các chủ đề các di tích để học sinh tự hào hơn về truyền thống quê hương, đất nước”. 

Ngành giáo dục - đào tạo thị xã Nghĩa Lộ ngoài việc phối hợp giáo dục truyền thống cách mạng, văn hóa cho thế hệ trẻ gắn với các địa điểm, di tích lịch sử còn đặc biệt quan tâm lồng ghép giáo dục trong các bộ môn học như Lịch sử, Văn học, Địa lý, Giáo dục công dân và các hoạt động ngoại khóa...

Trường Tiểu học & THCS Lý Tự Trọng là một trong những nhà trường có nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho học sinh như lồng gắn trong các hoạt động ngoại khóa, đại hội chi đội, đại hội liên đội và đặc biệt là các hoạt động trải nghiệm tại các di lích lịch sử, văn hóa. 



Nhiều trường học trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ tranh thủ triển lãm tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức cho học sinh tìm hiểu thân thế, sự nghiệp về Người. 

Cô giáo Phạm Thị Thanh Hiền - giáo viên nhà trường cho biết: "Nhà trường gần với các khu di tích lịch sử trên địa bàn nên thuận tiện cho các hoạt động trải nghiệm của học sinh tại đây. Bởi vậy, giáo viên chúng tôi rất tích cực đầu tư cho các hoạt động trải nghiệm cùng các em học sinh tại các địa điểm này. 

Các tiết học trải nghiệm kiến thức lịch sử về khu di tích luôn khiến các em học sinh yêu thích, hào hứng tham gia trả lời câu hỏi, viết bài, làm powerpoint trình chiếu, video về khu di tích. Từ đó, các em không chỉ có thêm kiến thức về lịch sử địa phương mà còn tự hào về quê hương mình”. 

Với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội của thanh niên, Thị đoàn Nghĩa Lộ thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ đầy ý nghĩa như: các chương trình hoạt động ngoại khóa tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; lễ thắp nến tri ân nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7; chương trình tìm địa chỉ đỏ; các chương trình về nguồn tham quan, giới thiệu các di tích lịch sử như đền Cầm Hánh, thành Viềng Công, điểm di tích Nậm Tốc Tát... 

Anh Sầm Văn Chiến - Bí thư Thị đoàn Nghĩa Lộ cho biết: Với chủ đề "Thiếu nhi Nghĩa Lộ tự hào truyền thống, tiến bước lên Đoàn", hàng năm, Thị đoàn Nghĩa Lộ đã hướng dẫn tổ chức nhiều hoạt động Đoàn, Đội ý nghĩa. Mỗi năm học, 100% liên đội tổ chức cho các em đội viên, thiếu nhi đến với địa chỉ đỏ; tổ chức đến dâng hương tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; tham quan và tìm hiểu lịch sử Khu di tích lịch sử Căng và Đồn Nghĩa Lộ; tổ chức hát Quốc ca tại các địa chỉ đỏ. 

"100% Liên đội có hoạt động, công trình, phần việc chào mừng kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, tiêu biểu như: công trình khu nhà vệ sinh tự quản, cổng trường hoa, bồn hoa "Nghìn việc tốt”, "Vườn rau của em”..." - anh Chiến thông tin. 

Theo chỉ đạo của Thị ủy Nghĩa Lộ, hàng năm, nhân dịp ngày 2/9, các chi, đảng bộ cơ sở đều tổ chức dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Bác và báo công lên Bác tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thị ủy Nghĩa Lộ cũng tổ chức các đợt phát động và các chương trình sơ kết, tổng kết thực hiện Chỉ thị số 03 về  tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Chỉ thị số 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Bộ Chính trị tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh để nhân thêm ý nghĩa của việc học và làm theo Bác. 

Thị ủy và chính quyền thị xã Nghĩa Lộ đã đặc biệt ưu tiên, quan tâm đầu tư, nâng cấp tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng và văn hóa trên địa bàn như: Căng và Đồn Nghĩa Lộ, Khu ủy Tây Bắc, thành Viềng Công, đền Cầm Hánh... tạo thêm môi trường, điều kiện để cho các hoạt động gìn giữ, giáo dục truyền thống lịch sử và cách mạng tại địa phương. 

Thị ủy Nghĩa Lộ cũng đã chỉ đạo 100% cơ quan, đơn vị tổ chức chào cờ vào sáng thứ 2 hàng tuần. Những hoạt động này đã có tác động sâu sắc tới thế hệ trẻ trên địa bàn thị xã, nhất là việc bồi dưỡng phát triển đảng viên mới trong đoàn viên thanh niên.

Bằng cách này hay cách khác, từ những hoạt động thường xuyên hay thời điểm, từng chút một, truyền thống lịch sử và cách mạng dần được ngấm vào nhận thức, vun đắp ý thức tự hào trong thế hệ trẻ thị xã Nghĩa Lộ, để những người trẻ thêm trân quý những giá trị ấy, biết sống xứng đáng với truyền thống được vinh hạnh kế thừa, bằng những việc làm, hành động cụ thể, thiết thực. 

Thu Hạnh
(Bài 2: Xứng đáng với cha anh)

Tags Nghĩa Lộ giáo dục chất lượng giáo dục học sinh giỏi niềm tự hào giá trị lịch sử văn hóa truyền thống

Các tin khác
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Mù Cang Chải háo hức khi được thỏa sức sáng tạo trong giờ học môn Mỹ thuật.

Lấy học sinh làm trung tâm của hoạt động giáo dục, đáp ứng tốt nhu cầu, quyền được học tập, giáo dục, rèn luyện một cách toàn diện, xây nên những ngôi trường mà ở đó chỉ có tình yêu thương, niềm vui giữa thầy trò, bè bạn dành cho nhau… là mục tiêu mà các trường học trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực thực hiện để “xây” nên những trường học hạnh phúc, nơi luôn có sự "yêu thương, an toàn và tôn trọng”.

Trưởng thôn Triệu Văn Tài trao đổi với lãnh đạo xã và người dân thôn Khe Sán về phát triển cây quế.

Hơn 10 năm làm trưởng thôn, gánh vác trọng trách của “người vác tù và hàng tổng”, Trưởng thôn Triệu Văn Tài không quản ngại gian khó, lặn lội đến tận những hang cùng, ngõ hẻm để vận động đồng bào xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu, tập trung xây dựng đời sống, phát triển kinh tế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Nghệ nhân Thào Cáng Súa (ngoài cùng, bên phải) ở bản Sáng Nhù, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải chế tác khèn.

Cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chỉ đạo của tỉnh Yên Bái và sự nỗ lực thực hiện của các cấp, ngành, địa phương trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thì hơn hết, chính mỗi người Mông phải cùng nâng cao ý thức, trách nhiệm, tạo cơ hội, động viên thế hệ trẻ tích cực học tập, gìn giữ, phát huy giá trị đặc sắc, độc đáo của khèn Mông phù hợp với hoạt động thực tiễn của đời sống xã hội.

Bí thư Huyện ủy Yên Bình An Hoàng Linh trao hỗ trợ lợn giống cho gia đình anh Hoàng Văn Hợi, thôn Ngòi Sọng, xã Xuân Long.

Hiện, tỉnh đang duy trì phân công 51 sở, ban, ngành, tổ chức hội, đoàn thể hỗ trợ, giúp đỡ 1.072 hộ nghèo tại 59 xã đặc biệt khó khăn và 5 xã có thôn đặc biệt khó khăn thoát nghèo. 8 tháng năm 2021, các đơn vị đã giúp đỡ các hộ nghèo với tổng kinh phí trên 896 triệu đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục