Năm 2018, chị Ngô Thị Liên ở xã Việt Thành (Trấn Yên) là 1 trong 10 thanh niên tiêu biểu của cả nước nhận giải thưởng "Thanh niên sống đẹp". Lúc ấy, chị là Trưởng ban Điều phối mạng lưới Hoa hướng dương (HHD) Việt Nam (7 tỉnh phía Bắc) thuộc Dự án hỗ trợ phụ nữ dễ bị tổn thương Việt Nam với mục đích trở thành nơi chia sẻ, giúp đỡ về sức khỏe, kinh tế và nâng cao năng lực cho phụ nữ nhiễm HIV trên địa bàn.
Chị là người nhiễm "H" và HHD là tổ chức xã hội đầu tiên mà sự tài trợ được chuyển thẳng đến những người đứng đầu cộng đồng nhóm. Ban Điều phối được thành lập trở thành nhóm những người quản lý, xây dựng các hoạt động dựa trên nhu cầu, ý kiến của các thành viên.
Chị Liên bày tỏ: "Tại sao người nhiễm "H" lại bị kỳ thị? Phải chăng vì HIV là căn bệnh xã hội, là tượng trưng cho nhóm người xấu trong xã hội. Nếu đã vậy, những người nhiễm "H" càng phải sống tốt hơn, quan tâm giúp đỡ mọi người trong khả năng của mình, sống lành mạnh, sống có ích để xóa bỏ rào cản và sự kỳ thị của cộng đồng".
Với suy nghĩ ấy, chị nỗ lực để trở thành người có ích cho xã hội. Cách sống ấy của chị cũng được lan tỏa đến những thành viên trong mạng lưới HHD. Trách nhiệm với công việc, một năm ít nhất 2 lần, chị Liên đều vượt qua mọi chặng đường để đến với 14 nhóm HHD ở 7 tỉnh phía Bắc. Mỗi nơi chị đến là mỗi câu chuyện, mỗi phận người nhiễm "H" với vô vàn khó khăn. Công việc của chị là trợ giúp chính đáng và chính xác cho những đối tượng ấy.
Kết thúc mỗi một năm, ngoài việc báo cáo hoạt động của năm trước, chị còn phải xây dựng kế hoạch, phân bổ nguồn lực, dự kiến các khoản cần hỗ trợ cho năm tiếp theo. Kế hoạch ấy được thuyết trình công khai và cần nhận được sự chấp thuận của nhà tài trợ để có thể duy trì. Tất cả đều cần sự nỗ lực, trách nhiệm của chị và Ban Điều phối để mạng lưới HHD tiếp tục được duy trì và hoạt động đến ngày nay, để người nhiễm "H" vượt qua trở ngại và vươn đến những điều tốt đẹp.
Năm 2020, Lê Thanh Tùng ở xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên - một chàng trai dù cơ thể không lành lặn nhưng đã vượt lên chính mình để khởi nghiệp thành công nhận giải thưởng "Thanh niên sống đẹp”. Chính sự bản lĩnh, nghị lực của anh Tùng đã truyền năng lượng, cảm hứng tích cực cho những bạn trẻ về cuộc sống, về con đường lập nghiệp lắm gian truân. Bởi, ở độ tuổi đẹp nhất, một tai nạn lao động đã lấy đi 1 bên tay, cánh tay còn lại bị dị tật, biến dạng, nửa bàn chân bị cắt bỏ không thể đi lại, biến anh thành người khuyết tật và con nợ do chi phí chữa bệnh để lại.
Nỗi đau thể xác, cú sốc tinh thần ấy, không phải ai cũng có thể vượt qua để tiếp tục cuộc đời. Ở anh Tùng không chỉ có sự nỗ lực mà còn là dũng khí, nghị lực tự đưa mình khỏi mặc cảm, tủi hờn, đau đớn của một lao động chính nay lại là gánh nặng khi mọi sinh hoạt cá nhân đều cần sự giúp đỡ. Một năm sau ngày anh trở về, mọi công việc từ ăn uống, đi lại cho đến các công việc khó hơn như viết, sử dụng điện thoại, đi xe máy anh đều thành thục. Giờ đây, anh đã là một người đàn ông tự tin, lạc quan và thành công.
Xuất viện 4 tháng, khi những hoạt động trong sinh hoạt còn chưa thành thục, nhưng anh đã tập hợp các thanh niên đã từng đồng hành với mình trước tai nạn để làm lại từ đầu. Anh nhận các công trình, thiết kế, hạch toán rồi giao cho thợ thi công. Những công việc nhỏ, vừa sức anh tự mình làm. Còn những kỹ thuật phức tạp, anh hướng dẫn tận tình để người khác có thể làm thay.
Vẫn giữ phong cách làm việc như cũ: tỉ mỉ, cẩn thận, giá tiền hợp lý, đội cơ khí của anh ngày càng được nhiều người tin tưởng. Anh cũng năng động tìm thêm các công trình khoan phá đá và bê tông để tăng thêm thu nhập.
Từ nhà xưởng nhỏ bé ở sâu trong làng, anh đã xây dựng được nhà xưởng riêng, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động với thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng. Gia đình anh từ một hộ nghèo vào năm 2014, đến nay đã vươn lên trở thành hộ khá. Anh Tùng đã trả hết nợ, lại sắm sửa thêm nhiều máy móc, xây dựng được căn nhà 2 tầng khang trang ngay trung tâm xã, thu nhập hàng năm của anh đạt trên 250 triệu đồng.
Còn Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hello Mù Cang Chải (Mù Cang Chải) Giàng A Dê lại là gương mặt thanh niên tiêu biểu nhận giải thưởng "Thanh niên sống đẹp” rất mới - vừa năm 2021 này. Cuộc sống bình dị với công việc tại Viettel Mù Cang Chải cứ thế trôi qua cho đến một ngày năm 2017 cả hai vợ chồng Dê chợt có ý tưởng về việc xây dựng homestay tại quê hương La Pán Tẩn.
Nghĩ là làm, Giàng A Dê đánh đổi công việc ổn định của mình để bắt tay vào những thử thách mới với muôn vàn khó khăn từ việc tìm vốn cho đến xây dựng, vận hành homestay và nhất là rào cản ngôn ngữ. Giải quyết từng khó khăn gặp phải, sau hơn 1 năm, homestay mang tên Hello Mù Cang Chải của Giàng A Dê bắt đầu có khách. Và từ đó đến nay, Hello Mù Cang Chải đều đặn đón khách, nhất là vào mùa du lịch "mùa lúa chín” và "mùa nước đổ”, tất cả phòng lưu trú ở homestay của Giàng A Dê đều kín chỗ.
Giàng A Dê (ngoài cùng, bên trái) tự tin giao lưu, trò chuyện với du khách nước ngoài.
Năm 2020, từ kinh doanh homestay, Giàng A Dê đã thành lập Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hello Mù Cang Chải nhằm mục đích mở rộng hợp tác đón khách ngoại quốc với các công ty du lịch, tạo nguồn khách ổn định, dồi dào cung ứng cho các homestay. Thật tiếc là gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lượng khách du lịch năm 2021 giảm, Công ty chỉ đạt doanh thu 220 triệu đồng, nhưng vẫn tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động, 6 hướng dẫn viên theo thời vụ và 12 xe ôm du lịch. Cách làm du lịch của vợ chồng Giàng A Dê đã truyền cảm hứng cho người Mông Mù Cang Chải đầu tư làm homestay. Hiện nay, xã La Pán Tẩn đã có 14 hộ người Mông đầu tư làm homestay với nguồn thu bình quân 80-100 triệu đồng/hộ/năm.
Đồng thời, Công ty còn liên kết với 13 hộ dân tham gia thiết kế đường leo núi, làm các dịch vụ vận chuyển đồ, hậu cần, phục vụ khách tham quan leo núi, ngủ rừng, trải nghiệm sinh hoạt cùng bà con bản Mông. Công ty còn mở lớp tập huấn cho các chủ homestay về chăm sóc khách hàng, nấu ăn, cài đặt và hướng dẫn sử dụng các phần mềm khách sạn; tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân địa phương từ các hoạt động làm thổ cẩm, chăn nuôi, trồng rau, nấu rượu, chế biến món ăn phục vụ du khách...
Đặc biệt, anh còn mở các lớp học tiếng Anh giao tiếp miễn phí, hướng dẫn người dân làm du lịch.
Một người phụ nữ nhiễm H đã vượt qua mặc cảm, tự ti và đứng lên giúp đỡ những người phụ nữ nhiễm H yếu đuối khác. Một thanh niên khuyết tật bước ra khỏi bóng tối, nghịch cảnh cuộc đời để tiếp tục khởi nghiệp. Một chàng thanh niên người Mông dám từ bỏ sự ổn định để khởi đầu một cách làm mới, mang lại thu nhập, việc làm cho đồng bào mình…
Câu chuyện về cuộc đời, số phận của những con người ấy tuy khác nhau nhưng có một điểm chung là sống có trách nhiệm, giàu lòng nhân ái, dám đương đầu với thử thách để vươn lên, làm chủ cuộc đời. Những việc họ đã và đang làm mang đến những cái nhìn tích cực về cuộc sống, lan tỏa, truyền cảm hứng, năng lượng tích cực ấy đến tất cả mọi người, nhất là những người trẻ đang bước vào sự trưởng thành với nhiều sóng gió!
Hoài Anh