Bên dòng Nậm Kim
- Cập nhật: Thứ năm, 2/8/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Ai đã từng lên Mù Cang Chải (Yên Bái) cũng đều có những cảm nhận rất riêng về vùng đất và con người nơi đây. Với tôi, một trong những ấn tượng sâu sắc bên dòng Nậm Kim ấy là chuyện học chữ của những em bé người Mông.
Một lớp học của những em bé người Mông ở bản Tà Chơ, xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải. (Ảnh: Nguyễn Thúy Mai)
|
Hôm nay đi học xa...
6 giờ sáng, trung tâm thị trấn huyện lỵ Mù Cang Chải vẫn như chìm trong làn sương mờ ảo. Từ Khách sạn Suối Mơ, một khách sạn khá sang trọng mới đi vào kinh doanh hơn một năm nay, tôi xách chiếc máy ảnh lững thững về phía chợ. Từ xa, có bốn em bé đang tiến lại gần. Đó là ba bé trai và một bé gái người Mông học sinh bán trú lớp 2, Trường Tiểu học Kim Đồng - ngôi trường vừa đạt chuẩn quốc gia năm 2006 - đang trên đường đi học. Mỗi em đeo một chiếc túi vải, tay xách chiếc cặp lồng bằng nhựa đựng cơm vẫn còn hơi ấm. Hai bé trai đang cùng khiêng một bó rau khá to. Theo chân những em bé này, tôi đã ghi lại được những hình ảnh rất thú vị, trong đó có cảnh các em đang giờ luyện chữ với những trang vở sạch, những dòng chữ đẹp, đều tăm tắp. Và, xếp ngay ngắn bên các khung cửa sổ là những chiếc cặp lồng cơm nhỏ xinh đủ màu xanh, đỏ, trắng...
Ở Mù Cang Chải, mô hình các trường bán trú dân nuôi hiện nay rất phổ biến. Thật thương cảm khi tận mắt chứng kiến chuyện ăn, ở, học hành của các em nhỏ, tôi càng trân trọng và khâm phục ý thức tự lập của các em bé người Mông. Nhiều em nhỏ nhà ở các bản làng xa xôi cách trường 10 - 15 km, phải mất 4 - 5 tiếng đồng hồ đi bộ. Có nhiều em học sinh cấp 1, cấp 2 nhưng trông chỉ bé như những đứa trẻ đang tuổi mẫu giáo ở thành phố, đã phải xa nhà, tự lo cho cuộc sống hàng ngày của mình. Cuối tuần, các em về nhà cõng gạo, muối và món măng ớt vừa cay, vừa mặn để chuẩn bị cho một tuần học mới.
Nậm Kim là tên con suối dài và lớn nhất huyện Mù Cang Chải, được bắt nguồn từ đỉnh đèo Khau Phạ. Nậm Kim chia thị trấn huyện lỵ Mù Cang Chải thành tả ngạn và hữu ngạn, tạo nên vẻ đẹp hấp dẫn, đặc sắc, đầy cuốn hút giữa một vùng thiên nhiên nằm khuất bên sườn tây của dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, non nước hữu tình. |
Đến Trường THCS xã Hồ Bốn, tôi vào thăm khu “ký túc xá” dành cho gần 150 em học sinh nam. Đó là một dãy nhà thấp tè, nền đất, tường bằng các mảnh ván gỗ ghép lại với nhau, mái lợp prôximăng, gồm 3 phòng, mỗi phòng chỉ rộng khoảng 20m2; giường ngủ là những tấm phản gỗ kê sát nhau, những chiếc chiếu trải trên đó đã cũ, có cái rách nát... nhưng mọi thứ trong phòng rất gọn gàng, ngăn nắp. Trên tường, các em biết đóng những chiếc đinh để treo túi xách, quần áo, biết dán ảnh cắt ra từ báo, tạp chí để trang trí khiến gian phòng trở nên sinh động. Những chiếc nồi gang nhỏ xíu được xếp ngay ngắn ở một góc phòng. Phía đầu dãy lớp học là một phòng dành cho gần 50 em học sinh nữ. Thầy Trần Văn Hùng, sinh năm 1976, Hiệu phó nhà trường cho biết: “Bên cạnh việc dạy học, nhà trường chúng tôi quản lý học sinh về nề nếp, ý thức. Các em rất ngoan, lễ phép, tự lập và thích học. Tuy nhiên, Trường THCS Hồ Bốn là một trường vùng cao còn gặp nhiều khó khăn. Nhà trường rất mong nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành đối với học sinh bán trú vùng cao, nhất là về vấn đề nước sinh hoạt, chăn màn, nhà ở...”.
Đường tương lai càng gần
Trong chuyến công tác lên Mù Cang Chải vừa qua, tôi dành khá nhiều thời gian nói chuyện với anh Vũ Tiến Đức - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, người có tới 18 năm công tác trong ngành giáo dục của huyện. Anh tâm sự: “Nói về giáo dục ở Mù Cang Chải, chỉ xét riêng các đặc điểm của một huyện vùng cao đặc biệt khó khăn, hầu hết dân cư là dân tộc Mông thì đã thấy có rất nhiều vấn đề đáng để khai thác và tìm hiểu. Nhưng điều thật sự cá nhân mình rất quan tâm và tâm đắc chính là vấn đề xã hội hóa giáo dục thời WTO ở Mù Cang Chải. Hiện nay, tuy mạng lưới trường lớp của huyện ổn định, các điểm trường thôn, bản được giữ vững, cơ sở hạ tầng phục vụ cho giáo dục được Nhà nước quan tâm đầu tư... nhưng trong ngành giáo dục nói chung vẫn còn một số yếu kém, bất cập. Việc xã hội hoá giáo dục còn chậm...”.
Tôi hiểu và chia sẻ với những suy nghĩ của anh Đức. Cùng với nhiều địa phương khác trong cả nước, Mù Cang Chải đang dần chuyển mình trên con đường đổi mới. Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, tri thức là một tấm vé thông hành. Cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Mù Cang Chải (1957- 2007) do Ban Chấp hành Đảng bộ huyện mới phát hành tháng 6/2007 vừa qua đã viết: “Từ cuộc sống tối tăm, mù chữ, đói nghèo, phiêu bạt từ cánh rừng này sang cánh rừng khác, ngày nay con em người dân nơi đây đã được học chữ, nhiều người trở thành kỹ sư, bác sỹ, thầy giáo giỏi, nhiều người đang giữ các chức vụ chủ chốt của tỉnh, của huyện...”. Đó không chỉ là lời khẳng định được tổng kết qua chặng đường 50 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ huyện mà còn là niềm mơ ước, là động lực tinh thần thôi thúc con em Mù Cang Chải hôm nay say mê học tập.
- Học chữ là để biết chữ, để biết đọc báo, đọc sách.
- Đi học để ước mơ trở thành thầy giáo, cô giáo, bác sỹ, kỹ sư, bộ đội... về xây dựng, làm giàu cho gia đình, làng bản mình.
- Học giỏi để được trưởng thành như ông Giàng A Páo, bác Giàng A Chu, cô Sùng Thị Chư, bác sỹ Vàng A Sàng...
Đó là những ước mơ rất hồn nhiên và chân thật của những bé trai, bé gái người Mông tôi gặp nơi đây.
Suối Nậm Kim trữ tình, trong mát, ngọt ngào và lãng mạn vẫn mải miết hòa vào dòng Nậm Mu - con sông chảy ngược lên sông Đà và đổ ra biển lớn, giống như tính cách của con người, vùng đất Tây Bắc mạnh mẽ, kiên cường, vượt qua những điều tưởng chừng như không thể. Dòng Nậm Kim sẽ làm dịu cơn khát chữ, tưới mát để những ước mơ tuổi thơ đâm chồi, nảy lộc, ra hoa, kết trái trong tương lai...
Hồng Thanh Tâm - Bài tham dự cuộc thi viết "Đất và người Yên Bái"
Các tin khác
YBĐT – “Nếu Anh Đào là thứ hoa đẹp nhất thì Kiến Đào là người đã góp phần tô thắm thêm chiến thắng Tây Nguyên lừng lẫy nhất. Những năm tháng không thể nào quên. Những tháng ngày cùng chung chiến hào, Thắng không thể quên con người đã từng lặn lội với hơn 50 thương binh, mất ăn mất ngủ tại trận Con Rốc, Bắc Kom Tum. Rồi cùng hành quân trên đường 14, chọc đu đủ, chọc nước chuối rừng ăn qua ngày để truy kích địch...”.
YBĐT - Một túp lều lụp xụp, rách rưới, chật chội nằm dưới chân đồi trong thôn 14 là nơi tá túc hàng ngày của 6 người trong gia đình anh Bàn Văn Điền, dân tộc Dao ở xã Động Quan, huyện Lục Yên. Chiếc quạt điện cũ kỹ và chiếc đài được nhà nước cấp theo chương trình hỗ trợ phương tiện nghe nhìn cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn là món đồ đáng tiền nhất trong lều.
YBĐT - Đã lâu lắm, tôi mới có dịp trở lại xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn. Kể từ khi quốc lộ 32 được nâng cấp chạy qua trung tâm xã, vùng có thứ nếp thơm nức tiếng đã thực sự khởi sắc. Ruộng đồng xanh hơn. Hai bên con đường nhựa láng bóng, những ngôi nhà mới xây, hàng quán mọc lên san sát. Nhưng trong bóng dáng thị tứ vùng cao này đang ấn chứa cả niềm vui lẫn nỗi lo…
YBĐT - Từ tháng 3/2007 đến nay, người dân ở thôn 3 xã Sơn Thịnh và thôn Suối Lóp, Giàng Cao, xã Suối Giàng (Văn Chấn) đang xôn xao vì đá cảnh. Họ đua nhau lên hai thôn Suối Lóp và Giàng Cao để tìm kiếm, đào bới, khai thác trái phép hàng trăm tấn đá cảnh mang về bán cho các “đại gia” ở thị xã Nghĩa Lộvà một số thợ đá ở thành phố Yên Bái, Hà Giang và cả Hà Nội, khiến cho nguồn tài nguyên ở vùng cao Suối Giàng ngày càng cạn kiệt. Nhưng lạ thay, các cấp chính quyền ở đây vẫn làm thinh trước sự “chảy máu” của đá cảnh.