Người Xa Phó ở Châu Quế Thượng
- Cập nhật: Thứ tư, 15/8/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Cùng với sự đổi mới đi lên của đất nước, người Xa Phó ở Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã và đang nỗ lực hăng say lao động, thi đua góp công, góp sức xây dựng nông thôn mới làm cho "văn hóa Xa Phó" cũng ngày càng phát triển và không ngừng được khởi sắc. Có thể nói đây là thời điểm hưng thịnh nhất của "văn hóa Xa Phó".
Cụ Bơ Thị Ma đang truyền dạy con, cháu thêu hoa văn trên váy, áo truyền thống của người Xa Phó.
|
Xuất phát từ trung tâm huyện lỵ lúc 7 giờ sáng, vượt chặng đường dốc hơn 40 km theo hướng Tây Bắc, chừng xế trưa chúng tôi có mặt ở xã đặc biệt khó khăn vùng thượng huyện Văn Yên - xã Châu Quế Thượng. Đây là nơi sinh sống tập trung của hơn 800 đồng bào dân tộc Xa Phó - một trong những tộc người còn lại ít nhất trong số 54 dân tộc anh em của nước Việt Nam.
Văn hóa Xa Phó...
Châu Quế Thượng có rất đông đồng bào dân tộc như: Mông, Dao, Kinh, Tày, Mường... cùng sinh sống với những nét bản sắc văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng và riêng biệt. Nhưng độc đáo, đặc sắc và ấn tượng nhất phải nói đến đời sống văn hóa tinh thần của người Xa Phó. Theo giới thiệu của đồng bào trong thôn, chúng tôi đã tới tận Làng Nhầy tìm gặp bằng được người con ưu tú đã có nhiều công lao gìn giữ và phát triển "văn hóa Xa Phó".
Chặng đường tới Làng Nhầy nắng chang chang, quanh co, gập ghềnh và dài lê thê ấy bỗng tan biến trong tôi khi vẳng nghe trầm bổng khúc hát ru bằng tiếng dân tộc. Chủ tịch xã người Xa Phó-Đặng Văn Lả động viên: "Nghe tiếng hát ru là sắp tới Làng Nhầy rồi đó". Và Làng Nhầy 7 đã hiện ra mồn một trước mặt.
Châu Quế Thượng có cả thảy 10 thôn, bản thì đây là một trong số bốn thôn, bản (4,5,6,7) có người Xa Phó sinh sống. Đầm ấm bởi tiếng ru giữa trưa hè nóng bức, bền chặt khối đoàn kết các dân tộc bởi sức sống của những cây mạ non trên đất hai lúa, những ngôi nhà mới hạ sơn quần tụ đông đúc, những đồi quế, nương ngô xanh ngút mắt làm người ta dễ lầm tưởng mình đang lạc giữa sơn trang của đồng bào Kinh, Dao hay Tày, Thái.
Trong ngôi nhà đơn sơ bốn phía nhìn ra bạt ngàn những mía và lúa, người phụ nữ Xa Phó 50 tuổi cao hứng cất giọng hát bài "Mừng cơm mới"- một trong những bài hát truyền thống tôn vinh sức lao động của người nông dân được đồng bào ở đây thuộc và hát nhiều nhất sau mỗi vụ mùa bội thu. Thấy chúng tôi cùng vỗ tay, chị Phùng Thị Lanh, dân tộc Xa Phó ở thôn Lẫu 5 vui vẻ khoe: "Càng được mùa, dân Xa Phó mình càng có thêm nhiều người thuộc bài hát truyền thống hơn".
-Chị có thuộc bài hát này không? Tôi hỏi.
-Trước đây nghèo, vất vả lo cái ăn, cái mặc thì không thuộc. Giờ làm lúa nước, làm kinh tế tốt lên mới yên tâm học và thuộc thêm nhiều bài hát truyền thống.
-Sao ở tận thôn 5 mà chị cũng biết để tới đây nghe hát?
-Ồ! Không phải mỗi hôm nay đâu mà ngày nào phụ nữ chúng tôi đi cấy lúa hoặc làm nương giúp nhau vẫn thường được nghe chị Thanh hát đấy.
-Đây có phải là nghệ nhân dân gian Đặng Thị Thanh không?
- Đúng rồi! Lần đó bác Thanh đi thi về cả làng ăn mừng. Nghe nói được giải gì ở Trung ương to lắm. Chủ tịch Lả khẳng định thêm: "Cuối năm 2004 cùng với cụ bà Hà Thị Cầu, hát Sẩm ở Ninh Bình và ông Giàng A Su, trước làm bí thư huyện Trạm Tấu, Châu Quế Thượng này vinh dự có chị Đặng Thị Thanh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian.
Cả nước mới có 3 người được phong tặng danh hiệu cao quý này thì đúng là vinh dự cho Quế Thượng rồi còn gì? Nhưng cao quý hơn cả và đáng trân trọng hơn cả đối với người phụ nữ Xa Phó ấy là "bản sắc văn hóa dân tộc nói chung, nét đẹp của "văn hóa Xa Phó" nói riêng đã được xã hội công nhận và tôn vinh".
Người Xa Phó ở Châu Quế Thượng quan niệm rằng năm nào người dân các thôn chăm chỉ lao động, tích cực tăng gia sản xuất, phụ nữ Xa Phó hăng hái tham gia sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thuộc nhiều bài hát trông trăng, gọi mùa... thì năm đó mùa màng bội thu và ngược lại. Vì thế, nhiều năm nay việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc ở Châu Quế Thượng chẳng những được coi trọng mà ngày càng thêm phát triển mạnh mẽ và rộng rãi hơn bởi nó đã được gắn liền với sự phát triển của nền kinh tế-xã hội nơi vùng thượng huyện này. Chẳng mấy chốc ngôi nhà bé nhỏ của nghệ nhân Xa Phó - Đặng Thị Thanh đã chật những người là người. Phụ nữ có, thanh niên có, trẻ em có. Hầu hết đều là đồng bào Xa Phó ở các thôn lân cận "nghe tiếng hát của nghệ nhân Thanh mà đến".
Quả thực, nghệ nhân dân gian Đặng Thị Thanh thật xứng đáng với niềm tin của đồng bào Xa Phó. Người Xa Phó ở đây nói rằng "văn hóa Xa Phó giữ được đến ngày nay chính là nhờ có những người con như chị Thanh". Còn nghệ nhân này, sau khi dứt điệu múa mời rượu, chị khiêm tốn nhìn lướt một lượt bảng vàng thành tích treo trang trọng trên tường mà rằng: "Nhờ ơn Đảng, làm theo Đảng, người Xa Phó đã thoát nghèo. Có đời sống ấm no thì văn hóa Xa Phó mới ngày càng phát triển. Thế nên, người Xa Phó sẽ gắng hết sức mà giữ gìn nét đẹp lâu bền của văn hóa Xa Phó để cháu con sau này mãi mãi được ấm no".
Nội lực Châu quế Thượng
Bản sắc văn hóa dân tộc, nét đẹp truyền thống trong trang phục của người Xa Phó đang được giữ gìn, được phát triển chính là sức mạnh tiềm tàng, là nguồn nội lực căn bản để vùng cao đặc biệt khó khăn Châu Quế Thượng được phát triển như ngày hôm nay. Cụ bà Bơ Thị Mà, năm nay đã hơn 80 tuổi, là mẹ của hai liệt sỹ người Xa Phó ở thôn Lẫu Nhầy kể: Muốn có được cây sáo mũi thật hay, tiếng sáo thật trong thì phải chọn ở trong rừng được những cây nứa kẹ chỉ mọc ở những bụi nứa to, thẳng và chưa bị chặt phá bao giờ. "Đó cũng là lời lý giải vì sao đồng bào các thôn, bản ở Châu Quế Thượng lại tích cực tham gia trồng và bảo vệ rừng như thế.
Theo phong tục của người Xa Phó thì rằm tháng bảy là thời điểm chuẩn bị ăn mừng cơm mới. Bên cạnh việc chăm sóc tốt cây ngô, cây lúa trên đồng cho trĩu hạt, nặng bông thì những lúc nông nhàn, đi lên rừng, lên nương hay những đêm trăng sáng đồng bào lại cùng nhau quây quần và ôn lại những bài hát, điệu múa truyền thống của dân tộc mình. Họ hát để cầu cho trời đất mưa thuận gió hòa, bông lúa chắc hạt, bí bầu trên nương sai quả, lợn gà đầy sân, đời sống của người dân được ấm no, khỏe mạnh....
Đặc biệt, đám nữ thanh niên các thôn thường tìm đến nhà mẹ liệt sỹ Bơ Thị Mà, nhà của nghệ nhân dân gian Đặng Thị Thanh để được học thêm những bài hát, điệu múa và cách thêu hoa văn dân tộc trên váy áo. Vì muốn thêu được bộ váy áo truyền thống thật đẹp, những cô gái dân tộc Xa Phó chăm chỉ cũng phải mất một năm tròn miệt mài mới hoàn thành. Đấy là chỉ riêng phần thêu, phần họa tiết, hoa văn còn công phu hơn rất nhiều lần. Bởi những bộ váy áo đẹp, cầu kỳ chỉ có được từ đôi tay vén khéo của những cô gái chăm chỉ, hay lam hay làm và chịu thương, chịu khó. Họ phải đi lên rừng làm nương rẫy, trỉa bắp, tra hạt, phải biết yêu quý cái cây rừng, con chim rừng thì mới có thể thêu được những hoa văn mang hình chân con rết, mắt con chim, chân con gà Lôi đỏ, da con thạch sùng, con kỳ đà, chân con nhện hay các họa tiết như rễ cây đa, lá cây cọ và vẻ đẹp muôn màu của các loài hoa tuyệt vời đến như vậy...
Cụ bà Bơ Thị Mà vừa với chiếc khăn thêu dở trên tay đứa cháu gái vừa cười móm mém: "Cụ tổ của người Xa Phó từng truyền dạy con cháu phải biết yêu thiên nhiên, phải biết gắn văn hóa Xa Phó với cuộc sống lao động trên đồi nương và bây giờ là dưới đồng ruộng thì người Xa Phó mới có cuộc sống no ấm, sinh sôi".
Duy trì và phát triển
Cùng với sự đổi mới đi lên của đất nước, người Xa Phó ở Châu Quế Thượng đã và đang nỗ lực hăng say lao động, thi đua góp công, góp sức xây dựng nông thôn mới làm cho "văn hóa Xa Phó" cũng ngày càng phát triển và không ngừng được khởi sắc. Có thể nói đây là thời điểm hưng thịnh nhất của "văn hóa Xa Phó". Với những nét hoa văn tinh tế, công phu, thấm đẫm mồ hôi và tình yêu thiên nhiên, năm 1996 bộ áo váy trang phục truyền thống của người Xa Phó đã giành giải "Trang phục dân tộc đẹp nhất Việt Nam".
Năm 2000, với tiết mục biểu diễn "Sáo Cúc Kẹ, khèn Ma Nhí", người phụ nữ Xa Phó Đặng Thị Thanh đã được Bộ Văn hóa - Thông tin tặng Huy chương Bạc. Đêm 31/7/2005, tại tỉnh Hòa Bình tác phẩm "Mời trăng" của người Xa Phó một lần nữa lại đạt giải cao nhất của Liên hoan tiếng hát dân ca Việt Nam. Ghi nhớ lời dạy của tổ tiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã, người Xa Phó ở Châu Quế Thượng đã triển khai thực hiện tốt nội dung tinh thần Nghị quyết TW5 (khóa IX) của Đảng về bảo vệ, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Cùng với đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Tày, Mường... của 10 thôn, bản, người Xa Phó ở Châu Quế Thượng đã đoàn kết chung tay xây dựng đời sống văn hóa. Đặc biệt chú trọng việc bảo tồn, phát triển nét đẹp trong "văn hóa Xa Phó".
Để những bài hát, điệu múa thêm sinh động, có sức lan tỏa và thu hút mạnh trong cộng đồng dân tộc, đồng bào Xa Phó đã tích cực thi đua lao động xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho quê hương thông qua các chương trình, các dự án hỗ trợ, đầu tư của Chính phủ. Góp công xây dựng cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường, trạm, xây dựng nhà văn hóa và thực hiện nếp sống văn hóa mới.
Những thôn có kinh tế khá như : thôn Lẫu 4, Lẫu 5, thôn 2, 3, 6, 7, thôn 10 Khe Sáng, đồng bào đã thực hiện gieo cấy lúa hai vụ bằng giống mới cho năng suất cao. Nhờ đó số hộ có kinh tế khá ở xã vùng cao Quế Thượng nay đã tăng lên 36%, giảm được số hộ nghèo từ 243 hộ năm 2006 xuống còn 112 hộ năm 2007. Hôm nay ở Châu Quế Thượng không chỉ có người Dao biết trồng quế, người Kinh, người Tày biết trồng mía làm giàu mà người Xa Phó đã có hàng chục hộ kinh tế khá phát triển nhờ mô hình trang trại vườn rừng từ hai loại cây kinh tế mũi nhọn này.
Kinh tế phát triển, đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc nói chung và đồng bào Xa Phó ở Châu Quế Thượng nói riêng cũng ngày càng được nâng lên. Một cuộc sống văn hóa no ấm, hạnh phúc với đầy đủ ý nghĩa đang về với đồng bào dân tộc nơi vùng cao thượng huyện Văn Yên. ở đó "Văn hóa Xa Phó" đã khẳng định được vị trí và sức sống của mình trong lòng đồng bào cũng như trong sức vươn nội lực của vùng cao xã Châu Quế Thượng hôm nay.
Thanh Hương - Châu Quế Thượng tháng 8/2007
(Bài dự thi Đất và người Yên Bái)
Các tin khác
YBĐT - Ai đã từng lên Mù Cang Chải (Yên Bái) cũng đều có những cảm nhận rất riêng về vùng đất và con người nơi đây. Với tôi, một trong những ấn tượng sâu sắc bên dòng Nậm Kim ấy là chuyện học chữ của những em bé người Mông.
YBĐT – “Nếu Anh Đào là thứ hoa đẹp nhất thì Kiến Đào là người đã góp phần tô thắm thêm chiến thắng Tây Nguyên lừng lẫy nhất. Những năm tháng không thể nào quên. Những tháng ngày cùng chung chiến hào, Thắng không thể quên con người đã từng lặn lội với hơn 50 thương binh, mất ăn mất ngủ tại trận Con Rốc, Bắc Kom Tum. Rồi cùng hành quân trên đường 14, chọc đu đủ, chọc nước chuối rừng ăn qua ngày để truy kích địch...”.
YBĐT - Một túp lều lụp xụp, rách rưới, chật chội nằm dưới chân đồi trong thôn 14 là nơi tá túc hàng ngày của 6 người trong gia đình anh Bàn Văn Điền, dân tộc Dao ở xã Động Quan, huyện Lục Yên. Chiếc quạt điện cũ kỹ và chiếc đài được nhà nước cấp theo chương trình hỗ trợ phương tiện nghe nhìn cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn là món đồ đáng tiền nhất trong lều.
YBĐT - Đã lâu lắm, tôi mới có dịp trở lại xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn. Kể từ khi quốc lộ 32 được nâng cấp chạy qua trung tâm xã, vùng có thứ nếp thơm nức tiếng đã thực sự khởi sắc. Ruộng đồng xanh hơn. Hai bên con đường nhựa láng bóng, những ngôi nhà mới xây, hàng quán mọc lên san sát. Nhưng trong bóng dáng thị tứ vùng cao này đang ấn chứa cả niềm vui lẫn nỗi lo…