Chương trình 134: Cần bịt những lỗ hổng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 7/9/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Năm 2007 là năm thứ 3 liên tiếp thị xã Nghĩa Lộ nhận được nguồn kinh phí bổ sung của UBND tỉnh từ Chương trình 134 về hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà và nước sinh hoạt với tổng số tiền là 2.200 triệu đồng.

Ngôi nhà của bà Đinh Thị Hòa, bản Pá Khết - phường Trung Tâm - một trong các hộ gia đình khó khăn nhận hỗ trợ của Chương trình 134.
Ngôi nhà của bà Đinh Thị Hòa, bản Pá Khết - phường Trung Tâm - một trong các hộ gia đình khó khăn nhận hỗ trợ của Chương trình 134.

UBND thị xã đã tổ chức triển khai xuống các phường và xã: phường Trung Tâm có 33 hộ với 105 triệu đồng, phường Tân An 41 hộ, 205 triệu đồng, phường Cầu Thia 51 hộ, 255 triệu, phường Pú Trạng 31 hộ, 155 triệu, xã Nghĩa Lợi 140 hộ, 700 triệu, xã Nghĩa Phúc 37 hộ, 185 triệu, xã Nghĩa An 110 hộ, 550 triệu. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện đã có nhiều bức xúc từ phía người dân.

134 “ấp ủ” chạy giấy tờ

Trên con đường bê tông láng mịn, hai bên lúa xanh ngợp đồng chúng tôi đến bản Pá Khết- phường Trung Tâm để tìm hiểu thông tin việc hỗ trợ tấm lợp phi-brôximăng giúp người dân làm nhà (1 trong 4 hạng mục của Chương trình 134) đã không đảm bảo chất lượng; những tấm lợp rất dễ vỡ, mục và hay thấm nước, giá thành lại đắt so với giá thị trường.

Bên ngôi nhà đang trong quá trình hoàn thiện của gia đình bà Đinh Thị Hoà ở bản Pá Khết, một trong những hộ dân thuộc diện khó khăn nhận được sự hỗ trợ của Chương trình 134 trở nên sôi nổi khi có sự xuất hiện của khách lạ. Khuôn mặt già nua, hốc hác thấm đẫm mồ hôi, cái mồm móm mém bà Hoà nói về chất lượng của những tấm lợp: “ Đấy anh xem, tấm lợp rất dễ vỡ, 2 người cầm khi chuyển lên lợp mà không cẩn thận là y như rằng vỡ làm đôi. Cái nóc vừa lợp mấy hôm trước, đêm qua mưa, thế là bị ngấm !”. 

Anh Hà Văn Khiêm, em trai của anh Hà Văn Huy, con rể bà Hoà như muốn chứng minh thêm lời nói vừa rồi của bà Hoà, đang ngồi trên nóc nhảy xuống, chạy lại phía các mảnh tấm lợp bị vỡ lôi ra bẻ từng mảnh: “Các anh tin chưa? Chất lượng như vậy đấy !”. Anh Huy ngồi trên nóc nói thêm: “Đường từ nhà tôi đến phường đều làm bằng bê tông, rất dễ đi nhưng trong quá trình vận chuyển tấm lợp bằng xe trâu về đến nhà đã vỡ 5 tấm, mất toi 125.000 đồng rồi!”.

Cũng giống như nhà bà Hoà, nhà anh Điêu Văn Quyết, bản Pá Khết, nhà anh Hoàng Văn Việt thôn Bản Xa, xã Nghĩa Lợi cũng đều cho rằng chất lượng của tấm lợp quá kém, không sử dụng lâu dài được. Nếu một ngôi nhà cần khoảng 50 tấm lợp thì trong quá trình làm sẽ phải dùng đến 60 tấm do vỡ. Bên cạnh đó, mỗi hộ gia đình chỉ được nhận từ 2 đến 3 triệu đồng để mua cột dựng nhà, số còn lại phải lấy tấm lợp của xã, phường.

Việc xã, phường làm vậy nhằm tránh tình trạng người dân sau khi nhận được tiền hỗ trợ lại sử dụng vào việc khác. Nhưng ai sẽ là người trả lời về việc những tấm lợp với giá thành 25.000 đồng/ tấm chất lượng lại kém hơn hẳn tấm lợp ngoài thị trường chỉ với giá thành 20- 22.000 đồng/ tấm? Nhưng điều đáng nói nhất là việc ông Bí thư chi bộ bản Pá Khết phường Trung Tâm đã sử dụng số tiền hỗ trợ của Chương trình 134 với những lý do không thuyết phục lòng dân.

Vẫn theo lời của bà Hoà: “Lẽ ra chúng tôi phải được nhận 5 triệu đồng/ hộ thì đằng này chỉ được nhận 4,9 triệu đồng. Hỏi ông Bí thư bản thì ông trả lời, giữ lại của mỗi gia đình 100.000 đồng để dùng vào việc chạy giấy tờ. Hoá ra việc người dân khó khăn nhận được sự hỗ trợ của Trung ương và Nhà nước cũng phải chạy giấy tờ sao?". "Trước khi nhận tiền về, ông Thái còn kéo mọi người lại nói nhỏ, việc dùng tiền chạy giấy tờ chỉ người trong bản mình biết với nhau thôi!” -  anh Khiêm nói thêm.

Và hành trình đi tìm sự thật

8 giờ sáng hôm sau, chúng tôi có mặt tại phòng làm việc của ông Nguyễn Thế Tuy - Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Nghĩa Lộ và được biết: “ Việc các hộ dân nhận được sự hỗ trợ của Chương trình 134 phản ánh về tình trạng kém chất lượng của các tấm lợp là hoàn toàn đúng sự thật. Điều này cũng được tôi trình bày tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2007 tổ chức tại Hội Nông dân tỉnh". Ông Tuy nói thêm: “Muốn tìm hiểu thêm vấn đề này, các anh liên lạc với phòng Nội vụ, Lao động- Thương binh, Xã hội thì sẽ thì biết ngay. Vì bên đấy họ nắm các số liệu về Chương trình 134 triển khai tại thị xã”.

Khi chúng tôi đến Phòng thì cả đồng chí trưởng phòng và phó phòng đều đi công tác xa. Rất may, cuối cùng chúng tôi cũng có được tờ văn bản của HĐND thị xã Nghĩa Lộ trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri và ý kiến chất vấn của đại biểu HĐND thị xã tại kỳ họp thứ 9 HĐND thị xã khoá XII ngày 4,5/7/2007.

Trong văn bản có ghi: Cung cấp tấm lợp theo Chương trình 134 về chất lượng và giá cả, Ban chỉ đạo xoá nhà dột nát thị xã không trực tiếp cung cấp tấm lợp cho các xã, phường, việc thực hiện cung cấp tấm lợp cho các xã, phường dựa trên hợp đồng kinh tế giữa Công ty cổ phần Sản xuất vật liệu xây dựng trên cơ sở nhu cầu đăng ký của từng hộ gia đình.

 

Anh Hà Văn Khiêm đang bẻ mảnh bê tông chứng minh chất lượng kém của tấm lợp.

Thứ nhất, về chất lượng tấm lợp đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận, đăng ký chất lượng sản phẩm, nếu trong quá trình vận chuyển có rạn nứt, vỡ, thấm dột, các xã phường kiểm tra, nghiệm thu và trả lại cho đơn vị cung cấp.

Thứ hai, giá cả tấm lợp trên thị trường hiện nay có giá bán tại của hàng tư nhân ở thị xã là 20 đến 25.000 đồng/tấm tuỳ theo từng loại. Còn giá bán của doanh nghiệp là 25.000 đồng/tấm. Và thắc mắc về giá cả của tấm lợp được trả lời như sau: Giá bán hiện nay của các hộ tư nhân trên địa bàn không có hoá đơn, chứng từ và phải thu tiền ngay. Còn việc cung ứng của doanh nghiệp phải có hoá đơn giá trị gia tăng, do vậy doanh nghiệp phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, bản thân doanh nghiệp phải ứng vốn ngay từ đầu năm để cung cấp, do đó giá doanh nghiệp cung ứng là phù hợp.

Tất nhiên, như văn bản trên, đó là cách lý giải cho giá thành 25.000 đồng/tấm đã cấp cho các hộ, song chất lượng tốt thì không sao, đằng này lại quá kém. Và xã, phường yêu cầu người dân phải lấy tấm lợp không được ưng ý. Đồng thời những tấm lợp bị vỡ, mục hoặc thấm nước kia đã được kiểm nghiệm và thu lại giống như văn bản đã nói chưa?

 Đến các hộ dân trên địa bàn xã, phường của Nghĩa Lộ nhận hỗ trợ tấm lợp từ Chương trình 134 chỉ được nghe than phiền về chất lượng quá kém. Còn khi chúng tôi hỏi về việc trả lại thì người dân lập tức hỏi: “Trả cho ai! Ai nhận?”. Vậy doanh nghiệp đứng ra cung ứng tấm lợp cho các hộ gia đình sẽ trả lời ra sao về vấn đề này? Còn vấn đề trong văn bản đề cập là các doanh nghiệp tư nhân không có hoá đơn thanh toán vậy họ sẽ đóng thuế kinh doanh trên địa bàn thị xã như thế nào? Đó còn chưa kể việc mua một số lượng lớn tấm lợp như vậy, giá thành không bao giờ cứng nhắc như thế. UBND thị xã Nghĩa Lộ và Ban Dân tộc tỉnh cần xem xét, làm rõ vấn đề tấm lợp chất lượng kém.

Thiết nghĩ, người dân Yên Bái còn nghèo và đang hàng ngày, hàng giờ nhận sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước. Trong khi Đảng và Nhà nước ta hết sức chăm lo đến đời sống của người dân ra một chủ trương đúng mà cơ sở lại thực hiện sai thì không thể có lòng tin ở nơi dân là điều dễ hiểu. Vì vậy, một lần nữa xin nhắc lại rằng: Đừng để người dân mất lòng tin !

Trần Ngọc

Các tin khác
Các “game thủ” có thể sẵn sàng “ăn cùng game, ngủ cùng game”.

YBĐT - …23 h đêm. Trời mưa tầm tã. Bỗng chuông điện thoại réo vang, tôi nhấc máy: “Mày đi cùng tao tìm đứa em, nó bỏ nhà đi mấy hôm nay rồi, bố mẹ nó đang ốm vì lo !” - Tuấn nói. Đang ngồi trong quán game ở trên đầu cầu Yên Bái xem các "game thủ", tôi vụt đứng dậy, lao xe thẳng xuống nhà anh bạn.

Trưởng công an xã Kiên Thành và anh Hà Văn Huy tranh luận gay gắt tại điểm “chốt chặn”.

YBĐT - Trong vài năm trở lại đây, người dân huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã nhận thức được khá rõ về những lợi ích kinh tế của cây măng tre Bát Độ và chú trọng đầu tư phát triển. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm của người dân đang gặp phải những "chuyện lạ" mà có lẽ rất hiếm khi xảy ra trong thời buổi kinh tế thị trường, mở cửa thu hút đầu tư, cạnh tranh kinh doanh như hiện nay.

Cụ Bơ Thị Ma đang truyền dạy con, cháu thêu hoa văn trên váy, áo truyền thống của người Xa Phó.

YBĐT - Cùng với sự đổi mới đi lên của đất nước, người Xa Phó ở Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã và đang nỗ lực hăng say lao động, thi đua góp công, góp sức xây dựng nông thôn mới làm cho "văn hóa Xa Phó" cũng ngày càng phát triển và không ngừng được khởi sắc. Có thể nói đây là thời điểm hưng thịnh nhất của "văn hóa Xa Phó".

Một lớp học của những em bé người Mông ở bản Tà Chơ, xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải.  (Ảnh: Nguyễn Thúy Mai)

YBĐT - Ai đã từng lên Mù Cang Chải (Yên Bái) cũng đều có những cảm nhận rất riêng về vùng đất và con người nơi đây. Với tôi, một trong những ấn tượng sâu sắc bên dòng Nậm Kim ấy là chuyện học chữ của những em bé người Mông.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục