Những người "gieo chữ" ở Chống Gầu Bua

  • Cập nhật: Thứ bảy, 8/9/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - " ...Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai? - Những lời ca đầy trăn trở trong bài hát "Một rừng cây, một đời người" của nhạc sỹ Trần Long Ẩn gợi cho tôi nhớ đến Chống Gầu Bua - nơi giữa mùa hè vẫn có các cô giáo tình nguyện "cắm bản". Họ đã phải vượt qua bao khó khăn, vất vả để đem "cái chữ", đem ánh sáng văn minh đến cho con em đồng bào vùng cao Mù Cang Chải...

Hạnh phúc đơn sơ của cô và trò Trường PTCS Hồ Bốn, Mù Cang Chải.
Hạnh phúc đơn sơ của cô và trò Trường PTCS Hồ Bốn, Mù Cang Chải.

Từ trung tâm huyện Mù Cang Chải, ngược 20km theo quốc lộ 32, tôi đến Hồ Bốn - xã giáp ranh với địa bàn tỉnh bạn Lai Châu. Khi biết tôi có nguyện vọng lên thăm các cô giáo trên bản Chống Gầu Bua, đồng chí Giàng A Dê - Phó chủ tịch UBND xã nói:

- Để tôi đưa nhà báo đi, nhà tôi cũng ở gần trên ấy. Mấy ngày đi học ngoài huyện, về thăm vợ con luôn thể!.

Con đường lên bản thật hiểm trở, đường chỉ rộng hơn 1m, từng cột dốc dựng thẳng đứng, bên này là vực sâu hun hút, bên kia là vách đá dựng đứng... Chiếc xe máy Win100 liên tục phải leo dốc bằng số 1 và thường xuyên trồi lên, dập xuống như một chú ngựa bất kham. Nhiều đoạn, chúng tôi phải xuống đẩy xe bộ vì đường quá dốc và gồ ghề...

Đỉnh núi cao, không gian phía dưới như trải dài ngút tầm mắt, những chóp núi lô nhô mang trên mình những mảnh lúa nương, những vạt ngô, thửa lạc... khiến cho tôi có cảm giác như trước mắt mình là một tấm bản đồ khổng lồ nhiều khuôn hình, đa màu sắc. Từng nhóm, từng tốp dân bản, trên lưng cõng những gùi hàng nặng trĩu đang hối hả, gấp bước chân trở về nhà sau một ngày lặn lội xuống chợ huyện...

 

Đường lên đỉnh Chống Gầu Bua

Rồi Chống Gầu Bua hiện ra trước mắt tôi với những mái nhà tranh mờ ảo dưới sương chiều hạ, ẩn hiện trong những làn khói mỏng phảng phất khắp trong không gian... Ấn tượng đầu tiên của tôi khi bước vào điểm trường là những gian phòng làm bằng những tấm gỗ ván nứt nẻ, cánh cửa mở toang hiện ra nền đất màu xám nhạt gồ ghề, bàn ghế thô sơ... Nhận thấy sự có mặt của "những vị khách không mời", hai cô gái đang lúi húi nấu ăn chợt quay lại. Sau chút ngỡ ngàng, các cô nhìn nhau, che miệng cười và hỏi pha chút lém lỉnh:

- Anh từ đâu đến, lên đây thăm người yêu à?

- Ơ..., không! Tôi là nhà báo, đến để tìm hiểu về cuộc sống của các cô giáo trên bản này!.

Rồi cô đưa tôi vào căn nhà nhỏ gồm 2 phòng được dựng ngay cạnh khu lớp học, trong nhà chỉ có một chiếc giường, một bộ bàn ghế học sinh và một chiếc tivi cũ. Qua lời giới thiệu, tôi biết cô là Nguyễn Thị Thu, sinh năm 1983, người còn lại tên là Ngô Thị Ánh, sinh năm 1985, cả hai đều chưa lập gia đình, nhà ở mãi tận huyện Trấn Yên, là giáo viên mầm non của Trường PTCS Hồ Bốn, lên "cắm bản" trên này để dạy hè cho học sinh. Tôi chợt nhận thấy, dù đang ở một nơi khó khăn, gian khổ nhưng các cô vẫn mang nét lạc quan, yêu đời; từ ánh mắt trong veo, nụ cười đến những cử chỉ, lời nói đều toát lên vẻ thông minh, lanh lợi.

- Nếu thiếu cơm thì trong túi xách của anh có mỳ tôm nhé, trước khi lên bản anh đã chuẩn bị bữa tối rồi đấy! - tôi nói vui.

Các cô lại cười, vẻ như đang tâm đắc lắm về một điều gì đó.

- Bọn em ở trên này chỉ thiếu người và đồ ăn tươi thôi, mỳ tôm thì nhiều lắm.

Quả thực, bữa ăn tối của chúng tôi chỉ có cá khô rang muối và rau "đắng cảy" luộc chấm mẻ chưng với mỡ. Thu tâm sự: "Mới đầu lên đây, không quen khí hậu nên ai cũng bị ốm; bọ chó thì nhiều lắm, đốt thành sẹo khắp người; chợ không có nên chỉ ăn đồ khô thôi. Nhiều hôm nhớ nhà, nhớ người thân đến không ngủ được. Chúng em còn đỡ, chứ ở điểm trường này, có chị Quỳnh đã 3 năm "cắm bản" rồi, con gái chị ấy mới được 2 tuổi mà vẫn đang phải ở với bố ở Trấn Yên đấy".

Khi hỏi về chuyện dạy và học, tôi được biết, cứ mỗi buổi sáng đầu tuần là các cô phải dậy thật sớm, đi đến từng nhà trong bản để vận động phụ huynh học sinh cho con em họ đến lớp; có những học sinh nhà ở xa, phải leo bộ gần 1 giờ đồng hồ mới đến nơi để "đón" chúng về trường. Những ngày còn lại trong tuần, các cô có một cái mõ làm bằng ống cây vầu già, cứ 7 giờ sáng thì gõ làm hiệu cho học sinh đến lớp.

- Mãi rồi cũng thành quen anh ạ! Bây giờ ngày nào mà không gặp học sinh thì buồn lắm. Tuy nhiều em tiếp thu kiến thức vẫn còn chậm nhưng bù lại, các em rất nghe lời. Bà con ở đây cũng thân thiện và tốt bụng, thỉnh thoảng họ lại mang rau củ, trái cây đến cho.

Tôi chợt nghe thấy có nhiều tiếng trẻ em lao xao nói chuyện, cười đùa phía bên ngoài. Các cô chợt như vui mừng hơn:

- Học sinh ở trong bản đấy anh ạ! Tối nào các em cũng đến đây chơi đông lắm. Thỉnh thoảng vào dịp cuối tuần, bọn em về dưới xã chơi, lúc lên, bọn nhóc cứ sà vào lòng như đã xa lâu lắm rồi ấy!.

Thấy khách lạ, lũ trẻ cứ đứng nép ngoài cửa. Tôi phải nói mình là thầy giáo, lên thăm các cô giáo thì chúng mới dám vào nhà. Chiếc tivi nhỏ được kê ngay ngắn ở góc nhà, bọn trẻ ngồi quây bên nhau, dõi mắt lên màn hình rồi nói cười, bàn tán, vài đứa líu ríu chuyền tay nhau cuốn truyện tranh... tôi cảm thấy vui lây. Thỉnh thoảng, các cô lại  giảng giải những điều mới, cho bọn trẻ, khiến chúng tỏ vẻ rất thích thú. Có lẽ, từ ngày các cô giáo đến đây, cuộc sống của đồng bào mà nhất là bọn trẻ đã có sự thay đổi nhiều. Trước đây, tôi chỉ được nghe thấy chuyện ở vùng cao, trẻ em không được đến trường, không biết chữ và phải lên nương làm cùng bố mẹ. Còn giờ đây, biết bao trẻ em nơi này đã được đi học, có nhiều đứa học hết lớp 9 rồi ra học trường huyện, tiếp tục theo đuổi hoài bão, ước mơ của mình. Còn các cô, hàng ngày, ngoài việc dạy học, vẫn thường đến nhà học sinh, chia sẻ với gia đình các em những khó khăn, thăm hỏi họ những lúc ốm đau. Màn đêm buông xuống thật nhanh, những vì sao sáng lấp lánh, chi chít khắp trời  Chống Gầu Bua. Bọn trẻ đã ra về. Không gian chợt tĩnh mịch, im ắng lạ thường, tôi có thể nghe được những tiếng côn trùng rả rích.

Không chỉ riêng ở Chống Gầu Bua mà còn ở nhiều vùng miền xa xôi khác nữa ở Yên Bái, những câu chuyện "cổ tích giữa đời thường" như vậy vẫn hằng ngày, hàng giờ được kể. Cổ tích thì có những bà tiên, ông Bụt luôn giúp đỡ mọi người, bênh vực điều thiện, trừng phạt cái ác... Còn với những con người tôi nhắc tới ở trên và còn bao nhiêu người khác như họ đã trở thành những người đặt nền móng cho sự phát triển của nhiều thế hệ mai sau của đồng bào các dân tộc vùng cao! Rồi bình minh đã đến trên đỉnh Chống Gầu Bua. Những tia nắng lan nhanh qua các nóc nhà như báo hiệu một tương lai tươi sáng của cả vùng đất này. Tương lai đó, sẽ là những con đường mới, những ngôi nhà khang trang và những công trình vững chãi do chính bàn tay, khối óc của thế hệ trẻ - những con người được học hành, hiểu biết đầy đủ của ngày hôm nay tạo nên.

  Tô Anh Hải

Các tin khác
Ngôi nhà của bà Đinh Thị Hòa, bản Pá Khết - phường Trung Tâm - một trong các hộ gia đình khó khăn nhận hỗ trợ của Chương trình 134.

YBĐT - Năm 2007 là năm thứ 3 liên tiếp thị xã Nghĩa Lộ nhận được nguồn kinh phí bổ sung của UBND tỉnh từ Chương trình 134 về hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà và nước sinh hoạt với tổng số tiền là 2.200 triệu đồng.

Các “game thủ” có thể sẵn sàng “ăn cùng game, ngủ cùng game”.

YBĐT - …23 h đêm. Trời mưa tầm tã. Bỗng chuông điện thoại réo vang, tôi nhấc máy: “Mày đi cùng tao tìm đứa em, nó bỏ nhà đi mấy hôm nay rồi, bố mẹ nó đang ốm vì lo !” - Tuấn nói. Đang ngồi trong quán game ở trên đầu cầu Yên Bái xem các "game thủ", tôi vụt đứng dậy, lao xe thẳng xuống nhà anh bạn.

Trưởng công an xã Kiên Thành và anh Hà Văn Huy tranh luận gay gắt tại điểm “chốt chặn”.

YBĐT - Trong vài năm trở lại đây, người dân huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã nhận thức được khá rõ về những lợi ích kinh tế của cây măng tre Bát Độ và chú trọng đầu tư phát triển. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm của người dân đang gặp phải những "chuyện lạ" mà có lẽ rất hiếm khi xảy ra trong thời buổi kinh tế thị trường, mở cửa thu hút đầu tư, cạnh tranh kinh doanh như hiện nay.

Cụ Bơ Thị Ma đang truyền dạy con, cháu thêu hoa văn trên váy, áo truyền thống của người Xa Phó.

YBĐT - Cùng với sự đổi mới đi lên của đất nước, người Xa Phó ở Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã và đang nỗ lực hăng say lao động, thi đua góp công, góp sức xây dựng nông thôn mới làm cho "văn hóa Xa Phó" cũng ngày càng phát triển và không ngừng được khởi sắc. Có thể nói đây là thời điểm hưng thịnh nhất của "văn hóa Xa Phó".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục