Một ngày ở Túc Đán

  • Cập nhật: Thứ hai, 10/9/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Những năm gần đây, xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) được Nhà nước đầu tư khá nhiều để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và cải thiện đời sống nhân dân. Nhưng cái đói nghèo vẫn đeo đẳng và nạn phá rừng làm nương rẫy còn xảy ra. Huyện đã chỉ đạo địa phương có nhiều giải pháp để vươn lên, bứt phá xoá đói nghèo.

Đồng chí Hà Chí Họp - Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu chủ trì cuộc họp dân ở thôn Háng Tàu kiểm điểm việc phá rừng phòng hộ đầu nguồn.
Đồng chí Hà Chí Họp - Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu chủ trì cuộc họp dân ở thôn Háng Tàu kiểm điểm việc phá rừng phòng hộ đầu nguồn.

Từ vụ phá rừng đầu nguồn ...

Niên vụ 2006 – 2007, đoàn công tác chống tái trồng cây thuốc phiện của huyện  Trạm Tấu đã phát hiện được 2.200m2 tái trồng tại các điểm Tà Dê Chơ, Tống Con, Tà Đao và đầu suối Nậm Đông của xã Túc Đán. Cuối tháng 5 vừa qua, tại địa phương này lại xảy ra vụ phá rừng đầu nguồn thuỷ điện Nậm Đông gây thiệt hại trên 40 ha.

Lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với các ngành hữu quan tiến hành điều tra, vận động nhân dân tự khai báo về hành vi phá rừng trái phép. Kết quả đã có 82 hộ dân tại 2 thôn Háng Tàu, Pá Khoang khai báo về hành vi phá rừng làm nương rẫy và cam kết không tái phạm. Nghiêm trọng hơn là trong vụ này có tới 6 cán bộ xã tham gia tiếp tay gồm: 1 trưởng thôn, 1 công an viên, 1 cán bộ địa chính, 1 bí thư Đoàn xã, 1 cán bộ mặt trận Tổ quốc và 1 xã đội phó. Đáng tiếc trong 6 cán bộ xã nói trên có 4 là đảng viên thì 3 đảng viên đương chức. Công an huyện Trạm Tấu cũng đã khởi tố vụ phá rừng nghiêm trọng, đồng thời bắt và khởi tố 2 đối tượng: Lý A Chu, sinh năm 1968, đảng viên, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Trưởng công an xã Túc Đán và Mùa A Sớ, sinh năm 1970, trú tại thôn Pá Khoang có hành vi phá rừng.

... Đến nguyên nhân

Trước tình hình đó, Huyện đã lập đoàn công tác do đồng chí Bí thư Huyện uỷ làm trưởng đoàn xuống địa phương để họp dân, làm rõ những sai phạm. Tại thôn Háng Tàu và hội nghị già làng, trưởng bản toàn xã, có nhiều ý kiến phân tích nguyên nhân phá rừng. Các hộ dân cho rằng do thiếu đất canh tác, dân đói phải đi làm nương để có cái lúa. Cũng có ý kiến ngụy biện cho việc phá rừng thì đổ tại lâm tặc đã chặt hết cây to gỗ tốt, còn lại toàn cây nhỏ nên “ nó phá ta cũng phá thôi”. Tệ hại hơn, những gia đình cán bộ tham gia phá rừng không dám nhận trách nhiệm và đổ lỗi cho vợ con, còn mình không biết. Có người dẫn lời vợ biện minh cho việc làm sai: “ Cả bản phá chứ có riêng gì nhà mình đâu, không làm nương thì lấy cái gì mà ăn. Anh có thuốc phiện đem về cho em không?”.

Nhìn vào thực tế, Túc Đán quả ít ruộng nước. Toàn xã hiện có 41 ha cấy được vụ mùa và 13 ha lúa chiêm xuân cùng 115 ha nương để cung cấp lương thực nuôi 2.400 nhân khẩu, thành ra bình quân lương thực cũng chỉ đạt 225 kg/người/năm. Từ khi xây dựng thủy điện Nậm Đông thì một số diện tích lúa nước của thôn Pá Khoang bị mất do giải toả làm công trình. Muốn khai hoang thêm cũng khó, vả lại đầu tư cho thuỷ lợi vốn lớn mà hiệu quả chẳng được là bao. Hiện nay, Túc Đán còn đến 70% hộ nghèo và thời gian qua Nhà nước vẫn phải cấp trên 5.300 kg gạo cứu đói giáp hạt cho 71 hộ.

Chỉ ra nguyên nhân đói nghèo, ông Hà Chí Họp – Bí thư Huyện ủy khẳng định: Do thiếu ruộng nước, chưa biết cách làm ăn, đẻ nhiều và tệ thả rông gia súc. Lãnh đạo một huyện vùng cao còn nhiều khó khăn của tỉnh Yên Bái, thực tiễn đã giúp ông bình tĩnh và sáng suốt hơn trong quá trình giải quyết những vụ việc như thế này. Ở nhiều hội nghị, ông chưa đồng tình với ý kiến cho rằng đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao nghèo do lười lao động và gia đình có người nghiện hút. Huyện Trạm Tấu nói chung và xã Túc Đán nói riêng tình trạng gia đình 4 - 5 con khá phổ biến. Ruộng ít, người đông nên cái đói triền miên là không tránh khỏi. Đã thế việc chuyển đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp hết sức khó khăn. Tập quán canh tác lạc hậu từ lâu đời cùng nền kinh tế tự cấp, tự túc, trông vào tự nhiên khiến họ chậm thích ứng với cách biến sản phẩm làm ra thành hàng hoá. Bây giờ lại thêm tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước: tấm lợp, bồn chứa nước, giống lúa, phân bón.. thậm chí xin mỗi hộ 1 con trâu.

Gần đây do nhu cầu tiêu dùng gỗ xây dựng tăng cao mà bọn lâm tặc tìm mọi cách phá rừng và nghiễm nhiên những người dân nghèo bị lợi dụng trở thành kẻ tiếp tay cho chúng. Có người dân ở thôn Pá Khoang còn ngang nhiên dựng ba-ri-e ngăn đường, thu tiền mãi lộ những “cửu vạn” chuyên chở gỗ mà không cần biết việc mình làm là trái pháp luật. Rừng Túc Đán chảy máu và bị phá cũng một phần nguyên nhân như vậy. Nhìn sang bên cạnh, các xã Hạnh Sơn, Phúc Sơn của huyện Văn Chấn lúa tốt, rừng xanh mà cám cảnh cho cái đói, cái nghèo đang đeo đẳng mảnh đất này.

Bao giờ Túc Đán hết nghèo?

Ruộng nước ở thôn Pá Te xã Túc Đán.

Là xã vùng ba, những năm gần đây Túc Đán được Nhà nước đầu tư khá nhiều công trình xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và cải thiện đời sống nhân dân. Cùng với xây dựng các công trình thuỷ lợi để khai hoang ruộng nước; nhà lớp học cho trường phổ thông cơ sở và mầm non; trạm y tế, trụ sở làm việc.. thì giao thông càng được chú ý. Năm 2006 và đầu năm 2007, hoàn thành tuyến đường từ trụ sở xã ở thôn Pá Te lên thôn Háng Tàu trị giá hàng tỷ đồng. Rồi đường Làng Tống đi Nậm Lành ( Văn Chấn), Háng Tàu – Làng Tống, Tà Chử – Háng Tàu, Làng Linh – Cao Dun với tổng chiều dài 7,1 km.

Trạm biến áp và đường dây cũng được xây dựng bước đầu cung cấp điện lưới quốc gia cho các hộ dân ở Pá Te, Háng Tàu, Pá Khoang. Chương trình 135, 134 và tiểu dự án phát triển kinh tế nông thôn còn hỗ trợ 7 máy xay xát, 2 máy tuốt lúa liên hoàn, 34 bộ cày bừa thủ công và hỗ trợ tấm lợp cho 34 hộ, téc nước 160 hộ, 91 con bò giống, 30 con dê giống.. Huyện cũng cử 1 cán bộ khuyến nông bám địa bàn để hướng dẫn bà con cách đưa các tiến bộ khoa học vào sản xuất nông – lâm nghiệp. Thế nhưng thói quen sản xuất manh mún làm cho người dân chưa cập được với kinh tế thị trường. Lợi thế là gần thị xã Nghĩa Lộ, diện tích tự nhiên lớn nhất huyện Trạm Tấu (14.548 ha), đất trống còn 7.094 ha hầu như chưa được khai thác.

Thực hiện Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh uỷ Yên Bái về “Phát triển kinh tế – xã hội huyện Trạm Tấu giai đoạn 2006 – 2010”, bước đầu xã đã vận động nhân dân trồng rừng kinh tế được 60 ha, chè 21 ha cùng đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hiện nay tổng đàn trâu 465 con, đàn bò 392 con, đàn lợn 828 con và gần 4.000 con gia cầm. Nếu tiếp tục tận dụng các diện tích khô hạn chuyển sang trồng cỏ chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp, chắc chắn Túc Đán sớm trở thành nơi cung cấp lớn sản phẩm thịt và sức kéo cho thị trường.

Một vấn đề nữa là phải tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao trình độ quản lý cho cán bộ cơ sở. Bài học từ việc dân phá rừng mà cán bộ xã không biết, kiểm lâm và công an địa bàn không hay, trưởng thôn bản là chủ nhóm hợp đồng bảo vệ rừng làm ngơ, đã cho thấy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở chưa được phát huy. Cùng với đó cũng phải phát huy vị thế của già làng, trưởng dòng họ trong việc vận động con cháu thực hiện tốt pháp luật: không phá rừng, không tái trồng cây thuốc phiện, cho trẻ đến trường, kế hoạch hoá gia đình, thi đua lao động sản xuất.

Có đến nơi này, nghe lời bộc bạch của già làng thôn Háng Tàu: “ Ngày xưa rừng tốt là thế, bây giờ thấy nó phá xót cái bụng lắm”, mới thấy được tình cảm của người dân vùng cao suốt đời gắn bó với rừng. Hội nghị già làng, trưởng bản toàn xã đã đi đến quyết tâm không tái phạm phá rừng làm nương, không ỷ lại vào Nhà nước mà phải tự lực, tự cường phấn đấu vươn lên. Đây cũng là một tín hiệu vui, khởi đầu cho sự bứt phá xoá đói nghèo ở xã vùng cao Túc Đán.

Thế Quynh

Các tin khác
Hạnh phúc đơn sơ của cô và trò Trường PTCS Hồ Bốn, Mù Cang Chải.

YBĐT - " ...Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai? - Những lời ca đầy trăn trở trong bài hát "Một rừng cây, một đời người" của nhạc sỹ Trần Long Ẩn gợi cho tôi nhớ đến Chống Gầu Bua - nơi giữa mùa hè vẫn có các cô giáo tình nguyện "cắm bản". Họ đã phải vượt qua bao khó khăn, vất vả để đem "cái chữ", đem ánh sáng văn minh đến cho con em đồng bào vùng cao Mù Cang Chải...

Ngôi nhà của bà Đinh Thị Hòa, bản Pá Khết - phường Trung Tâm - một trong các hộ gia đình khó khăn nhận hỗ trợ của Chương trình 134.

YBĐT - Năm 2007 là năm thứ 3 liên tiếp thị xã Nghĩa Lộ nhận được nguồn kinh phí bổ sung của UBND tỉnh từ Chương trình 134 về hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà và nước sinh hoạt với tổng số tiền là 2.200 triệu đồng.

Các “game thủ” có thể sẵn sàng “ăn cùng game, ngủ cùng game”.

YBĐT - …23 h đêm. Trời mưa tầm tã. Bỗng chuông điện thoại réo vang, tôi nhấc máy: “Mày đi cùng tao tìm đứa em, nó bỏ nhà đi mấy hôm nay rồi, bố mẹ nó đang ốm vì lo !” - Tuấn nói. Đang ngồi trong quán game ở trên đầu cầu Yên Bái xem các "game thủ", tôi vụt đứng dậy, lao xe thẳng xuống nhà anh bạn.

Trưởng công an xã Kiên Thành và anh Hà Văn Huy tranh luận gay gắt tại điểm “chốt chặn”.

YBĐT - Trong vài năm trở lại đây, người dân huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã nhận thức được khá rõ về những lợi ích kinh tế của cây măng tre Bát Độ và chú trọng đầu tư phát triển. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm của người dân đang gặp phải những "chuyện lạ" mà có lẽ rất hiếm khi xảy ra trong thời buổi kinh tế thị trường, mở cửa thu hút đầu tư, cạnh tranh kinh doanh như hiện nay.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục