Ô nhiễm môi trường Nhà máy Chế biến sắn Vũ Linh (Yên Bình)

Chuyện chưa cũ!

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/4/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Giờ đây, Nhà máy chế biến sắn Yên Bình (Yên Bái) đã ngừng hoạt động sau khi kết thúc vụ sản xuất 2007 - 2008 Mỗi ngày, không còn 3 - 4 ngàn mét khối nước thải từ Nhà máy xả ra dòng suối nhỏ Tầm Vông, hang Luồn, nhưng câu chuyện về môi trường bị ô nhiễm do Nhà máy Chế biến sắn ở xã Vũ Linh lại chưa biết bao giờ mới đến hồi kết thúc...

Người dân có bảo đảm được sức khỏe khi ngày nào cũng phải qua “hồ nước thải” trên chiếc mảng này.
Người dân có bảo đảm được sức khỏe khi ngày nào cũng phải qua “hồ nước thải” trên chiếc mảng này.

Trong năm 2007, nhân dân ở cả 13 thôn của xã Vũ Linh trồng được 445 ha sắn với năng suất khoảng 20 tấn/ha. Gần 9 ngàn tấn sắn củ được thu hoạch, giá bán bình quân 900 đồng/kg đã đem lại nguồn thu đáng kể, cải thiện đời sống nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo của xã theo tiêu chí mới còn 7,1%, trên 50% số hộ giàu và khá. Ngoài ra, Nhà máy còn thu mua một khối lượng lớn sắn của nhân dân các xã khu vực Đông hồ Thác Bà và một số nơi khác chuyển đến. Giao thương trong vùng mở rộng, các dịch vụ ở trung tâm xã Vũ Linh, nhờ đó mà phát triển nhộn nhịp theo.

Nhưng cũng từ khi Nhà máy Chế biến tinh bột sắn đi vào hoạt động cách đây khoảng 5 năm thì người dân ở Vũ Linh đã phải sống trong một môi trường ô nhiễm. Có 4 trong số 13 thôn của xã bị ảnh hưởng trực tiếp là thôn Tầm Vông, Làng Ngần, Ba Luồn, Đồng Hen. Nước thải của Nhà máy xả ra suối nhỏ Tầm Vông, đổ vào suối Làng Ngần, dòng chảy kéo dài trên 3 km hòa vào nước đập hang Luồn. Đây là công trình thủy lợi phục vụ nước tưới ruộng cấy của Vũ Linh và xã Vĩnh Kiên liền kề.

Vào mùa sản xuất sắn, người ta chỉ đi trên đường Đông hồ cũng đã khó chịu bởi xú uế bốc lên từ dòng suối nhỏ này. Vào những ngày nắng, hoặc thay đổi thời tiết không khí càng nồng nặc, nước suối đen ngòm, lớp bọt sủi lên phủ dày trên mặt nước, tôm cua, cá và các thủy sinh chẳng tồn tại lấy một mống. Nước từ đập hang Luồn theo kênh mương nội đồng hàng cây số mà vẫn "bốc mùi hôi thối", bồi lắng đen cả chân mạ mới cấy.

 Nước mang chất thải của Nhà máy Chế biến sắn về tưới ruộng nên lúa không đạt năng suất cao.

Ông Vũ Sỹ Trí - Trưởng thôn Ba Luồn cho biết: "Đời sống sinh hoạt của người dân trong thôn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bà con rất khổ khi vào vụ trồng lúa, đi cày về chân bị bám bẩn nhơn nhớt, dơ dáy rửa mãi vẫn không sạch. Cây lúa thì xanh tốt quá mức nên “lốp”, năng suất lại giảm so với trước đây. Một số hộ trong thôn bị nước thải ngấm vào ao không thể nuôi được cá và đã có 2 giếng nước bị ô nhiễm. Nhà máy cũng có hỗ trợ cho những nhà bị ảnh hưởng, nhưng bà con một mực đề nghị nhà máy và xã phải giải quyết triệt để môi trường chứ không thể cứ như thế được".

Được biết, thôn Ba Luồn có 64 hộ dân. Bà con chỉ có hơn chục ha lúa, lại gieo cấy trong điều kiện đồng ruộng ô nhiễm nên chẳng được bao nhiêu. Ở đây, mỗi nhà cũng trồng trên dưới 1 ha sắn, thu về 7-8 triệu đồng/năm mà phải sống trong môi trường như vậy thật cực chẳng đã. Ngay sự sống trên đập hang Luồn cũng có nhiều chuyện để nói. Đã cách nhà máy 3-4 km nhưng nước vẫn đen xám, hôi thối; cảm giác đậm đặc, dẻo dính khi người ta cầm cây gậy ngoáy xuống, lớp bọt lờ đờ trôi khi có gió thổi. Người mới đến đây đứng trên bờ đập lấy tay bịt mũi có khi lại không chết ngạt hoặc ói mửa vậy mà bà con vẫn phải mấy lần vượt qua mặt nước ấy.

Hàng ngày, nhân lực của khoảng 35 - 36 gia đình phải qua đập trên một chiếc mảng kéo để sang bờ bên kia trồng rừng, lấy củi, chăn trâu… Bà Triệu Thị Việt tâm sự: "Ngày nào tôi cũng phải qua lại 4 lượt, ngày có việc đi nhiều hơn. Mỗi lần về nhà rửa mãi chẳng sạch, tôi cứ phải đi lấy lá lốt, hoặc mấy thứ rau thơm sát vào chân tay mới cảm thấy bớt mùi". Nhìn chiếc mảng "rẽ" lớp váng bọt đưa người qua hồ, người ta có cảm giác, rằng họ cũng đã quen với môi trường ấy, và nó ảnh hưởng đến sức khỏe thế nào chắn chẳng ai quan tâm!.

Nhà máy có xử lý không? Đó là câu hỏi đặt ra trong nhiều năm nay. Bởi vì ngay từ khi đi vào hoạt động, Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Vũ Linh đã bị cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Năm nào lực lượng chức năng của Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái cũng kiểm tra và kiến nghị Công ty TNHH Thương mại - Đầu tư Yên Bình có giải pháp về xử lý bã, nước thải… Nhưng rồi, năm nào cũng kiểm tra và năm nào cũng tồn tại và bị xử phạt bởi hoạt động sản xuất gây tác động môi trường.

 Chỉ còn khoảng 6 tháng nữa là lại bước vào mùa chế biến sắn. UBND tỉnh Yên Bái cũng vừa đồng ý để Công ty TNHH Thương Mại - Đầu tư Yên Bình phối hợp với một công ty nước ngoài thực hiện dự án xử lý môi trường tại Nhà máy chế biến tinh bột sắn Yên Bình theo cơ chế phát triển sạch CDM. Đây là một tin vui đối với bà con ở Vũ Linh. Chuyện ô nhiễm môi trường ở đây liệu có trở thành xưa cũ hay là người dân Vũ Linh lại tiếp tục phải khổ sở chịu đựng cảnh môi trường ô nhiễm? Đây là câu hỏi chứa đựng bao nỗi niềm của người dân Vũ Linh đối với Nhà máy chế biến tinh bột sắn Yên Bình. Đồng thời, là lời nhắc nhở với các doanh nghiệp sẽ đầu tư cơ sở chế biến tinh bột sắn ở một số địa phương khác trong tỉnh.

Ông Hà Mạnh Cường - Trưởng phòng Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái) cho biết, mấy năm qua nhà máy đã không ít lần thực hiện giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường như việc xây dựng bể chứa bã, xây dựng hệ thống bể lắng, hồ chứa nước thải. Tiếp đó là việc áp dụng phương pháp ứng dụng công nghệ do Viện Vật lý và Điện tử (Viện KH&CN Việt Nam) nghiên cứu và thiết kế. Gần đây nhất là phương pháp xử lý vi sinh của kỹ sư Nguyễn Tỷ ở tỉnh Quảng Bình.

Tuy nhiên, người ta chưa giải quyết được tình trạng tồi tệ mà nhà máy sắn Vũ Linh gây ra. Lý do đơn giản là: chưa một lần nào Công ty TNHH Thương Mại - Đầu tư Yên Bình xây dựng hệ thống xử lý đúng theo thiết kế đã được phê duyệt. Kể cả khi thực hiện phương pháp xử lý vi sinh vào năm 2007 (đã áp dụng thành công ở một số nhà máy chế biến sắn), các hồ xử lý sinh học cũng không đảm bảo các yêu cầu đặt ra về dung tích và số lượng hồ. Không những thế, công suất nhà máy đã nâng lên từ 80 sản phẩm/ngày (2003) lên 160 tấn/ngày và đến nay có thể chế biến tới 200 tấn sản phẩm/ngày.

Trong vụ sắn 2007-2008, mỗi ngày đã có 3-4 ngàn m3 nước thải đổ vào nước suối hang Luồn. Chính vì vậy, các số liệu phân tích nước thải hồi tháng 1/2008 cho thấy, các chỉ tiêu về PH, BOD5, COD… đều vượt tiêu chuẩn Việt Nam cho phép và mức độ ô nhiễm nguồn nước có năm cao hơn năm trước.

Minh Quang

Các tin khác
Em Hầu Thị Thủy bên những “người bạn” của mình.

YBĐT - Với 40 con bò gốc được trao tặng cho người khuyết tật và trẻ mồ côi tại 3 huyện, 4 xã trong toàn tỉnh Yên Bái, tính đến tháng 2/2008, đàn bò đã tăng lên 77 con, góp phần giúp 39 hộ thoát nghèo.

YBĐT - Thuyền máy tiếp tục lướt sóng. Ra giữa biển hồ chỉ chút gió, sóng đã dồn lên vỗ ào ạt vào mạn thuyền. Cứ thế ngược mãi lên, bên phải là Phúc Linh - Xuân Lai - Mỹ Gia - Cẩm Nhân - Tích Cốc - Ngọc Chấn - Xuân Long, bên trái là Đại Đồng - Tân Hương - Tân Nguyên - Mông Sơn – Bảo Ái...

Một buổi sinh hoạt thường kỳ của đội ngũ giáo dục viên đồng đẳng phòng chống HIV/AIDS phường Minh Tân (TP Yên Bái).

YBĐT - Cùng với các cấp, các ngành, đoàn thể ở Trấn Yên (Yên Bái) trong chương trình mục tiêu quốc gia đấu tranh phòng chống HIV/AIDS là sự vào cuộc đầy nhiệt tình, hăng hái của đội ngũ 32 người mẹ, người vợ ở thị trấn Cổ Phúc.

YBĐT - Trong nhiều năm qua, công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã được sự quan tâm và tham gia tích cực của các cấp, các ngành hữu quan trong tỉnh, trong đó phải kể đến vai trò tích cực của lực lượng kiểm lâm, lực lượng công an, quân đội... và ban chỉ đạo PCCCR các cấp. Vì vậy, số vụ cháy rừng qua các năm đều giảm, góp phần tích cực vào việc tăng diện tích che phủ rừng trên toàn tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục