Đàn bò “Vàng” của người khuyết tật

  • Cập nhật: Thứ năm, 27/3/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Với 40 con bò gốc được trao tặng cho người khuyết tật và trẻ mồ côi tại 3 huyện, 4 xã trong toàn tỉnh Yên Bái, tính đến tháng 2/2008, đàn bò đã tăng lên 77 con, góp phần giúp 39 hộ thoát nghèo.

Em Hầu Thị Thủy bên những “người bạn” của mình.
Em Hầu Thị Thủy bên những “người bạn” của mình.

Dự án “Ngân hàng bò” dành cho người khuyết tật được Tổ chức Canada Fund bắt đầu thực hiện tại Yên Bái từ cuối tháng 12/2004 và đầu năm 2005. Xã  Tân Hương (huyện Yên Bình) là một trong những mô hình điểm của dự án này.

Từ chuyện cô bé coi bò như bạn...

Chúng tôi đến gia đình em Hầu Thị Thủy, sinh năm 1985, dân tộc Cao Lan ở thôn Ngòi Vồ, xã Tân Hương, huyện Yên Bình – em là một trong số 40 người tàn tật được Dự án “Ngân hàng bò” dành cho người khuyết tật tặng một con bò cái. Năm 2005 nhận được bò – một mơ ước lớn mà gần như cô bé có dáng người thấp nhỏ, lưng gù với dáng đi khó nhọc do bị khuyết tật bẩm sinh, chưa bao giờ dám ước mơ. Thuỷ nhớ lại, những đêm đầu có con bò đen, em gần như không ngủ, chỉ khóc. Trong người lại đang ốm mệt, chưa thể đến cảm ơn “Nhà nước” đã cho bò, Thuỷ quyết tâm gắng sức chống chọi bệnh tật. Hàng ngày dắt bò đi ăn trên triền núi, những ngày mưa không thể tự đi được, em lại nhờ mẹ đi cắt cỏ mang về, chỉ sợ “nó sẽ ốm và chết mất”. Đợt rét đậm, rét hại vừa qua, cả gia đình đã cùng nhau tận dụng những mảnh phên nứa hiếm hoi để che chắn rét cho bò, đốt lửa ấm quanh chuồng, mẹ và anh trai cô bé hàng ngày thay phiên nhau ra vườn cắt cỏ. Những đợt rét kéo dài triền miên, hết cỏ, cả nhà phải kiếm rơm khô cho bò ăn. Con bò giống được chăm sóc tốt, sinh thêm một con cái nữa, con bò cái con sang đầu tháng 8 sẽ sinh sản, còn bò mẹ sinh thêm lứa thứ 2...

Nhìn đôi tay Thủy lấy cỏ cho bò ăn, vuốt ve “cô bạn” mà ngày ngày em thường đưa đi cách nhà hơn 2km để chăn dắt mới thấy hết được hạnh phúc lớn lao mà em đang có. Còn mẹ Thuỷ, bà Ninh Thị Chính tâm sự: “Được sự quan tâm của cấp trên đã cho con tôi con bò, đó là tài sản quý giá nhất trong gia đình tôi. Trước khi nhận tôi đã rất suy nghĩ, nếu không chăm sóc tốt, con bò “vàng” sẽ ốm đau, sẽ chết, làm mất lòng tin của Nhà nước. Bao giờ đàn bò được 4 con, tôi sẽ bán đi 1 con để trang trải cuộc sống gia đình”.

Được biết, gia đình em Thuỷ là hộ nằm trong diện đặc biệt khó khăn của xã. Cha em ốm và mới qua đời được hơn 1 năm, mọi công việc đồng áng dồn hết lên đôi vai mẹ. Thủy lại thường xuyên ốm đau, phải đi viện. Cuộc sống gia đình với gánh nặng áo cơm dường như ngày càng kéo những số phận khốn khó xuống sâu thêm vũng xoáy bế tắc. Nhưng rồi hy vọng đã đến khi Dự án được mở ra, gia đình đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ rất lớn của cấp ủy, chính quyền xã khi được có tên trong danh sách nhận bò. Và đến nay, với sự chăm sóc tốt, số bò của gia đình đã không chỉ dừng lại ở một con. Khi được hỏi “Năm 2005 nếu được chọn thì em sẽ chọn bò hay tiền?”, Thủy vui vẻ trả lời: “Em vẫn muốn được cho bò. Tiền tiêu rồi cũng hết, nhưng bò thì còn sinh sản được, sẽ phát triển thêm và điều quan trọng hơn nữa là em có thêm "những người bạn" để hằng ngày "tâm sự". Em rất cảm ơn Dự án, cảm ơn sự quan tâm của Nhà nước để em thấy mình không còn là người thừa, người bị bỏ rơi”.

...Đến mơ ước của cậu bé mồ côi

Hai anh em Trần Văn Quang và Trần Thị Tươi ở thôn Khe Gầy đều mồ côi cả cha lẫn mẹ từ khi mới 7 tuổi. Tươi ở cùng bà ngoại, còn Quang ở lại nhà cũ – ngôi nhà được dựng lên bằng những tấm phên nứa xiêu vẹo.

Một em ở với bà, bàn thờ cha mẹ cũng phải đặt ở dưới bếp, cuộc sống nhọc nhằn đến mơ ước cũng chỉ là một bữa ăn no, một đêm ngủ ngon giấc. Quang kể: “Em đi vào rừng kiếm củi, làm thuê, mỗi ngày chỉ được vài nghìn đồng, đến việc mua một chiếc bánh để ăn còn khó khăn huống chi mơ ước có được một con bò, điều đó quá lớn đối với em. Thấy người ta chăn bò thì  thèm lắm mà chẳng biết làm sao. Chưa bao giờ em nghĩ mình lại có được may mắn này”. Dự án “Ngân hàng bò” theo quy định chỉ dành cho trẻ em khuyết tật, nhưng với hoàn cảnh của Quang và Tươi, cấp ủy, chính quyền và đặc biệt là cán bộ phụ trách Dự án đã linh động đề xuất để có thể tặng cho mỗi em 1 con bò.

Nhờ chăm sóc tốt và dường như "đồng cảm" với những khó khăn của những đứa trẻ, chỉ sau hơn 2 năm, đàn bò của anh em Quang đến giờ đã tăng lên 5 con. Đây thực sự là một tài sản lớn đối với anh em cậu bé mồ côi. Quang cho biết, em sẽ phát triển đàn bò để sau bán 1 con lấy vốn, mở cửa hàng buôn bán nhỏ và sẽ dành dụm tiền để sau này cưới vợ... Ước mơ nhỏ nhoi và cũng rất đời thường đó của cậu bé Quang khiến cho tất cả chúng tôi không khỏi cảm thấy ngậm ngùi, cảm thông và muốn chia sẻ với em - một cậu bé không nhận được nhiều may mắn trong cuộc sống này. 

Đi cùng đoàn chúng tôi có chị Hoàng Thị Kình - cộng tác viên của chương trình Dự án. Bắt đầu khi thực hiện Dự án, chị Kình đã đi từng nhà có bò hướng dẫn cách chăm sóc, cho ăn cỏ, đỡ khi bò đẻ con. Khi Dự án còn hoạt động, mỗi tháng chị chỉ được nhận mức thù lao 50 nghìn đồng cho công việc đó, đến khi Dự án rút đi, khoản lương ít ỏi đó cũng không còn, chị vẫn thường xuyên đến từng nhà hướng dẫn cách chăm sóc bò, đặc biệt là hướng dẫn bà con cách chống rét, ủ ấm cho bò trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua.

Chị nhớ lại: “Những ngày đầu được giao nhiệm vụ, tôi lo lắm, chỉ sợ mình không làm được. Thế rồi cứ học dần, đọc sách hướng dẫn nữa. Đợt rét vừa qua, tôi đến từng nhà bày cho cách làm chuồng, đốt lửa và hướng dẫn mọi biện pháp tránh rét... Làm được những việc có ích như vậy là một niềm vui lớn đối với tôi, góp phần giúp bà con thoát khỏi khó khăn, đẩy lùi đói nghèo”.

Khi đoàn chúng tôi chuẩn bị rời Tân Hương, chợt nghe tiếng cô bé Thủy reo lên: “Các anh chị ơi, bò nhà em sắp đẻ”. Mẹ của Thủy cùng chị Kình xắn tay áo lao vào chuồng bò làm bà đỡ. Tiếng gọi người giúp đỡ hoà lẫn với tiếng bò rống như làm tăng thêm sự nhộn nhịp của một ca “đỡ đẻ” thực thụ; một con bê ra đời trong niềm vui của cả gia đình và đoàn đi hôm đó. Một niềm vui thật trùng hợp! Đồng chí Nguyễn Công Vạng - Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tươi cười nói với chúng tôi: “Nhà báo ghi thêm một con bò nữa là 78 con nhé, con bê mới sinh này chưa có tên trong số liệu báo cáo đâu!”.

Quả thực, “có đi mới biết đường xa”, không chỉ giúp cho nông dân có cơ hội phát triển kinh tế, tiến tới thoát nghèo, Dự án “Ngân hàng bò” đã thực sự mang tới niềm vui, niềm hy vọng cho những người khuyết tật, những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn và hơn thế nữa, nó đã thổi một luồng hy vọng, một niềm tin vào cuộc sống cho nông dân, khẳng định sự ưu tiên quan tâm của Nhà nước đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, thịnh vượng...  

             Thiên Cầm

Các tin khác

YBĐT - Thuyền máy tiếp tục lướt sóng. Ra giữa biển hồ chỉ chút gió, sóng đã dồn lên vỗ ào ạt vào mạn thuyền. Cứ thế ngược mãi lên, bên phải là Phúc Linh - Xuân Lai - Mỹ Gia - Cẩm Nhân - Tích Cốc - Ngọc Chấn - Xuân Long, bên trái là Đại Đồng - Tân Hương - Tân Nguyên - Mông Sơn – Bảo Ái...

Một buổi sinh hoạt thường kỳ của đội ngũ giáo dục viên đồng đẳng phòng chống HIV/AIDS phường Minh Tân (TP Yên Bái).

YBĐT - Cùng với các cấp, các ngành, đoàn thể ở Trấn Yên (Yên Bái) trong chương trình mục tiêu quốc gia đấu tranh phòng chống HIV/AIDS là sự vào cuộc đầy nhiệt tình, hăng hái của đội ngũ 32 người mẹ, người vợ ở thị trấn Cổ Phúc.

YBĐT - Trong nhiều năm qua, công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã được sự quan tâm và tham gia tích cực của các cấp, các ngành hữu quan trong tỉnh, trong đó phải kể đến vai trò tích cực của lực lượng kiểm lâm, lực lượng công an, quân đội... và ban chỉ đạo PCCCR các cấp. Vì vậy, số vụ cháy rừng qua các năm đều giảm, góp phần tích cực vào việc tăng diện tích che phủ rừng trên toàn tỉnh.

Chị Bàn Thị N ở thôn Đồng Tý, xã Phúc An thường xuyên bị chồng đánh, bàn tay phải và chân phải đã thành tật.

YBĐT - Bạo lực gia đình đã vi phạm đến quyền con người, danh dự, nhân phẩm và tính mạng của mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, thậm chí còn làm xói mòn đạo đức, ảnh hưởng xấu tới tâm hồn, nhân cách của thế hệ tương lai.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục