Những người mẹ "đánh" AIDS

  • Cập nhật: Thứ hai, 24/3/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Cùng với các cấp, các ngành, đoàn thể ở Trấn Yên (Yên Bái) trong chương trình mục tiêu quốc gia đấu tranh phòng chống HIV/AIDS là sự vào cuộc đầy nhiệt tình, hăng hái của đội ngũ 32 người mẹ, người vợ ở thị trấn Cổ Phúc.

Một buổi sinh hoạt thường kỳ của đội ngũ giáo dục viên đồng đẳng phòng chống HIV/AIDS phường Minh Tân (TP Yên Bái).
Một buổi sinh hoạt thường kỳ của đội ngũ giáo dục viên đồng đẳng phòng chống HIV/AIDS phường Minh Tân (TP Yên Bái).

Cũng như bao bà mẹ khác có con nghiện hút, bà vò võ gánh nỗi đau thầm lặng riêng mình ròng rã suốt hai mươi năm trời. Hai mươi năm là cả quãng thời gian đằng đẵng đối với bà. Xóm làng dò xét, dị nghị rồi hắt hủi... Họ cho rằng con trai bà đã bị “AIDS” - một căn bệnh vô phương cứu chữa...

Tâm sự của một bà mẹ

Tôi gặp người mẹ ấy thật tình cờ trong một chiều cuối đông lạnh giá khi về Trấn Yên công tác. Thoạt nhìn thật khó có thể tin rằng người phụ nữ phúc hậu, cởi mở và rất dễ gần ấy lại là mẹ của một đối tượng đã từng có thâm niên 20 năm nghiện hút và có thành tích bất hảo “5 lần vào tù” - bà là Nguyễn Thị Mừng, 66 tuổi ở thôn 5, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên.

Nuốt nỗi đau vào lòng, bà nghẹn ngào : “Tôi chỉ có hai thằng con trai, nó là thằng thứ hai tên Hiền mà chẳng hiền tí nào”. Sinh năm 1969-Nguyễn Đức Hiền là con út nên được bố mẹ chiều hơn. Nhưng do bản tính lười lao động, thích ăn chơi đua đòi, Hiền theo chúng bạn đàn đúm tối ngày rồi nghiện ma tuý từ  năm 1980. Năm 2001, lần đầu tiên Hiền vào trại cai nghiện, nhưng vẫn chứng nào tật nấy.

Không từ bỏ được ma tuý, Hiền lại về trộm cắp vặt của gia đình từ con gà, giạ lúa đem bán lấy tiền để hút. Bà Mừng bức xúc: “Chúng tôi làm nhà nông cấy 1 sào ruộng được tạ rưỡi, hai tạ lúa thì nó về trộm đi đến bảy tám chục cân bán hút chích. Chưa kể đến con gà, con vịt, hễ sểnh ra là nó vặt...”. “Thành tích” tiếp theo mà “nàng tiên nâu” tặng cho Hiền là 4 lần đi cải tạo liên tục.

 Trong cuộc chiến với ma tuý, với đại dịch AIDS, các mẹ, các chị và những đứa trẻ là nạn nhân bị thiệt thòi nhiều nhất. Nhưng vì chồng, vì con, không ai khác họ đã đứng lên. Bởi, chỉ có các mẹ, các chị - những người phụ nữ ruột thịt mới có đủ can đảm, có đủ sức mạnh “nổ tiếng súng” đầu tiên trong đội quân tiên phong, tuyên chiến với căn bệnh này bằng chính tấm lòng yêu thương, thiết tha bao dung vô bờ bến của mình.

Gia đình cũng không bao che, dung túng để cho Nhà nước bắt nó đi cải tạo, hy vọng nó thành người. “Nhưng tôi biết cai nghiện được bây giờ cũng rất khó - bà Mừng lần lượt  đưa ra các dẫn chứng - dù có hiền lành nhưng khi lên cơn nghiện bọn chúng trở lên rất dữ tợn. Mỗi lần con đi cải tạo về là một lần mình phải cảnh giác vì là mẹ thật đấy, nhưng nó về tôi có đôi hoa tai cũng phải tháo cất đi. Ngộ nhỡ…! Có nhà cả con trai, con dâu đều “dính”, may mà đứa cháu không bị nhiễm. Thậm chí có nhiều đứa có quyết tâm mà muốn cai cũng không đơn giản vì khi cộng đồng chưa trong sạch, tình trạng buôn bán ma túy vẫn còn tồn tại thì xã hội vẫn còn người nghiện, gia đình vẫn còn những người vợ, người mẹ, những đứa con vô tội phải gánh chịu nỗi đau…

“AIDS”... ào vào Trấn Yên

Ông Lê Quang Nhẫn - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng huyện Trấn Yên cho biết: “Năm 2002, là năm đầu tiên Trung tâm tiếp nhận danh sách 1 đối tượng nhiễm HIV ở xã Minh Quán (là thành viên của trại giáo dưỡng từ Trung ương gửi về). Đây là cô gái 28 tuổi làm nghề mại dâm ở Hà Nội. Tiếp theo đó là xã Nga Quán có 4 trường hợp nhiễm HIV. Trong đó, có 2 trường hợp biết do thông qua khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Đau lòng hơn, là có một đối tượng nữ 23 tuổi đi làm ruộng giẫm phải bơm kim tiêm có máu của người nhiễm HIV. Trường hợp này được phát hiện trong quá trình xét nghiệm từ một ca mổ đẻ khó phải chuyển về Yên Bái.

Tính đến đầu tháng 3/2008, đại dịch HIV/AIDS đã có mặt và đang hoành hành trên khắp địa bàn 26 xã, thị trấn của  huyện Trấn Yên. Chỉ còn 3 xã là: Bảo Hưng, Đào Thịnh và Tân Đồng là chưa có bệnh nhân nhiễm HIV. Với số người nhiễm HIV là 255 trong đó, có 38 đối tượng là nữ và đã có 10 người chết vì AIDS thì hiện tại Trấn Yên đang đứng ở vị trí thứ ba, sau thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ. Đây thực sự là những con số kinh ngạc đối với  những bậc làm cha làm mẹ và cũng là hồi chuông báo động cấp với tất cả các cấp, các ngành và lãnh đạo huyện Trấn Yên.

Qua tâm sự với những người mẹ có con nghiện hút ở thị trấn Cổ Phúc, chúng tôi được biết con số 23 đối tượng, có lẽ, mới chỉ dừng lại trên sổ sách, trên thống kê của các y bác sỹ. Còn thực tế ở thị trấn thì con số này phải lớn hơn rất nhiều. Ví dụ, nhà có con trai nghiện hút chẳng nhẽ đòi lấy vợ không cho lấy. Mà khi đã không thể can ngăn thì ai dám đảm bảo nếu bị nhiễm vi rút HIV nó không truyền cho vợ, cho con?...

Đến đây, tôi chợt nhớ tới tâm sự của một con nghiện tha thiết muốn đoạn tuyệt với ma tuý là con trai của một cán bộ đương chức ở tổ 5-thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình: “Bỏ ma túy chỉ có cách duy nhất là bắt hết các đối tượng buôn bán ma tuý. Không còn người bán, dù cho có tiền bọn em cũng không thể mua được mà hút chích”.

Những người mẹ "đánh"  AIDS

Cùng với các cấp, các ngành, đoàn thể ở Trấn Yên trong chương trình mục tiêu quốc gia đấu tranh phòng chống HIV/AIDS là sự vào cuộc đầy nhiệt tình, hăng hái của đội ngũ 32 người mẹ, người vợ ở thị trấn Cổ Phúc. Họ là những người tâm huyết với công tác đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội, là những nạn nhân bất hạnh của căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS cùng chung một niềm tâm sự, cùng muốn được cộng đồng chia sẻ đã tự nguyện tham gia vào Câu lạc bộ (CLB) phụ nữ phòng chống HIV/AIDS” do Hội Phụ nữ tỉnh và Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS của tỉnh tổ chức vào trung tuần tháng 3/2008.

 

Nguyễn Thị Mừng xúc động tâm sự trong buổi lễ ra mắt CLB: “Tôi tự nguyện và quyết tâm trở thành thành viên tích cực trong CLB để vận động những người vợ, người mẹ trong gia đình đưa con em mình mắc nghiện ra ánh sáng. Vì chúng nhiễm HIV coi như đã bị lĩnh án tử hình không rõ thời gian. Nếu giấu diếm thì chính mình sẽ làm cho cái chết đến gần con hơn!”

“Con mình dứt ruột đẻ ra ai mà không thương, không xót. Người ngoài cuộc thì nói “phải con tôi, tôi cho làm trăm mảnh”, nhưng khi đối tượng đúng con mình rồi thì cũng quả khó lắm! Cách duy nhất là mình phải phát hiện sớm ngay từ đầu, để mỗi gia đình có biện pháp giáo dục, giúp đỡ, để giảm bớt gánh nặng cho chính mình và cho xã hội mà thôi”!

Vào CLB, những nỗi đau trong lòng của các mẹ, các chị  được xoa dịu. Họ tìm được tiếng nói chung đồng cảm của những phụ nữ cùng cảnh ngộ. Được nói lên tiếng nói tận đáy lòng mình để cảnh báo cho những người mẹ khác. Họ-những phụ nữ bất hạnh sẽ không còn cô đơn, buồn tủi gánh nỗi đau một mình nữa bởi gánh nặng ấy đã được cộng đồng cùng sẻ chia, an ủi. Ấy là cái đích nhân đạo, là mục tiêu, là nguyên tắc, là nhiệm vụ chung của CLB.

 

Bơm kim tiêm được thu gom, tiêu hủy tại Trung tâm Y tế Dự phòng TP Yên Bái.

 Vâng! Đúng như vậy, trong cuộc chiến với ma tuý, với đại dịch AIDS này, các mẹ, các chị và những đứa trẻ là nạn nhân bị thiệt thòi nhiều nhất. Nhưng vì chồng, vì con, không ai khác họ đã đứng lên. Bởi, chỉ có các mẹ, các chị - những người phụ nữ ruột thịt mới có đủ can đảm, có đủ sức mạnh “nổ tiếng súng” đầu tiên trong đội quân tiên phong, tuyên chiến với căn bệnh này bằng chính tấm lòng yêu thương, thiết tha bao dung vô bờ bến của mình.

Sức mạnh ấy, tấm lòng bao dung độ lượng ấy của các mẹ, các chị sẽ là hơi lửa ấm, thắp lên trong đường hầm cho những người chồng, người con lạc lối tìm đường về với cộng đồng. Ánh lửa ấy còn là tia hy vọng ân xá vô thời hạn cho cả hàng trăm cái án tử hình treo lơ lửng trên đầu những đối tượng  đang có nguy cơ cao. Người dân ở Cổ Phúc - Trấn Yên gọi họ là “Những người mẹ đánh AIDS”. 

Thanh Hương

Các tin khác

YBĐT - Trong nhiều năm qua, công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã được sự quan tâm và tham gia tích cực của các cấp, các ngành hữu quan trong tỉnh, trong đó phải kể đến vai trò tích cực của lực lượng kiểm lâm, lực lượng công an, quân đội... và ban chỉ đạo PCCCR các cấp. Vì vậy, số vụ cháy rừng qua các năm đều giảm, góp phần tích cực vào việc tăng diện tích che phủ rừng trên toàn tỉnh.

Chị Bàn Thị N ở thôn Đồng Tý, xã Phúc An thường xuyên bị chồng đánh, bàn tay phải và chân phải đã thành tật.

YBĐT - Bạo lực gia đình đã vi phạm đến quyền con người, danh dự, nhân phẩm và tính mạng của mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, thậm chí còn làm xói mòn đạo đức, ảnh hưởng xấu tới tâm hồn, nhân cách của thế hệ tương lai.

Do HS lớp 10A6, Trường THPT bán công Nguyễn Khuyến bỏ học quá nhiều nên nhà trường phải ghép lớp 10A6 và lớp 10A7 thành một lớp.

YBĐT - Từ đầu năm học 2007- 2008, đến sau tết Nguyên đán Mậu Tý, tình trạng học sinh bậc trung học phổ thông và học sinh trung học cơ sở ở 9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh Yên Bái đã bỏ học khá nhiều; có trường số học sinh bỏ học tới trên 10%. Vì sao học sinh THPT và THCS bỏ học nhiều? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã đến một số trường học, các đơn vị quản lý giáo dụ, gặp gỡ các nhà quản lý giáo dục và học sinh, phụ huynh học sinh... tìm hiểu nguyên nhân.

Đông đảo đoàn viên thanh niên tình nguyện giúp bà con khai hoang ruộng nước ở cánh đồng Nậm Tộc.

YBĐT - Sau hơn 3 tiếng đồng hồ trèo đèo, lội suối, chúng tôi cũng đến được cánh đồng Nậm Tộc thuộc thôn Tống Trong, xã Túc Đán, nơi được Huyện đoàn Trạm Tấu chọn là điểm để khai hoang ruộng nước thâm canh tăng vụ, giúp người dân phát triển kinh tế trong Tháng thanh niên 2008.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục