Yên Bái: Rừng chỉ được an toàn khi nhân dân bảo vệ
- Cập nhật: Thứ tư, 19/3/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trong nhiều năm qua, công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã được sự quan tâm và tham gia tích cực của các cấp, các ngành hữu quan trong tỉnh, trong đó phải kể đến vai trò tích cực của lực lượng kiểm lâm, lực lượng công an, quân đội... và ban chỉ đạo PCCCR các cấp. Vì vậy, số vụ cháy rừng qua các năm đều giảm, góp phần tích cực vào việc tăng diện tích che phủ rừng trên toàn tỉnh.
|
Tuy nhiên, xét một cách khách quan thấy rằng, công tác PCCCR ở Yên Bái vẫn còn nhiều việc phải bàn. Thực tế, rừng của chúng ta vẫn còn có lúc, có nơi để xảy ra cháy, thậm chí có những địa phương trong vụ khô hanh vừa qua đã để xảy ra cháy hàng trăm ha trong thời gian ngắn và trong cùng một khu vực. Hiện nay, đang là vụ khô hanh và là thời kỳ cao điểm dễ xảy ra cháy rừng, nhất là ở các huyện vùng cao như Trạm Tấu , Mù Cang Chải và các xã vùng cao huyện Văn Chấn.
Do thấy được tầm quan trọng của công tác PCCCR, nên công tác này luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đặc biệt khi bước vào mùa khô hanh. Ban chỉ đạo từ tỉnh đến các tổ đội PCCCR ở thôn bản được củng cố, họp bàn và triển khai các phương án nhằm chỉ đạo tốt nhất công tác PCCCR. Các lực lượng nòng cốt như kiểm lâm, công an được tăng cường xuống cơ sở bám trụ tại cơ sở để chỉ đạo, các trang thiết bị phục vụ cho công tác PCCCR được bổ sung tăng cường cả về số lượng và chất lượng...
Khi đánh giá chỉ ra các nguyên nhân tồn tại, nguyên nhân gây ra cháy rừng để tìm ra biện pháp khắc phục và phòng chống một cách hiệu quả nhất chúng ta đều khẳng định và thống nhất rằng: nguyên nhân chính chiếm trên 70% các vụ cháy rừng là do việc đốt nương làm rẫy, đốt đồng cỏ chăn nuôi gia súc. Chính vì vậy, ngoài việc tuyên truyền giáo dục về tác hại của việc cháy rừng cho đồng bào, một số địa phương nhất là các huyện vùng cao đã tăng cường quản lý chặt chẽ việc đốt nương làm rẫy, thậm chí việc quản lý nương rẫy còn được gắn với trách nhiệm của kiểm lâm viên, công an viên cơ sở. Những biện pháp đó đã hạn chế rất nhiều vụ cháy rừng xảy ra.
Rừng già Trạm Tấu.
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là: Tại sao rừng vẫn cháy? Có địa phương vẫn còn hàng chục vụ cháy liên tiếp trong mỗi năm, gây thiệt hại rất nhiều về tiền của và môi trường mà nguyên nhân chủ yếu vẫn do con người. Vậy, làm gì để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy rừng? Thiết nghĩ, trước mắt các cấp, các ngành liên quan cần rà soát quy hoạch và phân bổ lại rừng và đất rừng một cách có hệ thống để người dân thực sự được làm chủ diện tích rừng của mình, từ đó họ mới có quyền lợi và trách nhiệm thực sự.
Sau nhiều năm chúng ta làm tốt công tác tuyên truyền, hầu hết người dân đã hiểu được hậu quả của cháy rừng, hiểu được trách nhiệm của mình khi gây ra cháy rừng nhưng họ chưa tự giác. Một thực tế hiện nay ở các huyện vùng cao trên danh sách người dân được giao rừng, nhưng bản thân họ thì không biết là rừng của mình ở đâu và tiền khoán bảo vệ rừng hàng năm vẫn phải chia đều cho các hộ dân trong vùng. Bởi lẽ đó mà người dân, nhất là đồng bào vùng cao vẫn coi rừng là của Nhà nước. Như vậy, dù Kiểm lâm, công an, quân đội có căng hết lực lượng ra thì rừng vẫn cứ cháy vì người dân chưa hoàn toàn vào cuộc.
Một vấn đề cũng không kém phần quan trọng, đó là việc xử lý các đối tượng vi phạm chưa thực sự nghiêm minh. Trong hệ thống các văn bản pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng đã quy định rất rõ về trách nhiệm và các hình thức xử lý đối với các đối tượng vi phạm và gây thiệt hại rừng mà gần đây nhất, cụ thể nhất là nghị định 39/CP của Chính phủ. Theo đó, người gây thiệt hại từ 7000 m2 rừng trở lên thì bị truy tố. Tuy nhiên, số đối tượng gây cháy rừng được xử lý theo đúng quy định của pháp luật lại chiếm tỷ lệ thấp.
Từ năm 1999, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 245, trong đó quy định rõ địa phương nào để xảy ra thiệt hại về rừng thì trước hết người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, việc quy trách nhiệm cho lãnh đạo ở một số địa phương có lúc, có nơi chưa thực sự nghiêm minh, thế là nơi cháy nhiều cũng như nơi cháy ít, cùng lắm thì bị cấp trên phê bình, hết mùa khô mọi việc lại trở thành bình thường. Thiết nghĩ, đây cũng là vấn đề cần phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc.
Vấn đề cuối cùng xin được đề cập đó là, trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở. Ở một số địa phương nhất là vùng cao, lãnh đạo còn chưa quan tâm đúng mức đến công tác này, mặc dù đã được quán triệt chỉ đạo rất sát sao, thậm chí có sự đôn đốc thường xuyên của các ngành chức năng. Vậy, câu hỏi được đặt ra là, phải chăng những cán bộ này hạn chế về trình độ nhận thức? Câu trả lời là không! Bởi họ đã được chỉ đạo, đôn đốc, tập huấn... Mà nguyên nhân chính là chưa có biện pháp xử lý thích đáng về phạm vi trách nhiệm.
Vẫn biết công tác PCCCR ở Yên Bái gặp phải nhiều khó khăn bởi trình độ dân trí, trình độ nhận thức của một bộ phận cán bộ, của nhân dân không đồng đều nhưng chúng ta vẫn có thể thực hiện nhiệm vụ này tốt hơn nếu quy trách nhiệm rõ ràng hơn cho lãnh đạo cơ sở; xử lý nghiêm những đối tượng gây cháy theo quy định của pháp luật và xác định rằng, công tác PCCCR chỉ thực sự hiệu quả khi toàn dân tham gia. Rừng chỉ được an toàn khi nhân dân bảo vệ, nhân dân chỉ thực sự bảo vệ rừng khi rừng thực sự là của dân.
Khánh Linh
Các tin khác
YBĐT - Bạo lực gia đình đã vi phạm đến quyền con người, danh dự, nhân phẩm và tính mạng của mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, thậm chí còn làm xói mòn đạo đức, ảnh hưởng xấu tới tâm hồn, nhân cách của thế hệ tương lai.
YBĐT - Từ đầu năm học 2007- 2008, đến sau tết Nguyên đán Mậu Tý, tình trạng học sinh bậc trung học phổ thông và học sinh trung học cơ sở ở 9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh Yên Bái đã bỏ học khá nhiều; có trường số học sinh bỏ học tới trên 10%. Vì sao học sinh THPT và THCS bỏ học nhiều? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã đến một số trường học, các đơn vị quản lý giáo dụ, gặp gỡ các nhà quản lý giáo dục và học sinh, phụ huynh học sinh... tìm hiểu nguyên nhân.
YBĐT - Sau hơn 3 tiếng đồng hồ trèo đèo, lội suối, chúng tôi cũng đến được cánh đồng Nậm Tộc thuộc thôn Tống Trong, xã Túc Đán, nơi được Huyện đoàn Trạm Tấu chọn là điểm để khai hoang ruộng nước thâm canh tăng vụ, giúp người dân phát triển kinh tế trong Tháng thanh niên 2008.
YBĐT - Xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có 7 bản, 254 hộ thì tất thảy đều là người Mông, ngoài cách trở về giao thông, khó khăn về kinh tế, không đồng đều về trình độ dân trí, đây cũng là một trong những yếu tố khiến cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân gặp nhiều trở ngại.