Ở nơi non cao Hồ Bốn

  • Cập nhật: Thứ tư, 23/4/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đứng ở trụ sở UBND xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đặt tại bản Trống Là, nhìn tứ bề chỉ thấy núi. Núi như tường thành, khiến mắt lúc nào cũng phải ngước lên mới thấy đỉnh. Phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự xã Sùng A Nhà chỉ tay lên những đỉnh ngọn núi xa xa trong mây trắng và nói: “Muốn lên Háng Á, Trống Chở, Háng Đề Chu, Chống Gầu Bua… thì phải vượt lên trên dãy núi mù xa kia!”...

Đội tuần tra chống tái trồng thuốc phiện xã Hồ Bốn đang bàn phương án kiểm tra.
Đội tuần tra chống tái trồng thuốc phiện xã Hồ Bốn đang bàn phương án kiểm tra.

Từ thị trấn Mù Cang Chải, xe chúng tôi theo quốc lộ 32, xuôi dòng Nậm Kim để đến với Hồ Bốn. Dẫn đường cho chúng tôi là anh Nguyễn Văn Trúc - cán bộ Phòng Văn hóa huyện. Tên người Kinh là vậy, nhưng trong huyết quản của ảnh Trúc có sự hòa trộn giữa dòng máu Mông và dòng máu Kinh. Quê ngoại anh Trúc, chính ở nơi non cao Hồ Bốn này. Chuyện anh Trúc kể thì dài lắm, nhưng đại khái là, cách đây hơn 50 năm, một chàng trai đất Tổ vua Hùng, là bộ đội lên tiễu phỉ đã phải lòng cô gái Mông xinh đẹp người bản Páo Lầu. Phỉ hết, đoạn kết của câu chuyện tình trên núi là mười ba người con hòa quyện giữa Kinh và Mông lần lượt ra đời. Và, anh Trúc là một  trong những người đó!

Làm việc với chúng tôi là Phó chủ tịch UBND xã Lìm Văn Hoà. Thoạt nhìn, khó ai có thể biết anh Hoà là người dân tộc Thái. Dáng cao lớn, ăn nói hoạt bát, lại diện áo trắng, quần thô, giầy thể thao chẳng khác gì người vùng thấp. Nhưng điều gây cho tôi ngạc nhiên nhất đó là, không cần giở sổ sách, báo cáo, anh cán bộ vùng cao này có thể cung cấp vanh vách cho tôi những số liệu, thông tin về xã.

Nằm dọc theo quốc lộ 32 là 9 km, chiều rộng tới 15 km, Hồ Bốn có diện tích tự nhiên 5444, ha. Là xã thượng huyện, nên Hồ Bốn là địa bàn giáp ranh với 3 xã: Tả Mang, Mường Kim, Nà Cang của huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu) và Nậm Xéng của huyện Văn Bàn (tỉnh Lào Cai). Khác với nhiều xã, 344 hộ dân và trên 2000 nhân khẩu, trong đó 95% là đồng bào Mông ở đây không bám mặt đường sinh sống. Lý do chính là do núi cao, đất dốc bà con phải lùi sâu vào núi mới có đất canh tác. Vì vậy, muốn đến với bà con ở các bản đều phải đi mất cả ngày trời. Trên núi cao, ruộng cũng không nhiều. Toàn xã chỉ có 80 ha ruộng lúa nước, trong đó có 40 ha có nước cấy được hai vụ.

Vậy nên, đến với Hồ Bốn, nhìn mãi mà không thấy một khoảnh ruộng bậc thang nào vừa ý mà ruộng cứ loen hoen từng đám. Đất "mênh mông bể sở" nhưng thiếu mặt bằng canh tác và mặt bằng để làm nhà ở. Trường THCS của xã, nằm ở khu trung tâm cũng chỉ có mặt bằng rộng chừng héc ta, muốn mở rộng cơ sở cũng gặp rất nhiều khó khăn vì không còn đất. Đây có lẽ cũng chính là nguyên nhân để có tới 86,6% hộ dân số  trong xã thuộc diện đói nghèo. " Đói nghèo là vậy, nhưng được cái là tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Hồ Bốn rất tốt, nhất là nhiều năm nay, trong xã không có người dân nào trồng thuốc phiện" - Anh Trúc cho biết.

Ở độ tuổi sáu mươi nhưng với dáng người săn chắc, nhanh nhẹn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã - ông Sùng A Vừ vẫn còn rất khoẻ. Nghe nói, trước đây ông đã từng giữ chức Bí thư Đảng uỷ xã. Sau khi đảm nhiệm cương vị này vài nhiệm kỳ ông đã nghỉ, nhưng xã vẫn cần, nên yêu cầu ông tham gia công tác mặt trận. Hỏi chuyện ngày trước, ông nhẩn nha:"Đất rộng, người thưa, núi cao, lại nằm địa bàn giáp ranh, trước đây Hồ Bốn cũng là mảnh đất của thuốc phiện. Diện tích thuốc phiện trong xã cũng có tới vài chục ha. Phần lớn người dân trồng thuốc phiện. Lúc đó thuốc phiện sẵn như thuốc lào bây giờ, xin cũng được một nắm. Sẵn như vậy, nên hầu như người dân nào, nhất là thanh niên đều biết sử dụng..."

Cây anh túc không đem lại sung sướng mà chỉ làm nghèo khổ, suy mòn nòi giống người Mông ở Hồ Bốn. Thực hiện chủ trương của Đảng về xoá bỏ thuốc phiện, Hồ Bốn là một trong những xã đi đầu. Nói thì vậy, nhưng để xoá những gì đã đi vào cuộc sống nghìn đời của đồng bào không phải dễ dàng. Những năm 90 của thế kỷ trước, lớp cán bộ như bác Vừ là những cán bộ vất vả nhất. Phải đến từng bản, từng nhà tuyên truyền, vận động đồng bào biết chủ trương của Đảng, nhà nước, chỉ cho  bà con biết tác hại của thuốc phiện. Vận động nhiều lần, người dân hiểu, nghe theo, mọi nhà đều ký cam kết không tái trồng, không buôn bán, sử dụng thuốc phiện...

Những nương thuốc phiện ở Hồ Bốn dần được thay thế bằng lúa nương, thảo quả…, nhưng di chứng của những ngày “nàng tiên nâu” ngự trị cũng thật nặng nề, bởi toàn xã có 42 người nghiện. Vậy là, lại tổ chức vận động cai nghiện. Qua tuyên truyền, vận động và bằng hành động kiên quyết xử lý, nhiều người nghiện nặng như: Vừ A Chu ở bản Háng Đề Chu; Vừ A Tính ở bản Trống Chở; Cứ A Lù ở bản Páo Lầu; Giàng A Sử, Tráng A Sủa đều ở bản Háng Á…đã cai nghiện được thuốc. Đặc biệt là Giàng A Châu - một người nghiện có "thâm niên" sau khi cai đã được bầu làm Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã. Đây chính là những tấm gương để giáo dục đối tượng lầm lỡ vào con đường nghiện hút. Hiện trong xã chỉ còn hai đối tượng nghiện là Vừa A Phia ở bản Trống Chở và  Sùng A Ký ở Trống Gầu Bua, cả hai đối tượng này đang được xã quản lý chặt chẽ.

Cai nghiện cho người nghiện thuốc phiện đã khó, nhưng ở nơi non cao này chống tái trồng thuốc phiện là công việc khó khăn gian nan gấp nhiều lần. Gần hai chục năm đã trôi qua, lúc ấy còn khoẻ, những cán bộ như bác Vừ là những người đi đầu trong việc chống tái trồng thuốc phiện. Nay đầu gối đã  mỏi, công việc đó lại được dành cho thế hệ trẻ là Phó chủ tịch Lìm Văn Hoà, Phó trưởng Ban Chỉ huy Quân sự Sùng A Nhà… Đến hẹn lại lên, khi những bông hoa tớ dảy nở thắm bên đồi, báo hiệu mùa xuân sắp đến, cũng là mùa gieo trồng thuốc phiện bắt đầu và là lúc đoàn kiểm tra của xã lại lên đường. Đất rừng của mình, nhưng để kiểm tra dân có tái trồng thật khó khăn, vất vả do thuốc phiện thường trồng ở rừng già, địa bàn giáp ranh. Thường, mỗi đợt kiểm tra phải có 5 - 6 người, khi đi phải đem theo những đồ dùng thiết yếu như: chăn màn quần áo, gạo… để sống trong rừng ba bốn ngày.

Khó có thể kể hết những khó khăn vất vả trong việc kiểm tra vì đường xa. Từ trung tâm xã vào các bản như: Háng Á 15 km, Trống Gầu Bua hơn 10 km…từ bản lại phải vào rừng mất cả ngày trời, đó là chưa kể đến mưa rừng, gió núi, muỗi vắt… Vậy mà, một năm bốn lần, những cánh rừng như: Háng Làng Dê, Chống Làng Rùa, Chống Lù Khù… lại in bước chân  đoàn cán bộ kiểm tra. "Nhiều khi kinh phí cho việc xóa thuốc phiện không có, anh em phải bỏ tiền túi ra để hoạt động. Nhưng điều vui nhất đó là từ năm 1994 trở lại đây, không phát hiện trên đất Hồ Bốn một mét vuông thuốc phiện nào" - anh Hoà tâm sự.

Ở nơi non cao như Hồ Bốn mà 14 năm liền không có thuốc phiện thật là thành tích đáng nể. Khi nghe thông tin này ở huyện, thấy tôi có vẻ không tin, mấy anh ở huyện đều khẳng định điều này là có thật, vì để tránh sự gian dối, Mù Cang Chải đã tổ chức kiểm tra chéo giữa xã này và xã kia. Trong những đợt kiểm tra chéo đó thì Lao Chải và Khau Mang là những xã giáp ranh vẫn còn, nhưng Hồ Bốn thì không! Những thành tích trong công các triệt phá, tái trồng cây thuốc phiện và quả lý đối tượng nghiện hút ở Hồ Bốn đã được Huyện đoàn Mù Cang Chải nghiên cứu để xây dựng điển hình điểm xã không có ma tuý, còn Phòng Văn hoá huyện Mù Cang Chải đang chỉ đạo xây dựng Hồ Bốn là xã văn hoá vùng cao.

            Nguyễn Đình

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục