Nhớ nhung Tây Bắc Mường Lò

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/12/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Tháng 10-2008, sau hơn 25 năm tôi mới có dịp trở lại vùng Mường Lò, tỉnh Yên Bái - miền đất cội nguồn của người Thái Tây Bắc.

Vòng xòe đêm hội (xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ ngày 17/10/2008).
Vòng xòe đêm hội (xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ ngày 17/10/2008).

Tổng biên tập Báo Yên Bái Bùi Anh Túy đã vào Mường Lò từ hôm trước. Đón và đưa chúng tôi lên Nghĩa Lộ là Phó Tổng biên tập Phí Văn Nam. Phí Văn Nam có bút danh là Hoài Nam nên đồng nghiệp thân mật gọi là Phó Hoài Nam. Qua cầu Âu Lâu một đoạn, Phó Hoài Nam bảo tôi:

- Ông già trong bài "Mùa hoa ban nở" của anh vẫn còn sống đấy, năm nay ông già đã ngoài 80 tuổi rồi!

- Thế à? - Tôi bật giọng sung sướng - Hồi đó, mùa xuân năm 1983, tôi lên Văn Chấn đúng vào lễ hội hoa ban của người Thái Mường Lò. Anh Bùi Anh Túy, lúc đó là Phó trưởng Phòng Phóng viên Báo Hoàng Liên Sơn, gợi ý tôi viết một bài nhẹ nhàng mang chất phóng sự về lễ hội hoa ban. Một trong những nhân vật theo các anh Phòng Văn hóa huyện Văn Chấn khuyên chúng tôi nên đưa vào bài là ông Lò Văn Biến - một nghệ nhân, một nhà sưu tầm văn hóa người Thái Mường Lò. Ông Biến là dân tộc Thái xã Pú Chạng, nay là phường Pú Chạng, thị xã Nghĩa Lộ, tôi và anh Túy đã không ngần ngại tìm đến nhà ông.

Phó Hoài Nam cho biết tiếp, ông Biến nay tuy tuổi tác đã cao song trí nhớ vẫn tốt, vẫn là người kể chuyện hay và hấp dẫn về thiên tình sử có liên quan đến lễ hội hoa ban của người Thái ở tam tổng Mường Lò. Chuyện tóm tắt rằng từ ngày xửa, ngày xưa, ở tam tổng Mường Lò có nàng Khôm nhà nghèo và chàng Tào Nu nhà giàu đem lòng yêu nhau. Bố mẹ Tào Nu ngăn cản không cho Tào Nu yêu nàng Khôm.

Yêu nhau không lấy được nhau, hai người rủ nhau lên hang Thẳm Ngoạng (tiếng Thái nghĩa là hang Rừng Ve) tâm sự. Ưu tư, buồn phiền, chàng Tào Nu ốm đổ bệnh nặng rồi chết, biến thành con Tô Mánh Lúk (con ve) suốt ngày ra rả than thở cho phận tình duyên bạc bẽo. Còn nàng Khôm thì ngay sau đó bị bố, mẹ ép gả cho một chàng trai khác.

Nàng không chịu, chạy băng qua những bãi cỏ bụi cây hoang rậm vào rừng. Gai cào, máu chảy từ cơ thể nàng nhuốm vào cây thành màu tím; nàng biến thành một loài hoa mọc khắp núi rừng. Người Thái thứ gì đẹp đẽ, ngọt ngào nhất đều gọi là ban. Thế nên nàng Khôm hóa thành hoa, cũng được gọi là hoa ban. Mối tình đôi nam nữ Nu - Khôm tinh khôi như cánh ban trắng, son sắc như chùm ban tím điểm.

Mùa xuân tháng Giêng, tháng Hai âm lịch, người Thái tam tổng  Mường Lò mở lễ hội hoa ban để tưởng nhớ nàng Khôm, chàng Nu. Người già thì khấn: "Mường Lò rộng nhiều cánh đồng/Mường Lò rộng xa như nếp nghĩ/Núi tiếp núi lô nhô, vách đá dựng nên hang/Phía tay trái trâu đá to nằm phục/Lễ đặt đây: Hang ăn trước, trâu đá ăn sau/Mời bốn phương trời, mười phương đất cùng ăn...".

 

Thiếu nữ Thái trong ngày hội.

Các đôi nam thanh, nữ tú vui hội rủ nhau đi hái hoa ban. Từng tốp dăm ba đôi trai gái, con trai trèo lên cây, con gái đứng dưới hứng ớp (giỏ) đón hoa. Các đôi trai gái đã sẵn ý tình thì mong được loài hoa đẹp se duyên. Không biết bao đôi trai gái đã nên vợ thành chồng qua những chùm ban như thế. "Ta yêu nhau khi ban còn đơm nụ/Ta yêu nhau khi ban nở trên cành" (Tình ca Thái)...

Phó Hoài Nam tiếp tục kể, mới rồi phóng viên Báo Yên Bái vào gặp ông Biến, ông tự hào khẳng định dù đã ngoài 80 tuổi, đã đi nhiều nơi nhưng ít nơi nào như người Thái Mường Lò còn giữ được những nét văn hóa của cha ông để lại, từ nếp nhà sàn với biểu tượng Khau cút, đến nghề dệt thổ cẩm cùng trang phục truyền thống, phong cách ẩm thực, các lễ hội độc đáo, những điệu khắp (hát, ngâm) trữ tình, những điệu khèn, pí da diết, vòng xòe nồng say... Tất cả như những viên ngọc quý, ngày ngày được mài giũa tỏa sáng muôn màu. Ông Biến bảo phóng viên:

- Nói đến Mường Lò là nói đến "gạo trắng, nước trong/Ai đi đến đó lòng không muốn về". Mường Lò là vùng đất lễ hội "Xên bản xên mường" (Cúng bản cúng mường), "Xên đông" (Cúng rừng). Đến với Mường Lò là đến với các điệu xòe nồng say của hơn 30 điệu xòe nổi tiếng: "Không xòe không tốt lúa, không xòe thóc cạn bồ", "Không xòe trai gái không thành đôi".

Mường Lò còn là quê hương của thiên truyện thơ nổi tiếng: "Xống chụ xôn xao" (Tiễn dặn người yêu), "Hun Lú nang Ủa" (Chàng Lú nàng Ủa), "Í ưởi í noọng" (Cô chị cô em). Đặc biệt, Mường Lò còn là vùng đất tổ của người Thái Tây Bắc.

Ông Biến mở tủ lật cho phóng viên xem một quyển sách, ông bảo đây là cuốn "Quám tố mương", tức "Chuyện bản Mường" của người Thái Đen Tây Bắc. Sách ghi chuyện kể vào khoảng thế kỷ XI, hai anh em Tạo Xuông, Tạo Ngần đưa người Thái từ "Xíp xoong pắn nả" (vùng đất có mười hai nghìn ruộng) tới vùng Mường Lò đất rộng tươi tốt, cùng nhau khai đất, vỡ hoang. Khi đã ổn định cuộc sống, Tạo Ngần chia tay người anh Tạo Xuông trở về quê cũ, tiếp tục đưa một nhóm người Thái khác theo đường Lào, Thái Lan... Tạo Xuông ở lại cùng con trai là Tạo Lò lãnh đạo người Thái Đen khai phá nên đất Mường Lò.

Bởi vậy trên đầu hồi nhà người Thái Đen luôn mang biểu tượng "Khau cút", đó là hai thanh gỗ bắt chéo nhau có chạm trổ hình hoa sen và hai vầng trăng khuyết hướng vào nhau, ngụ ý hai anh em Tạo Xuông, Tạo Ngần cùng con cháu của người luôn nhớ đến nhau.

Người dân Mường Lò ngày nay còn vẫn kể cho con cháu nghe giai thoại về "Ải Lậc Cậc", tức "Bố Khổng lồ" (một dị bản của Thần Trụ Trời), bậc có công khai thiên lập địa nên xứ Tây Bắc, vết chân của người khi giao tranh với kẻ thù đã tạo nên cánh đồng Mường Lò rộng thứ hai Tây Bắc này.

Rồi chuyện về nữ tướng Nàng Han lãnh đạo nhân dân chống quân xâm lược phương Bắc. Nay hang Thẩm Han và đền thờ người ở xã Sơn A (Văn Chấn) mỗi độ xuân về người dân Nghĩa Lộ lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công ơn người anh hùng của bản mường...

Phó Hoài Nam bỗng dứt mạch lễ hội hoa ban Mường Lò, anh nhổm người lên nhắc mọi người trên xe quan sát cửa ngõ thị xã Nghĩa Lộ, đó là cánh đồng Mường Lò rộng hơn 3.000 ha đang mùa thu hoạch. Quay sang tôi, anh bảo: - Thị trấn Nghĩa Lộ hồi anh lên giờ lại trở thành thị xã! Năm 1995, sau khi tái lập tỉnh Lào Cai và Yên Bái được 4 năm thì thị trấn Nghĩa Lộ có quyết định thành thị xã lần thứ hai gồm 4 phường: Trung Tâm, Tân An, Cầu Thia, Pú Chạng và ba xã Nghĩa An, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc.

Thị xã Nghĩa Lộ nằm giữa cánh đồng Mường Lò lớn thứ hai của miền núi Tây Bắc nước ta: "Nhất Thanh, nhì Lò". Nhất Thanh, là cánh đồng Mường Thanh, tỉnh Điện Biên; nhì Lò là cánh đồng Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Thị xã có 12 dân tộc sinh sống, đông nhất là người Thái. Nhiều năm nay, thị xã Nghĩa Lộ là trung tâm kinh tế - xã hội của các địa phương miền Tây Yên Bái, gồm thị xã Nghĩa Lộ và các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải.

Mặt trời khuất núi Mù Cang Chải từ bao giờ. Tổng biên tập Báo Yên Bái Bùi Anh Túy có lẽ đã chờ chúng tôi khá lâu ở thị xã Nghĩa Lộ nên vừa gặp nhau "tay bắt, mặt mừng", anh đã bảo chúng tôi lên xe xuống luôn xã Nghĩa An - nơi tổ chức đêm hội Mường Lò.

Một dãy nhà sàn, rượu bày ra, chủ khách hân hoan. Phó Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa An Hoàng Thị Thái, còn rất trẻ so với tuổi 37, uống với tôi liền hai chén. Chị bảo Nghĩa An có nghề dệt thổ cẩm, là xã có nhiều đội múa xòe... Chị rất mong ngày nào đó sang Tuyên Quang, đến thăm, học tập làng thổ cẩm, Làng văn hóa Tân Lập, Tân Trào.

Đúng 20h tối ngày 17-10, đêm hội bắt đầu bằng màn trống hội rộn rã, tưng bừng do các tay trống người dân tộc Thái, Mường, Mông thể hiện. Tiếp theo là màn trình diễn trang phục các dân tộc vùng Mường Lò miền Tây hoa ban trắng. Cùng với hàng ngàn du khách, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, đắm say những cô gái Thái căng tràn sức trẻ trong dáng áo cỏm óng vàng và chiếc váy nhung huyền; các cô gái Mông xúng xính trong chiếc váy thổ cẩm sặc sỡ sắc màu; cô gái Khơ Mú tươi xinh trong chiếc váy buông trong tiết mục múa "Sàn Hạn Khuống" cùng lời hát:

"Anh từ bản xa nhìn thấy lửa/Nhìn thấy bóng áo chàm của em/Nhìn thấy má hồng muốn hỏi thăm/Nhìn thấy "sàn hoa" muốn đến chơi/'Sàn hoa của người yêu đấy..."/"Anh từ phương nào tới/Rau ai mà lạc vườn này/Chồng ai mà lạc vào phòng phượng loan...". Tiếp tiết mục Hạn Khuống, những cô gái bản Mường uyển chuyển trong điệu múa "Hội cầu mùa" của đồng bào Thái với 6 điệu xòe cổ: nhôm khăn, khắm khen, chôm chiêng, đổn hôn, ỏm lọm tốp mư, phá xí và điệu khắm khăn mơi lẩu. Sau 6 điệu xòe cổ là màn đại xòe rộn ràng, rạo rực, mê say.

Ngọn lửa đêm xòe dưới sân khấu được thắp lên. Trong ánh lửa bập bùng lung linh huyền ảo, tất cả chủ, khách hòa vào trong vòng quay của các cô gái Mường Lò cùng xòe, cùng lâng lâng chén rượu mời bởi đôi tay ngà và lời hát thiết tha: "Rượu đây em mời/Uống từ đầu làng cuối bản vẫn còn say/Rượu ngon, một chén như ngàn chén/Uống ba năm rượu vẫn còn thơm/Dập dìu chân chàng hỡi lọng/Dập dìu chân em hỡi gió/Ta tan dần trong vòng quay đất trời Tây Bắc Mường Lò".

Đêm hội xòe ở Nghĩa An trôi đi rất nhanh. Về nhà khách lúc gần nửa đêm mà trong chúng tôi vẫn văng vẳng:

"Đêm Mường Lò, trăng lên dần, chiêng trống bập bùng/Vào đây anh, cầm tay em, múa xòe cùng em, xòe cùng em/Đừng để em cô đơn một mình/Đừng sợ say, đây đôi tay ngà, chén em dâng đầy/Mai xa rồi, trăng Mường Lò, anh mang về theo"...            

 Hữu Hoàng

Các tin khác
Cô Ngọc đang luyện chữ cho học sinh Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân, thị trấn Yên Bình ngoài giờ tại hiệu sách nhỏ của mình.

YBĐT - Nét chữ là nếp người – đó là suy nghĩ của Ngọc khi cô trao đổi với học sinh của mình trong ngày đầu lớp học luyện chữ. Theo cô, luyện chữ là rèn luyện tính cách, sự nhẫn nại, kiên trì… để hoàn thiện mình. Có lẽ với suy nghĩ như vậy mà 8 năm công tác của mình cô vẫn chưa được chính thức đứng trong một tập thể nào của ngành giáo dục song hàng ngày cô vẫn tâm huyết, bám trụ với nghề dạy học cao quý.

YBĐT - Nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, tháng 3 năm 2008, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đưa cây gấc vào trồng tại 16 xã. Đã hơn 8 tháng trồng thử nghiệm, cây gấc lại không cho quả, vậy đâu là nguyên nhân?

Giờ học Vật lý của học sinh Trường THPT số 1 Bảo Yên.

YBĐT - Róc rách,
Róc rách,
Huýt – chà -  huýt – chà,
Chà - chà - huýt – chà...

 

Nghĩa Lợi có “bờ xôi, ruộng mật” như thế này mà năm 2005 còn đến 88% hộ nghèo.
(Ảnh: H.N)

YBĐT - Nằm trọn trong cánh đồng Mường Lò, là đơn vị hành chính thuộc thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái), ngỡ tưởng xã Nghĩa Lợi sẽ có một nền kinh tế phát triển bởi trời phú cho cảnh “bờ xôi ruộng mật”. Thế nên, có đi thực tế mới thấy sự nghèo nơi đây thật ngoài sức tưởng tượng: tỷ lệ hộ nghèo đói có lúc đạt trên 88%, dân số tăng nhanh, trẻ thất học và số người nhiễm HIV/AIDS cao, chỉ có 25% số nhà dân có hố tiêu hợp vệ sinh... như một thách thức cho cấp uỷ, chính quyền thị xã trong việc triển khai “Tam nông” theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 7 vào cuộc sống. Vậy đâu là nguyên nhân, hướng giải quyết thoát nghèo đã được triển khai đến đâu, đang đặt ra cho chính những người dân nơi này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục