Bảo Yên thương nhớ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/11/2008 | 12:00:00 AM

YênBái -

YBĐT - Róc rách,
Róc rách,
Huýt – chà -  huýt – chà,
Chà - chà - huýt – chà...

 

Giờ học Vật lý của học sinh Trường THPT số 1 Bảo Yên.
Giờ học Vật lý của học sinh Trường THPT số 1 Bảo Yên.

Tôi nghểnh tai nghe. Ô, tiếng suối chảy, tiếng sơn ca hót, lẫn tiếng lá lao xao lao sao nữa, hoà thành bản hợp xướng tươi vui rộn rã của núi rừng hùng vĩ. Cứ nghe tiếng suối tiếng chim tiếng lá rừng là tôi lại muốn mò mẫm vào rừng xem cái nguồn sinh thuỷ bắt đầu từ đỉnh núi nào, tiếng chim cất lên từ đàn chim nào, tiếng lá rung lên từ vòm cây nào. Biết rồi thì mê đắm mãi không thôi! Vốn là đứa con của rừng, tôi nhập ngay hồn mình với không gian trong lành, với rừng xanh ngút ngàn, với những cung ruộng bậc thang dâng vàng thung lũng. Đứng ngây bên núi rừng, tôi lẩm bẩm riêng mình: "Ngút ngàn! Ngút ngàn! ở đây còn nhiều rừng, quí lắm!". Anh Hoàng Ngọc Chuyên- Bí thư huyện uỷ, quay nhìn tôi, bảo:

- Bảo Yên đang 47% che phủ rừng mà lị.

- Ờ, hẳn nào!- Tôi ngó mãi lên núi, nghĩ anh bạn thính tai thế. Người ta lẩm bẩm một mình mà cũng nghe được. Tôi đành vào chuyện.- Anh Chuyên nhìn kia, hình như rừng Tân Tiến có rất nhiều vầu, nứa?

- Vâng, cả nứa ngộ nữa, nhiều đấy.

Nứa ngộ? Tôi nhướng mắt vẻ không tin. Vì tôi biết cây nứa ngộ to chẳng kém cây tre mai, măng của nó bằng bắp chân luộc ăn rất ngọt, cây thẳng gióng cứng cáp có thể làm đòn tay nhà được cơ. Thế mà nhiều cánh rừng tôi biết nay không còn nứa ngộ. Cây nứa ngộ tuyệt giống thì chẳng khác gì tuyệt giống con beo, nghĩa là rừng già cũng không còn nữa. Nghĩ thế, tôi liền hỏi anh Chuyên:

- Rừng già Bảo Yên còn nhiều không?

- Không còn nhiều! Trước đây nhiều năm thiếu đói, người ta phải tự túc lương thực, thành ra...

Anh Chuyên bỏ dở câu nói, ngẩng nhìn lên núi, im lặng như muốn gọi về ký ức rừng già. Tôi cũng lảng chuyện vì không muốn chạm vào nỗi đau của rừng. May có anh Thanh cán bộ xã Tân Tiến với anh Lợi cán bộ tuyên giáo tỉnh Lào Cai xen chuyện, rồi xăng xái dẫn đường vào rừng xem thác nước. Rừng với thác suối tôi còn lạ gì. Có điều, đường mòn ven rừng dọc theo con phai nhỏ rí rách nước, vừa dốc vừa trơn. Tôi chống gậy dò bước men theo bìa rừng, mái tóc dài chạm muôn cành lá long lanh giọt sương. Vừa xuống đến chân rừng, tôi chạm ngay thác nước tung trắng xoá, cuộn gió ào ào, lay động cả rừng cây. Tiếng thác rùng rùng trầm hùng như đổ về từ thời hồng hoang, chẳng thể thời gian nào giam cầm được. Giữa dòng thác, nhiều tảng đá lớn chắn dòng thật giống lũ voi đằm mình, ven thác xoải ra mấy phiến đá rộng và phẳng có thể hàng chục người tha hồ nằm nghỉ ngơi.

Mê mải ngắm thác nước, rồi chụp ảnh. Tôi thật sự hào hứng, khen thác nước đẹp, ước giá mà thác nước ở phía núi gần Phố Ràng thì tuyệt. Anh Chuyên nghe tôi "ước giá mà" thì cười, bảo rằng cái thác Xa này và rừng xanh ngút ngàn của Tân Tiến đã nằm trong mục tiêu phát triển du lịch sinh thái của huyện rồi. ừ, du lịch- tôi thầm nghĩ- không được như Sa Pa, Bắc Hà và những nơi khác thì mình đây có Di tích lịch sử Văn hoá đền Bảo Hà và đền Phúc Khánh, đồn Phố Ràng và thành cổ Nghị Lang, đình làng Việt Tiến, làng văn hoá Tày Nghĩa Đô và Vĩnh Yên, sẽ có chợ mua bán trâu bò ở Điện Quan và Vĩnh Yên, dù không thật lớn, nhưng cũng đủ tự hào về một miền đất lịch sử – văn hoá, cũng đủ để bạn bè bốn phương tìm đến. Cảm giác chưa đủ để tôi hình dung ra một Bảo Yên đang xanh tươi, đang "cựa mình" đổi mới, anh Chuyên đưa tôi trở ra, ngược núi Mã Yên Sơn. Anh cùng tôi đi bộ lên đỉnh dốc, vừa đi vừa lan man chuyện về cái ngày xưa hai đứa còn học Trường cấp III Phố Ràng.

Nhớ lắm mỗi lần qua đây vào mùa Xuân, tôi cùng mấy bạn ở Kim Sơn, Lang Thíp, Trái Hút, đứa nào cũng bẻ mấy chiếc măng vầu mập mạp mọc lấn ra tận ven đường ô tô, đem về trường luộc chấm muối ớt, ngon ơi là ngon. Bây giờ, nhìn hai triền núi Mã Yên Sơn vắng bóng rừng già, chỉ rừng vầu, nứa xanh ngút lên tận chỏm núi, tôi chợt nhớ lúc sáng ở Tân Tiến, anh Chuyên bỏ dở câu nói. Phải rồi, nhiều năm trước thiếu đói, người ta chỉ còn một cách phải phá rừng làm nương rẫy để tự túc lương thực, chứ đến gạo đỏ gạo đen chẳng còn, mì luộc mì rán cũng hết, hạt bo bo không kiếm đâu ra nữa. Cùng thời mà, tôi biết người ở rừng thì sống chết nhờ rừng, nên họ khổ tâm lắm khi phải tự tay chém đi một khoảng rừng máu thịt của mình. Còn biết làm sao, khi cái đói làm héo quăn héo quắt túi dạ dày khốn khổ, phải chém chặt rừng mà giữ lấy mạng sống thôi.

Cái Nông trường dứa và trâu sữa Mura to lớn, lừng tiếng thế mà còn tan thành mây khói, nói gì đến chuyện cứu giúp người dân Bảo Yên đương đói nghèo. Thế là dân phải chém chặt rừng, cán bộ Nhà nước cũng đi chém chặt rừng. Đấy là chưa kể đến bọn lâm tặc cứ nhắm đại thụ đại ngàn mà chém mà cưa xẻ mà làm thịt rừng vô tội vạ để đem xuôi bán tiền tỷ làm giàu. Vẫn biết, chém rừng một thì rừng sẽ chém vào cuộc sống của ta mười. Rừng chết thì đất cũng chết dần chết mòn, dân càng đói khổ! May thay, cái ngày xưa "quan liêu bao cấp", cái ngày xưa kiêu hãnh "tự cung tự cấp" đã qua rồi. Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã làm một cuộc "lột xác" vĩ đại. Bao nhiêu việc cần làm. Bao nhiêu thứ phải thay đổi. Nhiều điều to tát khỏi nói, chỉ riêng chuyện về rừng cũng thấy lạ.

Xưa, rừng chẳng của ai sất, tất cả là của Nhà nước, tha hồ chém chặt. Bây giờ, rừng được chia cho từng hộ dân tự quản lý. Rừng được khoanh nuôi, tái sinh, bảo vệ. Rừng được khai thác và trồng một cách có kế hoạch, có chương trình, có khoa học kỹ thuật, có nơi chốn, có giống má cẩn thận. Rừng trồng đầu nguồn. Rừng cảnh quan. Rừng sản xuất kinh doanh. Rừng quế. Rừng mỡ. Rừng keo. Rừng bồ đề. Rừng trám. Rừng tre Bát Độ. Rừng vầu. Rừng nứa,... Nghĩ miên man thế, xuống tận khe suối phía bản Bông, tôi chỉ cho anh Chuyên xem một hòn đá to- nơi tôi với bạn Bình hồi đi học Trường cấp III Phố Ràng- phải từ Thái Văn nhảy tàu hoả xuống Bảo Hà, rồi vượt núi Mã Yên Sơn 24 km- thường ngồi nghỉ dưới tán rừng già sum suê toả bóng, bên khe suối nước đổ ào ào, cùng ăn cơm nắm với muối vừng, uống nước khe suối ấy. Nay khe suối chỉ chảy loóc toóc loóc toóc, cũng không còn rừng già sum suê toả bóng mát nữa. Thật tiếc! Tôi nhìn vào đôi mắt suy tư của anh Chuyên, hỏi thật:

- Rừng nguyên liệu có đem lại nhiều lợi ích cho dân không?

- Có đấy! – Anh Chuyên ngước nhìn lên những cánh rừng bồ đề, rừng vầu, nứa trên núi Mã Yên Sơn, giọng vui- Hiện nay có Nhà máy giấy Phố Ràng và Nhà máy giấy Bảo Hà. Hai nhà máy này công suất 4.400 tấn/năm, doanh thu gần 23 tỷ đồng, thu hút 283 lao động địa phương. Hiện đang đầu tư xây dựng Nhà máy bột giấy Long Phúc, công suất 10.000 tấn/năm. Như vậy, rừng kinh doanh của dân có đầu ra thuận lợi rồi.

- Người ở núi trước hết phải có rừng.- Tôi nói nhỏ, như chỉ nói với chính mình - Rừng là vàng đấy. Nhưng thời buổi này chỉ trông vào rừng không thôi thì nông dân khó có khả năng giàu lên được.

- Bảo Yên thế mạnh là rừng, nhưng không chỉ có thế!- Anh Chuyên nói chậm rãi, nhấn từng lời- Nông dân muốn giàu thì phải biết lấy ngắn nuôi dài, phải đủ lương thực cho đời sống hàng ngày, phải mở ra nhiều ngành nghề, phải xây dựng cơ sở hạ tầng thật tốt cho nông – lâm nghiệp, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ phát triển.

Rồi vừa đi anh Chuyên vừa nói cho tôi nghe khá kỹ về 6 chương trình, 17 đề án và dự án, với bao nhiêu giải pháp thực hiện, thật là bộn bề công việc đến năm 2010 đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Bảo Yên. Nào rừng, đang có 38.299 ha, sẽ trồng mới 4.500 ha rừng kinh tế, phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng đạt 50%. Nào lúa ruộng, hiện có 2.244 ha, cho thu hoạch 21.032 tấn/năm, còn phải tích cực thâm canh tăng vụ làm sao đạt 1.014 ha cây đậu tương, khoai tây, khoai lang, lạc, rau màu các loại. Nuôi trồng thuỷ sản tăng từ 175 ha lên 250 ha, đưa giá trị thu nhập từ trên 14 triệu đồng/ha lên 45 triệu đồng/ha. Phát triển chăn nuôi trâu bò ở 10 xã có điều kiện tốt, để có đàn trâu 16.000 con (trong tổng số 24.000 con), đàn bò 2.483 con. Giao thông thì làm mới đường Việt Tiến – Lục Yên, QL 279 – trung tâm xã Xuân Hoà, đường nội thị trị trấn Phố Ràng, nâng cấp đường Minh Tân – Kim sơn, đường Long Phúc – Long Khánh; xây dựng và nâng cấp rải cấp phối đường từ trung tâm các xã đến các thôn bản với hơn 80 km/32 tuyến; mở mới đường giao thông nông thôn với hơn 193 km/68 tuyến.

Còn bao nhiêu chương trình, đề án, dự án nữa, như: Trồng và chế biến chè chất lượng cao; Xoá đói giảm nghèo; Phát triển tiểu thủ công nghiệp; Thương mại – dịch vụ; Giáo dục; Y tế; Văn hoá; vân vân. Tôi lắng nghe chuyện, nghĩ thầm, cứ tưởng Chuyên(xin được gọi tên bạn như thời còn học trò) chỉ đưa đi thăm bạn đồng học đồng ngũ ở Nghĩa Đô - Phố Ràng - Bảo Hà, đi chơi núi, để gợi nhớ chuyện xưa vui buồn của thời học trò, đâu ngờ trong đầu bạn đương mải lo nghĩ bao nhiêu chuyện của Đảng, của dân. Thỉnh thoảng để ý, thấy Chuyên bước lặng lẽ, vẻ mặt đăm chiêu, tôi cảm nhận hình như bạn đang thầm hỏi mỗi bước chân của mình, thầm hỏi đất lành kia, ta đã cống hiến được gì cho quê hương, còn việc gì ta phải làm cho được, khi mà quĩ thời gian hạn hẹp rồi? Tự nhiên tôi thấy thương và nể bạn xưa vốn chẳng có cá tính gì, thật hiền lành, nghĩ nhiều, làm nhiều hơn là nói.

Hết phổ thông, tất cả bọn con trai lớp tôi với Chuyên đều đi bộ đội đánh giặc Mỹ. Đứa hy sinh ngoài mặt trận. Đứa mang thương tật suốt đời. Đứa trở về bản quán làm ăn. Đứa vào đại học, rồi trở thành công chức Nhà nước. Không đứa nào lành lặn! Chuyên cũng thế. Là lính xe tăng, Chuyên bị thương ở chiến trường Quảng Trị, sau điều dưỡng bạn được du học ở Liên Xô, chuyên về dầu khí. Số má thế nào, Chuyên lại quay trở về quê hương, làm Bí thư đoàn, rồi Chủ tịch huyện, bây giờ giữ chức Bí thư huyện uỷ. Là người lãnh đạo cao nhất của huyện, lại từng tham gia quân đội chiến đấu ngoài mặt trận khốc liệt, hiểu sâu sắc giá trị của cuộc sống, Chuyên không lo nghĩ chuyện của Đảng, của dân sao được! Còn tôi, không chỉ nghe Bí thư Chuyên nói, cái nghề làm báo viết văn của tôi vốn thế, tôi còn muốn được nhìn tận mắt những gì đương diễn ra ngoài đời kia. Vì suốt đời này tôi vẫn giữ trong trí nhớ một câu nói rất ý nghĩa, đại ý: "Mọi lý thuyết đều màu xám. Chỉ cây đời mãi xanh tươi!". Bởi thế, tôi đã cất công đi từ Phố Ràng theo Quốc lộ 70 ngược lên Động Quan - Thượng Hà, xuôi từ Phố Ràng về Việt Tiến – Long Khánh – Long Phúc, hôm nay lại đi cùng Bí thư Chuyên vào Nghĩa Đô - Tân Tiến, ngược Mã Yên Sơn ra Bảo Hà, mới thấy Bảo Yên đang "cựa mình" đổi mới thật mạnh mẽ. Rừng đang vươn núi bát ngát xanh tươi.

Các VĐV Trường THPT số 1 Bảo Yên tham gia Đại hội TDTT huyện Bảo Yên lần thứ 15.

Đường từ huyện xuống các xã hầu hết rải cấp phối, xe ô tô chạy dễ dàng. Nhà cao tầng, nhiều nhà xây mới mọc lên san sát. Phố sá nhộn nhịp người, xe. Các chợ Bảo Hà, Phố Ràng, Nghĩa Đô, Điện Quan hàng quán tấp nập kẻ bán người mua, đông vui lắm. Các công trình công nghiệp, trường học, trạm y tế, cùng với nhiều ngành nghề cũng đang mở ra khắp nơi. Mới thấy, các chương trình, đề án và dự án đang dần trở thành hiện thực. Vui lắm! Phố Ràng - Bảo Yên là cửa ngõ của Lào Cai, rồi đây còn là huyết mạch của cả vùng chạy sang đường cao tốc Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội - Hải Phòng, như vậy Bảo Yên còn nhiều cơ hội để phát triển nữa. Biết rằng, đến năm 2007 Bảo Yên vẫn còn tới 3.148 hộ nghèo, bằng trên 19% số hộ toàn huyện. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo sát sao của Đảng bộ và các cấp chính quyền, mà cái "lõi vàng" là sự đoàn kết nhất trí, sự đồng thuận cao, nên cán bộ và nhân dân các dân tộc Bảo Yên đang ra sức thi công tác và lao động sản xuất với một năng lực mới, một trình độ khác xưa bởi có tác động mạnh của nền kinh tế thị trường. Nhất định Bảo Yên sẽ hoàn thành các mục tiêu Đại hội Đảng bộ khoá XIII đề ra. Mai kia, nhân dân sẽ thoát khỏi đói nghèo- một thứ "giặc" đeo bám dai dẳng nhất trong cuộc sống con người.

Lặng bước bên Chuyên, trong tôi bỗng dậy lên niềm thương nhớ bao kỷ niệm vui buồn ở nơi đã sinh ra tôi lần thứ hai. Nơi có dãy núi Con Voi lừng lững mây trời, vừa đằm mình xuống dòng sông Hồng đỏ lịm phù sa, vừa đằm mình xuống dòng sông Chảy trong xanh mát lành, cùng với cả núi Đắng – núi Khau Rịa - núi Đại Thần – núi Nhàn Tràm,...ngút ngàn rừng cây. Chiều, nắng đổ nghiêng núi Con Voi. Tôi với Chuyên đến thắp hương tưởng nhớ những người chiến sỹ anh hùng trên đồn Phố Ràng và Nghĩa trang Phố Ràng. Tôi cúi đầu trước mộ bạn Lập, bạn Thăng, cùng các anh linh, thì thầm mấy câu thơ giản dị mà tôi viết cho các bạn chiến đấu xa xưa:

Công tác ít ngày mình vội về đây

Mây đổ trắng vòm trời phía Bắc

Bỗng thảng thốt một ngôi sao lạc

Bạn có nghe mình gọi thì thầm - Lặng quì bên vuông cỏ bạn đang nằm

Muốn gọi thành lời mà không sao gọi nổi

Sương mai nhòe ướt đầm cỏ rối

Đất khẽ run thấm mặn dưới chân mình - Một chút thôi vào lúc mặt trời lên

Xin gặp bạn không lời hẹn trước

Suốt đêm qua mình không sao ngủ được

Mưa rừng dai nghe núi sập phía này - Đâu phải Trường Sơn đông Trường Sơn tây

Đường chiến dịch chúng mình đi đánh Mỹ

Mưa sập núi bước hành quân không nghỉ

Bạn với mình đồng đội sát bên nhau - Bao năm rồi chưa nguôi được nỗi đau

Bạn ngã xuống ngực âm thầm rỉ máu

Máu bạn chảy trong triệu người yêu dấu

Máu thắm lên rực rỡ sắc cờ - Khoảng xanh mềm như một khuc hát ru

Bạn trẻ mãi tuổi hai mươi cống hiến

Bạn mãi mãi cùng cỏ cây trời biển

Lòng bồi hồi biết mấy nhớ thương - Ngực áp lên vuông cỏ xanh non

Phút yếu đuối tự lòng mình chân thật

Nước mắt chảy ngược vào trong ngực

Một chút thôi để nhớ đến muôm đời!

Các bạn ơi! Mãi yên lành nơi núi rừng quê hương. Mà núi rừng vốn là mái nhà rộng lớn và bình yên của người Tày, người Kinh, người Dao, người Mông, người Xa Phó...- những người chân thật, hay lam hay làm, muôn đời chỉ biết thương yêu nhau. Thầm nghĩ, nhờ có sự hy sinh máu xương của các bạn, nhờ có bàn tay lao động sáng tạo của con người chỉ biết thương yêu nhau ấy, nhờ cỏ cây, gió mây, mưa nắng phải thì, nên "cây đời" Bảo Yên mãi xanh tươi!

Hoàng Thế Sinh - Phố Ràng, giữa Hạ 2008

Các tin khác
Nghĩa Lợi có “bờ xôi, ruộng mật” như thế này mà năm 2005 còn đến 88% hộ nghèo.
(Ảnh: H.N)

YBĐT - Nằm trọn trong cánh đồng Mường Lò, là đơn vị hành chính thuộc thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái), ngỡ tưởng xã Nghĩa Lợi sẽ có một nền kinh tế phát triển bởi trời phú cho cảnh “bờ xôi ruộng mật”. Thế nên, có đi thực tế mới thấy sự nghèo nơi đây thật ngoài sức tưởng tượng: tỷ lệ hộ nghèo đói có lúc đạt trên 88%, dân số tăng nhanh, trẻ thất học và số người nhiễm HIV/AIDS cao, chỉ có 25% số nhà dân có hố tiêu hợp vệ sinh... như một thách thức cho cấp uỷ, chính quyền thị xã trong việc triển khai “Tam nông” theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 7 vào cuộc sống. Vậy đâu là nguyên nhân, hướng giải quyết thoát nghèo đã được triển khai đến đâu, đang đặt ra cho chính những người dân nơi này.

YBĐT - Bồng bềnh. Bồ - ồng bề - ềnh. Như gối đầu lên sóng biển, tôi miên man mơ mộng. Lúc tỉnh dậy đã thấy mặt trời như một khối cầu lửa tròn trịa rực hào quang đang trôi dập dềnh mãi đường chân trời.

YBĐT - Đầu giờ sáng, Phòng giáo dục - Đào tạo huyện Văn Chấn (Yên Bái) bộn bề công việc. Đứng trước cửa Phòng kế hoạch, tôi thấy băn khoăn cho công việc của mình. Đi vắng hết cả, chỉ còn một thanh niên trẻ đang giải quyết cả đống giấy tờ, vây quanh là giáo viên từ các trường về nộp báo cáo kế hoạch đầu năm.

Người dân Phong Dụ Thượng được chăm sóc sức khỏe tại Trạm Y tế xã.

YBĐT - Cơn bão số 4 làm tuyến đường từ Đông An vào Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên (Yên Bái) bị hư hỏng, nhiều đoạn ngập ngụa bùn đất. Vậy mà, chỉ mất khoảng gần hai giờ đồng hồ, ngược theo dòng suối Hút bằng xe máy, chúng tôi đã có mặt tại trung tâm Phong Dụ Thượng, một xã vùng thượng huyện Văn Yên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục