Vì sao cây gấc ở Trấn Yên ít ra quả
- Cập nhật: Thứ tư, 19/11/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, tháng 3 năm 2008, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đưa cây gấc vào trồng tại 16 xã. Đã hơn 8 tháng trồng thử nghiệm, cây gấc lại không cho quả, vậy đâu là nguyên nhân?
Vì sao người dân quay lưng lại với cây gấc lai?
Ngày đầu triển khai chương trình trồng gấc, vợ chồng trưởng thôn 6 Nguyễn Quang Huy, xã Hòa Cuông (huyện Trấn Yên) rất nhiệt tình hưởng ứng và còn vận động hơn chục hộ dân khác trong thôn cùng trồng. Thế nhưng bây giờ vợ chồng ông Huy lại phải phá bỏ những gốc gấc đã mất nhiều công chăm sóc. 90 gốc gấc của ông Huy chỉ có một gốc là cho quả. Đầu tư tiền triệu làm giàn nứa, mua phân bón, nay gần như trắng tay. Ông Huy rất buồn và phá bỏ giàn gấc đã dựng, bởi để lại cũng không biết làm gì. Ông cho biết, thực tế khi triển khai trồng gấc nhân dân rất hào hứng, tập huấn rất đông.
Không chỉ có gia đình ông Huy mà ở thôn 4 - một thôn khó khăn nhất của xã Minh Quán, có gia đình ông Phạm Văn Vinh cũng cùng chung cảnh ngộ. Là hộ nghèo của thôn, gia đình ông đã phải nỗ lực rất nhiều đầu tư tiền triệu để làm giàn, mua phân bón trồng gấc để hy vọng sẽ có thêm nguồn thu giúp cuộc sống gia đình vơi khó khăn. Giờ thì gia đình ông cũng đành ngậm ngùi bỏ tất cả chỉ sau chưa đầy 1 năm đầu tư. 100 gốc gấc của gia đình ông Vinh vun trồng cũng chỉ có duy nhất 1 gốc là cho quả.
Theo lời hứa hẹn của chương trình phát triển cây gấc, bà con các xã của huyện Trấn Yên nô nức hưởng ứng và cũng theo như hợp đồng ký kết của chương trình thì tỷ lệ gấc có quả đạt từ 80 đến 90%. Vậy mà, thực tế khi triển khai vào gieo trồng thì lại hoàn toàn ngược lại chỉ có từ 10 đến 20% cây gấc là cho quả, đó cũng chính là lý do duy nhất tại sao người dân lại quay lưng lại với cây gấc.
Gấc không ra quả - đâu là nguyên nhân?
Những ngày đầu trồng gấc, nhiều hộ ở đây rất vui mừng vì cây gấc phát triển rất tốt. Bà con cũng tích cực chăm sóc đúng kỹ thuật thế mà gấc lại không cho ra quả. Và thật là oái oăm khi lý do chính lại là từ giống. Gần như toàn bộ số giống gấc mà bà con gieo trồng đều là gấc đực không thể cho quả. Và cũng theo thống kê của chính quyền xã thì tỷ lệ gấc đực vào khoảng gần 90%.
Chủ tịch xã Hòa Cuông Nguyễn Hồng Quân cho biết: "Đến bây giờ cây gấc không hiệu quả, bà con suy nghĩ và kiến nghị rất nhiều lên xã, còn chính quyền xã Hòa Cuông chỉ biết vận động bà con giữ lại những cây gấc cái đã có quả để nhân giống ra vụ sau bởi đã ký hợp đồng với công ty cung cấp giống thực hiện trong 10 năm”.
Công ty cổ phần Thương mại Hoa Kỳ có địa chỉ tại Cầu Giấy (Hà Nội) là đơn vị đầu tư giống và bao tiêu sản phẩm. Huyện Trấn Yên đã tiến hành triển khai tại 16 xã với tổng diện tích hơn 80 ha. Nhận thấy gấc lai là loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, là sản phẩm hàng hóa có thế xuất khẩu nên huyện Trấn Yên đã vận động được trên 2.700 hộ dân đăng ký trồng. Bắt đầu từ tháng 3, huyện phối hợp với Công ty cổ phần Thương mại Hoa Kỳ triển khai và ký hợp đồng trồng gấc tại các xã.
Tuy nhiên, do cây gấc là loại cây mới nên khi triển khai tới người dân, Công ty cổ phần Thương mại Hoa Kỳ đã ký kết hợp đồng phát triển cây gấc, trong đó nêu rõ: "Tỷ lệ cây đực không thể vượt quá 30%". Điều này có nghĩa là cứ một khóm gấc thì sẽ có 1 cây gấc đực nhưng trong thực tế khi người dân huyện Trấn Yên tiến hành trồng thì có tới 90% là gấc đực.
Cũng theo hợp đồng này thì Công ty sẽ mua toàn bộ số quả mà người dân trồng ra. Thế nhưng, đến thời điểm này khi mà mùa thu hoạch đang đến gần và một số gia đình đã thu hoạch thì vẫn không thấy động tĩnh gì của Công ty mặc dù đã ký kết tiến hành bao tiêu cây giống, sản phẩm và khi được thu hoạch Công ty sẽ trừ tiền giống vào sản phẩm. Bên cạnh đó, người dân cũng gần như không nhận được một động thái tích cực nào từ phía chính quyền địa phương.
Một dự án có quy mô, thời gian kéo dài là 10 năm, mở một hướng đi quan trọng trong phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo cho người dân, vậy mà vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Khi hợp đồng đã ký có nghĩa là người dân vẫn sẽ phải trồng tiếp trong những năm tới. Vậy mà, bà con đã tự ý phá bỏ giàn cũng vì thiếu sự quan tâm chỉ đạo sát sao của những đơn vị có liên quan. Chị Trương Thị Hải - thôn 2 - xã Minh Quán đề nghị nếu Công ty muốn triển khai tiếp dự án thì phải mang giống gấc chuẩn về cho dân, đồng thời không thu tiền cây giống đã trồng và phải đền bù phân bón, công sức mà nhân dân đã đầu tư chăm sóc cho cây gấc trong 8 tháng qua.
Lời kết
Vài năm trở lại đây đã có rất nhiều dự án được triển khai tại huyện Trấn Yên và cũng có không ít dự án trong số đó không phát huy tốt hiệu quả như dự án trồng cây ăn quả, trồng cà phê, hay dự án trồng cây trám. Vấn đề đặt ra ở đây chính là mối liên kết giữa “4 nhà”, (Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông) chưa thực sự chặt chẽ. Mặc dù đang trong quá trình thử nghiệm, nhưng rõ ràng chương trình gấc này chưa có sự quan tâm đúng mức của các cơ quan có liên quan để xử lý và tháo gỡ những vướng mắc kịp thời cho người dân tham gia.
Trên những cây trồng đã cho ra quả tại một số xã của huyện Trấn Yên, có thể khẳng định cây gấc đã tỏ ra thích ứng với điều kiện khí hậu đồng đất ở đây. Dự án chắc chắn sẽ phát huy tốt hiệu quả nếu các cấp, các ngành chức năng quan tâm gây dựng được lòng tin và quan trọng hơn cả là hạn chế những thiếu sót không đáng có. Đặc biệt, ngay từ bây giờ, các cấp chính quyền huyện Trấn Yên phải có những động thái tích cực và có như vậy thì việc đưa cây gấc trở thành cây xóa đói giảm nghèo và việc xây dựng vùng chuyên canh gấc của huyện mới trở thành hiện thực.
Kiều Loan - Hoàng Hà
Các tin khác
YBĐT - Nằm trọn trong cánh đồng Mường Lò, là đơn vị hành chính thuộc thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái), ngỡ tưởng xã Nghĩa Lợi sẽ có một nền kinh tế phát triển bởi trời phú cho cảnh “bờ xôi ruộng mật”. Thế nên, có đi thực tế mới thấy sự nghèo nơi đây thật ngoài sức tưởng tượng: tỷ lệ hộ nghèo đói có lúc đạt trên 88%, dân số tăng nhanh, trẻ thất học và số người nhiễm HIV/AIDS cao, chỉ có 25% số nhà dân có hố tiêu hợp vệ sinh... như một thách thức cho cấp uỷ, chính quyền thị xã trong việc triển khai “Tam nông” theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 7 vào cuộc sống. Vậy đâu là nguyên nhân, hướng giải quyết thoát nghèo đã được triển khai đến đâu, đang đặt ra cho chính những người dân nơi này.
YBĐT - Bồng bềnh. Bồ - ồng bề - ềnh. Như gối đầu lên sóng biển, tôi miên man mơ mộng. Lúc tỉnh dậy đã thấy mặt trời như một khối cầu lửa tròn trịa rực hào quang đang trôi dập dềnh mãi đường chân trời.
YBĐT - Đầu giờ sáng, Phòng giáo dục - Đào tạo huyện Văn Chấn (Yên Bái) bộn bề công việc. Đứng trước cửa Phòng kế hoạch, tôi thấy băn khoăn cho công việc của mình. Đi vắng hết cả, chỉ còn một thanh niên trẻ đang giải quyết cả đống giấy tờ, vây quanh là giáo viên từ các trường về nộp báo cáo kế hoạch đầu năm.