Nước non Cao Bằng
- Cập nhật: Thứ ba, 19/5/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Giữa “Non xa xa, nước xa xa” Pác Bó, tôi rưng rưng nhìn cảnh mà nhớ Người. Không thể cầm lòng, tôi quì bên ngọn nguồn suối Trời- suối Lê nin, vốc nước uống ba ngụm, tỏ lòng đứa con đất Việt hiếu thảo uống nước nguồn ông cha, cho thoả ước ao đi trảy nước non Cao Bằng.
|
Sâu thẳm tâm hồn tôi vẫn rưng rưng lời mẹ ru em Hoài một câu ca dao buồn về chuyện Cái Cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non/ Cò về nuôi cái cùng con/ Để anh đi trảy nước non Cao Bằng. Em tôi còn bé tẹo, chả hiểu gì, chỉ mơ mơ ngủ theo âm điệu ngọt ngào lời ru. Tôi thì ba chỏm tóc, học qua abc, mới chỉ nghĩ được quanh cổng làng mình với con đò ngang bến sông Thi, với ngôi Chùa Cỏ thiêng liêng thần bí, với cánh đồng lúa xanh lúa vàng mênh mông, với cánh cò trắng chấp chới luỹ tre, với cánh diều vi vút hoàng hôn. Thế mà, giấc ngủ của tôi suốt thời thơ bé cứ chập chờn hình ảnh cái Cò tần tảo, cái Cò buồn khổ buổi chia ly người chồng đi trảy nước non Cao Bằng, rồi cứ đầy mãi trong ký ức về một xứ sở nước non Cao Bằng huyền bí, xa xăm nào đó.
Cả một đời rồi, vẫn giữ niềm khao khát giải mã nỗi buồn khổ của cái Cò xửa xưa. Thì lên Cao Bằng. Xanh thắm Thu dẫn dụ cái máu lãng tử của tôi. Băng qua gần ngàn cây số, từ A Mú Sung ngọn nguồn sông Hồng đỏ lịm phù sa, xuôi mải miết, rồi vòng tắt sông Cầu, lượn núi cao rừng thẳm Thái Nguyên - Bắc Kạn, vượt đèo Giàng, đèo Gió, đèo Cao Bắc, đèo Tài Hồ Sìn.
Kia, cái giọt biếc Cao Bằng như được thả từ thăm thẳm cao xanh xuống trần gian. Dưới thung lũng, mây trắng cuộn bồng bềnh. Gió thoảng mơn man lên ngàn lá long lanh long lanh. Ào xuống núi là chạm mặt Bằng Giang. Con sông Bằng ngầu lũ sau Hạ bắt đầu lắng trong giống như con người qua vật lộn sóng gió cuộc đời bắt đầu suy tư chiêm nghiệm. Chưa kịp chơi với sông Bằng, bạn nhà báo Hồng Xiêm và Văn Bốn đã đưa tôi đi Trùng Khánh, ý là để phút giây ban đầu tôi được chiêm ngưỡng nước non Cao Bằng từ cái đẹp nguyên sơ của bản làng, rừng núi, suối sông, ghềnh thác.
Đường lên Trùng Khánh qua đèo Mã Phục, đèo Khau Liên, núi tiếp núi. Bản người Nùng An ở Phúc Sen phía bên kia cánh đồng quần tụ mái ngói nâu sẫm, nhà sát nhà chẳng khác gì phố sá ngoài thị trấn. Vào nữa là những cánh rừng dẻ ngút ngát hoa vàng. Tôi biết Trùng Khánh là đất nổi tiếng về dẻ, mà trọng điểm là Nà Mần, Pò De, Cô Bay, Nà Sơn, Phja Bó. Xưa, cánh rừng Trần Hưng Đạo chính là nơi tổ chức lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, ban đầu có 34 người. Cánh rừng Trần Hưng Đạo thuộc núi Dền Sinh, dãy Khau Giáng, huyện Nguyên Bình, trước đây là khu rừng già âm u, ít người lui tới, có ngọn SLAMCAO, đứng trên đỉnh có thể quan sát được cả một vùng rộng lớn, nhìn thấy cả đồn Phay Khắt.
Dẻ Trùng Khánh- một loại cây rừng cho hạt bùi thơm ngon vào hàng bậc nhất trong các thứ hạt trên rừng. Hạt dẻ Trùng Khánh không chỉ để ăn chơi, đem nấu xôi, nấu cháo vịt cho hương vị đậm đà, mà còn cất thành rượu đặc sản, làm cốm hạt dẻ, tức là trộn cốm xanh với hạt dẻ, có thể sánh ngang cốm làng Vòng Hà Nội nhưng độc đáo hơn ở cái hương rừng hương núi mát lành, rưng rưng ngọt bùi. Mải với dẻ hoa vàng, chúng tôi đến bản Khuổi Ky vừa hừng nắng.
Vượt qua đoạn dốc đá - xi măng, lên Kéo Tắm, chúng tôi vào Lũng Ngao. Lạ, cái lũng nhỏ được quây tròn bởi những tháp núi nhọn vút lên trời xanh. Nắng đổ tràn thung lũng. Ngay chân núi Ngườm De là đường xuống động Ngườm Ngao. Cửa động nhỏ- cửa gió. Gió thổi thốc ra, mát lẹm. Em Nguyệt, hướng dẫn viên du lịch, cầm đèn pin dẫn đường chúng tôi xuống động. Nghe Hồng Xiêm khoe, động Ngườm Ngao có thể xếp hàng đệ nhất động, tôi không tin. Vì tôi từng qua động Thiên Cung ở Hạ Long, động Phong Nha - Kẻ Bàng ở Quảng Bình, động Tam Thanh ở Lạng Sơn, Bích Động ở Ninh Bình,... tuyệt mỹ luôn, làm sao có đệ nhất động ở tít tịt Cao Bằng mà tôi lại không biết. Nên tôi cố bước sát em Nguyệt, lắng nghe lời giới thiệu, quên cả bước chân, cứ chăm chăm ngắm nghía xem có thực đây là đệ nhất động? Phải nói, động Ngườm Ngao còn hoang sơ như thời tiền sử. Con đường vào động sơ khai, ánh sáng ảo mờ. Dòng suối nhỏ róc rách mãi từ Bản Thuôn róc rách suốt 2144 m theo lòng động, róc rách chảy xuyên tầng tầng đá núi, róc rách chảy suốt từ thời hồng hoang tiền sử về tận bây giờ.
Và tôi bỗng trở thành người nguyên thuỷ, cứ ngơ ngẩn trước bao nhiêu là hình ảnh con người, cảnh vật ở ngoài đời kia đương nhập hồn vía vào đá mẹ, vào thạch nhũ, lấp lánh ẩn hiện đây đó trong lòng động: Bản đồ đất nước Việt Nam hình chữ S thân thương. Cánh đồng bậc thang như đổ sóng vàng ngược lên núi. Thác Bạc tràn trụa dòng nước lấp lánh bạc. Thác Vàng cuồn cuộn dòng nước lấp lánh vàng. Dây tơ hồng quấn quýt nối Trời - Đất. Tượng Phật bà Quan âm toả sáng. Bông sen vàng. Cây Bạc. Non Vàng. Núi Kim cương. Giếng trời. Ao Tiên. Tượng Di Lặc. Nàng Tô Thị. Ông Voi. Vân vân.
Tôi như lạc vào mê cung của thế giới huyền thoại. Cả một thế giới xửa xưa như thực như mơ, lung linh, sống động đến lạ lùng. Bập bềnh bước chân trần- bước chân trần ngập trong nước nguyên thuỷ, ngập trong bùn nguyên thuỷ, chạm vào đá nguyên thuỷ. Bỗng cháy lửa trái tim. Mê mị. Khiếp đảm. Vâng! Ngườm Ngao- không vì lời bạn Hồng Xiêm khoe, mà với niềm si mê của tôi thì hẳn là Đệ Nhất Động. Mãi leo ra cửa động, trố mắt nhìn tên các cụ Lê Văn Định, Hoàng Huy Giao với hai người Pháp khắc trên phiến đá, dù chút phai mờ thời gian mưa nắng, phải giật mình, thì ra các cụ xưa đã rất yêu Cao Bằng, từng cất công đi tìm cái đẹp, cái lạ, cái quí hiếm, chỉ riêng có của nước non Cao Bằng.
Xuống núi lại dung dăng qua Lũng Ngao tràn nắng, mây trắng còn vương vương mái tóc bồng bềnh, thì theo dòng sông Quây Sơn, tôi bước từ mê mị Ngườm Ngao sang đắm đuối Bản Giốc. Cả bình địa và sa thạch Đầm Thuỷ, chẳng để làm gì, ngoài việc uốn lượn nghiêng nghiêng cho dòng sinh thuỷ từ đâu đó trên mãi Ngọc Khuê, mãi Bản Thuôn, thực ra là từ mãi hồng hoang tiền sử nước Nam ta, mải miết chảy về cái nếp gãy khổng lồ của đá mà tạo nên thác Bản Giốc. Bên kia núi Phja Thòi, bên này núi Phja Nhắn sừng sững lưng trời, như hai ông Hộ Pháp khổng lồ ra sức be giữ che chắn cho dòng Quây Sơn bình yên đổ nước. Nước sông Quây Sơn ào về Bản Giốc, cả dòng cẩm thạch như bay lên không gian, rồi bỗng vuốt dài xuống thành những dòng bạc trắng, cứ lấp lánh lấp lánh trong ảo mờ sương khói. Tôi mê hồn, bỏ bạn bè bên bờ cát, lại nhón chân trần sang ngọn thác bay. Tôi ngửa mặt, dang tay đón muôn vàn hạt nước li ti toả mờ không gian. Một lúc, da thịt thấm đẫm nước Quây Sơn - Bản Giốc mát mềm. Sướng không thể tả, nên tôi đắm đuối mãi nơi chân thác Bản Giốc, cứ dùng dằng bước chân, đến nỗi chiều tối mới về được thị xã Cao Bằng. Cũng chẳng để ngó nghiêng gì ở nơi phố xá chưa mấy hấp dẫn này, nên khuya, tôi mò mẫm xuống sông Bằng, chỉ để khỏa tay xuống cái “long mạch” Cao Bằng mà tưởng tượng về ngàn năm dựng nước và giữ nước, Cao Bằng hiên ngang lũy thành giữ chắc biên cương. Sông Bằng- long mạch linh thiêng, cùng với núi Phja Oắc 1931m và núi Phja Dạ trên 1976m cao vời bốn mùa mây phủ, cùng với Hòa An, Lam Sơn, Pác Bó, Trùng Khánh, Phay Khắt, Nà Ngần, Đông Khê, Thất Khê, cùng với những dân ca sli, lượn, điệu then mộc mạc, ngọt ngào... đã góp phần làm nên khí thiêng nước non Cao Bằng. Chẳng thế mà, tận biên cương xa vời Cao Bằng còn lưu lại bao dấu tích cha ông.
Còn đây Đền vua Lê ngự trên một gò đất cao ở phía Bắc thành Na Lữ- còn gọi gò Long (Rồng). Thành Na Lữ có bốn gò đất nổi cao, người xưa đặt tên Long - Ly - Qui - Phượng. Giữa thành có ao sen và ruộng bàn cờ. Đền được xây dựng vào thời Lý, thế kỉ XI, thuộc làng Đền xã Hoàng Tung huyện Hòa An. Xưa, nhà Mạc chạy lên Cao bằng chiếm thành Na Lữ lập cung điện.
Đời Lê Trung Hưng sau khi dẹp xong nhà Mạc, quan trấn thủ Cao Bằng là Lê Văn Hản đã đổi cung điện nhà Mạc thành đền thờ vua Lê. Đó là năm Chính Hòa thứ Ba đời vua Lê Hy Tông. Đền Viên Minh xây dựng từ thời vua Lý Nhân Tông (1077-1127), thờ danh tướng Dương Tự Minh tức Quan Triều.
Đền Kỳ Sầm ở bản Ngần xã Vĩnh Quang huyện Hòa An, thờ Khâu Sầm Đại vương Nùng Trí Cao- một thủ lĩnh địa phương có công bảo vệ đất nước thời Lý thế kỉ XI. Chùa Đà Quận mang tên Đà quốc công Mạc Ngọc Liễn, là một danh tướng có uy tín của nhà Mạc. Chùa Đà Quận thuộc Tả Cọn xã Xuân Lĩnh châu Thạch Lâm, nay là xã Hưng Đạo huyện Hòa An, được xây dựng từ thời vua Mạc Kính Cung (1594-1625), thờ Phật bà Quan Âm. Chùa Đà Quận có hai quả chuông quí. Một chuông nhỏ gọi là chuông Cái, cao 1m42, rộng 0,95m. Chuông to nhỉnh hơn một chút gọi là chuông Đực, tai chuông hình con Ly, thân chuông đúc chữ Hán, nội dung ca ngợi cảnh đẹp châu Thạch Lâm. Cuối bài minh có ghi năm đúc chuông: Long phi Càn Thống chi thập cửu viên Tân Hợi cốc nhật (tức ngày lành năm Tân Hợi, niên hiệu Càn Thống năm thứ mười chín (1661). Chuông Cái và chuông Đực đều nặng cả nghìn cân, mỗi kỳ tế lễ thỉnh chuông, thì tiếng chuông vang như sấm rền suốt trăm dặm...
Sớm mai ra, các bạn Báo Cao bằng cùng tôi qua Hoà An, mùa này lúa đương thì con gái xanh mướt mát. Xa xa là dãy Lam Sơn, nhua nhủa ngọn vút lên trời như những ngọn tháp, trông rất lạ. Qua Hoà An là qua cả một miền linh sử- miền đất mà cha ông từng trải một thời loạn ly oan nghiệt, một thời gian nan nuôi chí lập nghiệp, một thời đau thương, một thời oanh liệt! Qua Hoà An một mạch lên Pác Bó- nơi Bác Hồ đặt bước chân đầu tiên về đất nước để lãnh đạo cách mạng Việt Nam, ngày 28 tháng 1 năm 1941. Bác về/ Im lặng/ Con chim hót/ Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ! (Tố Hữu). Mãi còn đây suối Lênin, núi Các Mác, hang Cốc Bó, lán Khuổi Nặm và “Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng”...
Tôi bồi hồi nghe tiếng hát ngọt ngào tha thiết hòa trong tiếng suối reo: Trông vời lưng núi/ Khuổi Nậm rì rào núi cao tầng mây/ Chiều nay tiếng ai đang lượn về trên đèo/ Kể rằng Người về đây, nhà in lưng đá/ Người về quê ta tấm áo chàm tình thương quê nhà.../ Ơ bản Pác Bó quê ta mấy mùa qua nghe tiếng Người/ Sắn vươn đồi xưa, lúa ngập vàng đôi bờ/ Người về chỉ lối, theo Người ngày mai tươi sáng/ Bát cơm mong chờ người già ước mơ/ Líu lo i tờ môi đọng trẻ thơ/ Bác ơi tóc sương bạc phơ/ Núi cao suối sâu Thủ đô yêu dấu/ Khuổi Nậm còn vang lời ca mong nhớ... Người!
Sớm mai Pác Bó! Núi xanh. Nước xanh. Trời xanh. Giọt sương mai long lanh nắng vàng. Rì rào suối nguồn. Líu ríu chim ca. Tôi ngập ngừng bước chân. Tưởng tượng những ngày xưa. Bác chỉ là một Ông Già Núi thôi. Ông già Núi gầy guộc, đôi mắt sáng như sao. Ông Già Núi lạ lùng. Ông Gìa Núi ẩn mình trên núi Pò Vẩn* và núi Phja Tào** mây phủ, ẩn mình dưới tán rừng Pác Bó hoang dã, ẩn mình trong hang Cốc Bó lạnh buốt sương sa, ẩn mình bên dòng suối Giàng***- suối Trời trong xanh tuôn chảy, ẩn mình cùng dân bản Pác Bó mộc mạc nghĩa tình thuỷ chung. Ông già sau ba mươi năm gian khổ bôn ba khắp năm châu bốn biển, gặp Chủ nghĩa Mác - Lênin, nay trở về dựng lại cơ nghiệp tổ tông, bắt đầu từ hoang sơ Pác Bó. Nhìn sâu vào núi rừng Pác Bó, tôi như muốn tìm lại dấu xưa: một hòn đá nhỏ, một nhành cây xanh, dòng suối mát lành- từng nâng bước chân Bác yếu gầy, từng che mái đầu Bác bạc trắng gió sương, từng làm Bác dịu hơn cơn khát mỗi ngày; cả tiếng chim từ qui khắc khoải đêm trường và tiếng chim sơn ca ríu rít ban mai- từng khơi gợi bao nỗi niềm dân quốc và làm Bác vui khi nghĩ tới tương lai.
Bàn đá bên suối Lê Nin - Nơi Bác Hồ ngồi làm việc.
Cùng với Bác và Trung ương Đảng, còn đây đồng bào và những chiến sỹ cách mạng Cao Bằng trung kiên, những danh tướng Cao Bằng huyền thoại như Lê Quảng Ba, Đàm Quang Trung, Bằng Giang, Đàm Nguỵ, Dương Đại Lâm, Mã Thành Kính... Và như một định mệnh lịch sử, Pác Bó- nơi khởi nguồn dòng suối Trời- suối Lênin, cũng là nơi khởi nguồn những quyết sách cách mạng thắng lợi mà lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay lại là nơi khởi đầu đường Hồ Chí Minh- con đường đẹp Việt Nam xuyên suốt Bắc - Trung - Nam.
Giữa “Non xa xa, nước xa xa” Pác Bó, tôi rưng rưng nhìn cảnh mà nhớ Người. Không thể cầm lòng, tôi quì bên ngọn nguồn suối Trời- suối Lê nin, vốc nước uống ba ngụm, tỏ lòng đứa con đất Việt hiếu thảo uống nước nguồn ông cha, cho thoả ước ao đi trảy nước non Cao Bằng.
Chú thích:
*Tên ngọn núi bên suối Lênin.
** Núi Phja Tào được Bác Hồ đặt tên núi Các Mác.
* ** Suối Giàng- suối Trời được Bác Hồ đặt tên suối Lênin.
H.T.S
Các tin khác
YBĐT - Những ngôi nhà sàn xinh xắn; các thiếu nữ Tày xúng xính trong trang phục áo chàm, cổ đeo vòng bạc, thắt lưng xà tích, đầu vấn khăn đen, má ửng hồng say trong làn điệu hát khắp, hát coọi đã theo tôi suốt trong những năm tháng tuổi thơ trên quê hương Lục Yên. Vậy mà hôm nay trở lại, những bản làng của người Tày vẫn con người ấy, cảnh vật ấy mà "hương rừng, gió núi" đã "bay đi rất nhiều"; áo chàm sắp chỉ còn là "niềm thương nhớ"!
YBĐT - Cánh đồng Mường Lò (Văn Chấn - Nghĩa Lộ) nổi tiếng và lớn thứ hai khu vực Tây Bắc cả về diện tích cũng như độ phì nhiêu của đất. Thế nhưng, trên cánh đồng lớn này, nhiều thửa ruộng đã phải “nhà chen đua thắm, ruộng nhường màu da”. Hiện nay, thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về vấn đề “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, chính quyền địa phương sẽ xây dựng chương trình hành động như thế nào để giải bài toán khó này?
YBĐT - Địa hình hiểm trở, trình độ dân trí thấp khiến đời sống của đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) còn nhiều khó khăn. Việc đưa lực lượng quân đội về “cắm” bản, hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào tiếp cận cách canh tác mới; thay đổi nhận thức, hành vi trong sinh hoạt, ổn định dân cư... là một cách làm hay của Bộ CHQS tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Những ngày cuối tháng Ba, đoàn các văn nghệ sĩ tỉnh Yên Bái cùng nhiều du khách trong và ngoài nước tìm về cụm di tích lịch sử đôi bờ Hiền Lương - vĩ tuyến 17 - sông Bến Hải để tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.