Ai "xẻ thịt" đất ruộng Mường Lò!
- Cập nhật: Thứ năm, 16/4/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Cánh đồng Mường Lò (Văn Chấn - Nghĩa Lộ) nổi tiếng và lớn thứ hai khu vực Tây Bắc cả về diện tích cũng như độ phì nhiêu của đất. Thế nhưng, trên cánh đồng lớn này, nhiều thửa ruộng đã phải “nhà chen đua thắm, ruộng nhường màu da”. Hiện nay, thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về vấn đề “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, chính quyền địa phương sẽ xây dựng chương trình hành động như thế nào để giải bài toán khó này?
Nhà ở và ao của hộ ông Lò Văn Sang ở bản Cại, xã Thạch Lương (Văn Chấn, lấn chiếm đất ruộng từ nhiều năm nay.
|
Nát ruộng Mường Lò
Phóng tầm mắt từ lưng chừng đỉnh Phình Hồ (Trạm Tấu) thấy cánh đồng Mường Lò - cánh đồng lớn thứ nhì Tây Bắc (“Nhất thanh, nhì Lò...”) trải rộng mênh mông. Cánh đồng Mường Lò rộng trên 2 ngàn ha thì 2/3 diện tích thuộc huyện Văn Chấn còn lại là của thị xã Nghĩa Lộ. Hiện có khoảng chục ngàn hộ dân đang sinh sống chủ yếu nhờ vào cánh đồng này. Chủ tịch UBND xã Thạch Lương - Lường Văn Xuân phấn khởi cho biết: Vụ này, bà con cấy 80% diện tích là giống lúa lai, năng suất lúa ước đạt bình quân khoảng 6,5 tấn/ha. Bình quân năng suất lúa trên cánh đồng Mường Lò bao giờ cũng cao hơn so với nơi khác. Nghề trồng lúa vẫn là nguồn thu nhập chính của nông dân trên cánh đồng Mường Lò. Mỗi hec-ta làm 3 vụ thu hoạch hàng chục triệu đồng.
Thế nhưng, đi dọc một số cánh đồng xã Thanh Lương, Thạch Lương, rồi Phù Nham..., ruộng đang nhường đất cho nhà cửa, ao, vườn. Những lều lán, nhà cửa của dân lấn chiếm ra cả ruộng. Thậm chí một số công trình như: trạm y tế xã, khu tái định cư cũng được qui hoạch ra ruộng. Nhiều nhất vẫn là ở Phù Nham, Thạch Lương, Phúc Sơn. Một số lều lán đã được tháo dỡ, nền đất trống trơ giữa ruộng và nhiều thửa ruộng bị xé nát, nhỏ lẻ...
Ông Nồng Văn Sôm, bản Cại, xã Thạch Lương từng 14 năm làm phó thôn, nhưng năm 2003 đã tự ý chuyển đổi trên 200 m2 ruộng lúa sang đào ao thả cá. Nhưng chỉ được 2 năm ông lại lấp ao để trồng rau lang, kinh tế cũng không hơn và thậm chí không ổn định bằng trồng lúa. Lý do ông đưa ra chẳng qua do tách hộ, quan niệm có nhà riêng phải có ao, hơn nữa thấy các hộ chuyển đổi không làm sao nên ông cũng làm theo.
Ông Lò Văn Song cùng bản cũng vậy, ngôi nhà sàn vững chắc, cộng cái ao phía trước đã chiếm mất 550 m2 diện tích trồng lúa trước đây của gia đình. Cả xã Thạch Lương có 55 hộ tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tổng diện tích vi phạm lên tới trên 12.000 m2, trong đó có 25 hộ làm lều lán, nhà ở trên diện tích gần 8.500 m2, còn 30 hộ chuyển sang đào ao, vườn với diện tích trên 4400 m2. Nguyên nhân thì nhiều, chủ yếu mỗi khi con cái xây dựng gia đình lại tách hộ, làm nhà, ao, vườn hoặc viện lý do thửa ruộng của họ không tiện cho sản xuất lúa... Lãnh đạo xã thì cho biết, xã cùng với Phòng Tài nguyên- Môi trường của huyện mới chỉ xử lý được 9 hộ lấn chiếm, tự ý chuyển đổi mục đích trái phép từ năm 2003 trở lại đây. Hiện còn tới 46 hộ chưa có biện pháp xử lý.
Thực tế cho thấy các hộ này đều vi phạm từ trên chục năm về trước như ông Lò Văn Nhình ở bản Bát dựng nhà, làm ao từ năm 1997; ông Hoàng Văn Chài ở bản Đường, làm nhà, ao từ năm 1998... Việc xử lý số hộ lấn chiếm chuyển thành ao, vườn xã sẽ chỉ đạo giải quyết triệt để trong tháng 4/2009. Tuy nhiên, còn một số hộ đã dựng nhà ở lâu năm, xã vẫn “bó tay” chờ huyện có hướng chỉ đạo.
Hầu hết các xã vùng Mường Lò đều có hộ vi phạm đất ruộng. Xã Thanh Lương có 18 trường hợp, diện tích vi phạm gần 889 m2; xã Phù Nham có 49 trường hợp vi phạm, diện tích 1137 m2; Phúc Sơn 19 trường hợp, diện tích vi phạm trên 3.000 m2... Tổng số có 192 trường hợp hộ gia đình, cá nhân đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất ruộng để làm lều lán, nhà ở, ao cá... với tổng diện tích vi phạm trên 22.502 m2. Thị xã Nghĩa Lộ cũng vậy, năm 2006 diện tích đất nông nghiệp là 721 ha đến nay còn 705 ha. Chỉ trong gần 3 năm đã có khoảng 16 ha ruộng của thị xã phải nhường chỗ cho nhà cửa, công trình, ao, vườn do cán bộ tự ý “chuyển đổi mục đích sử dụng”.
Trong số hộ vi phạm đã có sự tiếp tay của chính quyền xã như: cấp giấy chứng nhận chuyển quyền sử dụng ruộng thành đất ở, cho xây nhà, công trình kiên cố... ông Lường Văn Duyên ở bản Bát xã Thạch Lương nằm trong số hộ vi phạm nhưng lại có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và nộp thuế đất hàng năm với diện tích 475 m2 nhà, ao. Còn ông Thuận ở Phúc Sơn tự ý xây dựng bể biogas, khi được hỏi thì nói rằng xã đồng ý cho xây dựng...
Hãy giữ màu xanh ruộng đồng
Trước thực trạng trên, ngành chức năng huyện Văn Chấn cũng như thị xã Nghĩa Lộ đã đi kiểm tra, rà soát chỉ đạo các ngành, xã giải quyết. Ông Cao Trường Giang - Phó phòng Tài nguyên- Môi trường huyện Văn Chấn cho biết: “Phòng đã đề xuất phương án xử lý, kiên quyết tháo dỡ, giải toả và trả lại hiện trạng đất đúng theo mục đích sử dụng đã có qui hoạch đối với các trường hợp vi phạm mà hiện nay phần đất chuyển mục đích sử dụng trái phép làm lều lán, nhà tạm, ao, vườn. Với các trường hợp nhà đã dựng chắc chắn thì nhất thiết phải tháo dỡ, tuy nhiên các trường hợp này cần phải có thời gian tháo dỡ dài hơn. Đối với các trường hợp đã xây dựng nhà kiên cố, chính quyền xã họp nhân dân lấy ý kiến đề xuất từng trường hợp cụ thể để hợp thức hoá và nộp tiền sử dụng đất theo qui định”.
Hiện nay, nhiều trường hợp chưa bố trí được đất ở, chính quyền xã, thị trấn cần xem xét quĩ đất, qui hoạch khu dân cư, cụm dân cư để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, cấp đất ở theo qui định, đảm bảo nhu cầu thực tiễn, chính đáng của người nông dân. Qua bước đầu xử lý thấy rằng gặp rất nhiều khó khăn. Một số xã hoàn thành cơ bản chủ yếu là tháo dỡ lều lán của các hộ mới lấn chiếm. Một số hộ làm nhà kiên cố, vi phạm từ chục năm nay, biên bản vi phạm thì đã được lập nhiều lần nhưng vẫn chưa có cách nào để giải quyết dứt điểm, điển hình như xã Phúc Sơn đã khiến dư luận nhân dân khá bức xúc.
Ngày 12/3/2009, Ban Thường vụ Huyện ủy Văn Chấn quyết định giám sát thực hiện Kết luận số 31-KL/HU ngày 13/4/2007 đối với Đảng bộ xã Phúc Sơn. Theo đó, tập trung khắc phục 2 vấn đề mà dư luận quan tâm đó là tình trạng lấn chiếm đất đai trái phép và tác phong làm việc không chuẩn mực của một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ chủ chốt xã. Việc chưa thực hiện được Kết luận số 31 của Ban Thường vụ Huyện uỷ về vi phạm pháp Luật Đất đai là do lãnh đạo xã không kiên quyết, còn nể nang, cách làm chưa tốt; một số hộ dân ỷ thế có anh em họ hàng là lãnh đạo xã để chống đối lại chủ trương của huyện và quyết định của xã. Hiện nay, đã hết thời gian vận động, thuyết phục, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo tập trung kiên quyết giải toả lấn chiếm đất ruộng trái phép, điển hình là 2 hộ ở Phúc Sơn lấn chiếm diện tích lớn, có biểu hiện chống đối để tiến hành xử lý trước.
Cần hành động theo nghị quyết
Tại Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X đã xác định, giải quyết vấn đề “tam nông” là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nghị quyết số 26-NQ/T.Ư về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” được Hội nghị thông qua, ban hành ngày 5/8/2008 như một luồng gió mới giúp nông nghiệp nông thôn cất cánh. Theo đó, cần xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn là chủ thể của quá trình phát triển, xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ và phát triển đô thị theo hướng quy hoạch là căn bản; phát triển toàn diện, hiện đại hoá là then chốt.
Để xây dựng cánh đồng lớn thứ nhì Tây Bắc phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực thì ngoài tạo chuyển biến về cơ cấu sản xuất, trước hết cần tập trung hoàn thành cơ bản việc rà soát, bổ sung, điều chỉnh qui hoạch đất nông nghiệp, nhà ở nông thôn, bảo vệ và giữ vững diện tích đất nông nghiệp. Việc xử lý triệt để các tổ chức, cá nhân vi phạm, tiến tới một cuộc cách mạng dồn điền đổi thửa đưa máy móc khoa học kỹ thuật vào sản xuất sẽ giúp Mường Lò chúng tiến tới một nền nông nghiệp phát triển toàn diện, hiện đại trên cơ sở đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị- xã hội ở nông thôn.
Thiên nhiên đã ban tặng cho Yên Bái một cánh đồng Mường Lò màu mỡ - nguồn tài nguyên vô cùng quí giá. Nếu không có chương trình hành động gìn giữ, phát huy, tận dụng tiềm năng kinh tế ngay từ bây giờ, e rằng vài chục năm hoặc lâu hơn nữa, Mường Lò rộng lớn sẽ không thể đứng vị trí “đệ nhị Tây Bắc”.
Văn Trung
Các tin khác
YBĐT - Địa hình hiểm trở, trình độ dân trí thấp khiến đời sống của đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) còn nhiều khó khăn. Việc đưa lực lượng quân đội về “cắm” bản, hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào tiếp cận cách canh tác mới; thay đổi nhận thức, hành vi trong sinh hoạt, ổn định dân cư... là một cách làm hay của Bộ CHQS tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Những ngày cuối tháng Ba, đoàn các văn nghệ sĩ tỉnh Yên Bái cùng nhiều du khách trong và ngoài nước tìm về cụm di tích lịch sử đôi bờ Hiền Lương - vĩ tuyến 17 - sông Bến Hải để tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
YBĐT - Đoàn tàu hướng Lào Cai – Hà Nội rầm rầm chạy qua, ánh đèn lướt thành một vệt dài rồi chìm sâu vào bóng đêm hun hút. Tiếng rú vang của đoàn tàu tạo thành tiếng động lớn khiến tôi rùng mình. Người đàn ông đi phía trước vẫn miệt mài dõi mắt vào đường ray, đôi chân bước điệu nghệ trên thanh tà vẹt. Ánh đèn vẫn sáng khắp nẻo tuần đường...
YBĐT - Chẳng biết từ bao giờ, hình ảnh Tây Nguyên núi rừng hùng vĩ đã in đậm trong trái tim và trí nhớ của tôi. Là bởi tôi từng say mê đọc Trường ca Đăm Sam, Trường ca Xing Nhã, Trường ca Y Ban- những bản anh hùng ca bất diệt, phản ánh tinh thần đấu tranh vô cùng dũng cảm, thông qua các nhân vật lí tưởng, cho khát vọng tự do của con người trong buổi bình minh của lịch sử.