Dưới chân cột cờ Cầu Hiền Lương

  • Cập nhật: Thứ tư, 1/4/2009 | 12:00:00 AM

YBĐT - Những ngày cuối tháng Ba, đoàn các văn nghệ sĩ tỉnh Yên Bái cùng nhiều du khách trong và ngoài nước tìm về cụm di tích lịch sử đôi bờ Hiền Lương - vĩ tuyến 17 - sông Bến Hải để tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Cột cờ phía bắc cầu Hiền Lương.
Cột cờ phía bắc cầu Hiền Lương.

Bên sông, ca sỹ nào đang hát bài “Câu hò bên bến Hiền Lương” cứ vang lên xao xuyến, bồi hồi: “Bên ven bờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về, mắt đượm tình quê… mắt đượm tình quê”. Đã 34 năm đất nước thống nhất, bây giờ nghe lại câu hò xưa, giai điệu như vẫn lắng sâu vào máu thịt...

Tỏ ra nôn nóng, nhà văn Hoàng Thế Sinh xăm xắm chạy xuống bến sông, khỏa tay vào dòng nước mát. Rồi như vừa phát hiện ra điều kỳ thú, anh ngửng mặt nói to: “Nước sông Bến Hải có vị mặn”. Biết là đang dịp triều cường, nước mặn từ biển xâm nhập vào mà tôi chẳng muốn tin, dường như từ trong sâu xa tâm khảm luôn nghĩ rằng, đó là cái mặn của máu và nước mắt thấm đẫm con sông lịch sử.

Lần tìm theo bản đồ địa lý, sông Bến Hải có tên khai sinh là sông Minh Lương, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, chạy dọc vĩ tuyến 17 (ranh giới hai huyện Vĩnh Linh, Gio Linh hiện nay), dài gần 100km, đổ ra biển Đông tại cửa Tùng. Sau khi chảy xuôi được hơn 80km thì gặp sông Sa Lung từ hướng tây bắc chảy vào thành ngã ba sông, hợp lưu hai con sông này chảy qua làng Minh Lương (nằm ở bờ bắc) nên còn gọi là sông Minh Lương. Dưới thời Vua Minh Mạng, do húy chữ “Minh” nên cả tên làng và tên sông đều phải đổi thành Hiền Lương.

Khi hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết (20/7/1954), đất nước Việt Nam chia thành hai miền Bắc - Nam, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự tạm thời. Sông Bến Hải trở thành đường biên chia cắt trong thời gian hai năm chờ cuộc Tổng tuyển cử để thống nhất đất nước được qui định vào tháng 7 năm 1956.

Nhưng sự thật đã không diễn ra đúng như vậy và con sông lại là chứng nhân lịch sử chứng kiến bao buồn đau cùng quá trình đấu tranh anh dũng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của dân tộc. Riêng cây cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải tại Km735 trên quốc lộ 1A, nối liền thôn Hiền Lương ở bờ Bắc, thôn Xuân Hòa ở bờ Nam cũng có cả một pho huyền thoại.

Đoạn sông rộng hàng trăm mét này xưa kia chỉ có bến phà, năm 1928, chính quyền phủ Vĩnh Linh huy động sức dân làm một chiếc cầu gỗ, cọc sắt, rộng 2m, trọng tải chỉ đủ cho khách bộ hành. Đến năm 1931, người Pháp sửa chữa lại nhưng xe cộ muốn qua sông vẫn phải đi bằng phà. Năm 1943, cầu được nâng cấp một lần nữa, lúc này xe cơ giới loại nhỏ có thể qua được. do nhu cầu quân sự, năm 1950, người Pháp xây dựng lại cầu bằng bê tông cốt thép, dài 162m, rộng 3,6m, trọng tải 10 tấn. Cầu tồn tại được hai năm thì bị du kích Việt Minh đặt bộc phá đánh sập để ngăn chặn sự tiến công của quân đội Pháp.

Tháng 5 năm 1952, chính quyền thực dân xây lại cầu mới dài 178m, 7 nhịp, trụ bê tông cốt thép, dầm cầu bằng thép, mặt cầu rộng 4m lát gỗ thông, hai bên có thành chắn cao 1,2m, trọng tải tối đa là 18 tấn. Cầu sơn màu gỉ sắt và chia làm hai phần, bờ Bắc gồm 450 tấm ván mặt cầu, bờ Nam 444 tấm. tồn tại được 15 năm, đến năm 1967, cầu bị bom Mỹ đánh sập.

Khi cầu Hiền Lương bị chia đôi, chính giữa cầu được vạch một đường kẻ ngang sơn trắng, rộng 1cm làm ranh giới giữa hai miền Nam - Bắc. Phía nửa cầu bờ Nam, từ sau năm 1956, chính quyền Sài Gòn cho sơn bằng màu xanh (nửa cầu phía Bắc lúc đó vẫn là màu gỉ sắt) nhằm phân biệt sự chia đôi đất nước Việt Nam, phía miền Bắc quyết đấu tranh đòi thống nhất một màu sơn trên cầu. Phía Nam sơn màu xanh một nửa phía Nam thì phía Bắc cũng dùng màu xanh. Phía Nam chuyển thành màu nâu, phía Bắc cũng lại sơn nâu.

Rõ ràng không phải vấn đề màu sắc mà chính là cuộc đấu tranh không khoan nhượng khẳng định lập trường và ý chí của toàn đảng, toàn dân ta. Cho đến năm 1963 - 1964, phía miền Bắc sơn lại nửa cầu bên mình bằng màu xanh thì lúc ấy chính quyền miền Nam không còn tranh giành màu sơn nữa. Cầu Hiền Lương được mang một màu xanh thống nhất trước khi bị máy bay Mỹ ném bom làm sập vào năm 1967.

Cầu Hiền Lương và cụm Tượng đài "Khát vọng thống nhất

Trong 13 năm trời, cây cầu Hiền Lương bắc qua sông không có người dân nào được qua lại để thăm viếng thân nhân, chỉ có lực lượng cảnh sát hai bên mới được quyền qua cầu để làm nhiệm vụ trực ban. Hằng tháng, vào đúng ngày chẵn, một tổ 3 người phía Bắc mang sổ trực sang bờ Nam và vào một ngày lẻ, một tổ 3 người của phía Nam lại sang bờ Bắc trao đổi công việc. Thành ra con sông Bến Hải ngày ấy có khác chi sông Gianh ở Quảng Bình thời phân tranh chúa Trịnh đàng ngoài, chúa Nguyễn đàng trong.

Nỗi nhớ miền Nam, nhớ người tập kết ra Bắc đã trở thành đề tài nóng bỏng làm nên bao tác phẩm nghệ thuật lay động lòng người: “Câu hò bên bến Hiền Lương”, phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, ký “Đò tuyến” của Nguyễn Tuân, tiểu thuyết “Người không mang họ” của nhà văn Xuân Đức -  Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị...

Để tìm hiểu kỹ hơn về khu di tích, chúng tôi vào gặp Ban Quản lý và nhờ người giới thiệu. Thông cảm với khách từ xa đến mà anh Sơn đã tình nguyện làm hướng dẫn viên. Là người Quảng Trị thuộc thế hệ sinh ra sau ngày đất nước bị chia cắt nhưng anh lại nắm chắc đến từng chi tiết nhỏ của vùng khu phi quân sự này.

Trong câu chuyện của anh, cảm động nhất vẫn là về cây cột cờ giới tuyến: “Cột cờ của ta trên bờ bắc cầu Hiền Lương lúc đầu làm bằng gỗ, trải qua hai mùa mưa nắng (1954 - 1956) có nguy cơ bị gãy đổ. khi đó, đồng bào ở bờ Nam bị đẩy sâu vào phía trong nên không nhìn thấy rõ lá cờ Tổ quốc. Nhân dân miền Nam thiết tha đề nghị Chính phủ cho xây dựng một cột cờ khác cao hơn, to hơn của Mỹ - Ngụy ở bờ Nam để nhân dân mình dù ở xa vẫn luôn nhìn rõ. Được Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện nguyện vọng của nhân dân hai miền giới tuyến, một đoàn công tác hành quân vào Vĩnh Linh với quyết tâm lắp dựng cột cờ trước ngày tiến hành Tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

Khó khăn lớn nhất lúc đó là Hiền Lương không có điện, cách duy nhất là phải gia công cột cờ tại Hà Nội rồi vận chuyển vào lắp dựng. Hành trình trên con đường chưa tới 800km nhưng phải vượt trên 10 chuyến phà, qua 10 ngày đêm với xe dài, đường hẹp và hư hỏng nặng. Cuối cùng, lá cờ đỏ sao vàng có chiều dài 9m, rộng 6m phấp phới tung bay trên bầu trời lộng gió với cột cờ sừng sững, cao hơn cột cờ của phía bên kia 3m. Người dân hai đầu giới tuyến hân hoan, nhiều người già cảm động rơi nước mắt”. Nghe anh Sơn kể, lòng chúng tôi cũng không khỏi rưng rưng...

Ôi! lá cờ biểu trưng của màu máu đỏ da vàng từng tung bay trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940; lá cờ mà Cụ Hồ đã chọn trình Quốc hội phê chuẩn là Quốc kỳ. Lá cờ là hồn Tổ quốc để ai đi đâu đó khắp thế giới này vẫn hướng về mà kính cẩn chào. Thiêng liêng là vậy nên hôm nay được đứng dưới chân cột cờ xây dựng to đẹp, nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay theo ngọn gió từ bờ Nam thổi hướng ra bờ Bắc mà càng tự hào về truyền thống anh hùng của đất nước, của dân tộc. Và càng khắc sâu trong tâm trí câu nói gan ruột của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại: “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

với những giá trị lịch sử đặc biệt, năm 2001, cụm di tích đôi bờ Hiền Lương được Nhà nước xếp vào hạng Di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia. Đến năm 2002, bằng sự nỗ lực của tỉnh Quảng Trị thì việc tôn tạo cụm di tích đặc biệt quan trọng đôi bờ Hiền Lương chính thức được khởi động, kinh phí đầu tư 45 tỉ đồng. Lần tôn tạo này, ngoài việc xây dựng cầu Hiền Lương lịch sử được phục chế nguyên mẫu, tất cả những di tích còn lại được bố trí cân đối, hài hòa hai bên bờ Bắc - Nam sông Bến Hải gồm cột cờ, đồn công an, nhà liên hiệp, giàn loa công suất lớn...

Và cụm tượng đài "Khát vọng thống nhất". Cụm tượng đài "Khát vọng thống nhất" đặt ở bờ Nam sông Bến Hải, được chia thành hai phần, gồm hình tượng người mẹ miền Nam và em bé mang nỗi chờ mong khắc khoải, mắt hướng về phía bờ bắc, nơi có cột cờ ở đầu cầu giới tuyến và lá cờ đỏ sao vàng năm cánh luôn tung bay trong gió như củng cố thêm niềm tin tất thắng vào ngày thống nhất trọn vẹn Tổ quốc sẽ sớm đến với đồng bào miền Nam. Phía sau hình tượng người mẹ và em bé là những tàu lá dừa vút lên từ lòng đất. Đó là khát vọng, là sức mạnh tiềm tàng và dẻo dai của người miền Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Dắt tay nhau dạo bước trên cầu Hiền Lương theo hành trình Bắc - Nam, trăm mét sông mà có cả hai mươi năm chờ đợi. Dưới chân cầu, dòng nước hiền hòa xuôi về biển Đông như cũng đang reo ca cùng lòng người hân hoan mừng non sông một dải thống nhất. Bên phía tây cách vài chục mét, một cây cầu bê tông mới được xây dựng vào năm 1996 để đáp ứng yêu cầu phát triển giao thông trong thời kỳ mới và thay thế cho cầu cũ đã xuống cấp. Dòng người, dòng xe tấp nập qua cầu. Hình như ai cũng ngoái nhìn cây cầu lịch sử, rồi ngước nhìn lên Quốc kỳ đang phần phật tung bay để nhớ, để rồi không thể nào quên một thời đau thương mà anh dũng...

Thế Quynh

Các tin khác
Anh Phạm Anh Tuấn trên đường tuần.

YBĐT - Đoàn tàu hướng Lào Cai – Hà Nội rầm rầm chạy qua, ánh đèn lướt thành một vệt dài rồi chìm sâu vào bóng đêm hun hút. Tiếng rú vang của đoàn tàu tạo thành tiếng động lớn khiến tôi rùng mình. Người đàn ông đi phía trước vẫn miệt mài dõi mắt vào đường ray, đôi chân bước điệu nghệ trên thanh tà vẹt. Ánh đèn vẫn sáng khắp nẻo tuần đường...

Nhà Rông Tây Nguyên.

YBĐT - Chẳng biết từ bao giờ, hình ảnh Tây Nguyên núi rừng hùng vĩ đã in đậm trong trái tim và trí nhớ của tôi. Là bởi tôi từng say mê đọc Trường ca Đăm Sam, Trường ca Xing Nhã, Trường ca Y Ban- những bản anh hùng ca bất diệt, phản ánh tinh thần đấu tranh vô cùng dũng cảm, thông qua các nhân vật lí tưởng, cho khát vọng tự do của con người trong buổi bình minh của lịch sử.

Người dân ở 8 thôn đã nhận trên 2300 kg lúa giống và 650 kg ni lông che mạ.

YBĐT - Làm gì để giải quyết căn bản bài toán Bản Mù và vùng cao Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái? Nghị quyết 03 của Ban Thường vụ ngày 21/7/2006 với nhiệm vụ và giải pháp cụ thể chính là chiếc gậy chỉ đường, là đòn bẩy để thúc đẩy kinh tế vùng cao.

Hệ thống mương nội đồng được đầu tư từ chương trình kích cầu Nhà nước 60%, nhân dân 40% khô cạn, bỏ phí khi con mương Tây Sơn - Nà Cáy không đưa nước được về đồng ở Thoóc Phưa.

YBĐT - Vụ xuân này, cũng như những vụ xuân trước, nông dân thôn Thoóc Phưa, thị trấn Yên Thế (Lục Yên) lại “nóng” hơn chuyện mua nước cấy lúa dù nông dân đã được Nhà nước miễn thuỷ lợi phí. Đây là hậu quả của sự tắc trách trong công tác quản lý, cũng như thiếu ý thức của một số đơn vị và người dân sống liền kề, đã khiến con mương Tây Sơn – Nà Cáy ngừng hoạt động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục