Trên đỉnh Tà Ghênh
- Cập nhật: Thứ sáu, 10/4/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Địa hình hiểm trở, trình độ dân trí thấp khiến đời sống của đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) còn nhiều khó khăn. Việc đưa lực lượng quân đội về “cắm” bản, hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào tiếp cận cách canh tác mới; thay đổi nhận thức, hành vi trong sinh hoạt, ổn định dân cư... là một cách làm hay của Bộ CHQS tỉnh Yên Bái.
|
Cơn mưa lớn đầu mùa đổ xuống khiến cả “cổng trời” Khau Phạ chìm trong mây mù. Con đường lên bản Tà Ghênh, xã Nậm Có (Mù Cang Chải) nhầy nhụa bùn như muốn níu chân chúng tôi lại. Tay gậy, lưng cõng ba lô, mặt hướng lên đỉnh cao trên 2.000m, nơi có bản Mông sinh sống, đoàn công tác của Bộ CHQS tỉnh Yên Bái nhích dần về bản.
Các mái nhà lợp gỗ pơmu xám ngắt trong chiều tà đã bắt đầu có khói bếp bay lên. Trung tá Hà Long Giang - Trợ lý Dân vận Bộ CHQS tỉnh, vốn là lính đảo Trường Sa, đã “cắm” bản hơn một tháng cùng 17 đồng chí khác, giới thiệu nhanh về xã: Nậm Có cách trung tâm huyện gần 55 km, có trên 1.000 hộ dân sống ở 13 bản; riêng các bản Đá Đen, Làng Giàng, Phình Ngài, Lùng Cúng... cách trung tâm xã trên 20 km, đi bộ mất đứt nửa ngày. Đây là xã mà tình trạng tái trồng cây thuốc phiện, buôn bán lâm sản trái phép, di dân diễn biến phức tạp; tỷ lệ hộ nghèo cao, hơn 70%; một số hủ tục lạc hậu vẫn đeo bám như: tảo hôn, đám ma để lâu ngày, nghiện hút thuốc phiện chưa được chấm dứt.
“Ổn định từng nhà, giúp tại bản” không chỉ là khẩu hiệu hành động suông của đội công tác. “Nhớ ngày đầu ở bản, mỗi sáng đi vệ sinh mỏi cả... tay vì phải dùng gậy đuổi lợn!” - thiếu úy Vàng A Nủ nói vui. Nơi đây không dùng nhà vệ sinh, không có nơi tắm riêng cho phụ nữ; trâu, lợn thả rông nên phân vãi khắp nơi, rất dễ gây dịch bệnh. Thế nên, đầu năm 2008, cái rét đã làm chết 295 con trâu, 43 con bò, 8 con ngựa của đồng bào trong xã do không có chuồng trại. Đầu tháng 4 này, các bản đã xuất hiện dịch “làm mùa”, chủ yếu là sốt phát ban và lỏng lỵ. Vậy là, ngoài việc vận động, giải thích cho đồng bào cái đúng, cái sai của tập tục cũ, bộ đội cùng với dân làm nhà vệ sinh, làm chuồng trại cho các hộ trong bản.
Trong tháng 3 – 2009, đội đã giúp dân trồng nửa héc-ta sắn; làm mẫu theo cách “cầm tay, chỉ việc” trồng trên 200m2 rau muống nước; hướng dẫn làm phân xanh, ủ phân chuồng, chăm sóc lúa. Bên cạnh đó, làm mới 33 nền chuồng trâu, hoàn chỉnh 15 chuồng trâu bằng gỗ, 15 nhà vệ sinh; tham gia tổng vệ sinh toàn bản, trong đó có phun thuốc diệt côn trùng và vệ sinh nguồn nước; khám, phát thuốc chữa bệnh cho người ốm; cắt tóc cho 50 cháu; chiếu 10 tối phim có lồng ghép tuyên truyền các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước... Bộ đội về bản lần này được tập huấn tiếng Mông, các chủ trương lớn của Đảng, thực hiện nghiêm kỷ luật quân đội khi công tác dã ngoại. Trưởng bản Tà Ghênh Giàng A Dê, trước những chuyển biến của dân bản đã phấn khởi bảo: “Cả 112 nhà dân, bản mình từ nay sẽ làm theo cách của bộ đội, cái đói, cái nghèo sẽ sớm ra khỏi bản thôi”.
Tiến hành khảo sát tuyến đường từ Tà Ghênh - Lùng Cúng - Phình Ngài - Làng Giàng mất đứt một ngày đi bộ cả đi lẫn về, anh Đỗ Chí Thanh - Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh cùng kỹ sư cầu đường và cán bộ dân vận huyện không mãn nguyện vì tuyến đường quá dốc, khó cho xe máy vượt. Thực tế, hiện Nậm Có còn bốn bản là Đá Đen, Phình Ngài, Làng Giàng, Lùng Cúng chưa có đường giao thông nông thôn, cần phải khảo sát làm đường. Hôm sau, anh Thanh cùng mọi người lại đi bộ khảo sát tuyến này theo hướng tuy có xa hơn nhưng đạt được yêu cầu đề ra. Ấy cũng là cái tình của người lính với dân bản, bởi có đường đến sẽ đưa muối, dầu hỏa, vải mặc... đến với dân, đúng với tinh thần: bám dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin; tránh kẻ xấu tuyên truyền đạo xấu và di cư trái phép. Chả nói đâu xa, năm 2006, cả bản Làng Giàng có 31 hộ người Mông thì 21 hộ bỏ lại mồ mả cha ông di cư sang đất Phong Dụ Thượng (Văn Yên) phát rừng đầu nguồn làm nương lúa. Mất khá nhiều thời gian và công sức từ tỉnh đến xã, phải dùng đến hàng trăm công của dân quân xã giúp dân gùi thồ trên hai tấn thóc cho đồng bào từ nơi di cư về lại bản Làng Giàng ổn định sản xuất, gắn bó xây dựng quê hương.
Những ngày ở bản, bộ đội tham mưu cùng Đảng ủy xã tách được bốn chi bộ đang sinh hoạt ghép là Lùng Cúng - Phình Ngài, Tà Ghênh - Làng Giàng bằng cách đưa đảng viên Sùng A Nhà, Giàng Páo Dê, Vàng A Sùng từ Chi bộ Tà Ghênh sang Chi bộ Làng Giàng sinh hoạt; Sùng A Lử và Sùng Thị Mú là cán bộ xã tham gia sinh hoạt với Chi bộ Phình Ngài và Lùng Cúng đúng theo Điều lệ Đảng. Việc các bản xa đều có chi bộ Đảng bám dân, lãnh đạo quần chúng đã xóa mặc cảm của người dân vùng cao “khó, khổ, khô” vươn lên là một thành công bước đầu ở nơi này.
Đêm vùng cao lạnh, yên tĩnh và thần bí kỳ lạ. Trong căn lán khoảng 12m2 giữa mênh mông đất trời, bạn trẻ nằm bên cạnh bị bọ chó cắn nổi đầy nốt đỏ từng mảng lớn, kể chuyện cô gái Mông ở nhà kế bên mới 15 tuổi, bị “bắt” về làm vợ, không ưng đã ăn lá ngón tự tử. Để trên chiếu ba ngày làm ma, xác bắt đầu chảy nước mới đưa lên cáng đi chôn, bộ đội phải giúp đào huyệt sát con đường ban ngày chúng tôi vừa đi qua, nghe cứ rờn rợn... Bỗng phía ngoài cửa có tiếng người con gái lanh lảnh: “Các anh bộ đội ơi! Em nhờ một tý!”. Trong ánh đèn pin lọt thỏm giữa đêm đen của núi rừng, đúng là có một người con gái, mà gái nói tiếng phổ thông hẳn hoi. Hóa ra là cô giáo tham gia dạy phổ cập giáo dục trên bản, buổi đêm sợ ma vào nhờ bộ đội đưa về. Cô là Vũ Hồng Sâm, sinh năm 1986, giáo viên Trường THCS Nậm Có, quê ở xã Sơn Thịnh (Văn Chấn) đang dạy hợp đồng với mức lương 1,2 triệu đồng/tháng. Sáng nay mưa, học sinh bỏ học nhiều, cô Sâm phải đi bộ tới bản Nậm Pẳng, Háng Cơ xa cả chục cây số để vận động các em trở lại lớp. Buổi tối, cô lại lội bộ lên Tà Ghênh dạy phổ cập. Khi đề cập sự vất vả “thân gái dặm trường”, Sâm nhỏ nhẹ: “Ai vào hoàn cảnh như em cũng vậy thôi anh ạ. Cứ như cô giáo cắm bản Tà Ghênh Nông Thị Trường đang ở một mình nơi heo hút, không điện, không bạn, còn vất hơn em ấy chứ...”. Để cái chữ đến với trẻ em nơi vùng cao khó khăn này, phải kể đến những cô giáo như Sâm, Trường và hàng ngàn thầy cô khác không quản ngại khó khăn, ngày đêm “cõng” chữ lên núi cao, đưa tri thức, văn minh nhân loại truyền đạt cho thế hệ trẻ.
Âm thanh đêm giao lưu văn nghệ tại xã, có tiếng khèn, tiếng sáo ngân xa cả một vùng; màu áo Thái, áo Mông rún rẩy bên màu áo lính trong điệu múa đoàn kết. Các đội công tác quân đội được dân tin, dân yêu, cùng đồng bào xóa đi cái nghèo, cái đói và lạc hậu bám riết bấy lâu nay, giữ bình yên cho vùng cao này không còn nở hoa thuốc phiện.
Thanh Sơn
Các tin khác
YBĐT - Những ngày cuối tháng Ba, đoàn các văn nghệ sĩ tỉnh Yên Bái cùng nhiều du khách trong và ngoài nước tìm về cụm di tích lịch sử đôi bờ Hiền Lương - vĩ tuyến 17 - sông Bến Hải để tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
YBĐT - Đoàn tàu hướng Lào Cai – Hà Nội rầm rầm chạy qua, ánh đèn lướt thành một vệt dài rồi chìm sâu vào bóng đêm hun hút. Tiếng rú vang của đoàn tàu tạo thành tiếng động lớn khiến tôi rùng mình. Người đàn ông đi phía trước vẫn miệt mài dõi mắt vào đường ray, đôi chân bước điệu nghệ trên thanh tà vẹt. Ánh đèn vẫn sáng khắp nẻo tuần đường...
YBĐT - Chẳng biết từ bao giờ, hình ảnh Tây Nguyên núi rừng hùng vĩ đã in đậm trong trái tim và trí nhớ của tôi. Là bởi tôi từng say mê đọc Trường ca Đăm Sam, Trường ca Xing Nhã, Trường ca Y Ban- những bản anh hùng ca bất diệt, phản ánh tinh thần đấu tranh vô cùng dũng cảm, thông qua các nhân vật lí tưởng, cho khát vọng tự do của con người trong buổi bình minh của lịch sử.
YBĐT - Làm gì để giải quyết căn bản bài toán Bản Mù và vùng cao Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái? Nghị quyết 03 của Ban Thường vụ ngày 21/7/2006 với nhiệm vụ và giải pháp cụ thể chính là chiếc gậy chỉ đường, là đòn bẩy để thúc đẩy kinh tế vùng cao.