Gập ghềnh Chế Tạo

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/5/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Chế Tạo (Trêr Tâuv), hiểu theo nghĩa tiếng Việt là kho đậu. Tổ tiên người Mông ở Chế Tạo đến ở đây đã vài trăm năm, bây giờ dân cư đã lên tới 260 hộ với 1.756 nhân khẩu, sống ở 7 bản. Đất đai rộng, ngót 24.000ha toàn núi với rừng.

Đồng chí Hoàng Thương Lượng - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khoá XII tỉnh Yên Bái (đứng giữa) thăm Trường tiểu học xã Chế Tạo.
Đồng chí Hoàng Thương Lượng - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khoá XII tỉnh Yên Bái (đứng giữa) thăm Trường tiểu học xã Chế Tạo.

Vượt hai trăm ki lô mét từ thành phố tỉnh lỵ lên Mù Cang Chải và tiếp tục ba mươi lăm cây số nữa để vào xã Chế Tạo, địa phương được coi là xa nhất của Yên Bái. Con đường cứ dốc ngược, một bên là vách đá dựng đứng, bên kia là vực sâu thăm thẳm. Ngồi trong xe ô tô, cái cảm giác rợn ngợp khiến tôi cứ nhớ về câu thơ Quang Dũng trong bài Tây Tiến “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời”, để mà càng thêm cảm phục quyết tâm và ý chí của Đảng bộ, nhân dân Mù Cang Chải trong việc mở con đường từ huyện đến trung tâm xã vùng ba đặc biệt khó khăn.

Ông Giàng A Chu - Phó Chủ tịch Ủy ban Dân tộc của Quốc hội: Vất vả lắm, hoàn toàn bằng sức người và hỗ trợ vốn từ Chương trình 135 của Chính phủ cùng ngân sách địa phương. Không chỉ nhân dân Chế Tạo, Lao Chải, Kim Nọi là nơi có con đường chạy qua mà các xã khác trong huyện cũng đóng góp ngày công tham gia mở đường. Thế rồi cũng phải mấy năm mới thông tuyến. Ngày khánh thành thật vui, nhiều người lần đầu tiên trong đời được nhìn thấy cái ô tô. Trẻ con thì reo hò, người già rơi nước mắt vì cảm động.

Con đường mở ra, hàng hoá tiêu dùng, phân bón ruộng, vật liệu xây dựng... được chở đến bằng phương tiện cơ giới. Nhiều gia đình cũng đã mua xe máy để đi lại thay vì cho việc cuốc bộ cắt rừng già nửa ngày đường mỗi khi ra huyện như trước kia. Thế nhưng miền núi mưa nhiều, việc bảo dưỡng hằng năm đều gặp khó khăn.

Mùa mưa lũ năm 2008 đã làm sạt lở hàng vạn mét khối đất, mấy đoạn trôi cả cầu cống lẫn mặt đường khiến giao thông bị ách tắc cả tháng trời, huyện  phải chi hơn nửa tỷ đồng để khắc phục. Ngay như việc Đoàn Đại biểu Quốc hội về xã tiếp xúc cử tri hôm nay thì trước đó đã phải huy động lực lượng thanh niên, dân quân sửa sang lại nhưng vẫn gập ghềnh lắm. Mặt đường lổn nhổn đá, chỗ nền đất thì trơn trượt, tay lái thạo từng đi hàng vạn km đường miền núi như anh Cương cũng phải rì rì số một mỗi khi lên xuống dốc hay vào cua tay áo. Cứ đi như thế, xe trước chờ xe sau sẵn sàng cứu hộ khi gặp sự cố. Gần ba giờ đồng hồ mới vào đến xã.

Khỏi phải nói sự phấn khởi của cán bộ, nhân dân Chế Tạo khi có đoàn công tác cấp trên đến địa phương. Đây là địa phương hiếm có trong tỉnh Yên Bái và cả nước đã góp cho Quốc hội 3 đại biểu người dân tộc Mông: Giàng A Páo khóa II,III; Giàng A Gia khoá VII và Giàng A Chu khoá XII. Ý nghĩa lắm nên ngay từ đầu khoá, đồng chí Hoàng Thương Lượng - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khoá XII tỉnh Yên Bái đã có kế hoạch đến đây rồi. Nhưng cứ phải trì hoãn vài lần vì thời tiết xấu và lần này quyết tâm khó mấy cũng đi.

Chế Tạo (Trêr Tâuv), hiểu theo nghĩa tiếng Việt là kho đậu. Tổ tiên người Mông ở Chế Tạo đến ở đây đã vài trăm năm, bây giờ dân cư đã lên tới 260 hộ với 1.756 nhân khẩu, sống ở 7 bản. Đất đai rộng, ngót 24.000ha toàn núi với rừng. Riêng khu bảo tồn loài - sinh cảnh vì có loài voọc đen quí hiếm ghi trong sách Đỏ Việt Nam đã chiếm tới 20.000ha. Đây cũng là nơi rừng phòng hộ đầu nguồn cho hàng loạt các công trình thuỷ điện: Sông Đà, Sơn La, Mường Kim, Hồ Bốn...

Có đi mới biết công lao đồng bào trong việc giữ rừng. Từ Tà Dông, Chế Tạo, Tà Xung đến Kể Cả, Pú Vá, Háng Tày, Nà Háng đâu cũng thấy màu xanh bát ngát. Rừng già xen lẫn với rừng non. Mùa này hoa dẻ nở trắng bên những cây sơn tra quả sai chĩu chịt. Cũng đã lâu, rừng Chế Tạo không còn vang tiếng súng của những người đi săn thú, nhiều mùa khô không để xảy ra vụ cháy nào vì bất cẩn. Rừng là vàng đấy mà đời sống của người dân còn đầy gian khó.

Cho đến nay, số hộ nghèo toàn xã vẫn chiếm 77%. Một phần do tiền công bảo vệ rừng thấp nên người dân chưa sống được bằng chính nghề rừng. Đồng thời, còn do  chưa thích ứng với việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào thay đổi phương thức sản xuất lạc hậu. Với 125 ha diện tích ruộng bậc thang cấy lúa 1 vụ cùng ngót trăm ha lúa nương, ngô, sắn thì an ninh lương thực đối với xã vùng cao này luôn luôn đặt ra. Hầu như năm nào cũng có gia đình thiếu đói phải cứu trợ. Chăn nuôi đại gia súc thì thiếu đồng cỏ, tổng đàn trâu, bò, ngựa, dê chưa đầy 1.500 con.

Thời gian qua, được sự hướng dẫn của cơ quan khuyến nông bước đầu dân đã biết trồng cỏ để dự trữ thức ăn trong mùa khô hanh, song mới có gần 5ha. Ở đây đã xuất hiện những gia đình chăn nuôi lên tới vài chục con hay ông Sùng A Cớ ở bản Tà Dông một vụ thảo quả thu cả trăm triệu đồng nhưng chưa trở thành mô hình trình diễn để mọi người học tập.

Gần đây, thảo quả được coi là loại cây xoá đói giảm nghèo lại bộc lộ mặt trái có thể dẫn đến rừng nghèo kiệt nên huyện Mù Cang Chải không khuyến khích. Thành thử, việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng ở đây đang trong vòng luẩn quẩn.

Và cũng vì đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng cần nguồn vốn lớn hơn nhiều địa phương khác mà chỉ có trường học, trạm xá được xây kiên cố, duy nhất mương thuỷ lợi Háng Đề Dính Máo của bản Chế Tạo được đổ bê tông. Trụ sở làm việc, nhà văn hoá, đường giao thông liên bản, công trình thuỷ lợi, điện lưới quốc gia... cần có sự tiếp tục đầu tư  của Nhà nước.

Những họ Giàng, họ Sùng, họ Hảng dù đời sống eo hẹp đến đâu vẫn cho con đến trường. Chính quyền địa phương cũng phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, gia đình để huy động tối đa số học sinh trong độ tuổi ra lớp. Năm học 2008 - 2009, toàn xã có 24 lớp với 264 học sinh từ bậc học mầm non đến trung học cơ sở. Riêng đội ngũ giáo viên là người địa phương đã có 11/23 người.

Mặt mạnh của Chế Tạo từ nhiều năm nay được coi là sự học. Có nhiều ông bố, bà mẹ khuyên con dù vất vả đến mấy, hãy đi mà học lấy cái chữ, nó là của cải để góp phần đổi đời người Mông. Đã bao người con của Chế Tạo từng lội bộ mấy chục cây số ra huyện, lên tỉnh và về các trường đại học, cao đẳng ở trung ương học tập để trở thành kỹ sư, thầy thuốc, thầy giáo...

Xa xôi là vậy nên đối với Chế Tạo khó hấp dẫn cán bộ vùng thấp lên đây công tác. Huyện Mù Cang Chải, cùng với chính sách khuyến khích đã cử những cán bộ là người gốc địa phương về tăng cường giúp xã sớm vượt qua đói nghèo.

Tôi đã gặp ở đây Giàng A Su - kỹ sư công nghiệp; Giàng A Chu - thiếu tá công an phụ trách xã. Họ còn trẻ và cũng đầy trách nhiệm với quê hương. Trong chuyến công tác lần này, dù địa phương chưa yêu cầu, song đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã cấp cho xã mấy chục triệu đồng để trang bị phương tiện làm việc. Đồng chí cũng nhắc nhở địa phương phải tăng cường công tác xoá đói giảm nghèo; vận động nhân dân bảo vệ rừng và tích cực sản xuất, chăn nuôi; nên chú ý đầu tư những công trình thuỷ lợi nhỏ mà hiệu quả. Đồng thời, cần có quy hoạch đất đai thật tốt để khai thác hết tiềm năng, thế mạnh.

Còn Chính phủ, không chỉ Chương trình 134,135 và các chính sách hỗ trợ khác, Nghị quyết 30a về “Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo” đã được ban hành. Tỉnh Yên Bái cũng  có nghị quyết riêng về phát triển kinh tế - xã hội huyện Mù Cang Chải cùng Chương trình hành động thực hiện Đề án của Chính phủ. Mù Cang Chải sẽ vươn lên, xã Chế Tạo cũng sẽ vươn lên xoá đói giảm nghèo nhanh và bền vững.

Thế Quynh

 

Các tin khác

YBĐT - Giữa “Non xa xa, nước xa xa” Pác Bó, tôi rưng rưng nhìn cảnh mà nhớ Người. Không thể cầm lòng, tôi quì bên ngọn nguồn suối Trời- suối Lê nin, vốc nước uống ba ngụm, tỏ lòng đứa con đất Việt hiếu thảo uống nước nguồn ông cha, cho thoả ước ao đi trảy nước non Cao Bằng.

Cô dâu và phù dâu trong trang phục áo chàm.

YBĐT - Những ngôi nhà sàn xinh xắn; các thiếu nữ Tày xúng xính trong trang phục áo chàm, cổ đeo vòng bạc, thắt lưng xà tích, đầu vấn khăn đen, má ửng hồng say trong làn điệu hát khắp, hát coọi đã theo tôi suốt trong những năm tháng tuổi thơ trên quê hương Lục Yên. Vậy mà hôm nay trở lại, những bản làng của người Tày vẫn con người ấy, cảnh vật ấy mà "hương rừng, gió núi" đã "bay đi rất nhiều"; áo chàm sắp chỉ còn là "niềm thương nhớ"!

Nhà ở và ao của hộ ông Lò Văn Sang ở bản Cại, xã Thạch Lương (Văn Chấn, lấn chiếm đất ruộng từ nhiều năm nay.

YBĐT - Cánh đồng Mường Lò (Văn Chấn - Nghĩa Lộ) nổi tiếng và lớn thứ hai khu vực Tây Bắc cả về diện tích cũng như độ phì nhiêu của đất. Thế nhưng, trên cánh đồng lớn này, nhiều thửa ruộng đã phải “nhà chen đua thắm, ruộng nhường màu da”. Hiện nay, thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về vấn đề “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, chính quyền địa phương sẽ xây dựng chương trình hành động như thế nào để giải bài toán khó này?

YBĐT - Địa hình hiểm trở, trình độ dân trí thấp khiến đời sống của đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) còn nhiều khó khăn. Việc đưa lực lượng quân đội về “cắm” bản, hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào tiếp cận cách canh tác mới; thay đổi nhận thức, hành vi trong sinh hoạt, ổn định dân cư... là một cách làm hay của Bộ CHQS tỉnh Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục