Mây vẫn bay trên đỉnh Đá Mài

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/6/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Như một lời hẹn ước, cứ mỗi lần đến vùng chiến khu Vần - Hiền Lương tôi lại đến bằng được Khe Đồng, huyện Trấn Yên (Yên Bái). Lần này trở lại vẫn cứ theo con suối nhỏ mà ngược lên. Mùa này, nước cạn chỉ còn nghe tiếng róc rách xa xa, người ta gọi đấy là khe Đó. Thì ra cái đèo hiểm trở mà ai muốn vào Khe Đồng cũng phải vượt qua mang cái tên Đèo Đó cũng là bắt nguồn từ cái tên của con suối cạn kia mà ra.

Đường vào Khe Đồng đã được mở rộng, ô tô xe máy có thể chạy được nhưng vẫn cực kỳ nguy hiểm. Từ đỉnh đèo trở đi đường cứ thăm thẳm lao xuống, nghĩ mà lo cho lúc trở ra. Nghe kể lại những ngày đầu đường mới mở, có người phóng xe máy xuống sợ toát mồ hôi mặt tái xanh tái xám. Khi trở ra anh ta đành dừng xe đứng ở chân đèo mà nhìn ngược lên. Cuối cùng  phải nhờ một tay lái xe ôm cự phách lái xe lên hộ, còn mình thì đành leo bộ, khổ mấy cũng còn hơn cưỡi lên chiếc xe máy mà run.

Đến lượt tôi, khi đang ngồi điều khiển chiếc xe máy vượt ngọn đèo mà tôi cho rằng hiểm trở nhất, gai góc nhất để vào được Khe Đồng, không hiểu sao tôi lại nghĩ đến những câu chuyện đi tìm kho báu đầy bí hiểm đã đọc không chỉ một lần ở thời niên thiếu. Đến được đỉnh đèo đầy mây và gió, nhìn thăm thẳm xuống phía dưới, chao ôi, một thung lũng mới đẹp làm sao! Những ngôi nhà mái lá bình dị ngàn đời rải rác ở chân núi vòng ra ôm lấy những tràn ruộng rộng và khá phẳng phiu, lúa đã đỏ đuôi.

Những vệt nắng từ đỉnh núi Đá Mài vẫn còn nấn ná thả những vệt sáng vàng như mật ong xuống những ngôi nhà mái lá đang nhả khói bếp cơm chiều. Thung lũng chỉ còn chút nắng vàng cuối cùng như quyết thi gan cùng thời gian cứ miễn cưỡng lùi dần, lùi dần về phía chân núi bên kia, rồi mất hút sau những rặng cây thấp ở ven đồi .

Lần đầu đến được Khe Đồng là nhờ anh Đinh Đình Phiệt, bạn đồng học từ trường phổ thông. Cả tỉnh ngày ấy mới chỉ có một trường cấp ba và là khoá cấp ba đầu tiên nên học cùng trường là biết nhau, thân nhau. Ai cũng yêu quê, nhưng với anh phải nói anh là người yêu quê một cách lạ thường. Anh Phiệt dẫn tôi về Khe Đồng cũng chính từ lòng yêu quê tha thiết. Đêm ấy tôi nghỉ lại ở Khe Đồng.

Đêm ở đây thật yên tĩnh, không có tiếng ồn ào của ô tô, xe máy. Tiếng những chiếc Min-khờ chở hàng gầm gừ một cách khó nhọc ngoài Đèo Đó cũng đã tắt lịm từ lâu. Tiếng hát ka-ra-ô-kê từ nhà ai ở phía bên kia chân núi cũng không còn nghe thấy nữa. Tất cả đã im ắng để trả lại cho thung lũng Khe Đồng, cùng những cánh rừng đại ngàn vẻ trầm tư, tĩnh lặng kỳ vĩ muôn đời. Những ngọn đèn điện cũng tắt dần, chỉ còn lại dăm ba ngọn nhấp nháy như những vì sao sa. Sương đêm tràn đầy xuống thung lũng.

Suốt cả buổi chiều tôi thả bộ trên những con đường làng. Kỳ lạ, những con đường ở đây rải đầy những viên quặng màu xám xanh vuông như những con xúc xắc. Người ta bảo đấy là những viên quặng đồng. Cũng chính bởi lớp quặng đồng mà vùng đất này gọi là Khe Đồng. Con đường nào len lỏi trên những ngọn núi cao chọc trời kia, cha con ông Đinh Văn Hương cùng cha con ông Hoàng Văn Thịnh đã tìm đến được cái thung lũng quý giá này. Và ngọn đồi nào ông Hoàng Văn Kỳ cùng bà Trần Thị Tập đã lấy lá rừng dựng trại và sinh ra những đứa con đầu tiên tạo dựng lên một ngôi làng mới. Con suối nào đã chứng kiến cuộc tranh chấp đất đai giữa một bên là chánh tổng Lương Ca Đinh Đình Thúy cùng với dân bản địa với một bên là Hoàng Văn Cần, cai lục lộ của Pháp muốn dành lại thung lũng Khe Đồng để lập đồn điền. Hơn hai năm trời giành giật căng thẳng, cuối cùng Cai Cần cũng không lập nổi đồn điền. Hẳn khi đó, những người đi mở đất lập trại cũng đã hình dung ra một làng quê với hàng trăm ngôi nhà quần tụ đông vui và những cánh đồng màu mỡ, lúa chín vàng ươm như tôi đã nhìn thấy hôm nay. Nhưng tôi dám chắc rằng, những con người ngày ấy chưa ai đã nghĩ tới con đường ô tô mở qua Đèo Đó vào làng.

Người xưa có thể nhìn thấy mây trắng bay trên đỉnh Đá Mài, nhưng không thể nhìn thấy mây trắng bay trên đỉnh những chiếc cột bê tông, nơi lưng chừng núi, đưa điện quốc gia về thắp sáng cho từng căn nhà mái lá.

Làng Khe Đồng ngày xưa nay đã thành một vùng quê rõ đẹp và ngày hôm nay cũng đã khác xa ngày đầu tôi đến. Anh Phiệt và tôi cứ hay gọi nơi đây bằng cái tên từ thuở hồng hoang dựng trại mà từ lâu người dân nơi đây đã gọi là Đồng Phú. Hôm nay, giàu và mạnh không còn là ước mơ mà đã là chuyện có thật. Từ đỉnh Đèo Đó nhìn xuống đã thấy ngôi trường hai tầng mới xây, tường vôi sáng rực ở ngay trung tâm làng y như một bông đại đoá nở oà giữa một thung lũng xanh. Gần hai trăm học sinh con em các dân tộc ngày ngày tung tăng cắp sách đến trường. Đồng Phú vốn là vùng đất hiếu học. Nhiều con em ở đây đã bước chân vào các trường đại học, có người đã trở thành nhà giáo, nhà nghiên cứu, lãnh đạo các cơ quan Đảng và Nhà nước ở địa phương.  

Buổi trưa trong ngôi nhà khang trang nằm bên cạnh con đường làng, được nghe những cán bộ đảng viên ở đây kể lại, Đồng Phú hiện nay có trên 400 hộ dân, trên 1.000 nhân khẩu. Đồng ruộng, mương máng đã được kiến thiết lại từ mấy năm trước, trên 2.500 mét mương được kiên cố hoá. Những chiếc phai gối truyền thống làm bằng tre gỗ trên những con suối để lấy nước vào ruộng được thay bằng những con đập bê tông cốt thép. Lúa vụ nào cũng tốt, đời sống người dân no đủ.

 Kinh tế làng đang được chuyển dịch theo hướng đa dạng hoá phong phú. Ở đây có mô hình dăm bảy gia đình liên kết với nhau trồng rừng, trồng quế tới vài chục héc-ta. Hôm vào Khe Đồng thi thoảng lại gặp những chiếc xe tải chở đầy quế ì ạch vượt đèo. Từ ngày quế, chè và rừng trồng được khai thác đã nảy sinh ra nhu cầu vận chuyển. Cũng lại người dân Khe Đồng hùn tiền với nhau mua xe ô tô vận tải. Như thế là Khe Đồng đã có kinh tế hàng hoá. Có gia đình có cả xe ô tô, nhiều gia đình sắm được xe máy và các phương tiện nghe nhìn. Đêm đêm văng vẳng tiếng hát ka-ra-ô-kê, tiếng nhạc xập xình từ đâu đó phát ra làm cho không khí nông thôn tươi mới hẳn lên.

Nhớ lại những năm trước đây, chi bộ Đảng, đoàn thể, hợp tác xã tháng nào cũng họp cũng bàn, mà dân thiếu đói, khó khăn vẫn hoàn khó khăn. Bởi những cán bộ đảng viên ở đây, ngày ấy cũng lâm vào cảnh khó khăn không thoát ra khỏi tình trạng chỉ biết trông vào hạt thóc, củ khoai. Phải nói rằng những cán bộ, đảng viên ngày ấy cũng ngày đêm lăn lộn với phong trào, mất ăn mất ngủ vì lo cho dân, nhưng bị nền sản xuất độc canh cây lúa nó trói buộc.

Những năm gần đây, vẫn những cán bộ, đảng viên ấy, vẫn những đoàn thể ấy nhưng đã có tư duy mới, không chịu dìm mãi đôi chân xuống bùn ruộng, mà đã biết nghĩ đến một nền kinh tế toàn diện đa ngành đa nghề, có sản phẩm hàng hoá và biết lấy giá trị làm thước đo hiệu quả kinh tế của mình, biết khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, khuyến khích mọi người làm giàu cho mình và cho đất nước. Được Đảng mở đường, nhiều mô hình kinh tế mới ở Đồng Phú cũng như ở Việt Cường xuất hiện. Những mô hình kinh tế mới không chỉ có ý nghĩa ở địa phương, mà còn là những điển hình để nhiều nơi học tập.

Giống như khi vào, lúc trở ra chúng tôi lại dừng xe máy trên đỉnh Đèo Đó nhìn về. Mây trắng vẫn bay trên đỉnh núi Đá Mài. Tôi luyến tiếc mải mê ngắm những cánh rừng đại thụ bạt ngàn đang rì rào trong gió, cuộn lên từng đợt như những con sóng xanh ở biển. Ánh nắng chiều đã tắt. Thung lũng Đồng Phú đang mờ dần trong chiều tím. Một thoáng nữa thôi đèn điện trong những ngôi nhà bình dị kia sẽ bật sáng, tiếng hát ka-ra-ô-kê, tiếng nhạc xập xình lại rộn lên ngân cùng gió núi. Tôi hiểu vì sao bạn tôi lại yêu thương quê mình đến thế!

H. M

Các tin khác
Đồng chí Hoàng Thương Lượng - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khoá XII tỉnh Yên Bái (đứng giữa) thăm Trường tiểu học xã Chế Tạo.

YBĐT - Chế Tạo (Trêr Tâuv), hiểu theo nghĩa tiếng Việt là kho đậu. Tổ tiên người Mông ở Chế Tạo đến ở đây đã vài trăm năm, bây giờ dân cư đã lên tới 260 hộ với 1.756 nhân khẩu, sống ở 7 bản. Đất đai rộng, ngót 24.000ha toàn núi với rừng.

YBĐT - Giữa “Non xa xa, nước xa xa” Pác Bó, tôi rưng rưng nhìn cảnh mà nhớ Người. Không thể cầm lòng, tôi quì bên ngọn nguồn suối Trời- suối Lê nin, vốc nước uống ba ngụm, tỏ lòng đứa con đất Việt hiếu thảo uống nước nguồn ông cha, cho thoả ước ao đi trảy nước non Cao Bằng.

Cô dâu và phù dâu trong trang phục áo chàm.

YBĐT - Những ngôi nhà sàn xinh xắn; các thiếu nữ Tày xúng xính trong trang phục áo chàm, cổ đeo vòng bạc, thắt lưng xà tích, đầu vấn khăn đen, má ửng hồng say trong làn điệu hát khắp, hát coọi đã theo tôi suốt trong những năm tháng tuổi thơ trên quê hương Lục Yên. Vậy mà hôm nay trở lại, những bản làng của người Tày vẫn con người ấy, cảnh vật ấy mà "hương rừng, gió núi" đã "bay đi rất nhiều"; áo chàm sắp chỉ còn là "niềm thương nhớ"!

Nhà ở và ao của hộ ông Lò Văn Sang ở bản Cại, xã Thạch Lương (Văn Chấn, lấn chiếm đất ruộng từ nhiều năm nay.

YBĐT - Cánh đồng Mường Lò (Văn Chấn - Nghĩa Lộ) nổi tiếng và lớn thứ hai khu vực Tây Bắc cả về diện tích cũng như độ phì nhiêu của đất. Thế nhưng, trên cánh đồng lớn này, nhiều thửa ruộng đã phải “nhà chen đua thắm, ruộng nhường màu da”. Hiện nay, thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về vấn đề “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, chính quyền địa phương sẽ xây dựng chương trình hành động như thế nào để giải bài toán khó này?

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục