Người mẹ ở chiến khu Vần

  • Cập nhật: Thứ sáu, 17/7/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Xe rẽ Việt Hồng chúng tôi tìm về chiến khu Vần – con đường nắng núi sau mưa, nắng oi nồng ngột ngạt, lòng đường núi sau mưa lớn bị khoét đi hàng mảng. Là ngày nghỉ nên UBND xã không có người trực. Tôi lững thững ra đầu đường gặp được một cụ già người Tày chừng 80 tuổi tay chống chiếc gậy song.

Gò cọ Đồng Yếng là một trong những địa điểm thuộc cụm di tích lịch sử cách mạng chiến khu Vần.  (Ảnh: Linh Chi)
Gò cọ Đồng Yếng là một trong những địa điểm thuộc cụm di tích lịch sử cách mạng chiến khu Vần. (Ảnh: Linh Chi)

Cụ nhìn tôi từ đầu chí chân vẻ mặt đầy cảnh giác. Tôi xuất trình giấy tờ nhờ cụ chỉ dùm nhà mẹ Việt Nam anh hùng Hoàng Thị Phúc.

-Thì chính là nhà tôi đây! – Gương mặt cụ dường như một nửa để trả lời tôi còn một nửa ngước lên phía ngọn núi xanh hướng trước mặt.

Tôi lúng túng, không biết cụ là chồng hay là em trai của mẹ Phúc.

-Dạ thưa cụ! Thế cụ là... là...

-Tôi là con! Con mẹ Việt Nam anh hùng đây! Con bà Phúc đấy.

Tôi mời cụ vào trong Ủy ban hỏi chuyện, cụ kể lẫn lộn cả, chỗ nhớ chỗ quên. Những chi tiết chắp lại tôi nhận ra gia đình cụ là gia đình hạt nhân nòng cốt của chiến khu cách mạng: “Chiến khu Vần – Hiền Lương”. Khi tìm hiểu kỹ thì ra mẹ Việt Nam anh hùng Hoàng Thị Phúc người dân tộc Tày, sinh năm 1901, mất vào năm 1993. Cụ là con dâu của dòng họ Trần. Mẹ có chồng và hai con trai là liệt sỹ. Chồng mẹ là Trần Đình Chính, hy sinh trong kháng chiến chống Pháp năm 1947. Trước khi chết cụ là Trung đội trưởng du kích, người đã tổ chức thành công nhiều trận chiến đấu. Do là cán bộ nòng cốt, giặc Pháp đã nhiều lần vây bắt nhưng không được, chúng trao giải nếu ai lấy được đầu tên Việt Minh Trần Đình Chính sẽ được thưởng 2 tạ gạo, 1 tạ muối. Và cuối cùng trong một lần đi trinh sát Trần Đình Chính đã hy sinh tại Vân Hội. Khẩu súng của cụ dùng hiện còn lưu ở Bảo tàng huyện Văn Chấn bây giờ.

Mẹ Phúc sinh được 8 người con là: Trần Đình Hậu (cụ già gần 80 tuổi mà tôi vừa được hỏi chuyện), Trần Đình Thế, Trần Thị Huệ, Trần Đình Ba, Trần Đình Thức, Trần Đình Thường, Trần Đình Đáo, Trần Thị Quyến. Trần Đình Thế là con thứ hai hy sinh năm 1947 tại làng Dọc. Trần Đình Ba, liệt sỹ trong chiến tranh chống Mỹ, hy sinh ở mặt trận Quảng Nam Đà Nẵng. Tại chiến khu Vần trong năm 1947, mẹ mất liền một lúc chồng và con trai, cái chết của người con trai làm mẹ đau đớn vô cùng. Con mẹ là cán bộ thư ký cho Việt Minh.

Sau khi con trai mẹ bị bắn chết, không những chúng không cho lấy xác mà còn cắt đầu nộp cho quan Pháp để lấy thưởng. Gia đình bên chồng mẹ là gia đình truyền thống cách mạng. Chính đồng chí Trần Đình Khánh, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến đầu tiên và là đại biểu Quốc hội khóa 1 của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà. Gia đình bên chồng thuộc dòng họ Trần. Họ Trần thời phong kiến thuộc dòng họ có gia thế. Khi chưa có cách mạng, ông Trần Đình Khánh là Chánh tổng Lương Ca chiếm cứ một vùng rộng lớn gồm: Mỵ, Đại Lịch, Hồng Ca, Việt Cường, Minh Quân bây giờ. Là một địa chủ yêu nước được cách mạng giác ngộ để từ ông địa chủ đã trở thành đồng chí Trần Đình Khánh.

Tôi hỏi cụ Trần Đình Hậu:

-Thế trong kháng chiến gia đình mình ủng hộ cách mạng có nhiều không?

-Nhiều, nhiều lắm! Nhà ông Khánh 50 tấn lúa, 130 con bò.

-Thế còn nhà mình?

-Cũng thế! Tất, tất cho Việt Minh, muốn lấy cái gì thì lấy.

-Thế cho đi cả thì mình sống bằng cái gì?

-Vào rừng! Vào rừng với Việt Minh! Giữ làm gì, thằng giặc nó đến thì đến cỏ cũng không còn với nó.

-Thưa cụ, thế cụ thân sinh ra cụ – cụ Hà Thị Phúc dạo ấy có tham gia gì không?

-Làm du kích, tiếp tế. Bây giờ cái liễn mẹ tôi đưa cơm cho Việt Minh vẫn còn. Chính ông Ngô Minh Loan toàn ăn cơm với thịt gà rang gừng mẹ tôi đưa vào rừng cho đấy!

Tôi hỏi Bí thư Đảng ủy xã Trần Đình Vĩnh, 54 tuổi, là cháu đích tôn của mẹ Việt Nam anh hùng Hà Thị Phúc:

-Hồi cụ còn sống anh có biết nhiều về bà nội mình không?

Anh cũng không nhớ được nhiều vì lớn lên anh đi bộ đội. Lúc anh còn bé thì cụ không ở với nhà anh. Cụ thích ở với con gái út, đứa con gái nghèo khó nhất ở Vân Hội rồi mất ở đấy. Anh chỉ biết bà nội mình là người con dâu hiếu thảo, lam làm chịu khó, yêu thương chồng con, là người phụ nữ Tày có học, hiểu biết tập tục. Anh bảo:

-Không hiểu thế nào khi từ bộ đội về hưu, hai năm đầu tôi cứ bị vơ vơ vẩn vẩn như người mất trí. Một đêm tôi không ngủ được thắp đèn ngồi dậy thì thấy bà tôi hiện về, rồi cứ như xui tôi tự dưng đến bàn thờ lấy cây đàn tính trên bàn thờ (từ ngày bà tôi chết không ai dùng đến), cầm lấy cây đàn cứ thế tôi đánh, rồi tôi ghi lại mà không biết thế nào mà các cụ lại bảo đúng là bản nhạc ngày xưa của dòng họ nhà mình. Tôi thấy bà tôi cười mãn nguyện lắm!

-Thế anh biết ký âm à? Ký âm nghĩa là viết nhạc ấy mà!

-Không? – Tôi cứ ghi tan, tàn, tan... thế thôi!

-Thế là cụ thiêng lắm đấy!

-Vâng! Cụ phù hộ cho chúng tôi, các con cháu cụ bây giờ ai cũng no đủ, được học hành. Nhờ ơn cách mạng, quê hương bây giờ - đồng chí nhà báo thấy đấy, có điện lưới, rồi mai đây Chính phủ còn cho rải 5km đường nhựa dọc con đường chiến khu. Quê mình rồi đây sẽ càng thêm đổi mới!

Vũ Quý

Các tin khác

YBĐT - Nậm Có là xã có địa bàn rộng nhất huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) nhưng lại nhiều khó khăn, phức tạp. Chính vì vậy, việc lãnh đạo, chỉ đạo đang được Huyện uỷ, các cấp, ngành của tỉnh, huyện quan tâm sâu sát để xây dựng chính quyền cơ sở Nậm Có đủ mạnh cùng địa phương phát triển.

Những kỹ sư trẻ trên công trường thi công Thủy điện Văn Chấn.

YBĐT - Tháng Sáu, trời nắng như đổ lửa, mồ hôi đẫm ướt áo và túa ra trên mặt thợ. Bền bỉ, hăng say, những người thợ trên công trường thi công Thủy điện Văn Chấn đang viết lên bài ca ca ngợi sức sáng tạo và lòng nhiệt thành của con người chinh phục thiên nhiên, làm giàu cho quê hương đất nước...

YBĐT - Như một lời hẹn ước, cứ mỗi lần đến vùng chiến khu Vần - Hiền Lương tôi lại đến bằng được Khe Đồng, huyện Trấn Yên (Yên Bái). Lần này trở lại vẫn cứ theo con suối nhỏ mà ngược lên. Mùa này, nước cạn chỉ còn nghe tiếng róc rách xa xa, người ta gọi đấy là khe Đó. Thì ra cái đèo hiểm trở mà ai muốn vào Khe Đồng cũng phải vượt qua mang cái tên Đèo Đó cũng là bắt nguồn từ cái tên của con suối cạn kia mà ra.

Đồng chí Hoàng Thương Lượng - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khoá XII tỉnh Yên Bái (đứng giữa) thăm Trường tiểu học xã Chế Tạo.

YBĐT - Chế Tạo (Trêr Tâuv), hiểu theo nghĩa tiếng Việt là kho đậu. Tổ tiên người Mông ở Chế Tạo đến ở đây đã vài trăm năm, bây giờ dân cư đã lên tới 260 hộ với 1.756 nhân khẩu, sống ở 7 bản. Đất đai rộng, ngót 24.000ha toàn núi với rừng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục