KÝ SỰ VÙNG CHÈ

Kỳ I: 40 năm và câu chuyện mỗi ngày

  • Cập nhật: Thứ năm, 30/7/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đứng thứ ba cả nước với diện tích trên 12.500 ha, cây chè được Yên Bái xác định là cây công nghiệp thế mạnh. sản xuất kinh doanh chè có những bước đi khá vững chắc, sản phẩm chè Yên Bái được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài nước, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy về nâng cao hiệu quả và chất lượng sản xuất, kinh doanh chè. Thế nhưng, phía sau đó là cả câu chuyện dài với bao cơ sự, biết mấy thăng trầm, hơn 40 năm - đời sống của mấy vạn người làm chè vẫn chưa thể khấm khá...

Công nhân ở đội 2, Công ty cổ phần Chè Văn Hưng (Yên Bình) thu hái chè.
Công nhân ở đội 2, Công ty cổ phần Chè Văn Hưng (Yên Bình) thu hái chè.

“Trên đồi chè Nghĩa Lộ

Đó là tên bài hát về “một thời vang bóng” của chè. Tôi đi giữa vùng chè trầm lắng mà nhớ về một thời sôi nổi. Những nữ kiện tướng hái chè đầu chít khăn xanh, thoăn thoắt hái trong tiếng trống thùng thình, đồi ngợp cờ đỏ; những chiếc xe Zin nối đuôi lên lô “ăn” chè, nhà máy rình rình không ngơi nghỉ. Chè vào nhà máy, chè sang Liên Xô, ngập tràn hãnh diện, ngàn công nhân mấy ai trăn trở cho cái sự tạm no đủ của mình...

Trần Văn Trung - Giám đốc Công ty cổ phần Chè Trần Phú bấy giờ là công nhân, sau là đội trưởng mãi trong Nông trường bộ, trầm ngâm khi tôi nhắc lại thời sôi nổi ấy, nhưng những cú điện thoại toàn chuyện mua chè, giá chè của anh khiến chẳng ai còn tâm tư hồi tưởng. “Ngày hôm qua còn mua 35 tấn búp tươi, hôm nay chỉ 20 tấn, giá đã lên 2.900 đồng/kg - chết ông ạ!” - Trung đưa tay bóp bóp trán. Nhà máy 42 tấn/ngày suốt đầu vụ tới giờ chẳng ngày nào đủ chè tươi. Chè đen xuất đi từ 17.000 - 17.500 đồng/kg nhưng 6 tháng qua mới sản xuất 300 tấn bán thành phẩm, sàng được một nửa, bán hết; 450 tấn chè tồn cũng bán đứt nhưng nguyên liệu thiếu trầm trọng.

Từ đầu vụ, thu mua trong vùng chỉ 400 tấn, không có 1.000 tấn chè “khoán 01” thì nhà máy đã đắp chiếu. Những năm 1990, người ta nói nhiều đến chiến tranh Vùng Vịnh và ở Văn Chấn - Nghĩa Lộ “vùng vịnh” chính là vùng chè nguyên liệu, cho tới hôm nay cuộc chiến nguyên liệu ở vùng đã một thời đi vào thơ nhạc này vẫn chưa dứt. Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ - một trong bốn doanh nghiệp của Tổng công ty Chè Việt Nam so với anh em cùng “Tổng” thì sáng sủa hơn. Trần Phú, Liên Sơn ì ạch hai, ba ngày mới đủ chè tươi thì Nghĩa Lộ cầm cự được nhờ 400 ha chè nội bộ mà quá nửa đã thay thế bằng giống LDP2. Đầu tư tới nay, trên 1.000 tấn đã đưa vào chế biến, mua trong dân chỉ trên 100 tấn, Công ty tiêu thụ hết 250 tấn chè bán thành phẩm và trên 400 tấn chè tồn. Ổn hơn nhưng Giám đốc Nguyễn Thành Vinh thấp thỏm vì cứ như hiện nay khó có thể tăng sản lượng trong khi thị trường đang rất thuận lợi.

- Có bao nhiêu nhà máy vùng này?

- 4 nhà máy của “Tổng”, riêng vùng ngoài 8 xã của Văn Chấn khoảng 30 cơ sở tư nhân, tính cả vùng trong khoảng 45- 50 cơ sở! - Anh Vinh đáp.

Văn Chấn có diện tích chè lớn nhất Yên Bái – 4.000 ha, sản lượng búp kịch đỉnh 36.000 tấn, ngần ấy nhà máy vùng chè không thành “vùng Vịnh” mới là lạ! Thống kê của UBND huyện, sản lượng chè tươi thu hái quá nửa niên vụ mới đạt 14.000 tấn, cứ đà này, co kéo cho tròn số kế hoạch 36.000 tấn chẳng dễ. Tôi vào Nghĩa Tâm, Phó chủ tịch UBND xã Hoàng Ngọc Út cho hay, xã có 380 ha chè, sản lượng trên 3.000 tấn/vụ nhng có tới 16 xưởng chế biến, 16 ông chủ lè vè khắp xã. Anh đưa tôi tới xưởng chè ông Lâm - dân khai hoang làm chè chính cống, năm 2003, ông mở xưởng sơ chế với 2 máy vò Trung Quốc công suất 3 tấn búp tươi/ngày. Cả tuần nay, ông chủ này mới mua được 300 kg chè nguyên liệu, xưởng thì im lìm như quán thịt chó mồng một.

- Mua tới 2.900 đồng/kg nhưng có chè đâu, máy đấy, nằm chết mấy hôm rồi!- ông Lâm  cáu!

- Làm ăn biết thế quái nào được! Một ông bán, chín ông mua mà có cái búp nào đâu, “chè không búp không phải vì không có búp!” - lão nông Hà Văn Tuyển sang dạo giá, buông lời.

Tôi bật cười, ông này lấy cả thơ Phạm Tiến Duật ra vận cho chè! Rồi ngẫm thấy có sự tình cả! Dân làm chè một dải từ Nghĩa Tâm, Minh An, Chấn Thịnh, Bình Thuận, Cát Thịnh, Đồng Khê, Liên Sơn có mấy ai khấm khá? Chè là cây đem lại tiền tiêu hàng ngày nhưng chẳng mấy hộ đầu tư tử tế. Được giá thì hái bán, mất giá - chè nhiều nơi như bỏ không vì tiền đầu tư cho phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh... không lại được! Nghĩa Tâm có trên 1.760 hộ, sống chủ yếu nhờ chè, vốn đầu tư của Nhà nước đã tới dân nhưng không phải ai cũng vay đầu tư cho chè. Nắng chang chang, tôi chen lên nương chè um tùm cỏ của bà Nguyễn Thị Nga. Phành phạch nón xua nóng, bà nói, đại thể: Năm ngoái chè xuống giá, dân bỏ bê cả; nắng nóng quá thể, có mưa đâu mà chè chẳng chột...

Trong khối chuyện vùng chè, không gì làm tôi ngạc nhiên bằng chuyện dùng máy cắt cỏ cắt chè thay cho dùng tay, dùng liềm hái. Những tán chè phẳng lì, nhựa túa đen vì bị cắt đốn cứ thế chết khô trong nắng hạ. “Dân dùng liềm, dùng máy cắt hái chè không hái tay nữa. Trước kia, em hái tay hai, ba lứa một tháng, bây giờ một lứa một tháng, chán tay lắm. Búp chè cứ lẩn đi đâu ấy!” - Chị Nguyễn Thị Minh, hộ nhận khoán đồi chè ở Khu 3, thị trấn Nông trường Liên Sơn phàn nàn. À, cái máy ngắt cậng mà mấy anh ở “Tổng” chè mua về cũng là để đối phó với chè máy, chè liềm đây- tôi nghĩ. Chè lên- chè xuống, chè đứng- chè ngồi, giá chè đủ loại. Cái năm có số đuôi 5, 8, 9 thường là năm hạn - đấy là dân vùng chè nói thế, nghe hài hài nhưng vận vào cũng thấy làm sao!...

Sợi dây công nông lỏng lẻo

 

Liềm đang “cắn” chết chè.

Công ty cổ phần Chè Trần Phú đầu tư hàng tỷ đồng làm đường giao thông, kéo điện, cho dân vay vốn, vật tư trả chậm nức tiếng một thời nhưng giờ lãnh đạo doanh nghiệp lắc đầu quầy quậy: “Đầu tư tới dân, cán bộ nhà máy bám dân nhưng dân có bán chè cho Công ty đâu, các khoản đầu tư bây giờ thu hồi được thì thu, không thì cũng chịu!”. Chuyện dân không bán chè cho nhà máy không là chuyện lạ, nhưng tại sao? Giám đốc doanh nghiệp giải thích bài bản: sản lượng chè búp tươi Yên Bái 80.000 tấn, chia gần 80 nhà máy, cơ sở chế biến (chưa kể khoảng 500 - 600 lò quay tay gia đình) với tổng công suất 700 tấn/ngày, tất thiếu nguyên liệu.

Trong gần 80 cơ sở làm chè, số có vùng nguyên liệu đếm trên ngón tay, chủ yếu mua chè trong dân, sơ chế làm nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp trong nước, ngoại tỉnh. Không thể “thò vòi” vào vùng nguyên liệu khoán của các nhà máy, bài duy nhất là nâng giá, vùng chè nhiều phen náo loạn vì giá, nông dân bán chè sáu bảy lá, cẫng dài cả gang tay có bao nhiêu mua hết, miễn phân loại. Giám đốc Công ty cổ phần Chè Văn Hưng Nguyễn Thị Minh nhiều phen lên tiếng về sự nhốn nháo này. Theo chị, nhà máy khó mà chịu được “nhiệt”.

-  Cạnh tranh bằng giá, các chị thua?

-  Chúng tôi lo bảo hiểm  các loại, nộp thuế, lương cho mấy trăm  con người, làm sao có thể mua giá bất chấp như tư nhân?

Nói thế nhưng 4 doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Chè Việt Nam, 2 doanh nghiệp địa phương hiện vẫn mua tới 2.900 đồng/kg, riêng chè Shan Suối Giàng, Văn Hưng mua tới 5.300 đồng/kg. Mua thế nhưng các doanh nghiệp chưa làm chủ được vùng nguyên liệu, nếu không có chè nội bộ cầm chắc lỗ – mà hiện giờ nhiều doanh nghiệp đang lỗ, như Trần Phú “âm” trên 330 triệu đồng, Văn Hưng mới về “mo” ít tháng...

Cái lý là thế nhưng cái gốc là các doanh nghiệp chè chưa có sản phẩm giá trị cao. Giá thu mua nằm trong hạch toán giá thành, giá bán khá thì tăng giá mua mà không thì bình bình, thậm chí giảm. Nông dân làm chè đời sống còn nhiều cấn cá nên bán chè cho tư nhân mua giá cao, cắt hái kiệt quệ nương chè, ngọn chè dài cả tấc không cần tới ngày mai. Ngay cả hộ nhận khoán chè của doanh nghiệp, vì lợi nhuận mà âm thầm bán chè ra ngoài cho tư nhân, doanh nghiệp chè xiết chặt quản lý nội bộ, giám đốc dọa thu hồi đồi chè nhưng cũng không mấy hiệu quả.    Còn nông dân? Cây chè và đúng ra là doanh nghiệp đã tạo công ăn, việc làm cho trên ba vạn người ở khắp vùng chè Yên Bái. Ví như 8 xã vùng ngoài của “thủ phủ” chè Văn Chấn ước tính trên 7.000 hộ làm chè, điển hình là Nghĩa Tâm, trên 1.760 hộ thì 100% sống nhờ cây chè. Ông Hà Văn Tuyển ở thôn 11B Nghĩa Tâm là Trưởng thôn 11B, dân khai hoang làm chè từ năm 1965 phát biểu: “Ai mua giá cao thì bán, không phân biệt nhà máy hay tư thương.

- Nhưng nhà máy đầu tư cho dân, ứng trước cho dân vốn?

- Thì đã vậy, nhưng bây giờ dịch vụ tới tận nơi, cứ mua cao cho dân, có tiền dân khắc đầu tư được!

Không bình gì và khoan nói chuyện xa xôi, vấn đề đáng suy nghĩ ở đây là doanh nghiệp và nông dân đang tự đẩy nhau ra xa, sợi dây công nông thâm tình mấy chục năm giờ vô cùng lỏng lẻo. Không nên đổ hết lỗi cho cơ chế thị trường, hay sự mất cân đối nghiêm trọng giữa vùng nguyên liệu và 80  cơ sở chế biến đang bám chặt vùng chè, cái gốc ở đây là các doanh nghiệp chè chưa tạo ra được sản phẩm giá trị cao, do đó giá thu mua còn thấp, nông dân thấy rằng phần lợi của giữa họ so với doanh nghiệp chưa hài hoà, vì lợi ích trước mắt của mình đã không còn quan tâm tới sự sống còn của nhà máy...

Tuấn Anh

Kỳ II: Giấc mơ của người nông dân

Các tin khác
Gò cọ Đồng Yếng là một trong những địa điểm thuộc cụm di tích lịch sử cách mạng chiến khu Vần.  (Ảnh: Linh Chi)

YBĐT - Xe rẽ Việt Hồng chúng tôi tìm về chiến khu Vần – con đường nắng núi sau mưa, nắng oi nồng ngột ngạt, lòng đường núi sau mưa lớn bị khoét đi hàng mảng. Là ngày nghỉ nên UBND xã không có người trực. Tôi lững thững ra đầu đường gặp được một cụ già người Tày chừng 80 tuổi tay chống chiếc gậy song.

YBĐT - Nậm Có là xã có địa bàn rộng nhất huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) nhưng lại nhiều khó khăn, phức tạp. Chính vì vậy, việc lãnh đạo, chỉ đạo đang được Huyện uỷ, các cấp, ngành của tỉnh, huyện quan tâm sâu sát để xây dựng chính quyền cơ sở Nậm Có đủ mạnh cùng địa phương phát triển.

Những kỹ sư trẻ trên công trường thi công Thủy điện Văn Chấn.

YBĐT - Tháng Sáu, trời nắng như đổ lửa, mồ hôi đẫm ướt áo và túa ra trên mặt thợ. Bền bỉ, hăng say, những người thợ trên công trường thi công Thủy điện Văn Chấn đang viết lên bài ca ca ngợi sức sáng tạo và lòng nhiệt thành của con người chinh phục thiên nhiên, làm giàu cho quê hương đất nước...

YBĐT - Như một lời hẹn ước, cứ mỗi lần đến vùng chiến khu Vần - Hiền Lương tôi lại đến bằng được Khe Đồng, huyện Trấn Yên (Yên Bái). Lần này trở lại vẫn cứ theo con suối nhỏ mà ngược lên. Mùa này, nước cạn chỉ còn nghe tiếng róc rách xa xa, người ta gọi đấy là khe Đó. Thì ra cái đèo hiểm trở mà ai muốn vào Khe Đồng cũng phải vượt qua mang cái tên Đèo Đó cũng là bắt nguồn từ cái tên của con suối cạn kia mà ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục