Đưa người tham gia BHYT về khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở: Chưa làm đã thấy vướng

  • Cập nhật: Thứ hai, 31/8/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Thực hiện việc chuyển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) về các trạm y tế xã, phường, các bệnh viện cấp quận, thành phố trực thuộc tỉnh, thị xã, huyện để khám chữa bệnh (KCB), nhằm giảm tải cho các tuyến trên và tiến tới mục tiêu BHYT toàn dân. Đến nay tỉnh Yên Bái vẫn còn trong giai đoạn lập kế hoạch để triển khai thực hiện. Nhưng theo các nhà chuyên môn thì việc triển khai thực hiện rất khó khăn, bởi những vướng mắc từ cả phía người hưởng thụ đến đơn vị được thực hiện.

Cán bộ y tế xã Tô Mậu (Lục Yên) khám chữa bệnh cho trẻ em.
Cán bộ y tế xã Tô Mậu (Lục Yên) khám chữa bệnh cho trẻ em.

Phương tiện KCB chưa đáp ứng nhu cầu

Theo Tiến sỹ, bác sỹ Đào Ngọc Lan, Giám đốc Sở Y tế Yên Bái: Khó khăn nhất hiện nay là nguồn nhân lực KCB tuyến cơ sở đang rất thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn, đặc biệt là thiếu bác sỹ, dược sỹ đại học, bác sỹ chuyên khoa. Ở các trạm y tế, tình trạng thiếu bác sỹ còn trầm trọng hơn. Hiện mới có 77/178 trạm y tế có bác sỹ (tính cả phòng khám đa khoa khu vực lồng ghép), ở các trạm y tế khác chỉ có một y sỹ đa khoa hoặc y sỹ sản nhi, còn lại là các thành phần khác.

Theo qui định, chỉ có y, bác sỹ mới có chức năng khám bệnh, kê đơn. Nếu y, bác sỹ trạm y tế đi vắng sẽ không có người khám bệnh kê đơn cho người bệnh. Hơn nữa, các bệnh viện tuyến huyện đang trong giai đoạn được đầu tư nâng cấp theo nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, nhưng hầu hết đều chưa xong nên vừa là công trường, vừa KCB. Mặt khác, các trang thiết bị y dụng cụ còn thiếu thốn rất nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng KCB.

Các trạm y tế xã còn rất chật hẹp, đa số chưa có đủ diện tích, số phòng và công trình phụ trợ theo chuẩn quốc gia y tế xã, nên nếu bệnh nhân khám chữa bệnh nhiều sẽ khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, về cơ cấu tổ chức theo mô hình tuyến huyện hiện nay, trạm y tế do trung tâm y tế (TTYT) quản lý, nhưng BHXH ký hợp đồng với bệnh viện đa khoa huyện, phòng y tế có chức năng quản lý Nhà nước trên địa bàn nhưng không thực hiện được chức năng này do không có nhân lực, chuyên môn...

Ngoài ra, hiện nay công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ về luật cũng mới được thực hiện, vì vậy chưa thể làm thay đổi nhanh chóng được nhận thức của người dân. Do vậy, một bộ phận người tham gia BHYT vẫn muốn đăng ký khám ban đầu ở tuyến tỉnh, có chất lượng cao hơn. Thêm vào đó về tâm lý, các cơ quan, đơn vị tuyến tỉnh, người dân ở gần các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh đều không muốn đăng ký khám ban đầu ở tuyến cơ sở...

Nỗi lo không đáp ứng được yêu cầu

Với đặc thù của tỉnh miền núi, địa hình bị chia cách, giao thông cách trở nên hầu hết người tham gia BHYT ở các xã, thị trấn thuộc các huyện đều đã đăng ký khám chữa bệnh tại cơ sở. Tuy nhiên, số người tham gia BHYT ở khu vực này không lớn. Còn ở thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ, nơi có số người đăng ký tham gia BHYT chiếm tỷ lệ rất cao thì phần lớn họ đều có nguyện vọng đăng ký KCB tại các bệnh viện tuyến tỉnh. Bà Đỗ Thị Nhuận, cán bộ hưu trí ở tổ 53, phường Minh Tân cho hay: “Từ nhà tôi đến trạm y tế phường cũng bằng ra Bệnh viện tỉnh. Khi cảm cúm thông thường rất ít khi tôi đi khám bệnh, còn nếu ốm nặng phải nằm viện thì lại phải ra trạm để lấy giấy giới thiệu đến bệnh viện mới được vào viện, rất phiền hà”.

Còn anh Hùng ở phường Cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ than vãn: “Trình độ cán bộ các trạm y tế không thể so sánh với cán bộ ở Bệnh viện Nghĩa Lộ được, trong khi đó các trang thiết bị lại rất thiếu thốn. Làm sao tôi có thể yên tâm, tin tưởng để đăng ký KCB tại trạm y tế phường?”. Thực tế cho thấy, các cơ sở KCB ở tuyến cơ sở, nhất là cơ sở xã, phường hiện chưa thể đáp ứng được nhu cầu KCB cho nhân dân. Chính vì vậy, không chỉ riêng người tham gia BHYT băn khoăn, lo lắng khi phải chuyển đăng ký KCB về xã, phường mà bản thân cán bộ y tế xã, phường cũng chung một tâm trạng.

Bác sỹ Hán Thị My, Trưởng trạm Y tế phường Hồng Hà (thành phố Yên Bái) khẳng định: “Chỉ cần 50% số người tham gia BHYT đang sinh sống trên địa bàn phường Hồng Hà được chuyển về để khám chữa bệnh tại trạm y tế của phường thì Trạm sẽ quá tải, Bởi trạm Y tế phường là ngôi nhà một tầng, 3 gian với diện tích tổng cộng 36m2, trong đó diện tích dành cho khám bệnh duy nhất là chiếc giường”.

Còn tại trạm Y tế xã Nam Cường (đã được công nhận là trạm chuẩn quốc gia) của thành phố Yên Bái, hiện phòng khám bệnh của Trạm cũng chỉ là 1 giường cá nhân và 1 giường khám sản. Ngoài ra, các thiết bị thông thường khác vẫn còn thiếu như: bộ khám răng - hàm - mặt, tai - mũi - họng... Trang thiết bị thiếu thốn, thù lao mỗi ca khám lại quá thấp nên cán bộ y tế của các trạm đều cho rằng, họ không thể từ chối nhận nhiệm vụ vì trách nhiệm, còn trong thâm tâm thì không muốn nhận KCB BHYT về xã, phường.

Chị Nguyễn Thị Thu Hường, quyền Trạm trưởng Trạm Y tế Nam Cường cho biết: “Mỗi ca khám bệnh BHYT chi trả 2.000 đồng, trong đó có cả các chi phí như phô tô giấy tờ, ấn chỉ như: phiếu khám bệnh, sổ khám bệnh... nên mỗi ca Trạm chỉ thu được chừng hơn 1.000 đồng, trong khi đó công việc phải đội lên rất nhiều”.

Đâu là giải pháp?

Trao đổi với chúng tôi, Tiến sỹ Đào Ngọc Lan cho biết: “Hiện ngành y tế Yên Bái đang tăng cường lực lượng để đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ và thực hiện đúng Luật BHYT. Đồng thời, tiếp tục kiện toàn mạng lưới khám chữa bệnh tuyến cơ sở; tiếp tục đầu tư nâng cấp y tế cơ sở về cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế; tiếp tục triển khai kế hoạch tăng cường đào tạo và bổ sung nguồn nhân lực cho y tế cơ sở, thay đổi cơ cấu đào tạo, bổ sung biên chế theo Thông tư 08 liên bộ Bộ Y tế, Bộ Nội vụ.

Trong khi chưa có nhiều bác sỹ, đào tạo thêm y sỹ đa khoa bổ sung cho các trạm y tế, Sở Y tế đã chủ động phối hợp với BHXH cùng các ban, ngành liên quan dưới sự lãnh đạo chỉ đạo của UBND tỉnh và chính quyền các cấp để triển khai thực hiện việc chuyển bệnh nhân BHYT về KCB tại tuyến cơ sở. Tuy nhiên, ngành y tế Yên Bái rất mong Nhà nước cần sớm ban hành chính sách về viện phí trên cơ sở tính đúng, tính đủ các chi phí; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về BHYT trên địa bàn các tỉnh và có phương án sửa đổi để hoàn thiện mô hình y tế tuyến huyện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của tuyến này.

Đức Tưởng

Các tin khác
Cảnh nheo nhóc ở gia đình Tráng A Su, thôn Mông Đơ, xã Bản Mù (Trạm Tấu).

YBĐT - Từ đầu năm 2009 đến nay, Trạm Tấu (Yên Bái) đã có 86 trường hợp sinh con thứ 3, trong đó xã Xà Hồ 18 trường hợp, xã Trạm Tấu 11 trường hợp, Bản Mù 20 trường hợp, Túc Đán 14 trường hợp...

Chờ bữa cơm chiều...

YBĐT - Ton hon một lối mòn rộng vừa đủ bước chân người, vắt vẻo, ngoằn ngoèo trên lưng núi - con đường nhỏ nhoi, buồn, lạnh đưa chúng tôi đến thôn Giao Chu - buồn như nỗi lo cơm gạo của người Mông dưới những mái nhà thấp tè, thưa thớt ở cái thôn nghèo nhất của xã nghèo Pá Lau trên huyện vùng cao Trạm Tấu này.

Lên phố mất tên làng cũng là mất đi một phần bản sắc vốn có của thị xã miền Tây với hoa ban trắng, với những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Thái.

YBĐT - Trong sâu thẳm tâm tư, bà con dân bản không muốn bản mình thay tên đổi họ, cho dù cái tên mới đầy mầu sắc phố thị, nhưng nó không đơn giản chỉ là một cái tên khi trong nó còn cả một phần văn hoá bản làng của người Thái Mường Lò.

Một nghi thức trong lễ cầu làng của người Dao Yên Thành.

YBĐT - Ồn ào phố thị rơi lại phía sau, miền đất yên ả đến thật nhẹ nhàng với những doi bãi như bát úp ven hồ Thác, những đàn trâu thoả thuê ngụp lặn trong nước hồ rười rượi. Trong ngút ngàn xanh là những làng những bản, xa vọng tiếng gà gáy buổi mai, thanh bình lạ!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục