Sự sống chẳng bao giờ chán nản

  • Cập nhật: Thứ ba, 22/9/2009 | 12:00:00 AM

YênBái -

Bút ký của Hoàng Thế Sinh

YBĐT - Sang Thu mà chẳng biết vì sao ông Trời quên béng cái ngày mồng Ba ngâu vào, ngày Ngưu Lang - Chức Nữ gặp nhau. Thế nên bầu trời cứ xanh thăm thẳm. Nắng vàng tỏa mênh mông. Mây trắng bồng bềnh trôi. Vận may cho tôi ngược miền cực Bắc.

Cờ tổ quốc tung bay trên đỉnh Lũng Cú.
Cờ tổ quốc tung bay trên đỉnh Lũng Cú.

Dòng sông Miện luồn lách giữa hai dãy núi lừng lững, núi cậy thế ép sát khiến lòng sông hẹp, ào ào chảy. Chiếc Mitsubishi mải miết lượn dốc đèo, thêm vui bởi những câu chuyện không dứt về Cao nguyên đá Đồng Văn của nhà báo Đặng Quang Vượng- Phó tổng biên tập Báo Hà Giang.

Dòng sông Miện uốn quanh bên những dãy núi.

Xe vượt đèo Pác Xum mây phủ, vào Quản Bạ. Đương giữa xanh và xám, xuống đèo, chợt  vàng đầy thung lũng Tam Sơn. Cái màu vàng hây hây lúa mùa chín đổ tràn trụa thung lũng, cứ sóng sánh sóng sánh, dường như muốn nâng hai quả Thạch Nhũ- bầu vú núi, dâng lên cho Trời xanh. Tiếp một thôi đường qua sông Tráng Kìm, vượt cổng trời Cán Tỷ. Thấy cũng thường thôi, thì chỉ sánh ngang với những con đèo nổi tiếng mà bước chân lãng du tôi từng qua như đèo Pha Đin - Khau Co - Khau Phạ - Khau Giềng - Ô Qui Hồ bên Tây Bắc, đèo Giàng - đèo Gió - đèo Tài Hồ Sìn mạn Cao Bằng, đèo Ngang - đèo Hải Vân miền Trung, đèo Lò Xo, đèo Phượng Hoàng, đèo Ngoạn Mục, đèo Bảo Lộc trong Tây Nguyên..., là cùng. Tôi tự ngang tàng thế. Rồi gặp Mã Pì Lèng. Tôi phải nghiêng mình, cúi chào.

Quản Bạ hôm nay tươi màu no ấm.

Con đèo vút lên, cứ như bay lượn theo mây gió, và trườn mím chênh vênh trên vách đá dựng đứng và bên vực thẳm. Lặng người! Như đứng giữa lưng chừng trời, tôi ngó thăm thẳm xuống dòng sông Nho Quế chảy ra từ ruột núi- dòng sông chỉ bé bằng một dải lụa màu xanh ngọc, nhẹ quấn chân ngựa đá khổng lồ 2.000m Mã Pì Lèng. Nhớ lắm, chuyện hai ngàn thanh niên xung phong của mười sáu dân tộc anh em suốt từ Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang đến Hải Dương, Nam Định, chung tay mở con đường Hạnh Phúc dài 165 km, tốn hai triệu ngày công, nhẩm tính nếu một người sẽ phải sống và làm cật lực trong hơn 5.479 năm mới xong con đường. Riêng đoạn qua đèo Mã Pì Lèng hai nghìn người đã làm trong ba trăm ba mươi ngày với bao gian khổ, hy sinh. Ăn gió nằm sương. Treo lơ lửng trên vách đá dựng đứng. Phơi ngoài nắng lửa. Ngâm trong sương lạnh và mưa núi. Tưởng tượng mỗi thanh niên trai tráng cầm choòng cầm xà beng chả khác gì cầm cái kim khâu chạm khắc từng mi - li - mét vào khổng lồ đá Mã Pì Lèng mà làm nên con đường đèo lẫm liệt.

 

Con đường Hạnh Phúc.

Từ tháng 9 năm 1959 đến tháng 3 năm 1965 hơn mười thanh niên xung phong hy sinh trên công trường hiện đang nằm lại ở Nghĩa trang Yên Minh, cứ nghĩ con đường 4A sẽ mang tên đường Thanh niên Việt Bắc hay đường ý  chí, mới phải. Song ngẫm mãi, thấy cái tên đường Hạnh Phúc phải lắm, đẹp lắm! Bởi cả ngàn đời rồi, hơn hai mươi vạn sơn dân của mười bảy dân tộc anh em Lô Lô, Mông, Pà Thẻn, Tày, La Chí, Dao, Hoa, Giáy, Bố Y, Kinh, Pu Péo... sống trong sự cát cứ trên Cao nguyên đá Đồng Văn, chân trần giẫm đá, móng ngựa giẫm đá, bước quanh quanh đá, nhìn về xuôi xa xôi mịt mùng, cách trở văn minh. Giờ có con đường thênh thênh xuôi ngược, người cao nguyên đá về với đồng bằng, về với đô thị văn minh, chả mấy đỗi. Bây giờ hạt gạo, hạt muối, ánh sáng điện, truyền hình, cái chữ, bao nhiêu thứ của cải vật chất và tinh thần của Đảng, của Chính phủ và nhân dân cả nước theo con đường thênh thênh mà ngược lên với người cao nguyên đá. Đấy thật sự là con đường đẹp nhất của tình đoàn kết dân tộc, của tình yêu thương con người cùng trong một nước, con đường của Đảng với dân- như thế phải là con đường Hạnh Phúc. Thời Bí thư Tỉnh ủy Vũ Ngọc Kỳ, tỉnh Hà Giang lại cho mở rộng thêm những đoạn đường qua trung tâm các xã, các thị tứ, mặt đường thảm nhựa phẳng phiu, dài 3km - 4km, rộng tới bốn làn xe, thênh thênh giữa cao nguyên đá, được gọi là đường Chủ nghĩa xã hội, càng khẳng định thêm tên con đường Hạnh Phúc. Hạnh phúc cho nhân dân các dân tộc trên cao nguyên đá. Đường Hạnh Phúc vào cao nguyên đá cứ như lạc vào mê cung, quanh co, khúc khuỷu, chợt ẩn, chợt hiện, khi giống con Rồng Nước uốn lượn tít mây trời, lúc tựa con Rồng Núi bò loằng ngoằng theo trập trùng núi đá, vừa ngoạn mục vừa khiếp sợ. Có lẽ, cua đường Hạnh Phúc dồn lại bằng tất cả cua trên các cung đường đất nước, đèo dốc dồn lại bằng tất cả đèo dốc trên các nẻo đường đất nước, nhiều vô kể, không thể cắm biển báo và đặt gương cầu. Xe cứ đi và ngựa cứ đi, mê mải và thản nhiên. Điều đó khiến tôi hoang mang.

Vào sâu trong Cao nguyên đá Đồng Văn, đứng ngẩn ngơ giữa 3.500 km2 đá, kể cả núi đá giạt sang một phần bên Bảo Lâm - Cao Bằng, tôi càng hoang mang hơn. Cảm giác hoang tưởng chế ngự hết thảy. Trong mắt tôi chỉ có đá - đá - và đá! Đá giăng suốt Quản Bạ - Yên Minh - Mèo Vạc - Đồng Văn. Lũng Pù đá. Pải Lủng đá. Xín Cái đá. Khau Vai đá. Cán Chu Phìn đá. Sủng Máng đá. Mã Pì Lèng đá. Sà Phìn đá. Xám ngắt đá. Ngất ngư đá. Liêu xiêu đá. Nguyên thuỷ đá. Hoang dã đá. Trầm mặc đá. Vời vợi đá. Miên man đá. Đá xếp tầng tầng. Đá chảy giạt thung lũng. Đá xô nghiêng góc trời. Đá vút lên tầng mây. Đá rập rờn trong gió hoang lồng lộng. Đá mơ màng giữa nắng tỏa mênh mông. Ôi giời đá! Đẹp kinh khủng! Đẹp não nùng! Tôi đã qua miền đá kỳ thú Thạch Lâm - Trung Quốc, qua nhiều miền đá đất nước nhưng chưa thấy miền đá nào kỳ vỹ và lạ lùng như miền đá cực Bắc này. Hẳn là một kỳ quan thiên nhiên thế giới! Gặp rồi, tôi như người say rượu ngô Ha Ía - Mèo Vạc, biêng biêng, mê mê, cứ ngẩn ngơ trước miền đá vừa kỳ vỹ vừa hoang đường, chẳng khác gì trong chuyện cổ tích. Đá và đá đến nỗi con người nơi đây trở thành một thực thể của đá, ngàn đời gắn chặt số phận với đá.

Cao nguyên đá ở Đồng Văn.

 Thì đấy! Sinh trên đá. Gieo trồng trên đá. Ăn của đá. Ngủ với đá. Chơi cùng đá. Chết nằm trong đá. Hoang mang trước đá nên tôi dừng ngang đèo, thử cảm giác của mình có còn chân thật không, bằng cách đi hẳn vào chân núi đá Mèo Vạc, bước đi thập thõm, rồi đưa hai bàn tay nắn nắn từng mỏm đá cứng khựng, thô ráp và sắc nhọn, càng thấy hoang mang. Ngồi thừ một lúc, tôi ngó sâu vào kẽ đá, rồi đưa ngón tay cào cào khoảng đất nhỏ chân hõm đá. Bất chợt phát hiện mấy ngọn cỏ còn ươn ướt, ngay đấy, trên rìa gân đá sắc treo một giọt nước long lanh như giọt gianh mái nhà. Ôi nước! Giọt nước vàng nước bạc rịn ra từ đá. Giọt sương ngọc rịn ra từ đá. Chắc là trận mưa hôm trước hay màn sương đêm qua đã để lại giọt nước hiếm hoi kia. Tôi bớt hoang mang, ngẩng đầu nhìn ra bốn bề núi - núi. Bây giờ tôi mới thấy đây đó nơi chân núi nguệch ngoạc bên đá vài mạch ruộng bậc thang đang hây hây vàng lúa mùa chín, đây đó loi thoi mấy thẻo cỏ voi, cây đỗ tương, cây cải  và cây ngô rũ vàng vì đã cho bắp. Bằng trực cảm tôi thấu hiểu vì sao người cao nguyên đá phải gùi từng nắm đất bỏ vào từng hốc đá, phải lựa lưỡi cuốc bập nghiêng hõm đá, lượn đường cày bập bềnh khúc khuỷu quanh chân đá, quyết liệt chen với đá để chiếm cho được một thẻo sống xanh tươi, dù nhỏ nhoi, cho cây cỏ lên mướt mát, cho cây cải hoa vàng thắm núi, cho cây ngô nảy bắp tròn đầy, cho cây lúa trổ bông trĩu hạt. Rõ là, sự sống không bao giờ chán nản1!  

Vào cao nguyên đá, tôi đi qua đường Chủ nghĩa xã hội thênh thênh, gặp đàn em nhỏ quàng khăn đỏ ríu rít đến trường, gặp cả dãy cờ đỏ sao vàng phấp phới trên con đường Hạnh Phúc, và đăm đắm nhìn các công trình trụ sở uỷ ban huyện, uỷ ban xã, bể nước núi, trạm xá, trường học khang trang, đẹp đẽ- tất cả phô ra vẻ tươi mới, thật kiêu hãnh và đầy tự tin như hoa nở ban mai, ngay trên đá nhọn sắc và khô cằn. Cao nguyên đá đâu có buồn như người ta tưởng. Mà thấy cao nguyên buồn thì hãy đi chợ Đồng Văn, chợ Sà Phìn, chợ tình Khau Vai- nhà báo Quang Vượng bảo thế. Thì đi! Tôi đến muộn nhưng chợ vẫn còn chen bước chân người và ngựa. Sản vật quê hương như thịt bò, gà, cá, gạo, ngô bắp, mật ong, cải nương, măng chua, bí đỏ, rau dớn, quả trám, mộc nhĩ, ớt khô, nấm, rau đỗ...- mấy thứ giản dị quê núi cũng hiếm như nước nguồn ấy. Khoái mấy người đàn ông Mông, chắc rượu ngô mềm môi, từ chợ bước chân về liêu xiêu như ngọn gió núi, người vợ cần mẫn dắt ngựa theo sau. Kia là mấy mẹ con nhà nào cứ lích chích như gà mẹ gà con, chả ai mũ nón gì, mặc cho nắng dội lên đầu tóc vàng hoe, càng thích. Kia dung dăng mấy cô gái Mông tươi trẻ, vai đeo lù cở đầy ngô, đỗ, vừa đi vừa trêu tròng nhau, cứ tủm tỉm cười, thật hồn nhiên. Chợ Đồng Văn dưới chân núi cao ngất ngư- gọi là núi Lô Cốt mà người Pháp đã chiếm giữ án ngữ Đồng Văn từ năm 1887, bên cạnh chợ có mười tám ngôi nhà cổ trình tường thềm đá trăm tuổi, gợi bao kỷ niệm vui buồn chảy dọc thời gian đằng đẵng.

Chợ Sà Phìn mở cạnh dinh thự ông vua Mèo Vương Chí Sình. Phải nói dinh thự Vương toạ lạc trên một quả đồi đất đẹp nhất cao nguyên đá, trông từ trên cao xuống rất giống bầu vú mà nàng Tiên nào mải chơi đã bỏ quên giữa miền đá vời vợi. Đối diện phía trước dinh thự Vương là một trái núi sừng sững giống hình tháp Ai Cập có cái ngọn vuốt hoắt lên trời mây. Đây là một khu đất thiêng. Xưa nối ngôi cha, Vương Chí Sinh đã nhờ thầy địa lí người Tàu tìm đất ở. Thầy địa lí đi gần khắp cao nguyên đá mới tìm thấy quả đồi đất Sà Phìn. Thầy địa lí thưa với Vương Chí Sình rằng, chỉ có khu đất này là tốt nhất về mặt phong thuỷ. Nhưng khu đất sẽ không sinh vương nữa, nghĩa là về sau không phát đường vua chúa, nhưng sẽ phát tài phát lộc đường con cháu. Vương Chí Sình nghe theo thầy địa lí, ở lại đất này.

Chợ Đồng Văn.

Quả thật sau cách mạng tháng Tám, Vương Chí Sình nghe lời Bác Hồ, đi theo cách mạng, không làm vua Mèo nữa. Ông làm đại biểu Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà hai khoá liền. Năm 1962 ông qua đời. Con cháu ông nay đều học hành, công tác thành đạt, có người học đến tiến sỹ. Tôi vào thăm dinh thự Vương và viếng mộ Vương Chí Thành- tên Bác Hồ đặt cho Vương Chí Sình, nhẩm đọc hai câu Bác Hồ cho khắc trên kiếm tặng Vương Chí Thành, nay được được khắc đá trên mộ ông: Tận trung báo quốc/ Bất thụ nô lệ. Ngoảnh ra, tôi thấy khu mộ gia tộc và mộ ông ngay phía trước dinh thự cỏ mềm mướt mát. Những cây sa mu cổ thụ lực lưỡng vút ngọn xanh lên cao như muốn thi thố với núi đá.

Cây sa mu xứng là biểu tượng của lòng quả cảm, tình yêu cuộc sống và sức sống mãnh liệt như người cao nguyên đá, như người Mông, như người anh hùng dân quân Sùng Dúng Lù2, như đại biểu Quốc hội Vương Chí Thành. Còn chợ tình Khau Vai3thì tôi chưa từng đi, chỉ được xem trên phim ảnh và được nhà báo Quang Vượng kể cho nghe. Rằng, chợ tình Khau Vai tháng Ba đông nghìn nghịt, cứ ngồn ngộn gái trai, rạo rực bước chân, nghiêng nghiêng ô xoè, áo khăn sặc sỡ, cùng với muôn màu hoa cỏ, hoa bạc hà, hoa mận, hoa đào, nhìn xa dưới nắng xuân, chợ chẳng khác gì một tấm thổ cẩm khổng lồ giăng mềm đá núi. Hây dà! Một cái chợ lạ, dĩ nhiên có bán nhiều sản vật, dưng mà, lạ là cái chợ chủ định dành cho những đôi tình nhân không lấy được nhau, thì về đây tìm nhau, ở với nhau một đêm... cho thoả! Một cái chợ mà bao nhiêu người đàn ông, bao nhiêu người đàn bà từ khắp các bản làng đá - đá chỉ mang đến khao khát và nuối tiếc yêu đương. Phiên chợ núi nghẹn ngào, da diết tiếng khèn bạn tình: Gầu Mông rằng Đrâu Mông, tiễn chân anh có em/ Anh có lòng đi, sợ em không có lòng lại/ Anh có lòng đi, sợ em không có lòng về/ Hoa nở cho chim ở/ Kết trái cho chim ăn/ Cùng lứa như đôi ta/ Đường yêu nên qua/ Đường thương nên trải/ Giá anh lấy được em/ Đôi ta như rồng rắn gió mưa/ Giá anh lấy được em/ Đôi ta như rồng rắn gió to/ Yêu nhau không lấy được, khi em chết đi, em khoác chặt tay anh, leo tận trời cao tít tắp4...

Thế là đôi tình dang dở gặp nhau, ở với nhau một đêm cho thoả nỗi niềm. Đấy là một cái chợ nhân văn nhất thế giới! Thế nên, Mèo Vạc quí người, thương người, liền nhanh tay xây cất cả một khách sạn to đẹp- Khách sạn Hoa Cương, để đón người bốn phương đến chơi chợ tình Khau Vai mỗi dịp tháng Ba về. Khắc này đương Thu, tôi tiếc, thầm hứa sẽ đi chợ tình Khau Vai vào xuân tới, giờ thì Lũng Cú đang vẫy gọi. Xe lại mải miết chạy. Quá ngọ dừng Lũng Cú. Nắng vàng toả khắp lòng thung. Bầu trời xanh thăm thẳm. Bồng bềnh mấy chòm mây trắng. Tột Bắc đây. Cờ đỏ sao vàng Tổ Quốc tung bay kiêu hãnh trên Núi Rồng. Ngước nhìn từ xa, cảm tưởng lá cờ như trái tim đỏ thắm đập mãnh liệt giữa bao la đất trời biên cương.

Tôi chầm chậm đặt từng bước chân qua 283 bậc, lên đỉnh Núi Rồng. Từ đỉnh núi nhìn ra bốn bề, tôi choáng ngợp trước sự vây bọc giăng giăng trập trùng như luỹ như thành của núi non hùng vỹ. Ngay dưới chân Núi Rồng, bên này là bản Thèn Phả người Mông, có cánh đồng lúa vàng với một hồ nước hình bán nguyệt, bên kia là Lô Lô Chải- bản của người Lô Lô, cũng có cánh đồng lúa vàng với một hồ nước hình bán nguyệt. Phía sau là cánh đồng rộng, lúa chín vàng với một bản lớn, sống xen kẽ cả người Mông và người Lô Lô- bản Lũng Cú. Chuyện kể rằng, đây vốn là đất Long cư, tức nơi Rồng ở. Một ngày kia Rồng phải về với biển Đông, nhưng Rồng thương người Mông và người Lô Lô nơi này nghèo khó bởi thiếu nước, đất đai khô cằn, nên trước khi bay ra biển, Rồng đã để lại đôi mắt của mình làm thành hai cái hồ nước quí cho người Mông và người Lô Lô.

Thật kỳ diệu giữa núi non khô cằn mà hai cái hồ không bao giờ cạn nước. Biết là truyền thuyết nhưng tôi nghĩ không thể không tin vì hiển nhiên đất trời tạo dựng tự bao giờ một quả núi nhô lên giữa thung lũng thật giống đầu Rồng đương ngẩng cao lên trời xanh, với hai hồ nước giống như hai con mắt Rồng và nước hồ sóng sánh ngày đêm. Khí thiêng sông núi tụ ở đây- nơi tột Bắc, như là Thiên định cái ranh giới vĩnh hằng của non sông đất nước Việt Nam. Tôi- tự hào một công dân nước Việt, mới đầu Xuân đặt bàn chân trần trên đất mũi Cà Mau, chớm Thu đã nhón chân trần trên tột Bắc Lũng Cú, tự hào nước Việt ngàn đời cha ông giữ vẹn toàn lãnh thổ. Chợt nhớ người bạn đồng nghiệp- nhà báo Quang Vượng từng viết bài thơ Tổ quốc nơi địa đầu:... Ôi! Quên làm sao máu đổ xương tan/ Tất cả cho giang san Tổ Quốc/ Để hôm nay/ Trên Lũng Cú nhìn rõ hơn Đất Nước/ Cột đá thề ở Hùng Vương/ Tới Cà Mau xanh rừng đước yêu thương.

     Tôi thầm ước mỗi người dân nước Việt tạo dịp đi khắp nước mình, gắng  lên với Cao nguyên đá Đồng Văn, lên tột Bắc Lũng Cú, để nhận rõ chân dung sự sống không bao giờ chán nản, để thêm một lần cảm nhận thiêng liêng vô cùng sự vẹn toàn lãnh thổ dân tộc Việt Nam . Và tôi cúi đầu chào lá cờ đỏ sao vàng đương tung bay kiêu hãnh trên bầu trời cực Bắc- nơi biên cương Tổ quốc thương yêu!
     
              Chú thích:
               1. Lời thơ Xuân Diệu.
               2. Sùng Dúng Lù người Mông, sinh ngày 22-12-1926 tại xóm Tả
                  phìn, xã Hố Quáng Phìn, huyện Đồng Văn. Ông mất ngày 5-6-
                 1999 tại xã Vần Chải, huyện Đồng Văn. Ông là anh hùng dân
                 quân tiễu phỉ.
               3. Chợ tình Khau Vai huyện Mèo Vạc mỗi năm họp một lần vào
                  ngày 27 tháng Ba âm lịch- nơi những người yêu cũ, người
                 Mông, tìm gặp lại nhau để thổ lộ tâm tình.
               4. Dân ca Mông.

H.T.S

Cao nguyên Đồng Văn, tháng 9/2009

Các tin khác
Cán bộ y tế xã Tô Mậu (Lục Yên) khám chữa bệnh cho trẻ em.

YBĐT - Thực hiện việc chuyển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) về các trạm y tế xã, phường, các bệnh viện cấp quận, thành phố trực thuộc tỉnh, thị xã, huyện để khám chữa bệnh (KCB), nhằm giảm tải cho các tuyến trên và tiến tới mục tiêu BHYT toàn dân. Đến nay tỉnh Yên Bái vẫn còn trong giai đoạn lập kế hoạch để triển khai thực hiện. Nhưng theo các nhà chuyên môn thì việc triển khai thực hiện rất khó khăn, bởi những vướng mắc từ cả phía người hưởng thụ đến đơn vị được thực hiện.

Cảnh nheo nhóc ở gia đình Tráng A Su, thôn Mông Đơ, xã Bản Mù (Trạm Tấu).

YBĐT - Từ đầu năm 2009 đến nay, Trạm Tấu (Yên Bái) đã có 86 trường hợp sinh con thứ 3, trong đó xã Xà Hồ 18 trường hợp, xã Trạm Tấu 11 trường hợp, Bản Mù 20 trường hợp, Túc Đán 14 trường hợp...

Chờ bữa cơm chiều...

YBĐT - Ton hon một lối mòn rộng vừa đủ bước chân người, vắt vẻo, ngoằn ngoèo trên lưng núi - con đường nhỏ nhoi, buồn, lạnh đưa chúng tôi đến thôn Giao Chu - buồn như nỗi lo cơm gạo của người Mông dưới những mái nhà thấp tè, thưa thớt ở cái thôn nghèo nhất của xã nghèo Pá Lau trên huyện vùng cao Trạm Tấu này.

Lên phố mất tên làng cũng là mất đi một phần bản sắc vốn có của thị xã miền Tây với hoa ban trắng, với những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Thái.

YBĐT - Trong sâu thẳm tâm tư, bà con dân bản không muốn bản mình thay tên đổi họ, cho dù cái tên mới đầy mầu sắc phố thị, nhưng nó không đơn giản chỉ là một cái tên khi trong nó còn cả một phần văn hoá bản làng của người Thái Mường Lò.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục