Xuân sớm Tà Xùa
- Cập nhật: Thứ ba, 12/1/2010 | 9:00:10 AM
YBĐT - Từ thị trấn Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái), con đường nhỏ theo hướng Tây Bắc đưa bước chân chúng tôi lên với Tà Xùa, một bản nhỏ cheo leo trên núi.
Xuân về trên rẻo cao. (Ảnh: Sùng Đức Hồng)
|
Từng nương lúa, nương ngô và những thửa ruộng bậc thang đã qua mùa gặt để lại trên tấm áo xanh của núi rừng những mảng màu nâu vàng, in dấu một mùa no đủ đã về đầy ắp trong mỗi căn nhà.
Vượt qua chặng đường dài quanh co, khấp khểnh và chênh vênh, một cánh rừng còn nguyên các tầng cây to nhỏ, dây leo, thảm lá hiện ra trước mắt. Anh Giàng A Lử - Trưởng ban Dân vận huyện cho biết, khu rừng này có tên là rừng cây Bác Hồ. Ấy là vào thời kỳ bà con xung quanh đây đua nhau chặt cây lấy gỗ, rừng Tà Xùa có nguy cơ bị tàn phá cạn kiệt nên các già làng đã có sáng kiến đề nghị đặt tên cho khu rừng để ghi nhớ công ơn của Bác. Từ đó không ai dám đến chặt cây ở rừng cây Bác Hồ nữa. Nghe câu chuyện mộc mạc dưới tán rừng già khiến chúng tôi ai cũng cảm động trước tấm lòng của người dân xứ núi với vị Cha già kính yêu của dân tộc và càng cảm kích trước ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái của người dân nơi đây. Chúng tôi đã nói với nhau: “Giá như nơi nào cũng có ý thức như vậy thật tốt biết bao! Bác Hồ chắc vui lắm!”.
Vừa đến đầu bản đã nghe tiếng cưa xẻ, tiếng đục đẽo rầm rào. Anh cán bộ xã nói rằng bà con đang tích cực dựng nhà “167” - đó là những ngôi nhà làm mới cho các hộ nghèo, hộ chính sách với sự hỗ trợ của Nhà nước theo Quyết định số 167 của Chính phủ. Ô! Điều khiến tôi ngạc nhiên vì đã đi nhiều nơi, thấy nhiều nhà được xóa nhà dột nát nhưng rất ít nơi có những ngôi nhà to và đẹp như ở Tà Xùa. Hầu hết số nhà đã dựng xong đều được lịa gỗ xung quanh, phẳng phiu, cứng cáp. Những bộ cột nhà vững chãi đỡ trên mình những tấm lợp Đông Anh dày dặn, lòng nhà rộng, không ai nghĩ đó là một gia đình khó khăn.
Trong đoàn có người tỏ ý thắc mắc “Lấy đâu ra gỗ”? Anh cán bộ xã giải thích luôn: Xã có Nghị quyết tạo điều kiện cho bà con mua gỗ rừng trồng với giá ưu đãi, đồng thời cho phép tận thu gỗ không thuộc loại quý hiếm. Bà con giúp nhau công khai thác, công xẻ với sự điều hành và giám sát của cán bộ kiểm lâm và cán bộ xã”. Vậy là, trong sự đùm bọc của cộng đồng, trước sự quan tâm có lý, có tình của Đảng bộ và chính quyền, những người dân nghèo đã được tận hưởng niềm hạnh phúc trong từng căn nhà mới.
Trên vài phiến đá và trên các bờ rào bằng gỗ sặc sỡ sắc màu của những chiếc váy Mông. Trước sân nhà ai, vài ba thiếu nữ chụm đầu hì hụi thêu váy và khâu áo, chuẩn bị trang phục đón tết. Bên này, một nghệ nhân vẻ phấn chấn khi vừa ghép xong chiếc khèn Mông. Thấy chúng tôi, ông ngẩng lên cười rất tươi và đứng dậy cầm cây khèn thử tiếng. Sau mấy nốt nhạc kiểm tra âm thanh, ông thổi liền một bài dân ca Mông, tiếng khèn lúc trầm đục, lúc bay bổng dội vào vách núi rồi vang vọng khắp không gian. Chúng tôi hỏi ông làm bán hay để dùng? Ông bảo: “Chiếc này làm cho hội khèn bên Pá Lau. Hồi trước làm một ít cho huyện bán quảng cáo dưới hội chợ, chủ yếu mấy anh cán bộ miền xuôi thích mua chơi làm kỷ niệm thôi! Ở bản này còn ít người lớn tuổi biết chơi khèn. Thanh niên bây giờ nhiều đứa không chịu học khèn. Chúng chỉ thích nghe đài và thích hát theo ti vi thôi!”.
Một cảm giác nuối tiếc ùa về nhưng tôi cố nén tiếng thở dài, may quá ông lại nói tiếp: “Nhưng tết này có mấy đứa đang rủ nhau thi múa khèn đấy! Mình cũng đang dạy cho đứa con tập múa, nhưng cái chân nó còn dại lắm!”. Nghe ông nói, tôi hình dung ra từng bước nhảy của những chàng trai Mông trong điệu múa khèn. Đối với những người chơi khèn Mông, không được gọi là “thổi khèn” mà phải là chơi “múa khèn”. Tôi lặng nhìn xa xăm và tự đặt câu hỏi: Tết đến rồi, những hội “Gàu Tào” ở vùng cao có còn tưng bừng rộn rã ? Tiếng đàn môi của các cô gái có còn rung lên đối đáp tiếng khèn của các bạn trai ? Quả pao có còn níu kéo tình yêu đôi lứa giữa mênh mang núi rừng ?...
Tạm biệt người chế tác khèn mà vô tâm không hỏi tên tuổi, chúng tôi ghé thăm mấy nhà ven đường. Nhà nào cũng có những bao thóc chất đống và tăm tắp những đụn ngô được treo trên xà nhà căng đầy hạt vàng ruộm, óng ánh. Anh Vũ Đông, Trưởng phòng Văn hóa huyện Trạm Tấu dẫn chúng tôi đi kiểm tra hệ thống công trình vệ sinh của từng nhà. Quả là một cuộc cách mạng ở vùng cao, bởi nhà nào cũng có bể nước sạch, hố vệ sinh theo quy cách, chuồng gia súc được làm ra xa nhà, lại có nhà tắm cho phụ nữ. Chỉ có thế thôi, nhưng với vùng cao khó khăn, với nếp hằn sâu của tập quán sinh hoạt không dễ gì thay đổi thì đây thực sự là một cuộc cách mạng.
Từ giữa bản, tiếng trẻ em đồng thanh đánh vần vang lên khiến chúng tôi không thể không vào thăm lớp học. Ở đây có các lớp ghép 1,2, ghép 3,4 trình độ do các cô giáo cắm bản chăm lo dạy dỗ. Lớp ghép chỉ có hơn chục học sinh, nhóm lớp 1 ngồi hướng về bảng phía trên thì nhóm lớp 2 quay về phía bảng dưới. Cuối phòng, những chiếc cặp lồng đựng cơm được xếp gọn trên chiếc bàn nhỏ. Đây không phải lớp học bán trú. Nhà các em ở ngay bản nhưng cô giáo vẫn yêu cầu cha mẹ các em cho đem cơm đến lớp để phụ đạo luôn buổi chiều, bởi nếu cho các em nghỉ trưa về nhà sẽ mất rất nhiều thời gian đi gọi các em đến lớp. Sở dĩ phải học hai buổi vì vừa dạy chữ lại vừa dạy cả tiếng phổ thông nữa. Cô dạy các em đồng thanh chào khách và bắt nhịp cho các em hát “Hôm qua em đến trường, mẹ dắt tay từng bước…”. Giọng hát còn lơ lớ, rụt rè nhưng đã làm ấm cả căn phòng...
Chiều xuống, từ các nóc nhà từng làn khói bếp đã lan tỏa hòa quyện hơi sương. Anh Giàng A Lử chỉ tay về phía có mấy ngôi nhà mới và nói: “Trông kìa! Họ đang làm lại những chiếc chày gỗ để giã bánh dày ăn tết đấy. Tết của người Mông chúng tôi không thể thiếu bánh dày, cũng giống như ngày tết của các anh chị không thể thiếu bánh chưng ấy”.
Năm nay, hoa đào rừng nở sớm. Trên những cành xù xì với vẩy địa y bám dày đã nở thắm những cánh đào phai đặc trưng của Tây Bắc. Đứng trên đỉnh Tà Xùa nhìn phong cảnh hùng vĩ của núi rừng, lòng tôi rộn lên một niềm vui, niềm tin yêu về những người dân xứ núi. Họ đang làm chủ núi rừng, làm chủ cuộc sống mới đầy hứa hẹn những điều tốt đẹp. Xuân mới đã về với đất trời vùng cao.
Nguyễn Thị Thanh
Các tin khác
YBĐT - Âm thầm hy sinh tuổi xuân, bỏ lại đằng sau người thân, gia đình để đem con chữ đến với mảnh đất vùng cao còn nhiều khó khăn… Đó là những giáo viên cắm bản vùng cao nơi miền đất nghèo An Phú của huyện Lục Yên (Yên Bái).
YBDDT - Mở cửa đèo Khau Phạ lộng gió, là gặp ngay những cánh rừng thông xanh ngút ngàn. Miết theo rừng thông, ngoặt đường bê tông mịn vào La Pán Tẩn, chút nữa rẽ trái cắt dòng Nậm Kim sang Dế Xu Phình, thẳng Quốc lộ 32 qua Chế Cu Nha. Như bản tình ca núi rừng, cả một vùng Danh thắng ruộng bạcthang La Pán Tẩn - Dế Xu Phình - Chế Cu Nha lấp lánh màu hồng pằng tớ zày - hoa đào rừng nở và ríu rít tiếng sơn ca hót.
YBĐT - Chẳng phải dân nghèo, dân khó mà chủ yếu là do cách tuyên truyền của cán bộ, của trưởng thôn, trưởng bản có đi vào lòng dân hay không. Chẳng phải dân muốn chống đối hay không chịu đổi mới mà là do cán bộ có gần dân, hiểu dân đang cần gì, đang mong muốn gì ở Đảng hay không. Hiểu được như vậy thì việc tuyên truyền, vận động dân đâu có khó như chúng ta tưởng.
YBĐT - Dập dềnh trên dòng sông Hồng mải miết trôi, bến đò Y Can thuộc xã Y Can, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã hàng ngày “cặm cụi” đưa đón khắp lượt người dân nơi đây qua lại. Khi guồng quay xã hội ngày càng phát triển, mỗi chuyến đò càng phải “gồng mình” lên để đáp ứng kịp nhu cầu sinh hoạt, thông thương… của bà con. Bao đời tất tả ngược xuôi, dường như “người tuỳ tùng” già cỗi này đã muốn được nghỉ ngơi, lui về nhường chỗ cho một sự phát triển phù hợp hơn, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân phát triển kinh tế, xã hội.