Khi niềm tin thông mở những con đường

  • Cập nhật: Thứ tư, 23/12/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Chẳng phải dân nghèo, dân khó mà chủ yếu là do cách tuyên truyền của cán bộ, của trưởng thôn, trưởng bản có đi vào lòng dân hay không. Chẳng phải dân muốn chống đối hay không chịu đổi mới mà là do cán bộ có gần dân, hiểu dân đang cần gì, đang mong muốn gì ở Đảng hay không. Hiểu được như vậy thì việc tuyên truyền, vận động dân đâu có khó như chúng ta tưởng.

Đoạn đường mới nhất đang được người dân thôn Đào Kiều đổ bê tông.
Đoạn đường mới nhất đang được người dân thôn Đào Kiều đổ bê tông.

Hiến đất làm đường là một việc làm không mới nhưng cũng không hề dễ dàng đối với những mảnh đất của ông bà, tổ tiên để lại. Vì đó chẳng những là nơi chôn rau cắt rốn mà còn là nơi để các gia đình phát triển kinh tế, tăng gia sản xuất lo miếng cơm manh áo. Song, chuyện hiến đất làm đường giao thông nông thôn ở xã Thịnh Hưng (Yên Bình) hôm nay đang trở thành phong trào tự giác của các hộ gia đình khi cùng chung suy nghĩ “hy sinh một phần đất để cho thôn xóm thêm đẹp, cho con cháu được nhờ”...

“Làm tất cả cũng chỉ vì con vì cháu. Đất đai ông bà không ai không quý nhưng ai cũng khư khư giữ đất, ai cũng chỉ nghĩ cho nhà mình thôi thì làm sao cháu con sau này được nhờ...” - bà Lưu Thị Khoa, 81 tuổi ở xóm Đầm Vũ, thôn Đào Kiều - một trong những hộ tự nguyện hiến đất làm đường ở Thịnh Hưng hăng hái nói. Đưa chúng tôi đi thăm một vòng quanh khu vườn rộng rãi, đẹp và thoáng của gia đình, dừng chân ở trước gia trang, bà cụ Khoa chỉ vào đoạn đường mới mở vẫn tươi màu đất thật thà kể: “Nếu để lại chỗ đất này thì vườn nhà tôi rất đẹp vì vuông vắn nhưng con đường giao thông của thôn lại phải đi quanh co bởi khúc cua này nên ông trưởng thôn vận động tôi bảo các cháu tình nguyện hiến ngay mảnh đất góc vườn này. Mình mất có ít cây ăn quả song bà con trong thôn lại cùng được đi trên con đường đẹp”.

- Trong thôn mình có nhiều nhà hiến đất như nhà bà không ạ? - Tôi rụt rè.

- Thôn này còn nhiều lắm. Đầy nhà còn hiến nhiều đất hơn nhà tôi ấy chứ. Như cái nhà bác Lộc ở xóm Lô Đá cho thôn 2 mom đường nhưng chặt đi rất nhiều xoan, mỡ của gia đình đã trồng lâu năm.

Được biết, Đào Kiều là 1 trong số 10 thôn, bản của xã Thịnh Hưng có phong trào làm đường giao thông mạnh nhất. Không những huy động tốt sức dân tham gia làm đường mà ông Trưởng thôn kiêm Chủ tịch Hội đồng làng còn thực sự là người làm dân vận khéo. Chẳng thế mà cả tuyến đường dài 3,5 km đi qua ba xóm Đầm Vũ, Đầm Trằm và Lô Đá, ông đều vận động được bà con tình nguyện tham gia hiến đất để hôm nay Đào Kiều trở thành thôn có tuyến đường giao thông đẹp nhất, nhì địa phương.

Những tuyến đường vào thôn của xã Thịnh Hưng đã được bê tông hóa.

Vào tới thôn Đào Kiều, được đi trên tuyến đường phẳng và rộng, đẹp mới thấy hết sức dân bỏ ra thế nào. Bởi trước đây, nếu ai đã từng đến thôn vào mùa mưa thì khó có thể không bị ngã, bị trượt khi qua những đoạn dốc dài, gấp khúc ở xóm Đầm Vũ, Lô Đá. Nhưng hôm nay, nếu qua những đoạn nào đẹp nhất, thẳng nhất thì đó chính là đoạn đường mà các hộ dân như hộ gia đình ông bà Xuyến - Lộc, Sơn - Liên, Chấn - Thời, Tuấn - Xuyến, nhà ông Giới, ông Hồng... đã tự nguyện hiến một phần đất đai của gia đình mình cho thôn, cho xã.

Tới tận gia đình, được nói chuyện, được gặp trực tiếp các chủ hộ tham gia hiến đất mới cảm nhận được sức mạnh từ nơi dân. Nhìn những gương mặt rạng ngời, phấn khởi khi đi trên những con đường mới còn tươi nguyên màu đất của xã Thịnh Hưng mới thấy ý nghĩa công việc của những người làm nhiệm vụ đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, của Nhà nước tới dân. Chẳng phải dân nghèo, dân khó mà chủ yếu là do cách tuyên truyền của cán bộ, của trưởng thôn, trưởng bản có đi vào lòng dân hay không. Chẳng phải dân muốn chống đối hay không chịu đổi mới mà là do cán bộ có gần dân, hiểu dân đang cần gì, đang mong muốn gì ở Đảng hay không. Hiểu được như vậy thì việc tuyên truyền, vận động dân đâu có khó như chúng ta tưởng. Đây là lý lẽ phân tích mà tôi thấy tâm đắc nhất khi tiếp xúc với những trưởng thôn như Trưởng thôn Đào Kiều - ông Lê Trọng Tấn.

Nhìn cái dáng tất bật và có phần hơi lam lũ của ông cũng đủ biết ông thật xứng đáng là người trưởng thôn mẫu mực, có uy tín. Bởi thế mà khối địa phương vùng thấp còn vận động chán người dân mới chịu di dời, mới chịu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thì ở thôn ông, người dân nô nức tình nguyện tham gia hiến đất. Cứ tưởng mất đi một phần diện tích trồng trọt, cấy hái của gia đình là dân nghèo, là dân kêu đói nhưng ở thôn Đào Kiều, người dân đã hoàn thành xong nghĩa vụ nộp các loại thuế trước tháng 12 của năm 2009 cùng các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt cao. Cả thôn 229 hộ thì không có hộ nào đói, một nửa có kinh tế khá phát triển, hộ nghèo chỉ còn 10 hộ theo tiêu chí mới.

Từ chuyện hiến đất làm đường ở thôn Đào Kiều mới biết ở Thịnh Hưng, chính quyền mạnh, cấp ủy mạnh chính là nhờ dân vận khéo và làm việc có kế hoạch, khoa học từ cấp thôn cho tới cấp ủy Đảng. Lãnh đạo thôn là những người sát dân nhất có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, tham mưu cho chi bộ  sát với tình hình thực tế của thôn. Vì thế, tuyệt đối không có những kế hoạch “ảo”, những chỉ tiêu “trên trời” khiến dân bất bình. Các chi bộ thôn theo đó tổ chức họp Đảng trước để thống nhất trong Đảng, chính quyền và các đoàn thể rồi tiếp đến mới triển khai rộng khắp trong quần chúng. Điển hình như phong trào kiên cố hóa và cứng hóa đường giao thông liên thôn bản lần này, thôn nào rộng, dân cư đông thì các trưởng thôn và bí thư chi bộ phải đi từng khu, từng xóm mà tuyên truyền, vận động. Xóm nào ít dân thì xóm đông dân sẽ tăng cường, hỗ trợ. Ngoài việc họp thôn mỗi quý một lần thì lần này làm đường phải họp nhiều lần để xin ý kiến của dân, thậm chí có khi cũng phải bố trí họp đột xuất để xử lý các tình huống khó trong quá trình thi công giải phóng mặt bằng...

Xin được kết thúc câu chuyện hiến đất làm đường ở Thịnh Hưng bằng sự cống hiến hết mình của Chủ nhiệm Hợp tác xã Khai thác đá của xã - ông Nguyễn Văn Bình. Ông Bình là người năm nào cũng tự nguyện ủng hộ tiền cho phong trào làm đường giao thông nông thôn của xã. Năm 1996, khi chưa có hỗ trợ của Nhà nước, ông đã tự mở được gần 200m ở cuối tuyến của thôn Đào Kiều là đoạn khó khăn nhất vì nhiều dốc và đá, rồi cùng trưởng thôn vận động các hộ dân cùng tham gia. Đợt làm đường này, ông đã trực tiếp ủng hộ bước đầu hơn hai triệu đồng bằng những ca máy ủi san nền tạo mặt bằng ban đầu cho các tuyến. Chuẩn bị đổ bê tông gần 1 km tuyến đường Gốc Quéo - Lô Đá và nâng cấp đổ xỉ than các tuyến đường trong thôn, ông Bình đã ủng hộ tiếp cho những con đường của quê hương mình hơn 30 triệu đồng. Nói về những đóng góp cho quê hương, ông Bình chỉ khiêm tốn: “Cùng là góp sức xây dựng quê hương nhưng so với ông cha ngày trước và những người lính đã đổ máu cho hòa bình thì đóng góp của tôi đâu có thấm tháp gì...”.

Vâng! Quả là chưa đủ nếu như chỉ có mình ông Bình góp công, góp của cho quê hương. Nhưng nếu Yên Bình và các địa phương của Yên Bái có thêm nhiều, thật nhiều những người con sẵn lòng góp sức xây dựng quê hương, vì thôn xóm như bà Khoa, ông Lộc, ông Chấn, ông Giới, bà Xuyến... quê ông thì chẳng riêng gì những con đường mà còn nhiều những công trình thế kỷ trong tương lai sẽ được lớp lớp cháu con tiếp nối làm rạng danh cho quê hương, đất nước, non sông từ truyền thống cha ông, từ gốc gác quê nhà.

Quế Chi

Các tin khác
Cuộc sống vẫn

YBĐT - Dập dềnh trên dòng sông Hồng mải miết trôi, bến đò Y Can thuộc xã Y Can, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã hàng ngày “cặm cụi” đưa đón khắp lượt người dân nơi đây qua lại. Khi guồng quay xã hội ngày càng phát triển, mỗi chuyến đò càng phải “gồng mình” lên để đáp ứng kịp nhu cầu sinh hoạt, thông thương… của bà con. Bao đời tất tả ngược xuôi, dường như “người tuỳ tùng” già cỗi này đã muốn được nghỉ ngơi, lui về nhường chỗ cho một sự phát triển phù hợp hơn, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân phát triển kinh tế, xã hội.

Đường lên Mèo Vạc - Hà Giang.
(Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Từ thị xã Hà Giang, theo quốc lộ 4C với những con đèo quanh co chạm mây trời, chúng tôi đến cao nguyên Đồng Văn. Cao nguyên Đồng Văn nằm ở phía Bắc tỉnh Hà Giang, bao trùm cả 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc, với tổng diện tích tự nhiên trên 2.300 km2, dân số trên 250.000 người. Mỗi chúng tôi cũng nhận thức được rằng, đây là miền đất có vị trí cực kỳ quan trọng trong giữ gìn chủ quyền nơi cực Bắc của Tổ quốc Việt Nam.

Cờ tổ quốc tung bay trên đỉnh Lũng Cú.

Bút ký của Hoàng Thế Sinh

YBĐT - Sang Thu mà chẳng biết vì sao ông Trời quên béng cái ngày mồng Ba ngâu vào, ngày Ngưu Lang - Chức Nữ gặp nhau. Thế nên bầu trời cứ xanh thăm thẳm. Nắng vàng tỏa mênh mông. Mây trắng bồng bềnh trôi. Vận may cho tôi ngược miền cực Bắc.

Cán bộ y tế xã Tô Mậu (Lục Yên) khám chữa bệnh cho trẻ em.

YBĐT - Thực hiện việc chuyển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) về các trạm y tế xã, phường, các bệnh viện cấp quận, thành phố trực thuộc tỉnh, thị xã, huyện để khám chữa bệnh (KCB), nhằm giảm tải cho các tuyến trên và tiến tới mục tiêu BHYT toàn dân. Đến nay tỉnh Yên Bái vẫn còn trong giai đoạn lập kế hoạch để triển khai thực hiện. Nhưng theo các nhà chuyên môn thì việc triển khai thực hiện rất khó khăn, bởi những vướng mắc từ cả phía người hưởng thụ đến đơn vị được thực hiện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục