Nơi pằng tớ zày nở
- Cập nhật: Thứ sáu, 1/1/2010 | 10:37:44 AM
YBDDT - Mở cửa đèo Khau Phạ lộng gió, là gặp ngay những cánh rừng thông xanh ngút ngàn. Miết theo rừng thông, ngoặt đường bê tông mịn vào La Pán Tẩn, chút nữa rẽ trái cắt dòng Nậm Kim sang Dế Xu Phình, thẳng Quốc lộ 32 qua Chế Cu Nha. Như bản tình ca núi rừng, cả một vùng Danh thắng ruộng bạcthang La Pán Tẩn - Dế Xu Phình - Chế Cu Nha lấp lánh màu hồng pằng tớ zày - hoa đào rừng nở và ríu rít tiếng sơn ca hót.
Hoa tớ dảy. Ảnh Quang Tuấn
|
Tôi bước theo gió núi, bàn chân chông chênh trên bờ ruộng bậc thang. Chợt nhớ mấy tháng trước, tôi lên đây vào vụ lúa hè - thu. Màu vàng rịm lúa chín quyện với sương sớm, dưới nắng thu vàng, làm thành những con sóng vàng mơ huyền hoặc. Núi rừng bỗng trở thành bức tranh sơn mài khảm vàng ròng. Danh thắng ruộng bậc thang ngày lúa chín khiến cảm giác luôn chuyển đổi lạ lùng. Nưng nức những mâm xôi vàng dâng tít trời xanh. Ào ạt sóng vàng vỗ dồn lên sườn núi. Tràn trụa sóng vàng đổ ăm ắp lòng thung. Như thực như mơ. Kỳ vĩ. Hoang đường. Bây giờ mùa khô hanh. Một cảm giác khác. Ngàn ngàn bậc thang ruộng chìm trong sương, âm thầm nghỉ đông, chỉ nhờ có bờ ruộng xanh rì cỏ mà tạo nên bức tranh vẽ thang trời tầng tầng bậc bậc, thật ngoạn mục. Tôi biết, Mù Cang Chải không chỉ có 500 héc-ta ruộng bậc thang kỳ diệu là Danh thắng quốc gia để làm vốn quảng bá với thiên hạ, mà còn có cả một tài sản lớn: rừng già và rừng nguyên sinh gần 20.300 héc-ta; rừng thông 12.663 héc-ta; rừng cây sơn tra trên 2.000 héc-ta; ruộng bậc thang xấp xỉ 2.200 héc-ta. Tít mù núi cao Chế Tạo là Khu bảo tồn Loài/Sinh cảnh, mà qua khảo sát điều tra, các nhà khoa học đã phát hiện ở đây có tới 127 loài chim, riêng chim khướu 41 loài; 22 loài bò sát và lưỡng cư; 53 loài thú; đặc biệt là loài niệc cổ hung và loài vượn đen tuyền vô cùng quí hiếm. Dòng Nậm Kim- nơi đầu nguồn Sông Đà đang mở ra các nhà máy thủy điện Hồ Bốn, Nậm Kim, tương lai sẽ đem lại cho Mù Chang Chải một diện mạo mới. Tài sản lớn nhất của Mù Cang Chải hẳn là gần bốn vạn người Mông một lòng theo Đảng, theo cách mạng, thực sự yêu quê hương, đất nước, cần cù học tập và lao động sáng tạo, góp bao trí tuệ và công sức làm cho bản làng, quê hương không ngừng đổi thay tiến bộ. Tuy thế, hiện nay huyện Mù Cang Chải và ngay cả vùng Danh thắng bậc thang La Pán Tẩn - Dế Xu Phình - Chế Cu Nha vẫn đương còn nghèo khó. Bên bức vẽ thang trời tầng tầng bậc bậc nom thật kỳ diệu kia là những ngôi nhà người Mông chẳng khác gì những tổ chim đại bàng treo lơ lửng sườn núi, quanh năm bếp lửa rừng rực, khói tỏa mù không gian. Cả vùng Danh thắng ruộng bậc thang có 1318 hộ với 8582 khẩu, mỗi năm thu hoạch trên 2.387 tấn lúa, nuôi được 1.545 con trâu, 1.045 con bò, một ít gia cầm nữa, thì cuộc sống vẫn chưa thể khá được. Tôi vào nhà A Ký, Dư Phà, A Vàng, A Của ở Dế Xu Phình, nhà A Khua, Thy Minh, A Tủa ở La Pán Tẩn, nhà Seo Mai, A Lử ở Chế Cu Nha…, thấy gác bếp treo giăng giăng từng hàng bắp ngô, gác trong nhà xếp chồng mấy bao tải thóc. Bên vách nhà chen chúc nào máy khâu, ti vi, xe máy, lù cở- gùi kiểu sọt đan bằng sợi giang, cang chủa- cái gùi được đóng bằng gỗ hình chữ nhật, vang- mẹt xảy lúa, chu máo- chõ đồ mèn mén, thống chu đề- thùng đựng nước được đóng băng gỗ pơmu hoặc gỗ thông đỏ…, trên chiếc phản thì ngổn ngang áo quần và chăn màn, lẫn lộn cũ mới. Nhìn rõ sự nghèo nàn, khó khăn của cuộc sống. Tôi hỏi chủ nhà nhiều chuyện làm ăn. Chủ nhà không nói rõ được mỗi năm thu hoạch bao nhiêu ngô, thóc, bán được bao nhiêu tiền từ trâu, bò, dê, lợn, gà, chỉ biết như thế cũng chỉ tạm đủ cho bảy hoặc tám miệng ăn, và vẫn còn đó cái đói giáp hạt. Cuộc sống vật chất khó khăn của người Mông vùng Danh thắng ruộng bậc thang La Pán Tẩn - Dế Xu Phình - Chế Cu Nha cũng nằm trong cái khó khăn chung của huyện Mù Cang Chải, một trong sáu mươi hai huyện nghèo cả nước. Nghèo vật chất nhưng nơi đây thật giàu có về bản sắc văn hóa. Thì đấy, sắp đón xuân Canh Dần 2010, nhà nào cũng lau rửa sạch sẽ từ cái cày, con dao phát nương, cái cuốc, chiếc tù là- liềm gặt lúa…, những vật dụng giúp con người suốt một năm lao động vất vả, đều được dán một tờ giấy vàng, rồi xếp gọn vào góc nhà, coi như nghỉ ngơi đón xuân. Thì đấy, nhà nào cũng chuẩn bị cho đủ gạo, rượu, thịt lợn, và nhất thiết phải có mấy cân gạo nếp để giã bánh dầy, với một đôi gà trống và một gà mái. Đêm ba mươi mổ con gà trống to nhất, nhổ ba túm lông nhúng vào tiết, rồi đem dán lên xử cang - tờ giấy vàng dán gian giữa nhà để thờ Thần nhà. Ruộng bậc thang danh thắng nghỉ đông thì đàn ông Mông đi thả trâu, chăn dê, lên rừng kiếm củi hoặc cắt cỏ về băm nhỏ dự trữ cho trâu bò ăn qua đông, còn phụ nữ Mông thì nhuộm chàm vải lanh và may thêu váy áo. Phụ nữ Mông đạp máy may và thêu váy áo rất thành thạo. So của- áo, ta- váy, lăng- thắt lưng, xế- tấm vải che trước váy, khử lau- xà cạp quấn chân, đều được thêu chỉ nhiều màu sắc làm pằng tau- hoa văn hình núi non, sóng nước, chim muông, hoa lá, tạo nên bộ y phục phụ nữ Mông rất độc đáo và đẹp. Một điều lạ, phụ nữ Mông thường ngày ở nhà hay đi làm nương làm ruộng đều mặc váy áo đẹp, dĩ nhiên ngày xuân, ngày đi hội gầu tào hay hội lồng tồng, các nàng sẽ mặc bộ váy áo mới nhất và đẹp nhất. Phụ nữ Mông còn luôn mang bên mình hai vật dụng thân thiết là chiếc lù cở và chiếc ô. Còn đàn ông Mông, nhất là các chàng trai trẻ, người nào cũng phải có chiếc khèn. Chiếc khèn không chỉ chứng tỏ tài năng văn nghệ mà còn là một phương tiện độc đáo để họ thổ lộ nỗi niềm, để giao duyên, tỏ tình. Tôi từng mê mệt theo các chàng trai Mông tỏ tình bằng tiếng khèn trong các đêm hội, và đặc biệt trong các đêm trăng mùa xuân ở Sa Pa, Tú Lệ, Bắc Hà. Lần này lên vùng Danh thắng ruộng bậc thang La Pán Tẩn - Dế Xu Phình - Chế Cu Nha đúng vào trăng cuối tháng. Hăm mốt- nửa đêm. Nửa đêm tôi cũng đi. Tôi đi Chế Cu Nha, nơi tôi từng một lần, cùng người bạn Mông nữa, theo một đôi trai gái Mông đang mê mải tỏ tình trên dông núi - đỉnh của cánh ruộng bậc thang đẹp nhất Chế Cu Nha. Lần ấy chỉ chàng trai thổi khèn, cô gái xòe ô không lời đối đáp. Đêm nay không có bạn đồng hành, tôi chỉ dám mon men quanh mấy chân ruộng thấp. Thật chẳng khác gì một cuộc đi săn. Ờ, các nhà nhiếp ảnh đi săn ảnh Danh thắng ruộng bậc thang mùa lúa chín. Các tay sành điểu săn khiếu săn họa mi. Tôi thì săn “cái tâm hồn” độc nhất vô nhị của các chàng trai cô gái Mông. Đêm trăng kỳ ảo bởi ánh trăng quyện với mênh mông sương mờ, quyện với tiếng suối Nậm Kim rì rào, tiếng lá rừng lao xao, rồi ánh trăng tỏa lênh láng trên các cung ruộng bậc thang. Là lúc tôi thảng thốt nghe tiếng khèn bỗng cất lên từ đâu đó tít trên dông núi, đưa lời gầuplềnh: “Gió về thổi lá cây bên khe/ Nếu ta là hạt mưa sương/ Ta xin tan trên bàn tay nàng/ Gió thổi lá cây lật ngả lật nghiêng bên suối/ Nếu ta là hạt mưa sương/ Ta xin tan dưới bàn chân nàng!”. Tiếng lòng của chàng trai thật ý tứ và si tình. Một lúc, tiếng kèn lá chắc hẳn là của cô bạn tình, đáp lời mộc mạc, chân thành: “Đông hết, xuân lại về/ Chim sơn ca líu lo ngang đèo/ Chim cứ cư hót vang bên núi/ Ước gì mình với ta sánh đôi/ Đôi ta đồng lòng làm vụ nương xanh tốt/ Đông tàn, xuân lại tới/ Chim sơn ca hót líu lo ngang núi/ Chim cứ cư hót vang bên đèo/ Ước gì ta với mình đẹp duyên/ Đôi ta chung sức làm vụ ruộng trĩu vàng!”. Được lòng, chàng trai lại khèn mê mải. Khuya lắm, tiếng khèn của chàng trai càng đắm đuối, càng mê mị: “Đêm đã qua, sao lượn vòng đổi chỗ/ Ngày đã rạng, lối đi sáng tỏ/ Ta lê bước về nhà/ Mà hồn như còn ngủ ở thắt lưng em/ Đêm đã qua, sao lượn vòng đổi chỗ/ Ngày đã rạng, đường đi sáng rõ/ Ta quay gót về nhà/ Mà hồn như còn ngủ trong tà áo em!”. Ô nú-ú-ú-úi! Tôi thốt lên. Bước chân về nhà cứ bập bềnh như ngấm men say. Tóc đẫm sương. Hăm mốt - lại mơ mơ trắng đêm. Nghĩ chỉ người Mông với tâm hồn và tình yêu chân thật, mãnh liệt và đắm đuối, mới xứng là người làm ra những cung ruộng bậc thang kỳ diệu. Sớm mai, tôi lại một vòng qua Chế Cu Nha, đăm đắm nhìn những cung ruộng bậc thang kỳ diệu. Thầm nghĩ, vùng Danh thắng ruộng bậc thang không chỉ hưởng nguồn lợi từ cây lúa với, mà còn phải phấn đấu hưởng lợi từ nhiều sản phẩm dịch vụ du lịch khác. Tương lai phải có nhà nghỉ kiểu người Mông, sinh hoạt kiểu người Mông. Là nơi bảo tồn, giới thiệu các giá trị văn hóa bản Mông truyền thống. Là trung tâm tuyên truyền giáo dục cộng đồng và du khách về ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường sống và bản sắc dân tộc. Là nơi thu hút học sinh, sinh viên, các nhà khoa học, các nhà dân tộc học, du khách bốn phương đến tham quan, nghiên cứu, học tập, nghỉ ngơi. Là nơi bán ra các sản phẩm du lịch được làm từ chính bàn tay lao động sáng tạo của người Mông, như: gạo nếp, rượu nếp, các loại thịt khô treo gác bếp, mèn mén, bánh dầy, chu máo, lù cở, tu là, cang chủa, khèn, túi thổ cẩm, váy áo Mông. Nghĩa là, vùng Danh thắng ruộng bậc thang La Pán Tẩn - Dế Xu Phình - Chế Cu Nha phải trở thành miền du lịch nông nghiệp - nông thôn Mông thật độc đáo và hấp dẫn, góp phần giúp người Mông vượt lên nghèo khó. Vẫn biết, câu chuyện làm ăn sẽ còn làm tốn nhiều công sức, trí tuệ của người dân, của các nhà quản lí và các nhà khoa học. Mải nghĩ, tôi đã qua bản Pú Nhung từ lúc nào. Ngước lên, tôi gặp ngay pằng tớ zày nở hồng chân núi. Màu hồng hoa và nắng vàng dìu tôi qua từng cung ruộng bậc thang danh thắng, về với năm Hai ngàn không trăm mười. Hoàng Thế Sinh
(La Pán Tẩn - Dế Xu Phình - Chế Cu Nha Mùa xuân 2010)
Các tin khác
YBĐT - Chẳng phải dân nghèo, dân khó mà chủ yếu là do cách tuyên truyền của cán bộ, của trưởng thôn, trưởng bản có đi vào lòng dân hay không. Chẳng phải dân muốn chống đối hay không chịu đổi mới mà là do cán bộ có gần dân, hiểu dân đang cần gì, đang mong muốn gì ở Đảng hay không. Hiểu được như vậy thì việc tuyên truyền, vận động dân đâu có khó như chúng ta tưởng.
YBĐT - Dập dềnh trên dòng sông Hồng mải miết trôi, bến đò Y Can thuộc xã Y Can, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã hàng ngày “cặm cụi” đưa đón khắp lượt người dân nơi đây qua lại. Khi guồng quay xã hội ngày càng phát triển, mỗi chuyến đò càng phải “gồng mình” lên để đáp ứng kịp nhu cầu sinh hoạt, thông thương… của bà con. Bao đời tất tả ngược xuôi, dường như “người tuỳ tùng” già cỗi này đã muốn được nghỉ ngơi, lui về nhường chỗ cho một sự phát triển phù hợp hơn, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân phát triển kinh tế, xã hội.
YBĐT - Từ thị xã Hà Giang, theo quốc lộ 4C với những con đèo quanh co chạm mây trời, chúng tôi đến cao nguyên Đồng Văn. Cao nguyên Đồng Văn nằm ở phía Bắc tỉnh Hà Giang, bao trùm cả 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc, với tổng diện tích tự nhiên trên 2.300 km2, dân số trên 250.000 người. Mỗi chúng tôi cũng nhận thức được rằng, đây là miền đất có vị trí cực kỳ quan trọng trong giữ gìn chủ quyền nơi cực Bắc của Tổ quốc Việt Nam.
Bút ký của Hoàng Thế Sinh
YBĐT - Sang Thu mà chẳng biết vì sao ông Trời quên béng cái ngày mồng Ba ngâu vào, ngày Ngưu Lang - Chức Nữ gặp nhau. Thế nên bầu trời cứ xanh thăm thẳm. Nắng vàng tỏa mênh mông. Mây trắng bồng bềnh trôi. Vận may cho tôi ngược miền cực Bắc.