“Người tùy tùng” già cỗi

  • Cập nhật: Thứ năm, 15/10/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Dập dềnh trên dòng sông Hồng mải miết trôi, bến đò Y Can thuộc xã Y Can, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã hàng ngày “cặm cụi” đưa đón khắp lượt người dân nơi đây qua lại. Khi guồng quay xã hội ngày càng phát triển, mỗi chuyến đò càng phải “gồng mình” lên để đáp ứng kịp nhu cầu sinh hoạt, thông thương… của bà con. Bao đời tất tả ngược xuôi, dường như “người tuỳ tùng” già cỗi này đã muốn được nghỉ ngơi, lui về nhường chỗ cho một sự phát triển phù hợp hơn, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân phát triển kinh tế, xã hội.

Cuộc sống vẫn
Cuộc sống vẫn "ngược xuôi" trên bến đò vẫn "hờ hững" bám vào bờ đất cát.

Bến đò Y Can không biết có tự bao giờ, nhưng “từ thời chống Mỹ, đây đã là nơi đưa đón Việt Minh qua sông bằng những chiếc thuyền nan, thuyền thúng” - ông Nguyễn Mạnh Hải, thị trấn Cổ Phúc bồi hồi nhớ lại – “đó là thời của ông Nha, bà ấm, những người đã từng còng lưng trên dải sông này, sải những chiếc chèo bơi cao hơn cả đầu mình, để bí mật đưa đón bộ đội ta qua sông kháng chiến”. Và ngày nay, vẫn bến đò đó, người dân lại hằng ngày qua lại, mưu sinh, chỉ khác một điều là những chiếc thuyền nan khi xưa nay được thay thế bằng thuyền máy. Nhưng cùng với đó, nhu cầu qua lại của người dân cũng tăng lên mỗi ngày.

Đò đầy… vẫn cứ sang sông

Hiện tại, bến Y Can có cả thảy bốn thuyền và theo quy định, mỗi thuyền chở được 15 người một lượt, nhưng “Vào giờ tan tầm, phải có tới 50 người và xe, cùng hàng hoá chen chân nhau lên một lúc, có những buổi phải huy động đến hai thuyền cùng bơi mà vẫn không hết khách” - cô Nguyễn Thu Hằng, chủ quán nước bên bến đò cho biết - “Không phải người dân không biết thế là nguy hiểm, nhưng không ai muốn phải đợi lâu và nếu như cố đợi thì có đến cả ngày cũng không qua sông nổi, rồi cứ thế thành quen”. Bởi bên kia sông là bốn xã Kiên Thành, Y Can, Quy Mông, Minh Tiến, bên đó có trường cấp I, cấp II xã Y Can, bên này sông là thị trấn Cổ Phúc, trường cấp III Cổ Phúc, có chợ, bệnh viện và có UBND huyện... Từ học sinh đến cán bộ công chức đến người nông dân… đều phải qua lại trên bến đò này, bởi thế mà mỗi chuyến đò cứ phải “lặc lè” từng khúc.

Lại nhớ đến chuyến đò định mệnh trên sông Gianh, Quảng Bình vào ngày 30 tết Kỷ Sửu vừa qua, đã lấy đi sinh mạng của 42 con người. Và bến đò Y Can này cũng đã từng là nơi cướp đi mạng sống của một người chủ đò, trong một lần nước sông Hồng lên cao, chị Lượt, xã Quy Mông đi lấy hàng về, sơ ý đứng ở đầu mũi thuyền, do hàng hoá cồng kềnh đã bị ngã xuống sông, ông Vinh chủ đò nhảy xuống cứu được chị nhưng không giữ được mạng sống của mình. Chuyện xảy ra cách đây cũng đã một năm, và cũng chưa ai quên được cái chết của người chủ đò hôm đó, nhưng đò dẫu đầy… đò vẫn cứ sang sông.

Cuộc sống của người dân vẫn cứ chênh vênh trên những chuyến đò như thế. Dẫu rằng, từ vụ “án mạng” trên sông Gianh ấy, thanh tra đường sông huyện Trấn Yên cũng đã thường xuyên kiểm tra lượng khách trên thuyền và trang bị áo phao phòng vệ cho bà con, nhưng thi thoảng mới thấy các chủ thuyền phát áo phao cho khách, đó là những lúc có kiểm tra. Hơn nữa, mỗi thuyền chỉ quy định chở 15 khách trở xuống và trang bị cho 15 chiếc áo phao, trong khi đó, hiếm có khi nào khách trên thuyền dưới 15 người nên nếu có phát thì cũng người có người không, đằng nào cũng nguy hiểm” -  bà Trần Thị Vận, xã Y Can thở dài. Dòng sông Hồng hiền hoà là thế, nhưng ẩn trong lòng bao nhiêu bất trắc, rủi ro, cùng với đó là những bất tiện, những sự ngáng trở từ việc qua lại trên bến đò mang lại mà người dân nơi đây vẫn hàng ngày cam chịu.

“Người tùy tùng” cần được nghỉ ngơi!

Giao thông không thông suốt, những chuyến đò lúc nhanh, lúc chậm, lúc có, lúc không, nhưng nó vẫn là một phần quan trọng trong cuộc sống của bà con, học sinh phải chờ hàng giờ để đến trường, người đi chợ kiếm chẳng được bao nhiêu lại phải trả ra 2.000 đến 4.000đ tiền vé sang sông… Dù vậy, vẫn có những lúc muốn sang sông cũng không biết làm cách nào, bởi thuyền chỉ bơi từ sáu giờ sáng đến tám giờ tối, ai ở trong làng đi làm hoặc đi chơi phải luôn nhớ về trước giờ “khoá bến”, những ai ốm đau cũng nên “chọn” lấy giờ “đẹp”, nếu có trường hợp nào phải cấp cứu đi viện vào “giờ chết” của bến đò, lại đành phải chạy xe qua cầu Yên Bái, cách 15 km rồi vòng về Bệnh viện huyện Trấn Yên. Cũng không thể có cách nào khác hơn, dù là trong cơn nguy kịch vẫn cứ phải “mua đường” như thế.

Có đến bến đò mới thấy được tận mắt những vất vả của người dân nơi đây. Hai bến đậu được dựng lên bằng cột gỗ chông chênh, mỗi lần thuyền “cập bến” là một thanh ván nhỏ được kéo ra, làm đường cho người, xe lên xuống. “Cũng có không ít lần, những chiếc xe có lẽ vì “chê” thanh ván nhỏ nên cứ đi thẳng xuống sông, bởi phải quen lắm, khéo lắm với giữ được tay lái vững chắc trên “khúc quơ” lắt léo đầy nguy hiểm này” - cô Hằng, làm nghề bán nước ở cạnh bến đò hàng ngày chứng kiến những “pha nhào lộn” đó, kể vì ngã ở đầu bến nên không bị đuối nước, nhưng mỗi lần ngã như thế là một lần “hụt hơi”. Nhìn cảnh sống “bấp bênh” ấy, hẳn ai đến đây cũng phải chạnh lòng.

Cũng thật vui khi dự án xây cầu nơi đây đang được các cơ quan chức năng tính toán, đo đạc, bà con huyện Trấn Yên đang tràn đầy hi vọng về một công trình mới, hứa hẹn một sự phát triển khang trang, bền vững. Càng hi vọng rằng, bến đò Y Can đã từng đi vào lịch sử kháng chiến oai hùng nay lại mở sang một trang mới phát triển đầy ý nghĩa và tự hào.

Nguyễn Tươi

Các tin khác
Đường lên Mèo Vạc - Hà Giang.
(Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Từ thị xã Hà Giang, theo quốc lộ 4C với những con đèo quanh co chạm mây trời, chúng tôi đến cao nguyên Đồng Văn. Cao nguyên Đồng Văn nằm ở phía Bắc tỉnh Hà Giang, bao trùm cả 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc, với tổng diện tích tự nhiên trên 2.300 km2, dân số trên 250.000 người. Mỗi chúng tôi cũng nhận thức được rằng, đây là miền đất có vị trí cực kỳ quan trọng trong giữ gìn chủ quyền nơi cực Bắc của Tổ quốc Việt Nam.

Cờ tổ quốc tung bay trên đỉnh Lũng Cú.

Bút ký của Hoàng Thế Sinh

YBĐT - Sang Thu mà chẳng biết vì sao ông Trời quên béng cái ngày mồng Ba ngâu vào, ngày Ngưu Lang - Chức Nữ gặp nhau. Thế nên bầu trời cứ xanh thăm thẳm. Nắng vàng tỏa mênh mông. Mây trắng bồng bềnh trôi. Vận may cho tôi ngược miền cực Bắc.

Cán bộ y tế xã Tô Mậu (Lục Yên) khám chữa bệnh cho trẻ em.

YBĐT - Thực hiện việc chuyển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) về các trạm y tế xã, phường, các bệnh viện cấp quận, thành phố trực thuộc tỉnh, thị xã, huyện để khám chữa bệnh (KCB), nhằm giảm tải cho các tuyến trên và tiến tới mục tiêu BHYT toàn dân. Đến nay tỉnh Yên Bái vẫn còn trong giai đoạn lập kế hoạch để triển khai thực hiện. Nhưng theo các nhà chuyên môn thì việc triển khai thực hiện rất khó khăn, bởi những vướng mắc từ cả phía người hưởng thụ đến đơn vị được thực hiện.

Cảnh nheo nhóc ở gia đình Tráng A Su, thôn Mông Đơ, xã Bản Mù (Trạm Tấu).

YBĐT - Từ đầu năm 2009 đến nay, Trạm Tấu (Yên Bái) đã có 86 trường hợp sinh con thứ 3, trong đó xã Xà Hồ 18 trường hợp, xã Trạm Tấu 11 trường hợp, Bản Mù 20 trường hợp, Túc Đán 14 trường hợp...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục