Cảm xúc tháng tư

  • Cập nhật: Thứ tư, 31/3/2010 | 8:52:40 AM

YBĐT - Vào đầu những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cựu chiến binh chúng tôi thật may mắn có cuộc hành trình dọc chiều dài đất nước. Khởi hành từ thành phố Yên Bái, đi theo con đường dọc sông Hồng, qua đền Âu Cơ, thờ Mẹ của người lập nước Văn Lang, tiền thân của nước Việt Nam ngày nay.

Đò trôi trên dòng sông Thạch Hãn. (Ảnh: Internet)
Đò trôi trên dòng sông Thạch Hãn. (Ảnh: Internet)

Đêm đầu tiên nghỉ tại Nghệ An, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Người đã nói câu nói nổi tiếng tại Đền Hùng: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Hai niềm cảm xúc của ngày đầu tiên ấy theo tôi trong suốt cuộc hành trình.

Vừa đến đất Quảng Bình, tự nhiên tôi khẽ cất lên câu hát của Hoàng Vân “Quảng Bình quê ta ơi...”, câu hát làm sống dậy một thời Quảng Bình đánh Mỹ. Những cái tên Lệ Thuỷ, Đại Phong, Cảnh Dương, Nhật Lệ ngân lên trong trái tim tôi giai điệu hò khoan. Chia tay Quảng Bình, chưa hết xúc động thì lại tràn ngập một xúc động khác. Vĩnh Linh, Quảng Trị đây rồi. Chúng tôi dừng xe bên cột cờ Vĩnh Linh - cột cờ giới tuyến những năm đất nước còn bị cắt chia -  thả bộ trên cầu Hiền Lương, chỉ mất mấy phút đã sang đến bờ Nam, vậy mà cả dân tộc đã phải đổ bao nhiêu máu xương, đằng đẵng suốt 20 năm mới nối được nhịp cầu thống nhất. Có dân tộc nào kiên gan, bền chí đến thế không? Chúng tôi dừng chân bên bờ sông Thạch Hãn, nước sông trong xanh, dòng sông êm dịu. Con sông cũng là nơi yên nghỉ muôn đời của biết bao người lính trẻ. Có một con đò đang xuôi dòng Thạch Hãn, đò đi rất nhẹ. Phải chăng ở đây ai cũng nhớ câu thơ của cựu chiến binh, nhà báo Lê Bá Dương, người đã từng chiến đấu trong chiến dịch 81 ngày đêm ở Quảng Trị vào mùa hè 1972:

“ Đò lên Thạch Hãn, ơi chèo nhẹ
 Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
 Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”.

Ngày thứ ba, vừa qua khỏi Nha Trang, chúng tôi đến Ninh Thuận. Ninh Thuận, quê hương kết nghĩa với Yên Bái. Đã có biết  bao chàng trai Yên Bái như chúng tôi ra đi trong đoàn quân Yên Ninh. Câu hát tuổi 20 chúng tôi đã hát giờ không ai bảo ai lại cùng vang lên. Buổi chiều, xe qua Xuân Lộc - chốt phòng thủ cuối cùng của chế độ ngụy quyền Sài Gòn đầu năm 1975. Biết bao nhiêu đồng đội đã ngã xuống nơi đây, ngã xuống trước ngày chiến thắng chỉ tính bằng giờ để mở đường cho đại quân vào giải phóng Sài Gòn ngày 30 tháng 4. Các anh bây giờ đang ở đâu ? Ai đã “về” được đến  quê hương? Ai còn nằm lại? Những dấu tích vật chất của chiến tranh trên đất đai, sông, núi hầu như đã được xoá sạch, nhưng những vết thương ở từng cá nhân con người thì vẫn hiện hữu, kể cả những vết thương không nhìn thấy được.

Tiếp tục hành trình, chúng tôi qua Vũng Tàu, Long An, Sóc Trăng rồi đến Đất Mũi. Điểm đến đầu tiên trên Đất Mũi là cột mốc Cà Mau. Đây là cột mốc số 01. Đất Mũi như bột nở, lấn biển từng giờ, để mỗi năm Đất Mũi lại tiến ra biển hàng trăm mét nên cột mốc mang dáng hình một lá buồm của con thuyền đang hướng ra biển Đông, trên đỉnh buồm là lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió. Tay cầm nắm đất của Tổ quốc, đứng bên cột mốc, chụp một tấm hình, thấy thiêng liêng làm sao. Ta có Lào Cai, nơi “Con sông Hồng chảy vào Đất Việt”, có “Trà Cổ rừng dương”, có “Cà Mau rừng đước”. Chúng tôi leo lên Vọng Hải Đài, cao 23 mét, phóng tầm mắt về phía chân trời, mặt đầy sóng biển cùng gió và cả mùi cá, mùi nước mặn, được ngắm hình hài Tổ quốc ở những điểm chót cùng ấy mới hiểu hết thế nào là lãnh thổ đã được “Định phận tại Thiên thư”. Bữa cơm ở Cà Mau nồng ấm tình bạn bè, tình biển, tình rừng, như một cuộc hội ngộ của 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên núi và 50 người con theo cha Lạc Long Quân về với  biển cả.

Lại một cuộc hành trình đặc biệt - cuộc hành trình từ đồng bằng sông Cửu Long trữ tình lên với Tây Nguyên hùng vĩ. Lại qua nhiêu địa danh gợi nhớ về lịch sử hào hùng của thời chống Mỹ: Ấp Bắc, Mỹ Tho, Phước Long... Qua khỏi địa phận Bình Phước đã gặp những đồi thông của Đắc Nông, một tỉnh mới được chia tách từ Đắc Lắc nên ở đây mọi thứ còn ngổn ngang như một công trường. Nhưng tình người Đắc Nông thì mới quý làm sao!

Chia tay Đắc Nông, từ Gia Lai, chúng tôi theo đường xuống biển. Đến đèo An Khê còn có tên là đèo Vĩnh Viễn, cao 740m, dài hơn 10 km, nằm trên đường 19 thuộc địa phận của cả An Khê, Gia Lai và Tây Sơn, Bình Định. Nơi đây đã diễn ra bao sự kiện lịch sử. Tương truyền có lần Nguyễn Huệ cùng nghĩa quân qua đây, thấy có hai con rắn mun to lớn lạ thường, chặn đường, Nguyễn Huệ liền chắp tay khấn: “Nếu quỷ thần có phù hộ để tôi dựng nghiệp lớn thì xin tránh đường cho tôi đi, bằng không xin cắn chết tôi...”. Nguyễn Huệ vừa khấn xong, hai con rắn cúi xuống ngậm một thanh đao cán mun lưỡi sáng như nước dâng lên Nguyễn Huệ. Trong kháng chiến chống Pháp, từ ngày 13 đến 18 tháng 1 năm 1953 đã diễn ra chiến dịch An Khê lịch sử, anh hùng Ngô Mây đã ôm bom cảm tử. Trong chiến dịch Mùa xuân năm 1975, quân giải phóng đã nhấn chìm Sư đoàn 22 ngụy để khi chúng đến Quy Nhơn thì chỉ còn là một đám tàn quân...

Chúng tôi lại vội lên đường, vì còn một đoạn đường khá dài mới về đến Huế, nơi cả đoàn nghỉ đêm. Dọc đường, những Chu Lai, Núi Thành, Điện Bàn, Đức Phổ, Trà Khúc, Trà Bồng..., những vùng đất, những cái tên vừa nhìn thấy trên các cột cây số  đã gợi thương, gợi nhớ lại bao chiến công, bao hy sinh xương máu trong cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của dân tộc mang một ý chí sắt đá “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Đêm đó chúng tôi đi nghe ca Huế trên sông Hương. Ngồi trên con thuyền bồng bềnh, trong một không gian sông nước mờ ảo, phía  xa xa cầu Tràng Tiền lấp lánh ánh đèn, nghe các em gái Huế hát điệu Nam ai, Nam bằng dịu ngọt, trữ tình, tha thiết, tôi mới hiểu hơn điều Nguyễn Trung Thành đã viết trong bài tuỳ bút “Đường chúng ta đi”, đại ý là: Dân tộc ta từ trong máu lửa mà sinh ra mà lớn lên, từ trong máu lửa 4000 năm chúng ta cất tiếng nói, tưởng chỉ là tiếng kêu rú căm hờn. Kỳ lạ thay tiếng nói ấy lại là tiếng hát trong sáng duyên dáng, trữ tình như một cuộc hẹn hò xao xuyến, một cuộc gặp gỡ ban đầu. Dân tộc ấy gan dạ và bình tĩnh đến chừng nào!

Đêm cuối cùng của chuyến đi xuyên Việt, ngày mai chúng tôi đã trở về Yên Bái. Cả đêm không ngủ được. Bao kỉ niệm của chuyến đi lại sống dậy, khe khẽ cất lên lời ca của nhạc sỹ Tân Huyền “Mỗi bước đi thêm yêu Tổ quốc”, tôi càng hiểu ý nghĩa thật lớn lao của chiến thắng 30 tháng 4, chiến thắng thu non sông về một mối, Nam - Bắc một nhà!

Hiền Lương

 

Các tin khác
Hoa xuân.

YBĐT - Tôi đã có dịp đi nhiều nơi trên khắp các nẻo đường Tây Bắc, đắm mình trong những lễ hội của mùa xuân, hòa mình vào những sắc màu rực rỡ của đất trời, của mây núi và của tình người đằm thắm và mãi không thể quên được những sắc hoa bình dị lẫn trong làn khói lam tỏa ra từ những mái nhà sàn ấm áp của đồng bào người Tày, người Thái, rồi cùng rộn ràng trong những điệu xòe xốn xang, đắm mình trong những câu hát giao duyên giữa đêm hội làng.

Trâu được chẩn đoán mang vi rút lở mồm long móng với các biểu hiện ủ rũ, mệt mỏi và các triệu chứng tiêu biểu của bệnh.

YBĐT - Yên Bái đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngành chăn nuôi phát triển, tỷ trọng chăn nuôi liên tục tăng từ 4-5%/năm nhưng chưa xứng với tiềm năng của tỉnh.

Một buổi đối thoại của Ban Thường vụ Đảng ủy xã Tân Hợp với nhân dân thôn 12.

YBĐT - Đảng ủy xã đối thoại với dân - kể như là một sự kiện ở xã Tân Hợp, huyện Văn Yên (Yên Bái). Thông qua những cuộc đối thoại đã giúp cấp ủy, chính quyền nắm chắc tình hình, giải quyết kịp thời những vấn đề mang tính cấp thiết đặt ra trong đời sống, củng cố lòng tin, tạo sự đồng thuận giữa dân với Đảng...

YBĐT - Mỗi năm tết đến tôi lại bồn chồn muốn về vùng đất ngoại ô để được thấy những cành đào đang nhú mầm hé nụ, chuẩn bị cho phút bất ngờ òa nở thành mùa xuân. Thật lòng không hiểu cành đào gầy guộc, khẳng khiu kia vừa phải chống chọi với mùa đông dài giá lạnh, vừa tìm cách lấy ở đâu trong đất cái màu hồng tươi nõn nà làm tín hiệu cho mùa xuân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục