“Dân xin tặng các đồng chí mười tấm bằng khen!”

  • Cập nhật: Thứ năm, 4/3/2010 | 2:33:26 PM

YBĐT - Đảng ủy xã đối thoại với dân - kể như là một sự kiện ở xã Tân Hợp, huyện Văn Yên (Yên Bái). Thông qua những cuộc đối thoại đã giúp cấp ủy, chính quyền nắm chắc tình hình, giải quyết kịp thời những vấn đề mang tính cấp thiết đặt ra trong đời sống, củng cố lòng tin, tạo sự đồng thuận giữa dân với Đảng...

Một buổi đối thoại của Ban Thường vụ Đảng ủy xã Tân Hợp với nhân dân thôn 12.
Một buổi đối thoại của Ban Thường vụ Đảng ủy xã Tân Hợp với nhân dân thôn 12.

Những nhà văn hóa thôn ở Tân Hợp trở nên ý nghĩa hơn vì những cuộc đối thoại. Lần đầu tiên, 72 hộ người Tày, Dao ở thôn 12 được mời tham dự cuộc đối thoại do Đảng ủy xã tổ chức tại thôn. Thôn có 318 nhân khẩu nhưng đời sống còn nhiều khó khăn vì thiếu vốn sản xuất. Nhiều hộ nợ ngân hàng từ năm 1996 đến nay chưa trả được nên ngân hàng ngại cho vay. Cuộc đối thoại do Đảng ủy xã tổ chức tại thôn với sự có mặt của giám đốc các ngân hàng đã giải quyết hài hòa giữa nguyện vọng và trách nhiệm, ngân hàng cam kết tiếp tục cho vay vốn, nợ cũ tiếp tục trả, bà con sung sướng vỗ tay rầm rầm. Vỗ tay xong, bà con rất hăng hái mình xin ý kiến để Đảng biết: đất lúa ở cánh đồng thôn, hộ ông Nguyễn Văn Tuấn chuẩn bị san lấp làm nhà, xã đã biết chưa? Hộ ông Độ và ông Sơn nhà hỏng quá, xã mình phải giúp đỡ? Cán bộ xem thế nào, 5 lít dầu Nhà nước cho, sao tới mình chỉ còn 3?... Thường vụ Đảng ủy phụ trách vùng chủ trì hoan nghênh bà con: “Chuyện lấp ruộng của ông Tuấn, xã sẽ kiểm tra và xử lý ngay. Nhà nát hộ ông Độ, ông Sơn, xã và thôn lo giúp đỡ. Dầu đốt từ 5 lít còn 3 lít là chia cho mấy hộ đã bị lũ cuốn trôi máy phát điện do lũ quét - đó là “tối lửa tắt đèn có nhau” chứ không có tiêu cực gì, chuyện này xã sẽ tính lại cho phù hợp”.

 

Tại thôn 8, đa phần là người Kinh lên khai hoang, người dân nêu toàn chuyện cần kíp: sạt lở cánh đồng Nước Nóng, phải làm đường từ thôn 8 đến thôn 9, các hộ mất diện tích do thiên tai cần hỗ trợ... Đồng chí Đảng ủy viên phụ trách thôn ghi nhận và phát biểu với bà con: “Đảng tiếp thu những ý kiến của các bác, có việc lo ngay được nhưng có việc phải lo dần trong 1 - 2 năm. Bây giờ, tôi mời các bác cùng nghĩ mấy việc: tại sao nơi khác trồng được ngô đông, tự túc được rau xanh mà bà con ta chưa làm được? Làng xóm ta vì sao còn bẩn, vì sao thôn ta chưa ra mắt được làng văn hóa?...”.  Hội trường trầm xuống, một hồi, bà Phùng Thị Chai đứng lên: “Đúng là còn cái chưa tốt, Đảng bảo trồng rau xanh này, vệ sinh này, trồng ngô đông này, toàn việc tốt thế, mình phải làm được tốt thôi!”. Dè dặt, trầm trồ rồi tiếng vỗ tay vang lên. Bí thư Chi bộ Trần Ngọc Oanh ghi cẩn thận những ý kiến của dân để Chi bộ sẽ bàn sâu, giao trách nhiệm cụ thể cho từng đảng viên.

Đối thoại ở thôn 5, lão nông Lương Văn Thanh tuổi thất thập cổ lai hi hăng hái: “Tôi xin hai vấn đề, thôn ta đã cố gắng nhưng nhiều hộ rất khó khăn do không được vay vốn; đường giao thông rất hỏng nhưng không làm được, huyện và xã giúp dân đi!”. Sau ông Thanh, ông Nguyễn Văn Tú, bà Tạ Thị Thơ, ông Triệu Đình Khỏe lần lượt ý kiến. Ông Tú cần vay vốn để trồng keo; ông Khỏe và bà Thơ mong vay để bán hàng cho bà con sản xuất. Ông Triệu Tiến Luận, Triệu Đình Hưng ý kiến Nhà nước giúp dân làm đường. Chủ tọa xác định với bà con, đó là việc cần làm ngay nhưng trao đổi thêm: “Thứ nhất, vốn liên quan tới ngân hàng, ngân hàng muốn cho vay nhưng có bà con không trả lãi, nợ cả chục năm, vì vậy họ ngại. Việc này, xã làm việc trực tiếp với ngân hàng để giúp bà con. Thứ hai, huyện và xã còn nghèo, bà con muốn có đường tốt thì nên cùng huyện, xã làm đường nhưng làm đường mà bà con lại đòi tiền đền bù thì huyện, xã lấy đâu ra? Vậy bà con có sẵn lòng góp đất, góp tiền, góp công không?”. Bí thư Chi bộ Triệu Đình Lý hăng hái hiến đất làm đường. Các ông Triệu Tiến Luận, Triệu Đình Khoa, Triệu Đình Hưng và nhân dân nhất quyết, ra về ai nấy đều hoan hỉ...

 

Những vấn đề cấp thiết mà người dân nêu trong các cuộc đối thoại được Đảng ủy, UBND xã Tân Hợp tập trung giải quyết. Nóng nhất là việc dân vay vốn ngân hàng, Đảng ủy, UBND xã đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo các ngân hàng, ngân hàng mở cửa cho dân vay mới để sản xuất. Trên 1,3 tỷ đồng vốn tín dụng thương mại và vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội đã được rót vào Tân Hợp trong chưa đầy một năm. Đồng chí Hoàng Thị Xuyến - Bí thư Chi bộ thôn 12 cho biết: “Thôn mình tồn nợ 13 năm đã được ngân hàng cho vay mới 105 triệu đồng để phát triển sản xuất. Hộ ông Nguyễn Văn Quang và bà Hoàng Thị Hiển đầu tư chuồng trại, nuôi lợn thịt theo chủ trương của tỉnh, huyện. Làm ăn thuận lợi, chỉ sau một năm, hộ đã thoát nghèo. Ở thôn 5, hộ ông Nguyễn Văn Tú vay 5 triệu đồng đã mua giống keo để trồng rừng kinh tế; hộ bà Tạ Thị Thơ, ông Triệu Đình Khỏe mỗi hộ vay 30 triệu đồng làm dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh thương mại”. Ông Khỏe bao năm yếu vốn bây giờ mới thật khỏe, ông nói: “Phấn khởi lắm, khó mấy mà Đảng gỡ thì cũng xong, Đảng vì dân mà lị! Cái chính là mình phải làm ăn cho tốt thôi!”. Sau vốn là đường giao thông, thủy lợi, người dân Tân Hợp tích cực tham gia kiên cố kênh mương nội đồng, 3,4 km đã được kiên cố trong năm 2009. Tổng hợp từ các thôn, bà con đã góp 600 triệu đồng làm 1,5 km đường bê tông và trên 1.500 ngày công mở mới, tu sửa đường liên thôn… Bí thư Chi bộ thôn 5 - đồng chí Triệu Đình Lý phấn chấn khoe: “Nhân dân góp công sức, tiền của, vật liệu cùng Nhà nước đổ bê tông gần 2,3 km đường, giá trị đóng góp trên 400 triệu đồng trong năm ngoái. Bên thôn 12, bà con kiên cố 720 m kênh mương ở cánh đồng Khe Nhàn và Đồng Rộng. Thôn 8, dân tham gia xây dựng 1 km kênh mương kiên cố”.

 

Hiến đất xây dựng công trình đã trở thành nếp văn hóa mới ở Tân Hợp. Ông Triệu Đình Vượng hiến trên 350 m2 xây dựng nhà văn hóa thôn. Thôn 11, có ông Bàn Văn Kim; thôn 6, có ông Phạm Ngọc Sáng. Thôn 5, có ông Triệu Đình Lý, Triệu Tiến Luận, Triệu Đình Khoa, Triệu Đình Hưng hiến hàng ngàn mét vuông; gần 20 hộ khác đăng ký hiến đất không đền bù nếu đường mở qua vườn, qua nhà.

 

Giải quyết dứt điểm những kiến nghị của dân, Đảng ủy, chính quyền xã chỉ đạo làm thủ tục chế độ cho 7 hộ bị thiệt hại và phải di dời khẩn cấp do thiên tai; giải quyết chế độ cho 4 đối tượng ảnh hưởng chất độc da cam. Kiến nghị của dân về thiếu việc làm do không có tay nghề, xã liên kết mở 4 lớp dạy kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, thợ nề, chế biến và bảo quản nông sản cho 120 con em các dân tộc. Ông Bàn Văn Kim ở thôn Làng Câu thổ lộ: “Xây cái gì, trước phải thuê thợ ở huyện lên, xã chẳng có ai biết xây. Bây giờ, con cháu người Dao mình tự xây được, đi làm kiếm tiền được. Cây quế, củ sắn cũng biết làm cho thơm, cho ngon; con lợn, con dê cũng biết nuôi cho khỏe!”. Năm 2009, lần đầu tiên, Tân Hợp hoàn thành kế hoạch trồng ngô đông trên đất hai vụ lúa. Chủ tịch UBND xã Phạm Thị Hương sôi nổi: “Thôn 12, nhiều kỳ trước, bà con không làm được như nghị quyết đề ra, vụ này trồng gọn 3 ha. Dẫn đầu là hộ Trần Hồng Điều, Hoàng Thị Xuyến, Nguyễn Văn Phúc. Thôn 8, có hộ bà Phùng Thị Chai trồng 5,2 sào, hộ ông Trần Ngọc Oanh trồng trên 3 sào. Xã hoàn thành và vượt kế hoạch, trồng 37 ha”. Nông thôn Tân Hợp hôm nay nhiều chuyện mới: người Dao, người Tày thi đua mỗi hộ trồng 30 m2 rau xanh; mỗi tháng một ngày vệ sinh làng, bản; thực hiện sạch làng tốt ruộng; làng, bản không có người sinh con thứ ba, không thanh niên nghiện hút, đi xe máy là đội mũ bảo hiểm.

 

Năm 2009, xã khôi phục lễ hội Lồng tồng động viên nhân dân sản xuất và giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống. Nông thôn Tân Hợp đã có lúc lắm chuyện nhiêu khê, nay bình yên trở lại. Thông qua đối thoại, người dùng lẹm nứa xén đứt mũi trâu của dân đã tự kiểm điểm, bồi thường cho người bị hại, không để xảy ra oán thù trong cộng đồng dân tộc; đối tượng đánh bạc, chứa chấp cờ bạc đã nhận sai lầm và sửa chữa trong sự bao dung, giúp đỡ của bà con; nạn phát rừng, phá rừng không còn nhức nhối…

 

Đảng đối thoại với dân - kể như là một sự kiện ở Tân Hợp. Lần đầu tiên, đối thoại với dân trở thành chương trình công tác của cấp ủy một Đảng bộ nông thôn ở Yên Bái. Bí thư Đảng ủy xã Tân Hợp - Hà Đức Anh cho biết, năm 2009, Đảng ủy, Ban Thường vụ tổ chức 11 cuộc đối thoại, đại diện 750 hộ ở 11/14 thôn đã tham dự, hàng trăm ý kiến của bà con đã đến với Đảng. Đồng chí sâu sắc: “Tăng cường dân chủ, tạo sự đồng thuận để nhân dân theo Đảng, cùng Đảng lo việc của dân, để Đảng mạnh, dân giàu là đinh ninh của mỗi đảng viên khi hứa mình nguyện suốt đời học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác!”. Về Tân Hợp hôm nay, chúng tôi ghi thêm một nguyện vọng của bà con các dân tộc mà các đảng viên ở đây rất cảm động nhưng xin chưa được nhận: “Dân xin tặng các đồng chí mười tấm bằng khen!”.

Tuấn Anh

Các tin khác

YBĐT - Mỗi năm tết đến tôi lại bồn chồn muốn về vùng đất ngoại ô để được thấy những cành đào đang nhú mầm hé nụ, chuẩn bị cho phút bất ngờ òa nở thành mùa xuân. Thật lòng không hiểu cành đào gầy guộc, khẳng khiu kia vừa phải chống chọi với mùa đông dài giá lạnh, vừa tìm cách lấy ở đâu trong đất cái màu hồng tươi nõn nà làm tín hiệu cho mùa xuân.

Chợ hoa ngày tết.

YBĐT - Chợ Yên Ninh hay chợ “Bến Đò”, “Lò Vôi” người dân quen gọi nằm cạnh sông Hồng thuộc phố Bách Lẫm, phường Yên Ninh – thành phố Yên Bái. Chợ không lớn lắm, ngày thường vốn đã đông đúc với đủ đầy các đặc sản quê, còn ngày tết chợ ở đây càng sặc sỡ sắc màu.

Ông Trần Trọng Dần: “Dưới lòng hồ này vẫn còn ba ba cụ!”.

YBĐT - Những người già như ông Dần khẳng định vẫn còn nhưng những con ba ba già ấy dường như đã nhận thấy sự nguy hiểm từ phía con người, thi thoảng người ta vẫn bắt gặp những mà ba ba to tướng song khó mà tận mắt nhìn thấy chúng.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện Trạm Tấu thăm quan mô hình trồng ngô trên đất đồi xã Trạm Tấu (Trạm Tấu).

YBĐT- Như đã thành thông lệ, cứ mỗi độ xuân về tôi lại háo hức được trở lại huyện vùng cao Trạm Tấu (Yên Bái). Đến Trạm Tấu không chỉ để được ngắm những bông hoa cúc dại, hay hoa tớ dày nở hồng bên các sườn núi cao, mà bởi lẽ cái hình ảnh thơ mộng nhưng nghiệt ngã của vùng cao nó cứ đeo đuổi mãi trong tôi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục