Trăn trở Tú Lệ
- Cập nhật: Thứ ba, 30/11/2010 | 9:12:05 AM
YBĐT - Thung lũng Tú Lệ nằm giữa 3 ngọn núi cao sừng sững là: Khau Phạ, Khau Thán, Khau Song, đây cũng là nơi cư trú của trên 1.112 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Tú Lệ còn nổi tiếng với sản phẩm nếp tan nức tiếng gần xa.
Thanh bình Tú Lệ.
|
Đặc biệt khi quốc lộ 32 được nâng cấp, xã vùng cao này đã có nhiều đổi thay, trung tâm xã trở thành một thị tứ sôi động. Nhưng đằng sau vẻ đẹp ấy còn một Tú Lệ với rất nhiều khó khăn, một Tú Lệ chất chứa bao nỗi niềm do ma túy mang lại…
Đổi thay sau những mùa hoa Anh túc
Gần 20 năm trở về trước, xã Tú Lệ được mệnh danh là vương quốc của cây thuốc phiện. Thuốc phiện được trồng khắp cánh đồng Tú Lệ, nhà nào cũng trồng thuốc phiện. Vào những mùa Anh túc nở, thung lũng Tú Lệ mang một vẻ đẹp huyền bí. Nhưng vẻ đẹp của loài hoa Anh túc càng rực rỡ bao nhiêu thì cuộc sống người dân Tú Lệ càng khốn khó bấy nhiêu. Thuốc phiện không những chẳng đem lại cơm ăn áo mặc, chẳng làm cho bà con người Thái ở Tú Lệ đổi đời mà nó còn kéo theo đói nghèo và cùng cực, bởi số người nghiện thuốc phiện cứ theo đó mà tăng lên. Trưởng công an xã - Lò Văn Thịnh nhớ lại: “Những năm 90 trở về trước, thuốc phiện nhiều như lúa gạo, nhà nào cũng có người nghiện, thuốc phiện được hút thay cho thuốc lào”. Màu xanh của ruộng lúa, nương ngô chẳng thấy đâu, thay vào đó là màu tím lịm của hoa Anh túc.
Với quyết tâm bằng mọi cách ngăn cản “cái chết trắng”, năm 1992 Nhà nước có chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện, cán bộ từ huyện đến xã mà đứng đầu là các già làng, trưởng bản đã tích cực vận động nhân dân nhổ bỏ cây thuốc phiện. Thế rồi, những cánh đồng thuốc phiện dần dần được chuyển sang trồng lúa, trồng ngô, trồng đậu tương. Đồng thời, Đảng bộ xã đã đề ra nhiều nghị quyết đầu tư thâm canh tăng vụ.
Nhờ vậy, diện tích lúa nước được mở rộng qua từng năm, những ruộng lúa sản xuất một vụ được đưa vào trồng hai vụ. Đến nay, xã đã gieo cấy thành công vụ chiêm đạt 155 ha và vụ mùa đạt 161 ha, với các giống năng suất chất lượng cao như: Nhị ưu 838, Chiêm Hương. Nhờ sự giúp sức của cán bộ khuyến nông, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất ngày càng được phổ biến. Nhờ đó năng suất lúa của Tú Lệ năm sau luôn cao hơn năm trước, nếu năm 2000 năng suất chỉ đạt 30 tạ/ha, thì nay đã đạt 50 tạ/ha.
Vừa phát triển cây lúa, bà con nhân dân trong xã còn trồng ngô, đặc biệt là cây đậu tương được đưa vào trồng với diện tích trên 50 ha, góp phần giải quyết lương thực vùng cao. Tú Lệ còn được nhiều người nhắc đến bởi nơi đây có giống lúa nếp tan thơm dẻo. Phát huy lợi thế đó, huyện, xã bảo tồn nguồn gien quý và mấy năm gần đây đưa ra sản xuất đại trà hơn 100 ha lúa nếp tan. Sản xuất ra đến đâu, nếp tan được tiêu thụ hết ngay đến đó, đem lại nguồn thu không nhỏ cho nông dân.
Bên cạnh cây lúa, cây ngô xã còn tập trung chăn nuôi gia súc, đến nay đã có hơn 810 con trâu, 602 con bò. Nhờ thâm canh tăng vụ, đời sống của bà con trong xã đã có những đổi thay đáng kể. Đặc biệt, kể từ khi quốc lộ 32 nâng cấp, trung tâm xã ngày một nhộn nhịp, là điểm đến của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Và đó cũng là điều kiện để các mặt hàng nông sản được khách thập phương biết đến, dọc quốc lộ nhiều khách sạn mọc lên, gà đồi, nếp thơm là món ăn ưa thích của nhiều du khách. Bây giờ thì cây Anh túc chỉ còn lại trong ký ức xưa của người già trong xã.
Vẫn còn đó những trăn trở
Bỏ lại sau lưng những mùa hoa Anh túc, đời sống nhân dân trong xã mặc dù đã có nhiều đổi thay đáng kể, nhưng nhìn chung Tú Lệ vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, bởi tỷ lệ hộ nghèo hiện vẫn còn trên 39%. Nhiều phụ nữ vẫn phải phiêu dạt đi xa kiếm sống, trong số này đã có 15 phụ nữ xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Điều đáng ngại nhất là hậu quả của một thời trồng thuốc phiện để lại cho đến giờ đang là nỗi lo của Đảng bộ, chính quyền nơi đây và cũng là nguyên nhân cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của xã. Những năm gần đây, số người nghiện có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp.
Theo anh Lò Văn Thịnh - Trưởng công an xã, hiện toàn xã có trên 71 người nghiện và nghi nghiện, 5 tụ điểm nghi vận chuyển và buôn bán thuốc phiện. Ở Tú Lệ những gia đình rủ nhau vào con đường nghiện hút là chuyện không hiếm. Hầu hết những đối tượng nghiện đều có gia cảnh nghèo, khi đã sa vào con đường nghiện ngập, không có tiền sinh ra trộm cắp, khiến an ninh trật tự trên địa bàn rất phức tạp. Hơn nữa, từ năm 2002, hêrôin xâm nhập vào địa bàn xã làm công tác cai nghiện càng trở nên khó khăn hơn.
Trước thực trạng đó, Đảng ủy, UBND xã đã có nhiều nỗ lực ngăn chặn. Xã đã đưa các đối tượng đi cai tại Trung tâm Cai nghiện tỉnh. Đặc biệt, từ năm 2007 trở lại đây, xã tổ chức nhiều lớp cai nghiện cộng đồng, nhưng cai nghiện cộng đồng tại địa phương đang gặp phải những khó khăn nhất định. Vì cùng là người địa phương nên rất khó quản lý, thời gian cai ngắn, hầu hết lại không có công ăn việc làm... do đó, số người dứt được “cái chết trắng” ở Tú lệ rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ở đây có người cai nghiện đến 3, 4 lần, trở về vẫn “ngựa quen đường cũ” như trường hợp của Lý Văn Sơn, năm 2006 đi cai một lần trở về, không công ăn việc làm, bị bạn bè rủ rê, Sơn lại “dính” vào ma túy, đến năm 2008, Sơn tiếp tục đi cai nghiện tại xã nhưng do không quyết tâm nên đến tháng 6/2009, Sơn lại phải ra hồ Thác Bà cai nghiện lại.
Theo thống kê thì hiện mới chỉ có 2 người thoát khỏi được ma túy, đó là trường hợp của Hoàng Văn Mẳn, sinh năm 1968 ở thôn Pom Ban và Hà Văn Tương, sinh năm 1973 ở thôn Phạ Dưới. Nhưng cả hai người này lại “dính” vào nghiện rượu. Anh Lò Văn Thịnh, cho biết thêm: “Do đặc điểm của xã là có con đường quốc lộ 32 chạy qua Nghĩa Lộ - Mù Cang Chải, ngoài ra còn có chợ là nơi giao lưu hàng hóa của nhân dân và các xã lân cận như: Nậm Có, Cao Phạ, Nậm Búng. Đây chính là con đường chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhưng mặt khác nó không tránh khỏi những khó khăn phức tạp của thị trường, bởi các đối tượng thường xuyên lợi dụng móc nối với nhau, gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Điều này đã gây khó khăn trong việc kiểm soát các đối tượng liên quan đến ma túy”. Khi chúng tôi có mặt tại Tú Lệ thì lớp cai nghiện cộng đồng gồm 30 học viên vừa kết thúc. Nhưng trong số đó có ai đoạn tuyệt được với ma túy không thì vẫn là một dấu hỏi lớn.
Rời Tú Lệ khi ông mặt trời vừa đứng bóng, cũng là lúc trung tâm xã nhộn nhịp người xe qua lại nhất. Bên cạnh niềm vui vì vùng cao đang từng ngày đổi mới, nhưng trong tôi vẫn còn câu hỏi: Bao giờ Tú Lệ mới hết nghèo? Bao giờ người Thái nơi đây mới thực sự chung tay xây dựng đời sống văn hóa? Và bao giờ “cái chết trắng” không còn ẩn nấp, rình rập dưới mỗi ngôi nhà?...
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Một bãi cát rộng chưa đầy một sào ruộng nhưng có đến hơn chục người làm thuê, trong đó có cả thanh niên, phụ nữ, người già đang hì hục xúc từng xẻng cát lên xe ôtô, ai cũng căng mình ra, rồi một xe xong chuyển bánh ra khỏi bãi...
YBĐT - Năm 2011, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ sẽ hoàn thành đầu tư xây cơ sở vật chất và đầu tư trang thiết bị, để Bệnh viện trở thành BVĐK khu vực theo đúng tiêu chí của ngành y tế.
YBĐT - Trạm Tấu có 12 xã, thị trấn thì nay gần một nửa chủ tịch xã đều trên dưới 30 tuổi và được đào tạo khá cơ bản... Đội ngũ, cán bộ chủ chốt cấp cơ sở của Trạm Tấu nhiệm kỳ này độ tuổi bình quân là 35, trình độ chuyên môn cũng đã được nâng lên, tất cả đều đã và đang hoàn thành chương trình đại học.
YBĐT - Sau một đêm ở Trường Tiểu học An Lương (Văn Chấn), hôm sau, tôi theo chân thầy Hà Tý - Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Lương lên điểm trường Suối Dầm. Lên Suối Dầm, cảm nhận đầu tiên đó là thời tiết. Chỉ cách nhau không xa nhưng ở dưới trung tâm xã An Lương nóng bức, ngột ngạt thì ở đây gần 10 giờ sáng mà sương mù vẫn phủ kín, trời se lạnh cho dù đang mùa hè.