"Rơ bang" - Miền đất mênh mang
- Cập nhật: Thứ hai, 7/2/2011 | 7:39:10 PM
YBĐT - Ôi chao, những cánh tay trần đang đảo như mưa. Thì ra chị em đang rang thóc, giã gạo chuẩn bị gói bánh, chuẩn bị cơm mới tiễn năm cũ, nghênh đón năm mới.
Chung vui bên ché rượu cần. Ảnh Thanh Miền
|
Tháng Chạp. Khoảng thời gian đẹp nhất ở Nghĩa Sơn. Trời thì cao, mây thì xanh. Gió đại ngàn thổi về tất tả, phóng khoáng. Đêm cuối năm trong mênh mông núi rừng, trăng luếnh loáng hết mình, gợi cảm như mời gọi, không thể cưỡng lại.
Mỗi sáng bình minh, đây đó thấp thoáng hoa mơ, hoa mận điểm xuyết những nụ đào bung nét sặc sỡ, đam mê, đắm đuối. Ấy là thời điểm báo hiệu mùa xuân rập rình đầu bản, chuẩn bị gõ cửa từng nhà.
Giờ này, lên Nghĩa Sơn lý tưởng lắm. Xưa, muốn đến, chí ít cũng phải vài giờ cuốc bộ trên những con đường lau lách, dốc đứng quanh co. Một gã cuồng si như tôi rất hiếm mở lòng lao dốc.
Chả thế một lần, không hiểu ma lực nào đã quyến rũ thói đa tình, đa cảm của tôi, khiến tôi đi thử, ngõ hầu thỏa chí tò mò, muốn tìm hiểu cộng đồng người có mức dân số ít nhất, một tộc người nghe nói từ nước bạn Lào sang, họ dừng lại nơi đây lập làng, lập bản ngót ba thế kỷ trước.
Dạo ấy, hăng hái là vậy nhưng tôi cũng chỉ ở trung tâm xã trọn một ngày rồi ngủ một đêm với bụi, với gió, rồi về.
Bây giờ, từ thị xã Nghĩa Lộ, chưa đến 10 phút trên xe máy là có mặt tại trụ sở ủy ban nhân dân xã. Nơi đây, một thời là điểm tập kết, là huyền thoại của quân dân, du kích Nghĩa Sơn.
Cũng chính nơi đây còn lưu giữ những nét cổ kính xa xưa. Đặc biệt, dải đất ngang trời này còn rất đậm đặc bản sắc dân tộc, chất văn hóa dân gian không phải nơi nào cũng giữ được.
Từ ủy ban, tôi theo chân Bí thư Đảng ủy xã - Mè Văn Lún về Nậm Tộc. Đúng như ông bạn nhà báo Thanh Phúc rỉ tai: "Nậm Tộc à? Sướng nhé! Đến đó, xe cứ gọi vèo vèo. Giờ, đường bê tông cả rồi".
Ba ngày. Quỹ thời gian thừa đủ cho tôi đi được nhiều nơi, kể cả ở Nậm Tộc sau đó. Ven đồi, thấp thoáng những nếp nhà sàn mang dấu ấn rất riêng của người Khơ Mú.
Năm nay, Nghĩa Sơn được mùa. Cứ thấy hiện diện trên khuôn mặt mọi người là đủ biết. Làng bản rộn rã, tưng bừng hơn mọi năm nhiều. Tôi biết, nơi đây không chỉ được mùa lúa rẫy mà còn là lúa nước. Đặc biệt, năm rồi, bà con thu thêm thóc lúa từ 10 ha ruộng mới khai hoang. Không vui sao được, ngô năm nay cũng cho sản lượng cao.
Lại sắn, lại khoai tây, đỗ tương, những loại rau củ vừa trồng thử. Phải chăng, đấy là thắng đói nghèo, là tiềm năng, là phát triển, tạo nên thông thương thị trường xuống thị xã Nghĩa Lộ?
Ngày thứ hai rồi sau đó, tôi lang thang ở bản Lọng, bản Noọng Khoang, bản mới... Đường đến những nơi này ngăn ngắt sim, mua. Lãng đãng vẫn là hoa mơ, hoa mận, hoa đào.
Loáng thoáng thôi nhưng đủ lâng lâng một thứ hoa, một thứ hương tinh khiết. Bản nào tôi cũng bị hút hồn. Ôi chao, những cánh tay trần đang đảo như mưa. Thì ra chị em đang rang thóc, giã gạo chuẩn bị gói bánh, chuẩn bị cơm mới tiễn năm cũ, nghênh đón năm mới.
Những hạt gạo mang màu xanh cốm, chắc thơm, dẻo lắm? Và hơn nữa, lại hiện diện dưới những cánh tay, bàn tay thiếu nữ Khơ Mú da ngăm, chân dài, thân hình chắc lẳn, khiến tôi quả quyết: duyên ngầm ấy mà lúc lặng lẽ, lúc hừng hực như lửa, lúc như vấn vít, vẫy gọi, làm sao không mê đắm được...
Đêm. Thao thức với lão nghệ nhân dân gian Vì Văn Sang - người được tôn vinh là "Vua giữ lửa cồng chiêng và nhạc cụ tre nứa" của địa phương. Quả thật, nhà Vì Văn Sang đang sở hữu bộ chiêng núm 3 chiếc, gồm 1 đực, 1 cái, 1 con theo phân loại và cách gọi.
Ông Sang bảo: "Trời sinh người Khơ Mú mình. Thần linh, sông nước, núi rừng chở che, lại ban cho con người có thể nói chuyện được với thần qua ngôn ngữ đặc biệt. Anh là nhà sưu tầm, nghiên cứu, anh có biết thứ ngôn ngữ đặc biệt ấy là gì không?". Không chờ tôi trả lời, ông hướng lên vách: ""Rơ bang" đấy! Chiêng đấy!".
Ngắm nhìn bộ chiêng trên vách nhà, tôi thả hồn vào thế giới âm thanh, vào thế giới âm sắc vừa hoang dã vừa đại ngàn. Thứ âm thanh linh thiêng, xa xăm, mênh mang, lan tỏa. 12 giờ khuya, nghe rõ tiếng suối xa, tiếng gió lùa. Lúc chúng rì rầm, lúc chúng dữ dằn dội về làm tôi bâng khuâng.
Phải chăng, từ những âm thanh này mà con người giàu trí tưởng tượng, những nghệ nhân tài hoa nơi đây đã sáng tạo, đã chuyển thành thứ nhịp điệu độc đáo, bài bản, truyền lại cho đến ngày nay? Một loại nhạc cụ hội tụ đầy đủ âm dương, đực cái. Một biểu tượng của sự sinh sôi, phát triển của vạn vật và của đời người.
Phương tiện giao tiếp tâm linh với trời đất, với thần, với tổ tiên và cũng là cầu nối gắn kết cộng đồng. Vậy nên, "Rơ bang" cất tiếng là niềm vui tan chảy hết mình. "Rơ bang" cùng các nhạc cụ tre nứa như: "Ôm đing", "Tính tờ la", "Hon rờ", "Tầm đao", "Pí tót"... níu kéo vũ điệu dân dã tiếp nối nhau.
Rồi những thiếu nữ xinh tươi, khăn piêu rực rỡ, áo cỏm cúc bạc bó sát cơ thể mà nhún nhảy. Hãy một lần đến đây đi! Đến mà nhấn nhá, đến mà tỏ bày. ấy là những dịp làng tổ chức lễ cầu mùa, lễ cưới hỏi, mừng nhà mới, cơm mới, đặc biệt khi tết đến, xuân về.
Đến để nghe chiêng, xem múa hát cùng những điệu dân ca cho niềm vui bất tận dâng trào. Lo gì đâu. Mệt thì nghỉ. Đói thì ăn. Khát thì uống.
Thứ nước uống số một: rượu cần. Cong lớn. Cong bé. Cần cắm cao vút vít xuống, một sừng rót, một sừng đổ. Rượu cất từ gạo quý, ủ bằng lá men rừng cho ta một cảm nhận, hương thơm, vị ngọt không dễ đâu có. Già làng Lò Văn Siêng ở bản Lọng tự hào: "Ngô lúa là của trời cho. Hương liệu là của đất, của rừng. Tất cả mà được rượu ngon. Rượu này cũng là của trời đất. Uống đi nào!".
Càng về khuya, cuộc vui càng tuyệt. Những đống lửa phập phồng đưa ta lạc vào một cõi khác. Máu như chảy nhanh hơn. Tim như đập mạnh hơn. Hơi thở dồn dập hơn, khắc khoải hơn. Hết thảy hun hút, ảo mờ những bí ẩn ngàn đời chưa giải mã được...
Văn Chấn - một dải miền Tây bao dung 13 dân tộc chung sống. ở đấy, mỗi dân tộc một bản sắc, một lịch sử, một thế kinh tế, một đời sống văn hóa. Tất cả luôn đoàn kết bên nhau, tồn tại, phát triển theo dòng chảy thời gian, trong đó có quê hương Nghĩa Sơn của bà con Khơ Mú.
Một tộc người đang khắc phục nhiều khó khăn, biết vượt qua mọi thử thách, vươn lên thoát đói nghèo để con cháu ăn nên làm ra, vui cuộc sống yên bình, no đủ. Một tộc người như thế, sang trọng biết chừng nào!
Với ai đã một lần tới, chắc nhớ lắm Nghĩa Sơn!
Nhớ miền đất mênh mang "Rơ bang", thơm ngọt rượu cần để rồi hẹn ngày trở lại...
Bùi Huy Mai
Các tin khác
YBĐT - Vui bên thềm xuân của người Khơ Mú, tôi không thể không đi thăm bản làng. Bóng sơn nữ eo co thon lẳn xinh tươi trong sắc màu của tẹp từng khà làm ấm thêm trời xuân...
YBĐT - Gần 70 tuổi đời, ngót 60 năm gắn bó với khèn bè, hơn 40 năm dày công nghiên cứu, phần thưởng xứng đáng nhất dành cho người say mê khèn bè và pí là tấm HCV tiết mục khèn bè tại Hội diễn NTQC toàn quốc năm 1992 và giải A độc tấu pí lặn tặn tại Hội diễn NTQC năm 2007 của tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Kết thúc vụ xuân 2010, Xà Hồ đã có 510 tấn thóc, năng suất 44 tạ/ha, góp phần tăng sản lượng thóc hai vụ lên trên 1.200 tấn, bình quân 500 hộ mỗi hộ 2 tấn/năm. Cái bụng bà con đã biết no gạo rồi!
YBĐT - Nhiều cán bộ kiểm lâm ở huyện Văn Chấn nói với tôi rằng, ở nơi núi đồi xa xôi thuộc các xã Suối Giàng, Suối Quyền có một thanh niên ôm giấc mộng biến những quả đồi lau lách thành những cánh rừng xanh và anh đã trở thành "ông vua rừng". Câu nói đó đã thôi thúc tôi tìm gặp người thanh niên ấy.