Rừng ấm no

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/2/2011 | 2:37:09 PM

YBĐT - Do làm tốt công tác tuyên truyền vận động trong nhân dân mà trong những năm qua, năm nào Mù Cang Chải cũng hoàn thành 100% chỉ tiêu trồng rừng mới, nâng độ che phủ của rừng lên 53%.

Rừng nguyên sinh ở Mù Cang Chải được bảo vệ tốt.
(Ảnh: Sùng Đức Hồng)
Rừng nguyên sinh ở Mù Cang Chải được bảo vệ tốt. (Ảnh: Sùng Đức Hồng)

Gia đình anh Giàng A Mang, bản Chế Tạo, xã Chế Tạo (Mù Cang Chải) trước đây thuộc diện đói nghèo, quần quật quanh năm vẫn không đủ ăn, chưa nói gì đến việc làm một căn nhà mới để ở. Thế nhưng tết năm nay đến thăm gia đình anh, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi căn nhà xiêu vẹo trước kia đã được thay thế bằng một căn nhà gỗ mới 4 gian khang trang với đầy đủ tiện nghi.

Trời rét, cả nhà đang quây quần bên bếp lửa nướng bánh dày trong không khí đầm ấm của ngày tết. Chị vợ anh Mang thấy khách đến vội đứng lên lấy thêm bánh dày ra cắt từng miếng mỏng, rồi kê lên thanh củi để nướng đãi khách. Mấy đứa trẻ thấy khách đến cũng mang bánh, kẹo ra mời và không quên mang một bát mật ong rừng ra để chấm bánh.

Anh Mang kể: Trước đây, mặc dù quanh năm ngày tháng sống chung với rừng nhưng do chưa nhận thức được những lợi ích từ rừng nên vợ chồng tôi chưa có ý thức trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ, chỉ biết chặt gỗ về làm củi, săn bắt động vật và lấy rau, củ trong rừng về ăn. Thế rồi được các ngành của huyện vào xã, vào bản tuyên truyền, vận động, giải thích về tác dụng của rừng, chúng tôi đã nhận thức được những lợi ích mà rừng mang lại và có ý thức bảo vệ.

Do biết tận dụng tốt lợi thế của rừng mà gia đình anh từ một hộ đói nghèo đã vươn lên khá giả. “Mỗi năm gia đình tôi thu nhập khoảng trên 80 triệu đồng từ rừng, chủ yếu từ thu hoạch thảo quả, sơn tra và phát triển đàn gia súc cùng với từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước về giao khoán bảo vệ rừng. Chỉ tính tiền bảo vệ rừng năm 2010 được phát trong dịp tết Tân Mão năm nay gia đình tôi đã có 27 triệu đồng (trong đó từ Chương trình 5 triệu ha rừng 13 triệu, từ nguồn vốn Nghị quyết 30a của Chính phủ 14 triệu đồng). Tôi rất vui, vì có số tiền này, vợ chồng tôi đã mua sắm được nhiều thứ thiết yếu phục vụ đời sống, nhất là trong dịp tết cổ truyền dân tộc. Ngoài ra, vợ chồng tôi còn dành một phần tiền gửi tiết kiệm để cho con chuẩn bị đi học đại học...”, anh Mang phấn khởi bày tỏ.

Xã Chế Tạo vốn diện tích đất sản xuất nông nghiệp rất ít, lại do khí hậu đặc thù nên nhân dân chỉ gieo cấy được 1 vụ lúa trong năm. Trên địa bàn xã có Khu vực bảo tồn loài sinh cảnh nên công tác bảo vệ rừng càng phải đặt lên hàng đầu. Nhiều năm qua, rừng Chế Tạo đã giao khoán đến từng hộ gia đình; 100% hộ dân đều phải có trách nhiệm bảo vệ trên cơ sở xã giao khoán cho bản và nhóm hộ. Mô hình giao khoán theo nhóm hộ đã giúp Chế Tạo làm tốt công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Có nhiều rừng, nhân dân trong xã  có nhiều đồng cỏ để phục vụ chăn nuôi. Các nguồn lợi từ rừng đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhân dân. 

Trồng thảo quả đã giúp cho đồng bào Mông ở huyện Mù Cang Chải thoát nghèo.
Ảnh: Sản phẩm thảo quả được bán tại chợ Trung tâm Mù Cang Chải.

Dịp tết năm nay, không riêng gì gia đình anh Mang mà 100% hộ dân trong xã vùng cao Chế Tạo đều có thêm niềm vui mới nhờ nguồn hỗ trợ của Nhà nước trong công tác bảo vệ rừng. Anh Sùng A Tủa - Chủ tịch UBND xã Chế Tạo phấn khởi bộc bạch: “Xã đã nhận được trên 3,3 tỷ đồng từ tiền hỗ trợ giao khoán bảo vệ trên 17.400 ha rừng đợt này. 100% hộ dân trong xã từ hộ nghèo cho đến hộ khá, giàu đều được nhận tiền hỗ trợ, hộ ít nhất cũng được 5 triệu đồng, hộ nhiều gần 30 triệu. Có được nguồn tiền này đúng vào dịp năm mới, bà con càng phấn khởi, có gia đình còn mua được cả xe máy. Đây chính là động lực quan trọng để trong thời gian tới nhân dân Chế Tạo chăm sóc, bảo vệ tốt hơn diện tích rừng hiện có...”.

Cuộc sống mới của gia đình ông Khang Nhà Súa, bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha cũng là một minh chứng của việc biết khai thác thế mạnh của rừng những năm qua. Năm nào gia đình ông cũng tham gia trồng rừng mới; tận dụng đất ở các tán rừng được giao khoanh nuôi, bảo vệ để  trồng cây thảo quả và trồng cỏ để phục vụ chăn nuôi. Từ việc biết khai thác lợi thế của rừng đến nay ông đã có nhà ở khang trang, rộng rãi, mua sắm được nhiều vật dụng cần thiết trong gia đình.

 Ông Súa chỉ tay khoe với chúng tôi 5 chiếc tủ tường và chỉ khu nhà để xe, cười to và nói: “6 chiếc xe máy này gia đình tôi mua được cũng nhờ rừng đấy!”. Trung bình mỗi năm gia đình ông thu nhập khoảng 100 triệu đồng từ rừng. Riêng thảo quả khoảng 5 tấn, thu về gần 80 triệu đồng, còn lại là nguồn thu từ cây lúa, cây ngô, chăn nuôi trâu, bò và nguồn Nhà nước hỗ trợ giao khoán bảo vệ rừng. Dịp tết năm nay, gia đình ông cũng như nhiều hộ khác trong bản đều được nhận tiền hỗ trợ. Bà con rất phấn khởi, cảm ơn Đảng, Nhà nước đã có những chính sách phù hợp với cái bụng người dân vùng cao, giúp cuộc sống của đồng bào ngày một khá hơn...

Anh Giàng A Của - Chủ tịch UBND xã Chế Cu Nha phấn khởi: “Trung bình mỗi năm nhân dân trong xã thu về khoảng 6,5 tỷ đồng từ khai thác và quản lý có hiệu quả diện tích rừng trên địa bàn. Riêng trong năm 2010 nhân dân đã thu hoạch 70 tấn quả sơn tra, thu về gần 2 tỷ đồng, 25 tấn thảo quả thu về gần 4,3 tỷ, gần 1 tỷ đồng tiền giao khoán bảo vệ 2.460 ha rừng và trồng mới 90,9 ha...”.

Không chỉ riêng Chế Tạo, Chế Cu Nha, tổng thu nhập từ rừng của nhân dân trong huyện mỗi năm khoảng 100 tỷ đồng. Trong đó, từ nguồn hỗ trợ trồng rừng, bảo vệ rừng của Nhà nước trên 30 tỷ đồng, trên 35 tỷ từ thu nhập thảo quả, gần 8 tỷ từ thu hái quả sơn tra, gần 2 tỷ từ khai thác, tỉa thưa gỗ, 360 triệu khai thác nhựa thông còn lại thu nhập từ các loại cây dược liệu.

Đồng chí Giàng A Tông - Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện khẳng định: “Với đặc thù huyện vùng cao, người dân sống chung với rừng và cũng dựa vào rừng để sống, các cấp chính quyền và nhân dân đã xác định bảo vệ rừng là để giữ đất, giữ nước cung cấp cho đồng ruộng, đặc biệt cho các thuỷ điện, góp phần công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Giữ rừng để giữ được các loại cây dược liệu quý hiếm cũng như các loài động vật quý, bảo vệ môi  sinh.

Đồng thời, giữ rừng còn để bảo tồn Di tích danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải, tăng nguồn thu cho nhân dân và Nhà nước. Chính vì vậy nhiều năm qua, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân trồng và chăm sóc, quản lý, khoanh nuôi bảo vệ tốt 64.000 ha rừng hiện có và khẩn trương phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Trong đó chú trọng tới lực lượng nòng cốt là bí thư chi bộ, trưởng các thôn bản.

Do làm tốt công tác tuyên truyền vận động trong nhân dân mà trong những năm qua, năm nào Mù Cang Chải cũng hoàn thành 100% chỉ tiêu trồng rừng mới, nâng độ che phủ của rừng lên 53%. Lợi ích từ rừng mang lại đã góp phần quan trọng trong công tác xoá đói, giảm nghèo của huyện vùng cao. Từ một huyện hầu hết là đói nghèo đến nay đã giảm xuống chỉ còn 40,4% hộ nghèo (theo tiêu chí cũ).

Đặc biệt, trong dịp tết Tân Mão năm 2011 nhân dân toàn huyện đã được nhận gần 10 tỷ đồng hỗ trợ cho việc bảo vệ rừng đợt 2 năm 2010, trong đó: 5,2 tỷ từ nguồn hỗ trợ theo Nghị quyết 30a và gần 4,8 tỷ từ Chương trình 5 triệu ha rừng. Bà con trong huyện rất phấn khởi bởi đã nhận được sự quan tâm kịp thời của Đảng và Nhà nước. Đồng bào vùng cao Mù Cang Chải sẽ tiếp tục trồng, chăm sóc và bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có trên địa bàn, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế ở địa phương....”.

Mù Cang Chải đã vào xuân, trên các triền núi cao hoa Tớ dày đã khoe sắc thắm khắp núi đồi, từng đàn ong đua nhau đi lấy mật. Từ lợi ích của rừng mang lại những năm qua sẽ là động lực để người dân vùng cao ngày càng yêu rừng hơn, bảo vệ và khai thác có hiệu quả tốt hơn tiềm năng, thế mạnh của rừng để rồi sang năm họ lại có thêm nhiều niềm vui mới.

 Thanh Xuân

Các tin khác
Anh Nguyễn đăng Luận đang chăm sóc cây ngâu có thế thác đổ.

YBĐT - Chơi cây cảnh là thú chơi tao nhã tự xa xưa. Dẫu vậy, vẫn còn rất nhiều người chưa phân biệt rõ sự khác nhau giữa chơi cây cảnh và chơi cây cảnh nghệ thuật.

YBĐT - Trong xã hội cũ họ được gọi bằng cái tên khinh miệt "đứa ở", bây giờ là "người giúp việc" trong các gia đình. Nhưng từ khi bộ phim Nhật Bản được công chiếu trên Đài truyền hình Việt Nam thì họ mang một tên mới "ô sin".

Xôi ngũ sắc làm từ đặc sản nếp tan Tú Lệ.
(Ảnh: Tuấn Nghĩa)

"Muốn ăn gạo trắng nước trong
Vượt qua đèo Ách vào trong Mường Lò"

YBĐT - Đó là những cái tết đã xa lắc xa lơ. Trong kí ức mập mờ của đứa trẻ vài ba tuổi, vẫn đậm lắm trong tôi một màu hồng của chiếc lạt buộc chập bánh gai.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục