Tâm của người, hồn cốt của cây

  • Cập nhật: Thứ năm, 17/2/2011 | 9:51:14 AM

YBĐT - Chơi cây cảnh là thú chơi tao nhã tự xa xưa. Dẫu vậy, vẫn còn rất nhiều người chưa phân biệt rõ sự khác nhau giữa chơi cây cảnh và chơi cây cảnh nghệ thuật.

Anh Nguyễn đăng Luận đang chăm sóc cây ngâu có thế thác đổ.
Anh Nguyễn đăng Luận đang chăm sóc cây ngâu có thế thác đổ.

 Trước hết, chơi cây cảnh không cầu kỳ, đầu tư công phu như chơi cây cảnh nghệ thuật. Người chơi cây cảnh có khi chỉ cần loại cây mình yêu thích nhanh toả lá cành hoặc mau nở hoa, nở nhiều, nở đẹp, nở lâu và tạo cây theo hình dáng đồ vật, con vật mà mình thích..., thế là đủ. Việc chăm sóc cây cảnh cũng đơn giản tuỳ điều kiện của người chơi.

Khác hẳn với chơi cây cảnh, chơi cây cảnh nghệ thuật đòi hỏi người chơi phải lao tâm khổ tứ. Thế nên mới có câu rằng "Nghề chơi cũng lắm công phu". Nó công phu bởi người chơi phải có một niềm đam mê thực sự, phải có kiến thức tổng quát sâu rộng, có hiểu biết về triết lý nhân sinh quan, thế giới quan; có lòng kiên trì, nhẫn nại, ham học hỏi, có óc thẩm mĩ để nuôi dưỡng ý tưởng và hình thành tác phẩm.

 Đặc biệt, người chơi không thể ôm đồm nhiều cây, nhiều loại cây như chơi cây cảnh, chơi phải "quý hồ tinh bất quý hồ đa". Nói một cách khác là, người chơi cây cảnh phải có nội tâm sâu sắc, dành toàn tâm cho điều mình theo đuổi để khi tác phẩm được hoàn thiện thì ai nhìn vào cũng thấy sự dụng công của chủ nhân tạo ra nó. Cho nên, số người chơi cây cảnh nghệ thuật luôn là số ít trong số người chơi cây cảnh.
Anh Nguyễn Đăng Luận ở tổ 35, phường Minh Tân (thành phố Yên Bái) là một trong những người chơi cây cảnh nghệ thuật vào bậc nhất ở Yên Bái, hiện đang là Phó chủ tịch Hội Sinh vật cảnh của tỉnh.

Nói về thú chơi cây cảnh nghệ thuật, anh Luận tâm sự rằng, nếu ta thực sự đam mê, nếu ta không vô tình với cỏ cây, ta sẽ tìm được cái "hồn cốt" của cây ngay giữa sự vô thường. Và cũng chỉ cần có cái tâm, ắt sẽ tạo ra tác phẩm có hồn. Cách đây gần hai chục năm, trong một lần đi cơ sở, anh trông thấy trong đống gốc cây đầy bùn của bà con khai phá ruộng nước có một gốc xù xì như hòn đá, anh đã xin mang về. Có người tò mò: "Bác lấy cái cây ấy làm gì? Loại này đun không cháy đâu!".

Vậy nhưng, đến giờ nó đã thành một cây lộc vừng thế trực (đứng) cổ thụ toả cành đầy lộc và hoa. Một cây ngâu của anh cũng gần 20 năm tuổi có thế thác đổ mà gốc của nó là do anh kiếm được lúc chỉ bằng đầu ngón tay út. Có nhiều người đã trả giá cây ngâu này mấy chục triệu đồng nhưng chủ nhân không bán.

Anh còn cho biết, có những lúc vô tình kiếm được cây hiếm mà mừng vui lâng lâng suốt đêm không ngủ. Khi cây vào bầu là mong nó sẽ bén rễ và đến nó bén rễ thì hàng tháng, hàng năm chỉ nghĩ cách nào đó cho nó có dáng thế, có sự phát triển cành lá, rễ cây, vỏ cây…đúng như ý muốn của mình.

Cây thế “khủng”.

Bác Nguyễn Anh Dũng ở phường Nguyễn Phúc và bác Lương Đoàn Đường ở phường Yên Thịnh cũng là người chơi cây cảnh nghệ thuật có thâm niên ở thành phố Yên Bái cũng có chung tâm sự như vậy.

Ai cũng phải thừa nhận thú chơi là một sự thử thách lòng kiên nhẫn để nên một tác phẩm và dù có thành công đến mấy thì cũng không ai dám tự bằng lòng với mình, nó lúc nào cũng thôi thúc con người ta phải trăn trở tiếp tục hướng đến sự hoàn thiện. Cho nên mới có những người tạo được những tác phẩm có một không hai trong làng chơi cây cảnh nghệ thuật. 

Một trường hợp khác: anh Lê Minh Thuận ở xã Minh Bảo (thành phố Yên Bái) cũng là người khiến người khác phải nể bởi cái tâm với cây cảnh nghệ thuật. Anh cũng giúp tôi ngộ ra một điều, đúng là thú chơi này chẳng phân biệt cao thấp, sang hèn mà cốt vẫn ở cái tâm. Dù chỉ là một người dân bình thường nhưng vì ham với thú chơi này lại chịu khó học hỏi nên anh là người khá am hiểu về quan niệm, triết lý dân gian với từng loại cây, thế cây, cách chăm sóc cây cảnh nghệ thuật. Vì thế, nhiều mầm cây bị trâu bò giẫm đạp nơi góc ruộng ven rừng qua tay anh đã trở nên có giá trị.

Nghe anh nói về ý nghĩa của thế cây chứa đựng tình cảm, trí tuệ và khát vọng, ý chí và thế giới quan của con người như: thế thất huyền, thế ngũ phúc, thế huynh đệ đồng khoa, thế bạt phong hồi đầu, thế thác đổ, thế phụ tử, thế mẫu tử, thế trực liên chi, thế tam sơn, thế tam đa... cứ như là một chuyên gia. Anh cũng tâm sự rằng, do tuổi còn trẻ, còn phải bận mưu sinh nên những sưu tầm của anh chỉ có thể làm nên những phác thảo nghệ thuật để rồi ai yêu thích, đồng cảm thì sẵn sàng nhượng lại mang cây về tiếp tục hoàn thiện tác phẩm.

Ngày xưa, làm ra cây cảnh chẳng ai mang đi bán, quý lắm thì tặng nhau. Thế nên, mới có chuyện vì trân trọng cái tâm của cha ông đã khổ công tạo nên tác phẩm cây cảnh nghệ thuật mà con cháu cứ giữ gìn đời này qua đời khác như một bảo bối. Còn bây giờ, việc chơi và kinh doanh cây cảnh nghệ thuật đã thành một nghề để làm giàu, nghề đã góp phần làm cho cái đẹp được lan toả và kích thích nhiều người cùng hướng tới thú chơi tao nhã này.

    Hoàng Nhâm

Các tin khác

YBĐT - Trong xã hội cũ họ được gọi bằng cái tên khinh miệt "đứa ở", bây giờ là "người giúp việc" trong các gia đình. Nhưng từ khi bộ phim Nhật Bản được công chiếu trên Đài truyền hình Việt Nam thì họ mang một tên mới "ô sin".

Xôi ngũ sắc làm từ đặc sản nếp tan Tú Lệ.
(Ảnh: Tuấn Nghĩa)

"Muốn ăn gạo trắng nước trong
Vượt qua đèo Ách vào trong Mường Lò"

YBĐT - Đó là những cái tết đã xa lắc xa lơ. Trong kí ức mập mờ của đứa trẻ vài ba tuổi, vẫn đậm lắm trong tôi một màu hồng của chiếc lạt buộc chập bánh gai.

Chung vui bên ché rượu cần. Ảnh Thanh Miền

YBĐT - Ôi chao, những cánh tay trần đang đảo như mưa. Thì ra chị em đang rang thóc, giã gạo chuẩn bị gói bánh, chuẩn bị cơm mới tiễn năm cũ, nghênh đón năm mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục