"Ô sin" liệt truyện
- Cập nhật: Thứ tư, 16/2/2011 | 3:00:12 PM
YBĐT - Trong xã hội cũ họ được gọi bằng cái tên khinh miệt "đứa ở", bây giờ là "người giúp việc" trong các gia đình. Nhưng từ khi bộ phim Nhật Bản được công chiếu trên Đài truyền hình Việt Nam thì họ mang một tên mới "ô sin".
Vui buồn phận "ô sin"
Sáng ra, chị Hồng hàng xóm của tôi bế đứa con trai bẩy tháng tuổi trên tay, hết đi ra cửa lại đi vào nhà vẻ sốt ruột. Thấy vậy tôi liền hỏi:
- Chị chưa chuẩn bị đi làm à?
- Em chưa đi được vì chưa có người trông thằng Cò.
- Con bé Bông giúp việc đâu rồi?
- Em cho nghỉ rồi.
- Sao vậy?
- Nó được cái xinh xẻo, sạch sẽ, khéo trông trẻ nhưng phải cái tự nhiên quá. Ai đời bé khóc lại leo ngay lên giường nằm dỗ em, trong khi ông chủ còn đang nằm ngủ. Tốt nhất cho nghỉ trước để tránh hậu họa.
- Thế cô đã tìm được người thay chưa?
- Cô bạn giới thiệu cho một bà, hẹn 7 giờ sáng có mặt mà bây giờ 7h10' rồi vẫn chưa thấy đến.
Chị Hồng đang làm kế toán ở một ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố, giờ giấc vô cùng khắt khe. Nhà có hai đứa con, đứa lớn ba tuổi đang học trường mầm non thì đức ông chồng sáng đi làm đưa cháu đi học luôn. Còn chị loanh quanh với đứa nhỏ và chỉ kịp trao cho con bé Bông để đến cơ quan trước giờ làm việc vài phút. Thành ra lúc này nóng như có lửa đốt trong bụng là phải. Chỉ đến khi thấy tiếng chiếc xe đạp quẹt vào cánh cổng sắt lạch cạch và bóng người giúp việc xuất hiện ngoài khung cửa thì chị mới thở phào. Đưa vội đứa nhỏ cho bà ta, dặn qua quít mấy câu rồi vội lên xe vù đến nhiệm sở.
Còn đứa em gái tôi cũng loay hoay mãi mới tìm được người giúp việc tạm gọi là vừa ý. Người đầu tiên tìm đến là một bà nguyên cán bộ thương nghiệp nghỉ hưu, màn chào hỏi đã yêu cầu tiền công đúng triệu rưỡi không bớt một xu và ở luôn tại nhà sinh hoạt như một thành viên gia đình. Không thể chấp nhận vì nhà phố quá chật chội, được bạn bè mách giúp cho một bà góa đang cần kiếm việc làm nuôi con trai học đại học. Bà này không nề hà công việc nặng nhọc nhưng phải cái nấu ăn vụng. Cậu em rể có ý chưa vừa lòng vì sợ bà ta thiếu kinh nghiệm trông trẻ, nhất là bây giờ bữa ăn của chúng toàn bột dinh dưỡng với sữa tăng trưởng. Cô vợ đành phải gạt đi với cái lý là hướng dẫn vài lần chắc sẽ biết.
Đem chuyện tìm người giúp việc kể cùng cánh bạn trẻ trong cơ quan, không ngờ chúng cũng đang rơi vào tình trạng gian nan tìm kiếm "ô sin". Đứa may mắn có bố mẹ ở gần giúp cho thì thật hạnh phúc, người xưa nói không sai "một mẹ già bằng ba người ở". Người gia đình xa đành nháo nhào chạy về quê tìm kiếm người và cũng phải ngon ngọt chèo kéo họ mới chịu đi cho.
Riêng chuyện về người giúp việc có thể kể suốt ngày không hết. Cậu thì than người ở nhà mình ham chơi nhác việc, suốt ngày soi gương ngắm vuốt, người tỏ thái độ bức xúc vì tính tắt mắt của người làm công, mất của mà chẳng biết ngờ cho ai và hầu như cùng chung một nỗi niềm là ghét cái thói "ngồi lê đôi mách", đem chuyện nhà chủ kể cho hàng xóm.
Để người giúp việc an tâm với nghề
Ngày nay, khi đời sống khá hơn và cũng bận rộn hơn thì trông con nhỏ, chăm sóc bố mẹ già yếu, làm việc nhà… đều cần có người đỡ đần. Vì thế giúp việc nhà đã trở thành nghề và đang lên ngôi ở khu vực thành thị. Thế nhưng vấn đề nan giải đối với nhiều gia đình là tìm ở đâu được "ô sin" và phải đạt tiêu chuẩn nữa. Nhiều bà mẹ lo lắng khi xem ti vi thấy cảnh bảo mẫu hành hạ con trẻ mà lo cho em bé nhà mình liệu có bị người giúp việc vô trách nhiệm để đói hoặc lạnh. Rồi khi không được ra ngoài thì suốt ngày ôm cháu ngồi duyệt các chương trình truyền hình khiến đứa bé lớn lên cứ lầm lì như mắc bệnh trầm cảm.
Nhà có người già yếu đau càng khó, bao nhiêu việc như thuốc thang, nâng giấc ăn nghỉ, vệ sinh… không chỉ yêu cầu sức khỏe mà còn cần có nghiệp vụ y tế nữa. Tình trạng chung bây giờ các "ô sin" đều do chủ nhà tự tìm hoặc qua một số trung tâm giới thiệu việc làm. Nếu ở những nơi này quan tâm tới việc mở lớp đào tạo ngắn ngày như kiểu Hợp tác xã chăm sóc sức khỏe Minh Thành đã làm đối với các bà mẹ thì chắc chắn chất lượng giúp việc sẽ tốt hơn. Và khi ấy các "ô sin" cũng dễ dàng hơn khi tìm kiếm việc làm.
Quan tâm tới những người giúp việc được coi như một kênh không kém phần quan trọng trong giải quyết việc làm của xã hội. Song chính các ông bà chủ và cả người làm đều chưa ý thức rõ điều đó. Chị Nguyễn Thị Y.., người có thâm niên trong nghề làm "ô sin" tâm sự: "Nói là kiếm được đồng tiền nhưng cũng vất vả lắm. Chúng em đi làm đều là do thỏa thuận chứ không hợp đồng lao động, thời gian không dài và có thể bị chủ nhà cho nghỉ việc bất cứ lúc nào".
Mặc dù dạo này ở các thành phố lớn đang "cháy" "ô sin" nên nghề làm "ô sin" có sáng giá hơn nhưng tôi vẫn thấy nó mong manh làm sao. Giá như ngành lao động, thương binh và xã hội sớm có kế hoạch tổ chức việc dạy nghề các trung tâm giới thiệu việc làm chú trọng hơn tới quyền lợi của họ mà quy ước ký kết hợp đồng như đi lao động xuất khẩu. Rồi giá như có một tổ chức của những người giúp việc thì chắc nghề làm "ô sin" cũng được bình đẳng và trân trọng như mọi nghề khác trong xã hội.
Thế Quynh
Các tin khác
YBĐT - Đó là những cái tết đã xa lắc xa lơ. Trong kí ức mập mờ của đứa trẻ vài ba tuổi, vẫn đậm lắm trong tôi một màu hồng của chiếc lạt buộc chập bánh gai.
YBĐT - Ôi chao, những cánh tay trần đang đảo như mưa. Thì ra chị em đang rang thóc, giã gạo chuẩn bị gói bánh, chuẩn bị cơm mới tiễn năm cũ, nghênh đón năm mới.
YBĐT - Vui bên thềm xuân của người Khơ Mú, tôi không thể không đi thăm bản làng. Bóng sơn nữ eo co thon lẳn xinh tươi trong sắc màu của tẹp từng khà làm ấm thêm trời xuân...