Đề án hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò cho hộ nghèo:

Con trâu là đầu cơ nghiệp?

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/2/2011 | 9:00:23 AM

YBĐT - Sau 5 năm triển khai Đề án hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò cho hộ nghèo ở Yên Bái đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hộ nghèo.

Đoàn tham vấn ý kiến nhân dân của HĐND tỉnh thăm mô hình nuôi trâu tại xã Mường Lai (huyện Lục Yên).
Đoàn tham vấn ý kiến nhân dân của HĐND tỉnh thăm mô hình nuôi trâu tại xã Mường Lai (huyện Lục Yên).

Nhằm đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt chú trọng đến việc phát triển chăn nuôi trâu, bò theo hướng bán công nghiệp, cải tạo về chất lượng giống, tăng nhanh về số lượng đàn, tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn,  Nghị quyết 24/2005/ HĐND tỉnh về đầu tư hỗ trợ phát triển chăn nuôi trâu, bò cho các hộ nghèo được triển khai trên phạm vi 7 huyện trong tỉnh.

Sau 5 năm triển khai đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hộ nghèo. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nhiều ý kiến của người dân về chính sách đầu tư, hỗ trợ mong muốn được các cấp, các ngành sớm xem xét và chỉnh sửa trong thời gian tới.

Ý kiến của người dân

Chúng tôi cùng đoàn tham vấn ý kiến nhân dân của HĐND tỉnh đi tìm hiểu về chính sách đầu tư, hỗ trợ trâu, bò cho hộ nghèo tại 2 huyện Văn Chấn và Lục Yên là các địa phương có nhiều hộ được hưởng lợi từ Đề án.

Tại xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn, ông Hà Văn Định, ở thôn Chùa, hộ được nhận bò từ tháng 11 năm 2006 tâm sự: “Gia đình tôi may mắn hơn các hộ khác trong xã là nhận được con bò cái, sau mấy tháng chăn thả đã đẻ ra được một con bê con nhưng gia đình cũng chỉ nuôi được đến cuối năm 2007 là bán tất để mua trâu chứ nuôi bò chăn thả là phải có người đi theo vất vả mà mất công lắm, gia đình lại không có đất trồng cỏ, mặt khác, gia đình cũng cần con trâu hơn để còn cày bừa khi mùa vụ…”

Ông Hoàng Đình Kim, ở thôn Dù, người cùng xã bức xúc nói: “Nếu được như nhà ông Định thì đã tốt, nhà tôi cũng nhận bò vào thời điểm đó nhưng khi đưa bò về nuôi chưa được một tuần thì phát hiện bò bị bệnh, tìm cán bộ thú y xã đến cũng chỉ chữa trị một cách thông thường bằng nước muối, tiêm kháng sinh nhưng vẫn không khỏi. Tôi điện cho Công ty Thẩm Hường, đơn vị cung ứng bò ở huyện Trấn Yên, thì được họ chấp nhận đổi cho con bò khác, nhưng nuôi được 4 tháng, lấy đực 2 lần đều không được. Con bò thứ 2 này còn bị một cái hạch ở tai, mới đầu cái hạch nhỏ gia đình không biết, dần nó to bằng cái bát ăn cơm, càng nuôi càng gầy, đành phải mổ bán được 2 triệu đồng…”.

Ông Nguyễn Văn Nguyện, cũng trú tại thôn Dù bộc bạch: “Nói thật với các anh, đăng ký rồi phải nhận, chứ giá đắt hơn so với giá thực của thị trường tới cả triệu đồng. Nhiều nhà có bò bị viêm phổi, bệnh lở mồm long móng số bò hỗ trợ ở Chấn Thịnh vào thời điểm đó giờ cũng bán, mổ, một số hộ chuyển sang mua trâu rồi…”.

Điểm thứ 2 trên địa bàn huyện Văn Chấn mà đoàn tham vấn đến là xã Phúc Sơn. Trên 30 hộ  được hỏi, thì phần lớn đều cho rằng: nuôi bò không có cỏ và hiệu quả kinh tế thấp hơn nuôi trâu.

Ông Lường Văn Hười, trước đây là Trưởng bản Lụ 2 cho hay: “Năm 2005, qua bình xét cả bản có 8 hộ được nhận bò, nhưng khi nhận bò về thì  2 con già không sinh sản được, 2 con không lấy đực được, chỉ còn 4 hộ bò cái cũng sinh ra được tới 3 đến 4 con bê con. Bây giờ cũng bán gần hết và chuyển sang nuôi trâu rồi bởi nuôi bò vất vả lắm, hơn nữa bò không cày  ruộng được…”.

Nằm trong vùng hỗ trợ của Đề án, huyện Lục Yên có vị trí địa lý  khá thuận lợi với nhiều thế mạnh về chăn nuôi gia súc, đặc biệt là trâu. Địa bàn đoàn đến tham vấn gồm 3 xã: Tân Lĩnh, Liễu Đô và Mường Lai.

Ông Hoàng Long Khánh, ở bản Nà Nọi, xã Liễu Đô, tâm sự: “Gia đình nhận bò từ năm 2005 do Phòng Nông nghiệp huyện đứng ra mua về giao cho dân. Năm 2006, con bò nhà tôi đẻ được một bê con. Gia đình nuôi đến năm 2007 bán bò đổi lấy trâu. Một khó khăn nữa là khi bò động dục, lại không có bò đực để phối giống, chăn thả cũng vất vả hơn trâu nhiều…”.

Bà Lý Kim Oanh, trú tại thôn Đồng Tâm, xã Liễu Đô nói: “Hôm nhận bò thì nhà tôi có việc bận nên ra muộn, các hộ nhận hết còn mỗi con bò bé quá đành nhận thôi, về nuôi mãi không lớn, không đẻ được, ở cổ và ở vai lại bị nhiều vết bầm tím do va đập trong quá trình vận chuyển, nhà cố nuôi nhưng thấy không hiệu quả, về sau cũng phải bán để chuyển sang nuôi trâu…”.

Tại xã Mường Lai, với trên 30 hộ dự buổi tham vấn, thì 100% số hộ đều cho rằng: hỗ trợ trâu thì nhận, chứ hỗ trợ bò thì xin thôi vì nuôi bò hiệu quả kinh tế không bằng trâu. Bò không có khả năng cày kéo, không có khả năng chịu rét hay dịch bệnh khác bằng trâu. Mức hỗ trợ 3 triệu đồng/1 con bò là thấp. Việc bình xét, nhiều hộ không phải là hộ nghèo nhưng vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ. Việc quy định trồng 1.000 m2 cỏ/ 1 con bò là không phù hợp, mà chỉ cần 360 m2/ 1 bò là đủ…

Thực trạng của Đề án

 

Chăn nuôi trâu ở vùng cao. (Ảnh: Thanh Miền)

Theo Nghị quyết 24/2005/HĐND tỉnh, Yên Bái hỗ trợ cho 4.000 hộ nghèo đặc biệt khó khăn mua 4.000 con bò cái sinh sản (tương đương 1hộ/ 1 con). Trong đó, năm 2005 hỗ trợ cho 1.500 hộ và năm 2006 là 2.500 hộ. Địa điểm thực hiện Đề án 7 huyện, ưu tiên cho các địa phương: Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn.

Mỗi hộ tham gia Đề án được hỗ trợ 3 triệu đồng (phần còn lại nếu không có vốn thì người dân được vay tại Ngân hàng Chính sách Xã hội từ 2-4 triệu đồng để mua bò); hỗ trợ 100 ngàn đồng để mua giống cỏ voi và 50 ngàn đồng để phối giống lần 1.

Số bò được hỗ trợ trong 2 năm 2005 - 2006 của 7 huyện gồm: Văn Chấn 1.000 con, Mù Cang Chải 850 con, Trạm Tấu 500 con, Trấn Yên 450 con, Lục Yên 540 con, Văn Yên 400 con và Yên Bình 350 con.

Địa chỉ cung ứng: Công ty trách nhiệm hữu hạn Thẩm Hường cung ứng 2.875 con, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang 560 con, số còn lại do  cá nhân tự mua chủ yếu tại các tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Phú Thọ, Sơn La… tổng số tiền mua bò theo Đề án là 20 tỷ 976 triệu đồng, trong đó vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh 11 tỷ đồng, vốn hỗ trợ từ quỹ xóa đói giảm nghèo 1 tỷ đồng, vốn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội 7 tỷ 602 triệu đồng và vốn dân góp mua bò 1 tỷ 374 triệu đồng.

Đánh giá sau 5 năm triển khai Đề án cho thấy: hiện nay, đàn bò đang sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên số đông hộ dân đã bán bò chuyển sang nuôi trâu vì không quen nuôi bò để phục vụ cày kéo, khó chăn thả và kinh nghiệm nuôi bò còn hạn chế.

Mặt khác, do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế dẫn đến giá trị thu từ nuôi bò không cao so với một số ngành nghề khác. Một yếu tố nữa là do dịch bệnh, nguồn thức ăn khan hiếm, thiếu đất trồng cỏ, chưa thực hiện tốt việc chăn thả, dẫn tới tình trạng bò ngộ độc  thức ăn, ngã ta luy, bệnh truyền nhiễm, rắn cắn…

Theo số liệu thống kê của Đề án, tổng số bò bị chết là 876 con đều thuộc các nguyên nhân trên. Đề án cũng ghi nhận số bò sinh ra được 2.727 con. Đề án mặc dù chưa đạt kết quả như mong muốn nhưng đã khẳng định được hiệu quả, góp phần vào quá trình tăng trưởng đàn bò, tạo công ăn việc làm, tư liệu sản xuất, đem lại thu nhập và giúp nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.

Phải chăng "con trâu mới là đầu cơ nghiệp?"

Hiện nay, Đề án 09/2009/HĐND đang được triển khai ở cả 9/9 huyện, thị, thành phố với mức hỗ trợ cho vay không lãi từ nguồn ngân sách, thời gian không quá 5 năm cho các hộ nghèo còn lại. Mức hỗ trợ trâu đực giống 15 triệu đồng/con, bò đực giống 10 triệu đồng/con, trâu cái sinh sản 10 triệu đồng/con, bò cái sinh sản 6 triệu đồng/con. Hỗ trợ 250 ngàn đồng tiền trồng cỏ và 1 triệu đồng/ hộ làm chuồng.

Theo Đề án 09, việc hỗ trợ làm chuồng theo phương án 3 cứng gồm: mái cứng, cột cứng và nền cứng.

Qua tham khảo ý kiến của nhiều hộ dân đều cho rằng, phần mái cho thay bằng mái cọ bởi cọ sẵn có ở nhiều địa phương. Mái cọ lợp dày có độ bền trên 10 năm và đảm bảo được 2 yếu tố: mùa đông ấm, mùa hè mát. Việc hỗ trợ trâu hay bò được quy định theo vùng miền. Tuy nhiên, đa phần ý kiến nhân dân có nhu cầu nhận trâu hơn bò bởi quan niệm “con trâu mới là đầu cơ nghiệp”.

Thạch Phong

Các tin khác
Rừng nguyên sinh ở Mù Cang Chải được bảo vệ tốt.
(Ảnh: Sùng Đức Hồng)

YBĐT - Do làm tốt công tác tuyên truyền vận động trong nhân dân mà trong những năm qua, năm nào Mù Cang Chải cũng hoàn thành 100% chỉ tiêu trồng rừng mới, nâng độ che phủ của rừng lên 53%.

Anh Nguyễn đăng Luận đang chăm sóc cây ngâu có thế thác đổ.

YBĐT - Chơi cây cảnh là thú chơi tao nhã tự xa xưa. Dẫu vậy, vẫn còn rất nhiều người chưa phân biệt rõ sự khác nhau giữa chơi cây cảnh và chơi cây cảnh nghệ thuật.

YBĐT - Trong xã hội cũ họ được gọi bằng cái tên khinh miệt "đứa ở", bây giờ là "người giúp việc" trong các gia đình. Nhưng từ khi bộ phim Nhật Bản được công chiếu trên Đài truyền hình Việt Nam thì họ mang một tên mới "ô sin".

Xôi ngũ sắc làm từ đặc sản nếp tan Tú Lệ.
(Ảnh: Tuấn Nghĩa)

"Muốn ăn gạo trắng nước trong
Vượt qua đèo Ách vào trong Mường Lò"

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục