Trăn trở Than Dẹt

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/6/2011 | 9:21:28 AM

YBĐT - Đã nhiều năm nay 97 hộ dân ở thôn Than Dẹt xã Phong Dụ Thượng huyện Văn Yên phải sống trong cảnh không điện, không đường, không thông tin liên lạc...

Đường vào Thôn Than Dẹt bị chia cắt bởi nhiều con suối.
Đường vào Thôn Than Dẹt bị chia cắt bởi nhiều con suối.

Khổ nhất vẫn phải kể đến là con đường dẫn vào thôn dài chưa đầy 8 km nhưng lổn nhổn đá, sỏi. Giao thông cách trở khiến cuộc sống của bà con nơi đây vốn khó khăn lại càng thêm gian khó. Cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào rừng và cũng chính thói quen này đang làm cho nguồn tài nguyên rừng nơi đây dần cạn kiệt.

Vào rừng mưu sinh

Nếu như Phong Dụ Thượng là xã khó khăn bậc nhất của huyện Văn Yên thì thôn Than Dẹt được coi là thôn nghèo nhất của xã. Nằm cách trung tâm xã 8 km nhưng phải đi qua 3 thôn với 5 con suối, đường đá lổn nhổn mới tới được thôn Than Dẹt. Khổ nhọc là thế nhưng trên đường vào thôn, chốc chốc chúng tôi lại bắt gặp những chiếc xe Win chở gỗ và những con trâu kéo gỗ hộp đi ra.

Toàn thôn có 558 nhân khẩu với 97 hộ thì có tới 57 hộ nghèo còn lại là vừa thoát nghèo. Cả thôn chỉ trông vào 65 mẫu ruộng mà ruộng cũng chỉ làm được một vụ lúa, diện tích hoa màu có nhiều nhưng sản xuất rất hạn chế bởi đất bạc màu và thiếu nước, khiến cho cuộc sống của người dân Than Dẹt gặp rất nhiều khó khăn.

“Nuôi được lợn đã khó nhưng khi bán còn vất vả hơn nhiều. Đường xá khó khăn nên gọi năm lần bảy lượt lái buôn mới chịu bắt lại còn bớt vài giá vì bù tiền vận chuyển” - một người dân trong thôn than vãn. Chăn nuôi gia súc cũng chẳng khá hơn, điển hình là trong hai đợt rét năm 2008 và đầu năm 2011 toàn thôn có 94 con trâu, bò bị chết. Nguyên nhân chính là do người dân chưa có kinh nghiệm chăm sóc vật nuôi đúng cách, còn thả rông theo đàn trên núi cao, điều đó gây khó khăn cho công tác tiêm phòng.

Không có hướng làm kinh tế, từ nhiều năm nay không ít người dân Than Dẹt đã chọn cách vào rừng nhặt cây, bẻ măng, lấy gỗ về bán kiếm sống qua ngày. Từ thôn, nhìn lên những cánh rừng phòng hộ thấy rất nhiều con đường mòn đất đỏ ngoằn nghèo như sợi chỉ. Chúng tôi đến gần bìa rừng, gặp ba thanh niên đang ì ạch kéo gỗ hộp về làng. Hỏi chuyện được biết, trước đây ở khu vực này muốn lấy gỗ to vài người ôm không thiếu nhưng nay gỗ cũng đã cạn dần. Muốn lấy cây to, hay gỗ quý phải đi xa lắm mãi tận bên Văn Bàn, Lào Cai.

 

Một phụ nữ trong thôn tận thu gỗ rừng về bán.

Bỏ lại ánh mắt nghi ngờ của 3 thanh niên chúng tôi tiếp tục tiến thẳng vào rừng, được một đoạn chúng tôi nghe rõ âm thanh xoèn xoẹt của những chiếc máy xẻ như muốn xé toang bầu không khí tĩnh mịch của núi rừng. Sau tiếng rầm, một cây gỗ đổ xuống và chỉ trong vòng 30 phút cây gỗ đã được xẻ vuông vắn chờ kéo về thôn bán cho các đầu nậu. Không ồn ào, tấp nập nhưng cứ ngày ngày từng cây gỗ to, quý hiếm lại bị người dân nơi đây đốn hạ để trơ lại những gốc cây.

Nhiều thân cây đã được xẻ chưa kịp mang về vẫn nằm ngổn ngang. Chốc chốc chúng tôi lại bắt gặp vài người dân mồ hôi nhễ nhại kéo gỗ ra bìa rừng. Dẫu cho việc khai thác gỗ ở đây chưa đến mức “hủy diệt” như những nơi khác nhưng cứ tình trạng khai thác như hiện nay thì chỉ vài ba năm nữa hàng chục ha rừng phòng hộ kia sẽ biến mất.

Một số người dân cho rằng, mình sống ở gần rừng, không có điều kiện xây nhà muốn làm cái nhà gỗ thì phải lấy gỗ rừng thôi, đó cũng là chuyện bình thường! Tổ trưởng tổ bảo vệ rừng số 1 thôn Than Dẹt, anh Đặng Kim Ngân cho biết: “Ở đây ai có điều kiện làm nhà thì lấy về thôi không ai tị ai cả. Gia đình tôi cũng phải lên kéo gỗ về làm ván lịa nhà”. Tuy nói là lấy gỗ làm nhà nhưng qua quan sát của chúng tôi cả 97 nóc nhà trong thôn rất ít ngôi nhà được làm mới.

Được biết, toàn thôn có hai đội quản lý bảo vệ rừng với 41 người tuy nhiên, tiếng là bảo vệ nhưng gỗ trên rừng bị mất cũng chả thấy ai có ý kiến gì. Cuộc sống vốn đã khó khăn, việc vận chuyển vật liệu vào thôn cũng không kém phần vất vả nên từ nhà cửa đến chuồng lợn, chuồng gà đều làm từ gỗ rừng. Thói quen này là nguyên nhân chính khiến nguồn tài nguyên rừng ở Than Dẹt đang dần cạn kiệt.

Ước mơ một con đường

Chính vì đường sá đi lại khó khăn đã khiến cho các sản phẩm hàng hóa của người dân làm ra như sắn, quế... cũng bị bán với giá bèo bọt do tư thương ép giá. Ngược lại những hàng hóa phục vụ đời sống hàng ngày của người dân như gạo, muối và nhu yếu phẩm sinh hoạt khác đều phải mua với giá cao gấp đôi. Đường giao thông khó khăn chính là nguyên nhân khiến cho Than Dẹt mãi nghèo.

 

Trẻ em trong thôn học bài dưới ánh đèn dầu.

 Cái nghèo bủa vây nên khiến con đường đến trường của trẻ trong thôn cũng muôn phần trắc trở. Gắng học hết tiểu học rồi bỏ học ở nhà cùng gia đình lên nương làm rẫy, em Đặng Thị Chiệp, học sinh lớp 7A trường THCS xã Phong Dụ Thượng chia sẻ: “Lên cấp II em phải vào khu bán trú của trường. Đường đến trường phải đi bộ mất hai giờ đồng hồ nên cuối tuần em mới về nhà. Có hôm học muộn về đến nhà trời đã tối mịt không nhìn thấy đường đi”.

Được biết, cả thôn chỉ có 8 em theo học cấp THCS còn lại đa số đã bỏ học, có nhiều trường hợp bỏ học giữa chừng như em Gến, điều kiện gia đình thiếu thốn nên gắng học hết lớp 6 để biết chữ rồi ở nhà phụ giúp gia đình.

Người dân thiếu thông tin, nhu cầu về văn hóa, giải trí là rất ít. “Bao đời nay thôn chúng tôi chưa biết đến ánh sáng của điện lưới. Không có điện nên không thể phát triển kinh tế, đời sống bà con vất vả lắm”. Anh Triệu Lê Đức vẻ buồn buồn nói. Nhà nào có điều kiện  mới mua được cái máy phát điện nhỏ nhưng lúc được, lúc không bởi rừng cạn kiệt cũng đồng nghĩa với nguồn sinh thuỷ không có, một số nhà cố mua máy phát về cũng phải bỏ không. Cả thôn có 97 hộ thì có tới 50 hộ phải sử dụng đèn dầu cho con em học bài.

Dưới ánh sáng yếu ớt của chiếc đèn dầu, anh Đặng Văn An bộc bạch: “Bắt đầu vào mùa khô nên máy phát điện cũng không sử dụng được. Do thiếu nước nên tất cả sinh hoạt trong gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Không có phương tiện nghe nhìn hầu như không nắm bắt được thông tin, cơm nước xong là lên giường ngủ. Việc học tập của các cháu chỉ dùng đèn dầu”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Phúc Thanh, Bí thư chi bộ thôn Than Dẹt tâm sự: “Bà con phải sống trong cảnh không có điện, đường sá đi lại khó khăn thiếu thông tin liên lạc, thiếu nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất cũng là nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo ở Than Dẹt.

Để tháo gỡ khó khăn cho nhân dân Than Dẹt, các cấp chính quyền, huyện xã cần có giải pháp hỗ trợ tiền cho nhân dân làm đường; đồng thời hướng dẫn đồng bào phát triển chăn nuôi, trồng cây ăn quả, đưa giống lúa mới năng suất cao vào sản xuất và vận động nhân dân bảo vệ rừng; kinh tế phát triển, đời sống đồng bào khá lên thì mới giữ được rừng.

Rời Than Dẹt trong cái nắng chiều oi nồng, chúng tôi mang theo những trăn trở của ông Thanh cũng như gần trăm hộ dân nơi đây. Chúng tôi hiểu, ước mơ sớm được thoát nghèo, được dễ dàng đi lại giao lưu, trao đổi hàng hóa với vùng thấp của người dân Than Dẹt chỉ có thể thành hiện thực khi con đường vào thôn sớm được đầu tư xây dựng.

Văn Thông - Xuân Tiên

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục