Cụm CN - TTCN Pú Trạng: Hoang phí trên 20 ha đất

  • Cập nhật: Thứ năm, 9/6/2011 | 9:10:36 AM

YBĐT - Cho mãi đến tháng 3.2011, UBND thị xã Nghĩa Lộ mới lập tờ trình gửi UBND tỉnh Yên Bái và các cơ quan chức năng về việc điều chỉnh quy hoạch Cụm công nghiệp Pú Trạng thành Khu phát triển thương mại, dịch vụ, văn hóa và quỹ đất dân cư.

Nhiều hộ dân đã quên dự án và tiến hành trồng cây ăn quả lâu năm.
Nhiều hộ dân đã quên dự án và tiến hành trồng cây ăn quả lâu năm.

Đây là việc làm tuy muộn nhưng cần thiết để địa phương giải quyết dứt điểm một dự án phát triển kinh tế được coi là có qui mô lớn, tạo bước chuyển trong phát triển kinh tế Nghĩa Lộ nói riêng và các huyện, thị khu vực phía Tây nói chung.

Dân đã ... quên dự án

Năm 2007, UBND TXNL đã có tờ trình đề nghị xin chủ trương đầu tư xây dựng cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) trên địa bàn. TXNL nhận định “Dự án đầu tư xây dựng cụm CN - TTCN là rất cần thiết, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến đầu tư phát triển sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, tạo công ăn việc làm cho nhân dân trong khu vực”.

Sau khi xem xét tính khả thi của dự án, ngày 01/4/2008, UBND tỉnh có Công văn số 491/UBND-CN về việc chấp thuận đồng ý cho lập Dự án đầu tư quy hoạch Cụm CN-TTCN tại phường Pú Trạng. 

Căn cứ vào ý kiến chấp thuận của tỉnh, TXNL đã thuê đơn vị tư vấn là Trung tâm Khuyến công và Tư vấn đầu tư công nghiệp tỉnh thực hiện khảo sát, lập quy hoạch chi tiết Cụm CN-TTCN Pú Trạng. Hợp đồng số tiền thuê lập dự án lên đến 331 triệu đồng cho thấy dự án có quy mô lớn, được lập chi tiết, cụ thể và mang tính khả thi cao.

Theo bản quy hoạch, Cụm CN-TTCN Pú Trạng có diện tích lên đến 20,92 ha nằm hoàn toàn trên địa bàn phường Pú Trạng. Cụm CN-TTCN Pú Trạng sẽ tạo điều kiện cho các công ty, nhà máy trong và ngoài tỉnh đầu tư vào các ngành sản xuất tương đối sạch, ít gây ô nhiễm như: chế biến gỗ, chế biến sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, sửa chữa thiết bị công nghiệp, dân dụng và vận tải, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ...

Đặc biệt các công ty, nhà máy đầu tư vào đây phải có dây chuyền công nghệ tiên tiến, có hệ thống xử lý chất thải theo tiêu chuẩn qui định của Nhà nước, sử dụng các nguồn nguyên vật liệu và nhân công lao động của địa phương. Sau khi hoàn chỉnh bản quy hoạch cụm CN- TTCN, UBND TXNL đã trình UBND tỉnh.

Ngày 31/10/2008, UBND tỉnh có Quyết định số 1741/QĐ-UBND về việc chấp thuận và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Cụm CN-TTCN Pú Trạng nhưng đến nay dự án này vẫn chưa được triển khai.

Chúng tôi đến phường Pú Trạng để tìm hiểu về Cụm CN-TTCN Pú Trạng. Ông Đỗ Xuân Quang, Bí thư Đảng ủy phường cho biết: “Khi có chủ trương xây dựng cụm CN- TTCN trên địa bàn, nhân dân phấn khởi sẵn sàng nhường đất để triển khai dự án. Vì theo họ, khi dự án đi vào hoạt động không những cơ sở vật chất của phường được đầu tư, mà người lao động cũng có cơ hội về việc làm.

Căn cứ vào quy hoạch của thị xã, phường cũng quy hoạch diện tích đất cụm CN- TTCN vào bản đồ địa chính và gần như không quản lý về diện tích đất này. Nhưng đến nay dự án vẫn nằm bất động, không những người dân đã quên dự án, mà phường cũng không hay biết dự án đang triển khai tới đâu”.

Ông Quang mong muốn: “TXNL cần đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và xây dựng cụm CN – TTCN. Nếu không nên giao lại đất cho phường để triển khai các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp hoặc cấp quyền sử dụng đất cho nhân dân”.

Tại tổ dân phố 11 và 12 - nơi phần lớn diện tích đất sẽ đưa vào cụm CN – TTCN, ông Nguyễn Ngọc Hoan, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 11 cho biết: “Tổ dân phố 11 có khoảng 3.000 mét vuông đất nằm trong quy hoạch nhưng đã quá lâu rồi không triển khai nên nhân dân không còn biết đến dự án này nữa”.

Còn ông Trần Quang Mỹ, Tổ trưởng tổ dân phố 12 tâm sự: “Cách đây vài năm, khi triển khai dự án, tôi đã nhận được biên bản kê khai tài sản nhà ở và hoa màu của các hộ dân để chứng nhận Nhà nước bồi thường nhưng đợi mãi không thấy có hồi âm nên tôi đã mang đi “nhóm bếp”. Nhiều hộ dân ở đây cũng đã xây nhà kiên cố để ở và trồng cây ăn quả lâu năm!”.

 

Khu vực Dự án sau hơn 3 năm được phê duyệt vẫn um tùm cỏ dại.

Từ dự án... đến bài học

Về vấn đề này, UBND TXNL đã có tờ trình gửi UBND tỉnh và  Sở Công thương như sau: “Căn cứ vào tình hình thực tiễn, nguyện vọng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn thị xã. Thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII (Nhiệm kỳ 2010 - 2015) xác định: “Xây dựng TXNL đạt tiêu chuẩn văn hoá, đưa TXNL trở thành trung tâm văn hóa - thương mại - dịch vụ khu vực phía Tây của tỉnh”.

Mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TXNL lần thứ XII đã xác định trong giai đoạn 2010-2015: “Tiếp tục phấn đấu xây dựng TXNL trở thành thị xã văn hóa phát triển toàn diện, bền vững.

Trong đó tập trung phát triển thương mại, dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn, đạt tốc độ tăng trưởng cao”. Trong Dự thảo điều chỉnh quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội TXNL giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 xác định: Điều chỉnh mục tiêu phát triển kinh tế theo hướng lấy ngành thương mại, dịch vụ là trọng tâm phát triển.

Rà soát quy hoạch lại các điểm công nghiệp trên địa bàn, không bố trí cụm công nghiệp có quy mô trên địa bàn thị xã để tránh gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến phát triển của ngành du lịch, dịch vụ mà tỉnh và thị xã đang tập trung đầu tư xây dựng”.

Vậy là đã rõ, TXNL đã nhận ra sai lầm của mình khi không có “tầm nhìn xa” trong việc xây dựng cụm CN - TTCN trong lòng thị xã. Nhằm khắc phục và thực hiện theo đúng mục tiêu đã được xác định, TXNL lại xin chủ trương của tỉnh “xây dựng các khu, trung tâm dịch vụ, du lịch có tầm cỡ và quy mô phục vụ cho toàn thể nhân dân các dân tộc khu vực miền Tây, trong đó có: đầu tư giai đoạn 3 Khu di tích lịch sử Căng và đồn Nghĩa Lộ, khu du lịch làng nghề và du lịch sinh thái xã Nghĩa An gắn với dòng suối Nậm Đông và dãy núi Voi trên đồi Pú Chạng, Khu vui chơi giải trí thanh thiếu nhi Miền Tây, khu liên hợp thể thao ngoài trời” có vị trí rất gần với địa điểm quy hoạch cụm công nghiệp.

Với lý giải, nếu tiếp tục đầu tư cho Cụm CN - TTCN Pú Trạng sẽ ảnh hưởng không tốt tới việc đầu tư, thu hút đầu tư phát triển dịch vụ và du lịch theo định hướng phát triển của tỉnh và thị xã trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, để tiếp tục triển khai thực hiện mục tiêu xây dựng cụm CN- TTCN, thị xã đề nghị UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương cho phép chuyển địa điểm thực hiện Dự án Cụm CN - TTCN Pú Trạng sang một vị trí mới trên địa bàn thị xã, hoặc bố trí tại một xã giáp ranh với TXNL để cùng kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư, khai thác các tiềm năng, lợi thế của thị xã và các huyện lân cận.

Đây là một chủ trương đúng nhưng có điều cần tránh lặp lại việc quy hoạch cụm CN-TTCN nằm trong lòng thị xã như trước đây. Còn quỹ đất của Dự án Cụm CN-TTCN Pú Trạng được thị xã chuyển sang cho đầu tư phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ và một phần bố trí khu dân cư.

Qua tìm hiểu, dư luận quần chúng rất đồng tình với việc chuyển đổi này, không nên bỏ phí đất trong nhiều năm. Cùng với đề nghị TXNL và các ngành chức năng của tỉnh xúc tiến nhanh việc chuyển đổi, người dân mong muốn toàn bộ phần đất này phải dành cho đầu tư phát triển thương mại, du lịch và dịch vụ, nếu chuyển sang đất dân cư sẽ phá vỡ cảnh quan cũng như qui hoạch dài hơi cho mai sau.

Và cũng có dư luận sợ rằng, chuyển đổi một phần sang quỹ đất dân cư là kẽ hở để mất đất quy hoạch phát triển các công trình, dự án phúc lợi xã hội. TXNL nên lắng nghe ý kiến nhân dân để tránh hậu quả, cắm đất dân cư sẽ lại là vấn đề nổi cộm.

Qua việc triển khai quy hoạch Cụm CN-TTCN Pú Trạng cho thấy, đây là bài học sâu sắc trong công tác quy hoạch. Việc quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, cũng như khu vui chơi, phát triển thương mại, du lịch và dịch vụ cần có “tầm nhìn xa”, tránh  mắc sai lầm rồi chậm khắc phục như ở TXNL, khiến hàng chục ha đất đai hoang phí không được khai thác, gây bức xúc trong nhân dân.

Nhật Thanh - Đào Minh

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục