Yên Bái: Thị trường gas - những điều bất ổn
- Cập nhật: Thứ tư, 20/7/2011 | 3:14:26 PM
YBĐT - Gas đã trở thành chất đốt thông thường và quen thuộc của hầu hết các gia đình ở Yên Bái nhiều năm nay. Kéo theo đó là sự phát triển của hệ thống các cửa hàng kinh doanh và cơ sở chiết nạp gas. Tuy nhiên, hiện nay đang xuất hiện và gia tăng những vấn đề bất ổn từ thị trường sản xuất, kinh doanh gas…
Có rất nhiều loại gas trên thị trường để khách hàng lựa chọn.
|
Cách đây 5- 6 năm trên địa bàn tỉnh Yên Bái chỉ có trên 30 cửa hàng kinh doanh và 1 cơ sở chiết nạp gas. Đến nay, toàn tỉnh đã có 90 cửa hàng kinh doanh, 3 cơ sở chiết nạp gas (Công ty TNHH Cường Thắng, Công ty Tân An Bình và Công ty TNHH Bắc Thăng Long) được cấp phép hoạt động.
Rõ ràng, mặt hàng khí đốt này đã trở thành nhu cầu thiết yếu của đại bộ phận dân cư trong tỉnh, khiến thị trường gas phát triển ngày một nhanh, luôn sôi động và có sự cạnh tranh gay gắt. Hành vi chiết nạp lậu gas- sản xuất và thu gom bình gas, tẩy xóa các dấu hiệu, thương hiệu trên bình gas rồi sau đó chiết nạp gas của mình vào các bình gas để đưa ra thị trường tiêu thụ.
Nhận diện hoạt động cung ứng gas
Nhiều khách hàng sử dụng gas công nhận không "kiểm định" được chất lượng bình gas đang sử dụng: ống dẫn, van điều áp, màng co có phải hàng an toàn chất lượng, hay vỏ bình có được tái sử dụng từ bình gas thương hiệu khác hay không cũng khó mà nhận biết.
Người tiêu dùng thì bán tín bán nghi và tin có gas giả xuất hiện trên thị trường. Nhưng éo le thay, người tiêu dùng lại chưa hiểu hết sự nguy hiểm của các bình gas đang được sang chiết trái phép, không đúng mẫu mã… mà vẫn bình thản cho rằng: “Gas giả, gas thật gì thì bật lên cũng cháy, chứ nó có tắt nửa chừng như đổ xăng pha dầu lửa hay nước đâu! Thấy cái bình gas “nó” in Petro, Shell, Total… thì tin vậy chứ có hơi đâu mà hỏi trong đó có là gas thật hay không?”.
Thậm chí, rất hiếm người tiêu dùng biết được quyền lợi của mình ở đâu, khi phải vác cái bình gas nặng, to đùng đi đến cơ quan chức năng kiểm tra. Trong khi, mỗi ngày, bật bếp lên, bếp vẫn cháy mà không hiểu rằng nếu không phải gas chính hãng, bị sang chiết trái phép, không đủ trọng lượng ghi trên bình thì nguy cơ xì gas, cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa - Quản lý trạm nạp thuộc Công ty TNHH Bắc Thăng Long cho biết: Công ty TNHH Bắc Thăng Long được Công ty TNHH Petronas Việt Nam ủy quyền thay mặt Petronas Việt Nam xác nhận sản phẩm của Công ty trên thị trường Yên Bái và một số tỉnh lân cận xem các sản phẩm gas có phải là của Petronas Việt Nam hay không”. Qua phối hợp kiểm tra thực tế phát hiện số lượng 11 bình gas nhãn hiệu Petronas Thăng Long gas (loại 12kg khí/bình) tại 2 cơ sở nêu trên không phải bình gas do Công ty TNHH Bắc Thăng Long cung cấp. Bà Thoa đã xác nhận trên các niêm phong bằng màng co của Petronas có tem chống hàng giả nhưng đây là tem giả không phải do Trung tâm Kỹ thuật hình sự Bộ Công an cấp, vi phạm nhãn hiệu Petronas Việt Nam đã được bảo trợ nhãn hiệu hàng hóa tại Cục Sở hữu công nghiệp. |
Một cán bộ cảnh sát phòng cháy chữa cháy cho hay: “Điều kiện an toàn để sang chiết gas khiến nhiều người lo ngại, nhất là việc kinh doanh gas ngay trong khu dân cư là rất nguy hiểm nếu các bình gas không bảo đảm tiêu chuẩn, không đúng hãng sản xuất”. Mặc dù trên địa bàn chưa có vụ cháy nổ nghiêm trọng nào do gas gây nên nhưng nếu chủ quan trong khâu sang chiết, quản lý loại khí đốt này thì hậu quả thật khôn lường.
Lực lượng quản lý thị trường tịch thu bình gas giả nhãn hiệu, nhãn mác petronas.
Từ thực tế việc kiểm tra của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh cho thấy gas giả nhãn hiệu đang được tiêu thụ tràn lan trên thị trường. Cụ thể, trong tháng 6 và tháng 9 năm 2010, lực lượng QLTT tỉnh đã kiểm tra 2 cơ sở kinh doanh gas trên địa bàn thành phố Yên Bái và huyện Yên Bình phát hiện tại 2 cửa hàng này có tổng số 9 bình gas giả nhãn hiệu Petronas. Lực lượng QLTT đã tịch thu số bình trên và phạt mỗi cơ sở vi phạm 3 triệu đồng. Tuy nhiên, tình trạng sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ gas giả nhãn mác vẫn chưa có biểu hiện chấm dứt.
Ngày 19/6/2011, Đội QLTT chống hàng giả - Chi cục QLTT tỉnh tổ chức kiểm tra một hộ kinh doanh gas ở xã Âu Lâu (TP Yên Bái) phát hiện 3 bình gas Petronas Thăng Long loại bình 12 kg khí, trên màng có niêm phong có dán tem chống hàng giả của Bộ Công an, khi soi đèn tia cực tím vào tem chống giả thì không có phản quang, không hiện chữ “Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an”. Chủ cửa hàng gas trên đã công nhận kết quả kiểm tra là đúng.
Lực lượng QLTT đã lập biên bản tạm giữ 3 bình gas để xác minh làm rõ. Trước đó, ngày 15/6/2011, Đội QLTT tỉnh kiểm tra một doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn Báo Đáp - Trấn Yên cũng đã phát hiện 8 bình gas dán tem giả nhãn hiệu Petronas Thăng Long. Đội QLTT chống hàng giả đã lập biên bản và tịch thu số lượng các bình gas giả nhãn mác tại 2 cơ sở nói trên và phạt mỗi cơ sở vi phạm 4 triệu đồng theo điểm a, khoản 1, Điều 12 - Nghị định 97/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo chủ doanh nghiệp cho biết, đơn vị thường nhập hàng hóa bình gas của 2 nhà cung cấp gas Thành Dần và cửa hàng kinh doanh gas Hồng Vũ đều có trụ sở tại thành phố Yên Bái. Qua kiểm tra hóa đơn chứng từ của nhà cung cấp gas Thành Dần chỉ cung cấp duy nhất một loại Petronas Thăng Long, còn cửa hàng gas Hồng Vũ thì giao hai loại gas là Petronas Thăng Long và Đài Hải. Vì vậy, chủ doanh nghiệp vi phạm không chứng minh được 8 bình gas giả nhãn hiệu nêu trên là nhập của cơ sở nào.
Để thị trường gas lành mạnh
Ông Đào Mạnh Hùng - Đội trưởng Đội QLTT chống hàng giả, Chi cục QLTT tỉnh băn khoăn về tình trạng do cơ chế, các cơ quan chức năng khó phát hiện các cơ sở sang chiết gas giả. Ông cho rằng: "Thường các cơ sở sang chiết gas chỉ hoạt động ban đêm, trong khi lực lượng QLTT chỉ được làm nhiệm vụ trong giờ hành chính, muốn kiểm tra phải có lệnh của tỉnh. Hơn nữa, để không bị phát hiện, các cơ sở sau khi sang chiết gas xong đều đưa đi phân phối, tiêu thụ ngay. Còn để dừng xe vận chuyển gas phải phối hợp với cảnh sát giao thông…".
Qua đó có thể hiểu những khó khăn của các cơ quan chức năng khi muốn bắt "nóng" một vụ làm giả gas là như thế nào. Phương án đơn giản nhất mà lực lượng QLTT thường chọn là kiểm tra cửa hàng bán gas, ghi nhận hàng tại hiện trường sau đó đối chiếu với các chi tiết bình gas thật để kết luận. Do đó, khó có thể bắt quả tang một cơ sở đang sang chiết gas trái phép để xử lý tận gốc. Trao đổi với lãnh đạo Công an huyện Yên Bình được biết, lực lượng công an huyện cũng đã có kiểm tra các cơ sở chiết nạp gas đóng trên địa bàn. Tuy nhiên, qua kiểm tra vẫn chưa phát hiện việc sang chiết gas trái phép, giả nhãn hiệu hàng hóa của các hãng khác tại các cơ sở này.
Thực tế cho thấy, cơ chế quản lý cũng như xử phạt của chúng ta vẫn chưa đủ sức răn đe, thiếu các quy định đề phòng gian lận thương mại... khiến thị trường gas khó kiểm soát. Người tiêu dùng thì vẫn băn khoăn, có hay không tình trạng sang chiết gas lậu trên địa bàn tỉnh? Vấn đề này cần được các cơ quan chức năng phối hợp vào cuộc.
Thực tế cho thấy, gas lậu, giả nhãn mác vẫn xuất hiện trên thị trường trong thời gian qua. Vì vậy, các cấp, ngành chức năng cần tổ chức điều tra làm rõ hành vi vi phạm trong hoạt động sang chiết nạp gas, có biện pháp mạnh để xử lý, ổn định thị trường gas, bảo đảm an toàn cho người sử dụng, đưa hoạt động này đi vào nề nếp theo qui định của pháp luật và giữ cho thị trường gas phát triển lành mạnh.
Nghị định 97/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ qui định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Điều 12 qui định: Sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. 1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân thực hiện một trong các hành vi sau đây trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm đến 5.000.000 đồng: a) Bán; chào hàng; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. b) Đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản này. Lực lượng quản lý thị trường tịch thu bình gas giả nhãn hiệu, nhãn mác Petronas. Có rất nhiều loại gas trên thị trường để khách hàng lựa chọn. |
Huy Văn - Thạch Phong
Các tin khác
YBĐT - "Qua miền Tây Bắc núi ngút ngàn trùng xa. Suối sâu, đèo cao bao khó khăn vượt qua"... Lời ca hùng tráng trong bài hát “Qua miền Tây Bắc” được Đội Thanh niên tình nguyện số 3 cất vang trên đường hành quân rời bản Đá Đen sang một địa điểm mới - bản Mú Cáy Hồ. >>>Kỳ II: Những ngày trên bản "ba không"
YBĐT - Khía vừa nhẹ nhàng đưa tay vuốt tóc đứa con gái 5 tuổi vừa nghe cán bộ y tế tư vấn hướng dẫn cách dùng thuốc điều trị HIV đúng liều, để nâng cao thể trạng sức khỏe.
YBĐT - Sau bốn ngày hoạt động tại bản Có Thái, xã Nậm Có (Mù Cang Chải), Đội Thanh niên tình nguyện số 3 tiếp tục hành trình đến bản Đá Đen. Những ngày ở nơi đây, chúng tôi gọi Đá Đen là bản “Ba không”… >> Kỳ I: Bên dòng Nậm Có
YBĐT - Có lẽ những người dân ở thôn Trấn Ninh II đều có duyên với cùng nghề đồng nát. Tiếng là dân thành phố nhưng dường như nhịp sống đô thị vẫn chưa len lỏi vào đến miền quê này.