Khúc tráng ca bất tử

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/7/2011 | 10:48:41 AM

YBĐT - Những dòng người như vô tận vẫn đổ về "đất lửa" Quảng Bình, về đường 20 Quyết Thắng - con đường huyền thoại với khúc tráng ca bất tử của một thời vệ quốc.

Trước bia liệt sỹ thanh niên xung phong.
(Ảnh: Huy Văn)
Trước bia liệt sỹ thanh niên xung phong. (Ảnh: Huy Văn)

 "Vươn cao muôn trượng bóng anh hùng/Toả sáng mười phương gương dũng kiệt" - lời phú ấy trên Bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đường 20 Quyết Thắng do Giáo sư Vũ Khiêu chấp bút mùa thu năm Ất Dậu 2005 - nơi mà hàng vạn thanh niên xung phong (TNXP), công dân hoả tuyến, công nhân giao thông và bộ đội Trường Sơn không quản gian khó đã hy sinh tuổi thanh xuân, xương máu để lập nên những chiến công hiển hách, mãi ngàn đời còn ghi khắc một khúc tráng ca bất tử...

Những dòng người như vô tận vẫn đổ về "đất lửa" Quảng Bình, về đường 20 Quyết Thắng - con đường huyền thoại với khúc tráng ca bất tử của một thời vệ quốc. Lịch sử còn ghi những năm tháng không thể nào quên, những con người "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" đã hy sinh tuổi xuân phơi phới vì Tổ quốc, vì nhân dân.

Theo nguyên Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên thì Quảng Bình là đầu mối của nhiều tuyến đường trọng yếu, là nơi tách thành hai nhánh chính của đường 15, ngoài ra còn có hệ thống đường ngang rất quan trọng.

Năm 1965, trước tình hình mới của cuộc kháng chiến, Quân ủy Trung ương chỉ thị, mở đường 20 để thực hiện chiến lược lật cánh sang Tây Trường Sơn tăng chi viện cho chiến trường miền Nam. Những cựu chiến binh Trường Sơn về thăm lại đường 20 Quyết Thắng mà chúng tôi gặp trong những ngày tháng Bảy vẫn nhớ như in: đúng 17 giờ 30 ngày 20/12/1965, toàn tuyến nổ đợt bộc phá đầu tiên mở đường. Từ đó, mỗi đoạn đường là một tọa độ lửa: cua Chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Pulanhic; các trọng điểm Trạ Ang, Cà Roòng, Km14, Km 16,5, dốc Ba Thang...

Trong suốt 5 tháng (từ ngày 20/12/1965 - 5/5/1966), bất chấp mưa bom, bão đạn của kẻ thù, hàng vạn chiến sỹ, thanh niên xung phong với quyết tâm sắt đá, nghị lực phi thường đã thi công hoàn thành tuyến đường dài 123 km từ Phong Nha (Quảng Bình) tới ngã ba Lùm Bùm thuộc nước bạn Lào. Một con đường ra đời như huyền thoại và chính những người mở đường, những TNXP tuổi đôi mươi là những người làm nên bản hùng ca bất tử trên con đường huyền thoại đó.

Thạc sỹ Sử học Đặng Đông Hà hiện công tác tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trong cuốn “Đường 20 Quyết Thắng và huyền thoại” trân trọng ghi lại những năm tháng lịch sử đó qua những chứng nhân là thanh niên xung phong ở chính Quảng Bình "đất lửa".

 Điên cuồng đánh phá hòng ngăn chặn đường tiếp viện của ta cho chiến trường miền Nam, từ năm 1965 - 1972, đế quốc Mỹ đã dội bom như trút bão xuống tuyến đường. Cua Chữ A nằm trong trọng điểm ATP (cua Chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Pulanhic) là một trong 42 điểm bị đánh phá ác liệt nhất  trên toàn bộ 16.000 km của dãy Trường Sơn.

Sách sử ghi: có thời kỳ, không quân Mỹ sử dụng tới 3.020 lần máy bay đánh phá (trong đó có 270 lần máy bay B52) để ném xuống 20.600 quả bom phá, 790 quả bom sát thương, 3.400 loạt bom bi, 216 quả bom cháy. Có ngày chúng đánh 93 trận, trong đó 8 trận máy bay B52 rải thảm.

Trọng điểm ATP như "chảo lửa", có thời điểm xe ta không vượt nổi đèo Pulanhic. Với tinh thần quả cảm, những TNXP ở trọng điểm ATP hễ dứt tiếng bom lại lao ra mặt đường san lấp, phá bom nổ chậm, thông đường cho xe đi. Gần 200 cán bộ, chiến sỹ, TNXP đã vĩnh viễn nằm lại nơi này, máu xương thấm vào từng tấc đất, mét đường cho quân ta tiến vào Nam.

"Tuổi hai mươi nguyện hiến non sông/Đường trăm trận sá gì sống chết/Tỏ cùng trời đất tấm trung can/Dãi với non sông bầu nhiệt huyết"* - những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi trên đường 20 đã viết lên huyền thoại "xăng và máu". Trụ Ang - trọng điểm đánh phá điên cuồng của giặc Mỹ nằm ở độ cao 150m so với mặt đường, dài 5 km giữa vách đá, vực sâu, là "yết hầu" vận chuyển của ta.

Giặc Mỹ đã đánh phá liên tục 87 ngày đêm với 793 trận, có ngày B.52 đánh 27 lần,  hàng chục máy bay khác ném bom tọa độ. Suối Trạ Ang - có lúc để vận chuyển 60 phuy xăng đến điểm tập kết cách đó vài km phải mất tới 6 ngày. Nơi đây, Binh trạm 14 đã tổ chức 4 đội chuyển tải kéo xăng tăng bo ngược suối. Bom Mỹ dội xuống, chiến sỹ ta phải gùi từng can xăng, tập kết bảo vệ được 30 phuy xăng thì 29 đồng chí hy sinh, máu trộn xăng đỏ cả dòng Trạ Ang. Chưa đầy 6 năm, 552 bộ đội, TNXP đã ngã xuống trên cung đường này ở tuổi 18, 20 - những cái chết bất tử của những người xả thân vì Tổ quốc.

Bao năm qua, Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đường 20 Quyết Thắng không lúc nào ngớt những dòng người vào thăm viếng, tưởng niệm. Họ là những cựu chiến binh, cựu TNXP và nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc. Nhiều người trở lại con đường xưa, chiến trường xưa nhớ đến đồng đội, anh em đã hy sinh mà không cầm được mắt.

Trong hang "Tám cô". (Ảnh: Huy Văn)

Ngay cạnh Đền tưởng niệm là nơi hy sinh bi tráng của các chiến sỹ và TNXP trong trận bom tọa độ do máy bay B.52 Mỹ đánh phá ngày 14/11/1972. Ngày 14/11/1972, B.52 rải thảm ba loạt theo số lượng thông thường là 180 quả, đường 20 Quyết Thắng như bị quật nát, cắt đoạn, vách đá núi cũng lắc lư. Trong một trận bom khốc liệt, 5 chiến sỹ công binh hy sinh, thân mình không còn nguyên vẹn. Phía bên kia đường, khối đá khổng lồ chừng 100 tấn sập xuống cửa hang vùi lấp 8 TNXP thuộc đơn vị C127.

Đó  các chị Trần Thị Tơ, Lê Thị Mai, Đỗ Thị Loan, Lê Thị Lương; các anh: Nguyễn Văn Huệ, Nguyễn Văn Phương, Nguyễn Mậu Kỹ, Hoàng Văn Vụ cùng quê Thanh Hoá. Nhân chứng còn đây, ông Nguyễn Đức Thắng - nguyên Bí thư Chi bộ, Chính trị viên C127, Đại đội trưởng bùi ngùi kể: "14 giờ chiều, hang sập.

Nghe tiếng đồng đội, các anh, các chị lao đến đào bới, ngoài cửa hang, anh em tôi vẫn nghe tiếng của chị Lương kêu cứu, Ban 67 điều 3 xe bánh xích vào cửa hang kéo tảng đá nhưng không thể nào lay chuyển. 5 giờ chiều, cấp ủy, Ban chỉ huy hội ý: có thể dùng mìn phá đá nhưng tình thế sẽ rất khó khăn vì phía sau là đoàn xe hơn 150 chiếc chở hàng đặc biệt cần gấp rút ra chiến trường ngay trong đêm, dùng mìn phá đá, đường sẽ tắc, xe không thông tuyến. Bữa cơm tối lúc 10 giờ đêm, không ai nuốt nổi.

Trước yêu cầu cấp bách, một bộ phận chiến sỹ ở lại tìm cách ứng cứu, còn tất cả đồng đội đều lao ra chiến trận san lấp mặt đường sau những trận bom tàn khốc. Để tiếp tế đồng đội đang kẹt trong hang, các anh chị đã dùng những chiếc ống thông rỗng ruột, nghiền nát lương khô, đưa cháo loãng và B1 vào hang.

Thoạt đầu, cảm như những chiếc ống ấy động đậy, khẽ chuyển dịch, ai cũng vui mừng khôn xiết và niềm hy vọng tràn về. Nhưng ngày trôi ngày, những hy vọng đó mất dần và ai cũng hiểu đồng đội của mình đang từng giây, từng phút đón nhận sự hy sinh. 9 ngày qua đi, cả đơn vị nén thương đau làm lễ truy điệu cho đồng đội". Đường 20 Quyết Thắng, cùng với những địa danh như cua Chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Pulanhic, trọng điểm Trạ Ang, Cà Roòng, dốc Ba Thang còn có "Hang Tám Cô" từ đó.

Đường 20 Quyết Thắng, "Hang Tám Cô" giờ đây đã trở thành một di tích lịch sử của dân tộc. Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đường 20 Quyết Thắng và đền thờ "Hang Tám Cô" lúc nào cũng nghi ngút khói hương. Chúng tôi nghiêng mình kính cẩn tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ cùng đồng đội đã làm nên con đường huyền thoại với những tráng ca bất tử về lòng quả cảm, nghị lực phi thường đã hy sinh vì Tổ quốc. Trường Sơn hùng vĩ mãi ngàn đời chở che các anh, các chị trong lòng đất Việt.

Trong linh thiêng, trầm mặc, trong gió ngàn của Trường Sơn hùng vĩ nghe như có tiếng đoàn quân reo, tiếng máy tiếng xe ta ra chiến trường, tiếng các anh, các chị reo đón những đồng đội, những đàn em, con cháu và bè bạn về thăm viếng. Thực là: "Tuổi chẳng thọ nhưng huân công mãi mãi trường tồn/Thân dù tan mà khí phách đời đời bất diệt" (*).

* Lời phú khắc trên bia tưởng niệm ở Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đường 20 Quyết Thắng do Giáo sư Vũ Khiêu soạn mùa thu năm Ất Dậu 2005.

Quảng Bình, tháng 6/2011
Tuấn Anh

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục