Từ cắm - bán - chuộc… đến tranh chấp đất
- Cập nhật: Thứ năm, 18/8/2011 | 1:56:51 PM
YBĐT - Nhằm giải quyết tốt vấn đề đơn thư khiếu nại, Thanh tra huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã thường xuyên quán triệt cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện đúng theo Luật Thanh tra và 5 điều kỷ luật đối với viên chức thanh tra trong hệ thống thanh tra Nhà nước.
Đất sản xuất là nhu cầu thiết yếu của đồng bào vùng cao.
|
Năm qua, trong tổng số 23 đơn thư mà Thanh tra huyện Mù Cang Chải xử lý có tới 11 đơn khiếu nại về tranh chấp đất đai, 8 đơn tranh chấp về mương máng, nước tưới. Trong tổng số 11 đơn thư Thanh tra huyện giải quyết 6 tháng đầu năm 2011, có tới 7 đơn khiếu nại về tranh chấp đất đai… cán bộ thanh tra đã tập trung giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại thuộc thẩm quyền, bảo đảm khách quan, hợp tình, hợp lý, được người dân đồng thuận, không để xảy ra bất ổn trên địa bàn. Tuy nhiên, thực trạng này cũng cho thấy các vụ việc tranh chấp về đất đai, đất sản xuất luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số các đơn khiếu nại ở địa phương.
Giải quyết khiếu nại về đất đai
Tháng 4 năm 2007, ông Hàng A Sì ở bản Tà Ghênh, xã Nậm Có cầm cố 11 mảnh ruộng canh tác của gia đình cho ông Chang A Củ người cùng bản với số tiền 600.000 đồng. Năm 2008, ông Sì nhất trí bán hẳn 1.019 m2 cho ông Củ với số tiền 1,9 triệu đồng. Tuy nhiên, hai bên chưa kịp làm thủ tục chuyển nhượng do ông Hàng A Sì bị đưa đi cai nghiện tập trung tại Trung tâm Cai nghiện của tỉnh.
Năm 2010, sau khi hết hạn cai nghiện, ông Sì cùng con trai đến nhà ông Củ xin chuộc lại số ruộng trên với số tiền 1,9 triệu đồng. Sự việc dẫn đến tranh chấp khi gia đình ông Củ không nhất trí với lý do khi nhận ruộng của ông Sì lúc đó mặt ruộng đã bị mưa lũ làm xói lở, bồi lắng đất đá nên sản lượng thóc thu được ít. Vì vậy, gia đình ông Củ đã đầu tư công sức san gạt, dọn dẹp, tu sửa lại ruộng nên sản lượng thóc thu hoạch tăng cao. Nếu gia đình ông Sì muốn chuộc lại ruộng thì phải trả ông Củ với giá 15 triệu đồng.
Qua giải quyết ở cơ sở hai bên không nhất trí với nhau dẫn đến việc tranh chấp khiếu kiện lên cấp huyện. Còn lý do “chuộc” lại ruộng mà anh Hàng A Tủa con trai ông Sì nêu cũng thật dễ hiểu: “Bố tôi bán ruộng lấy tiền tiêu tôi đâu có biết. Bây giờ tôi lớn không có ruộng làm nên gia đình tôi đã đi chuộc lại số ruộng đó mà không được. Chúng tôi đã làm đơn để nhờ chính quyền và cơ quan chức năng giải quyết”.
Sự việc tưởng chừng đơn giản nhưng khi giải quyết cũng gặp không ít khó khăn. Thanh tra huyện Mù Cang Chải đã cùng chính quyền xã Nậm Có tập trung xác minh thực tế vị trí đất ruộng canh tác nơi xảy ra tranh chấp. Sau đó, cán bộ thanh tra vận động, giải thích có tình, có lý với các đương sự để cùng thống nhất giải quyết vụ việc bảo đảm các gia đình đều có ruộng ổn định sản xuất. Gia đình ông Củ đã nhất trí cho gia đình ông Sì chuộc lại một phần diện tích ruộng trên để canh tác lâu dài.
Cụ thể, ông Củ được quyền quản lý, canh tác 4 mảnh ruộng phía dưới với diện tích 415 m2; ông Sì được quyền quản lý, canh tác 7 mảnh ruộng phía trên với diện tích 604 m2. Gia đình ông Sì có trách nhiệm thanh toán cho ông Củ số tiền 2,4 triệu đồng, gồm: tiền chuộc lại 7 mảnh ruộng, cộng với số tiền lãi suất tính theo lãi suất ngân hàng và tiền công cải tạo lại ruộng.
Phải xử lý từ cơ sở
Một vấn đề cố hữu ở vùng cao vẫn là bộ phận không nhỏ người dân chưa hiểu hết về chính sách đất đai, Luật Khiếu nại, tố cáo. Có những trường hợp đã được giải quyết thỏa đáng, giành nhiều quyền lợi và hỗ trợ hết mức đối với họ nhưng vẫn không chấp nhận, cố tình khiếu nại. Do đặc thù vùng cao, hầu hết là đồng bào Mông trước đây chủ yếu sản xuất theo kiểu luân canh, hoặc cho rằng đất ông cha khai phá nên có tranh chấp.
Trong khi, việc giải quyết gặp không ít khó khăn vướng mắc bởi nhiều diện tích đất tranh chấp không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cơ chế, chính sách chưa thực hiện đồng bộ. Điều khiến công dân khiếu nại lên cấp trên một phần do cán bộ cấp xã còn hạn chế về trình độ pháp luật. Hầu hết các xã, thị trấn đều thành lập được Ban thanh tra nhân dân nhưng hiệu quả tiếp công dân và xử lý đơn thư còn hạn chế. Cán bộ làm công tác hòa giải và giải quyết các vụ việc ở cấp thôn, bản, cấp xã chưa được chú trọng, thiếu kinh nghiệm và năng lực.
Năm 2010, thanh tra trách nhiệm 5 UBND xã trên địa bàn huyện trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở mới thấy những yếu kém bị bộc lộ. Các xã này không hề có lịch tiếp công dân, không mở sổ sách theo dõi, chưa kiện toàn tổ hòa giải, hồ sơ giải quyết vụ việc không có. Về lực lượng thanh tra huyện chỉ có 4 cán bộ, song phải giải quyết khối lượng công việc tương đối lớn, thuộc phạm vi nhiều lĩnh vực từ thanh tra hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo đến phòng chống tham nhũng... Đây cũng là một trong những khó khăn chung của thanh tra khi thực thi nhiệm vụ ở các địa phương.
Đối với các đơn thư khiếu nại gửi lên ngành chức năng huyện, ông Hoàng Quang Trung- Chánh Thanh tra huyện cho biết: “Thanh tra huyện đã thực hiện bảo đảm 100% các cuộc thanh tra theo kế hoạch. Toàn bộ đơn thư khiếu nại, tố cáo mà UBND huyện, các phòng, ban chức năng của huyện và các xã, thị trấn đều được xem xét giải quyết đạt tỷ lệ trên 95%. Nhằm giải quyết tốt vấn đề đơn thư khiếu nại, Thanh tra huyện đã thường xuyên quán triệt cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện đúng theo Luật Thanh tra và 5 điều kỷ luật đối với viên chức thanh tra trong hệ thống thanh tra Nhà nước. Sau khi nghiên cứu kỹ nội dung và căn cứ tình hình thực tế các vụ việc, Thanh tra huyện tham mưu đề xuất với UBND huyện biện pháp giải quyết. Vụ việc nào liên quan đến lĩnh vực, vấn đề của ngành, phòng ban nào thì giao cho đơn vị đó trực tiếp giải quyết. Có như vậy sự việc mới được giải quyết nhanh chóng, đạt hiệu quả. Những vụ việc phức tạp, khó giải quyết tham mưu cho UBND huyện triệu tập các ngành chức năng bàn biện pháp xử lý triệt để, không để xảy ra “điểm nóng”, khiếu kiện vượt cấp, kéo dài trên địa bàn”.
Để giảm bớt các vụ việc khiếu kiện vượt cấp, nhất là các tranh chấp về đất đai, mương máng, bãi chăn thả gia súc của hộ dân, trước hết cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ cơ sở, đồng bào các dân tộc trên địa bàn, từng bước làm chuyển biến về nhận thức, ý thức của người dân về chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Đồng thời, tiếp tục rà soát việc thực hiện chính sách quản lý đất đai, đất sản xuất; phân loại vụ việc, phân cấp triệt để việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền. Chính quyền địa phương, đơn vị cần nhận thức đúng đắn, đầy đủ về Luật Khiếu nại, tố cáo, nắm chắc và hiểu rõ nguồn gốc nảy sinh vụ việc để ngăn chặn kịp thời. Chính quyền cơ sở, thôn, bản cần định hướng cách giải quyết ngay, không trông chờ, ỷ lại vào cấp trên. Trong giải quyết đơn thư lần đầu, chú trọng khâu đối thoại bảo đảm thực hiện khách quan, dân chủ, thông qua kết quả để người dân đồng thuận và chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước.
Thanh tra viên Giàng A Sùng tâm sự: “Huyện Mù Cang Chải có địa bàn rộng, dân cư không tập trung, giao thông khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến việc xem xét giải quyết các đơn khiếu kiện của công dân. Nhiều vụ việc khi giải quyết tốn rất nhiều thời gian, công sức. Ngay như vừa rồi, anh cùng với Phó thanh tra huyện Giàng A Di phải về tận khu vực Linh Là, cách bản Tu San (Nậm Có) 4 km đường bộ để xác minh giải quyết một vụ tranh chấp đất sản xuất giữa hộ ông Thào A Lềnh với ông Giàng A Tủa. Sự việc được chính quyền xã hòa giải không thành dẫn đến khiếu kiện vượt cấp và cán bộ thanh tra huyện lại phải lặn lội về tận nơi, gặp đương sự, rồi khó nhất là tìm gặp được nhận chứng để giải quyết tranh chấp”. Nhiều vụ việc tương tự như trên đều phát sinh từ việc cho mượn đất, “cắm đất”, rồi bán đất lấy tiền sau đó đòi chuộc lại. Một số người tự ý khai phá, thâm canh trên đất của người khác... Còn nhiều vụ việc khác mà Thanh tra huyện phải giải quyết như: khiếu nại về tranh chấp bãi chăn thả ở bản Mí Háng, xã Mồ Dề, việc tranh chấp mương máng ở bản Séo Dì Hồ B, xã Lao Chải… |
Huy Văn
Các tin khác
YBĐT - Đã hơn nửa năm nay, hàng chục lồng nuôi cá thuộc thôn Quyết Tiến, Khả Lĩnh, xã Đại Minh (Yên Bình) nằm xập xệ, ngổn ngang bên dòng sông Chảy nhìn mà xót xa. Không nuôi được cá, hàng chục lao động phải đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Câu hỏi bao giờ làng cá hồi sinh dường như vẫn chưa có lời giải! >>>Cá lồng sông Chảy chết nhiều: Trông chờ sự vào cuộc của các ngành chức năng
YBĐT - Những năm gần đây, tình trạng tai nạn lao động tại các xưởng gỗ trên địa bàn xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đang thực sự đáng báo động.
YBĐT - Tại sao ta lại không nghiên cứu để nuôi trong ao hồ như người dân ở xã Tân Hợp (Văn Yên) đã từng nuôi thành công cá quất cùng một số giống cá da trơn khác để mang lại hiệu quả kinh tế cao?
YBĐT - Một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo ở vùng cao Trạm Tấu (Yên Bái) đó là tình trạng đất đai không đồng đều, nhiều hộ có quá nhiều đất trong khi đó có nhiều hộ gia đình không có hoặc thiếu đất canh tác.