Báo động mất an toàn từ xưởng gỗ ở Lương Thịnh
- Cập nhật: Thứ tư, 10/8/2011 | 2:53:16 PM
YBĐT - Những năm gần đây, tình trạng tai nạn lao động tại các xưởng gỗ trên địa bàn xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đang thực sự đáng báo động.
Mẹ Dương Phú Trình xót xa kể lại chuyện 2 lần Trình bị máy bóc gỗ cán vào tay gây thương tật.
|
Huyện Trấn Yên hiện có gần 150 cơ sở, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, trong đó, Lương Thịnh là xã có số cơ sở chế biến gỗ rừng trồng lớn nhất huyện với 65 cơ sở thuộc 18 thôn, bản và gần 100 máy bóc ván gỗ. Các cơ sở này đi vào hoạt động đã góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động địa phương. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng tai nạn lao động (TNLĐ) tại các xưởng gỗ trên địa bàn xã Lương Thịnh đang thực sự đáng báo động.
Khi nông dân là công nhân
Những công nhân hiện đang lao động tại các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng trên địa bàn xã Lương Thịnh hầu hết đều là những nông dân làm ruộng vốn quen với "tay cày, tay cuốc" nhưng từ khi các xưởng chế biến gỗ mọc lên như nấm thì những người nông dân chân lấm tay bùn này bỗng dưng trở thành những công nhân. Cũng vì thế mà khi vào làm việc tại các xưởng hầu như họ không được trang bị những kiến thức cơ bản về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động.
Anh Dương Trung Minh, thôn Lương Thiện đang làm việc tại xưởng chế biến gỗ rừng trồng của anh Dương Kim Điệp cho biết: "Mình chỉ đi làm ở xưởng gỗ này những lúc rảnh rỗi, không vào vụ mùa thôi".
- Anh đi làm ở đây lâu chưa? - Tôi hỏi.
- Mình đi làm được mấy tháng rồi.
- Thế công việc chính của anh ở đây là gì?
- Lúc thì kéo ván, đứng làm máy, lúc thì lại bốc vác, thậm chí có lúc máy móc hỏng hóc hay gặp sự cố mình xử lý luôn. Công việc nào mình cũng làm được hết vì người này bận thì người khác vào làm thay mà, mọi người cứ học hỏi kinh nghiệm nhau để làm thôi.
- Thế anh đã được tập huấn kiến thức về an toàn lao động chưa?
- Mình không làm thường xuyên công việc này nên không cần đi tập huấn – anh hồn nhiên trả lời:
Chia tay với anh Minh, chúng tôi tìm đến cơ sở sản xuất gỗ rừng trồng của gia đình anh Triệu Đình Cường. Anh Cường cho biết, xưởng bóc ván gỗ của gia đình tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định từ 100.000 đồng - 120.000 đồng/ngày, số lao động thời vụ có lúc tăng trên 20 người. Hầu hết lao động ở đây đều không được đào tạo qua một lớp nào mà chỉ làm việc theo kiểu truyền đạt kinh nghiệm với nhau giữa người biết việc hướng dẫn cho người chưa biết bằng hình thức "cầm tay chỉ việc". Còn về vấn đề an toàn cho người lao động thì trên xã cũng đã có lớp tập huấn nhưng mỗi xưởng chỉ chọn ra một vài lao động để tham gia lớp tập huấn đó.
Anh Hoàng Văn Hiệp, thôn Đồng Hào đang sử dụng máy cưa gỗ cho biết thêm: "Mình làm ở xưởng được 4 năm nhưng chưa được qua một lớp tập huấn về an toàn lao động nào. Nơi mình làm việc đã có một trường hợp bị cán mất ngón tay do sử dụng máy cưa gỗ nên mình cũng mong là sẽ được đi tập huấn một lớp về an toàn lao động để có kiến thức bảo vệ, đảm bảo an toàn cho bản thân". |
Theo quan sát của chúng tôi thì tại các xưởng gỗ này có rất nhiều lao động tuổi đời còn rất trẻ, chỉ mười tám, đôi mươi hiện đang là công nhân đứng máy chính tại các xưởng chế biến gỗ nhưng họ bất chấp nguy hiểm khi đang đang điều khiển các thiết bị máy móc... Không tập trung và bất chấp những âm thanh ầm ĩ của tiếng động cơ, họ vừa nghe nhạc bằng phone tai vừa vận hành máy một cách trơn tru. Quả thực, nếu có sự cố máy móc hay chỉ một chút chủ quan, lơ là của người lao động... thì điều gì sẽ xảy ra?
Máy cưa gỗ - hiểm họa luôn rình rập người lao động.
Máy bóc ván “cán” người
Mặc dù, tình trạng mất an toàn trong lao động liên tục được cảnh báo, thế nhưng, số lao động bị thương tích do sử dụng máy cưa, máy bóc ván trên địa bàn xã Lương Thịnh luôn ở mức “báo động”.
Theo số liệu thống kê của Trạm Y tế xã, số vụ tai nạn xảy ra tại các xưởng bóc gỗ lên tới gần 90 vụ trong chưa đầy 3 năm (từ 2009 đến nay), đặc biệt có nhiều ca rất nặng. Theo anh Trần Thanh Huyền - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Lương Thịnh: “Những trường hợp bị máy cưa, bóc ván cán vào tay hầu như bị ảnh hưởng phần mềm như phải tháo khớp ngón tay hay bị máy bóc lột da, những trường hợp nhẹ thì Trạm sẽ xử lý nhưng có một số trường hợp vết thương quá nặng thì phải chuyển tuyến trên”.
Đến một số cơ sở sản xuất chế biến gỗ rừng trồng trên địa bàn xã chúng tôi cũng được những công nhân đang làm việc ở đó cho biết, trong thời gian qua đã có một số công nhân gặp phải những TNLĐ đáng tiếc và có những trường hợp bị máy bóc ván “cán” đến 3 lần.
Theo những địa chỉ mà mọi người giới thiệu, chúng tôi đến thôn Lương Thiện gặp anh Dương Phú Trình (người dân tộc Dao) là một trong những trường hợp bị máy bóc gỗ cán vào tay 2 lần.
Trong căn nhà lúp xúp, nóng như rang lợp phibrô xi măng, đợi anh Trình pha xong ấm trà, chúng tôi mới gợi lại câu chuyện anh bị tai nạn khi đi làm việc ở xưởng bóc gỗ. Bà Triệu Thị Cao, mẹ của Trình rơm rớm nước mắt kể lại: "Tôi đau lòng lắm, đẻ con ra thì lành lặn mà giờ nó lại thành tàn tật thế này. Nó đã phải tháo khớp ở ngón cái bàn tay phải do TNLĐ khi đang làm máy bóc gỗ hồi năm ngoái đấy.
Đến tháng 5/2011 thì lại tiếp tục bị dao gọt gỗ làm dập phần móng tay. Thương con, sau 2 lần bị tai nạn, tôi quyết định không cho con đi làm tại xưởng bóc gỗ nữa, nguy hiểm lắm. Tôi cũng chỉ còn biết động viên an ủi con là lại về tiếp tục làm ruộng, cắt cỏ, chăn trâu... để có tiền còn lấy vợ nữa chứ".
Khuôn mặt buồn bã, tần ngần, mãi lâu sau Trình mới nói được một câu: “Em bị thế này cảm thấy xót xa lắm, không những trở thành người tàn tật mà còn mang cả vết thương trong lòng nữa, anh chị ạ!”. “Thế mỗi lần bị tai nạn thế này thì em được hỗ trợ thế nào?” Tôi hỏi - “Mỗi lần bị tai nạn là em được chủ xưởng hỗ trợ cho 500 ngàn đồng để lo thuốc men”.
Chia tay anh Trình, chúng tôi tìm gặp Đinh Văn Dũng - năm nay 21 tuổi, một trong những nạn nhân bị thương nặng khi sử dụng máy tại xưởng sản xuất gỗ. Khi nói chuyện với chúng tôi, Dũng không tự tin mà cứ giấu đi bàn tay trái có một vết sẹo dài. Dũng nói đó là vết thương do bị máy bóc ván cán. “Khi đang làm việc ở máy bóc ván, bỗng nhiên em thấy trời đất tối sầm vì tay em đã bị máy bóc lột hết phần da. Đau đớn và sợ hãi, mọi người đưa em vào cấp cứu ở Trạm Y tế xã, nhưng do vết thương nặng nên sau khi sơ cứu em đã được chuyển lên Bệnh viện tỉnh.
Trên đó, bác sĩ đã phải cắt phần da ở đùi trái của em để đắp lên vết thương trên tay. Bây giờ cả tay và chân em đều có sẹo anh chị ạ", Dũng nói. “Sau tai nạn như thế sao em vẫn tiếp tục làm công việc này?” – Tôi hỏi - “Vì điều kiện gia đình em khó khăn quá, mà em cũng không được học nghề gì nên nếu không tiếp tục làm công việc này thì cũng chẳng còn biết làm gì khác nữa". Đây chỉ là hai trong số những vụ TNLĐ điển hình mà chúng tôi thống kê được trong thời gian gần đây.
Anh Đinh Văn Dũng - một nạn nhân bị máy bóc gỗ lột hết phần da ở tay trái.
Giải pháp nào cho an toàn lao động nông thôn?
Nhằm giúp người lao động có kiến thức về an toàn lao động để đảm bảo an toàn tính mạng khi làm việc tại các cơ sở sản xuất gỗ rừng trồng, xã Lương Thịnh đã có giải pháp phối hợp với các ban, ngành mở lớp tập huấn về an toàn lao động cho người dân đang tham gia tại các xưởng bóc gỗ.
Tuy nhiên, lớp tập huấn này mỗi năm chỉ có 1 lớp và số người được đi tập huấn về an toàn lao động cũng hiếm hoi. Có trường hợp được tập huấn thì làm một thời gian rồi vì hoàn cảnh lại không làm nữa, đến khi thay thế người mới vào làm lại không được tập huấn, không có kiến thức về an toàn lao động và điều đáng nói là giữa người lao động và người sử dụng lao động không có bất cứ sự ràng buộc hay gắn kết trách nhiệm nào mà chỉ là hợp đồng mang tính thời vụ. Đó cũng chính là lý do dẫn đến tình trạng mất an toàn lao động xảy ra ngày càng nhiều và gây không ít khó khăn cho công tác quản lý đối với các ngành chức năng.
Không chỉ riêng xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên mà trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện nay đang có rất nhiều cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh chế biến gỗ rừng trồng với quy mô lớn, nhỏ khác nhau với số lượng lao động lên tới hàng ngàn người. Hiệu quả kinh tế mang lại cho người dân thì đã rõ, nhưng các cấp, các ngành chức năng cũng cần sớm có giải pháp hữu hiệu kịp thời để hạn chế tối đa tình trạng mất an toàn lao động cho các lao động phổ thông ở địa phương.
Ông Hán Văn Khang - Phó trưởng Phòng Lao động & Thương binh xã hội huyện Trấn Yên:
“Để thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại các xưởng chế biến gỗ rừng trồng thì ngoài việc tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng, hướng dẫn công tác bảo hiểm, bảo hộ cho người lao động tại cơ sở thì việc thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại cơ sở, doanh nghiệp và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về pháp luật lao động sẽ là cách góp phần giảm thiểu các vụ TNLĐ đáng tiếc xảy ra”. |
Thanh Chi - Đức Toàn
Các tin khác
YBĐT - Tại sao ta lại không nghiên cứu để nuôi trong ao hồ như người dân ở xã Tân Hợp (Văn Yên) đã từng nuôi thành công cá quất cùng một số giống cá da trơn khác để mang lại hiệu quả kinh tế cao?
YBĐT - Một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo ở vùng cao Trạm Tấu (Yên Bái) đó là tình trạng đất đai không đồng đều, nhiều hộ có quá nhiều đất trong khi đó có nhiều hộ gia đình không có hoặc thiếu đất canh tác.
YBĐT - Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đang được tỉnh Yên Bái triển khai tích cực góp phần hạn chế tốc độ gia tăng nhiễm HIV nói chung và tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con nói riêng.
YBĐT - Tôi năm nay đã ngoài 60 rồi, kinh tế gia đình lại khó khăn, chẳng thể có điều kiện để mà đi tỉnh này, tỉnh nọ tìm kiếm. Thêm nữa, thông tin về chú và anh tôi không có nên dù lòng muốn lắm nhưng cũng đành bất lực…