Khi nông dân có đất

  • Cập nhật: Thứ ba, 2/8/2011 | 1:46:55 PM

YBĐT - Một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo ở vùng cao Trạm Tấu (Yên Bái) đó là tình trạng đất đai không đồng đều, nhiều hộ có quá nhiều đất trong khi đó có nhiều hộ gia đình không có hoặc thiếu đất canh tác.

Niềm vui của người dân khi vụ mùa đạt kết quả tốt.
Niềm vui của người dân khi vụ mùa đạt kết quả tốt.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo ở vùng cao Trạm Tấu đó là tình trạng đất đai không đồng đều, nhiều hộ có quá nhiều đất trong khi đó có nhiều hộ gia đình không có hoặc thiếu đất canh tác. Mọi chuyện chỉ thay đổi khi có Nghị quyết 06 của Tỉnh uỷ về Quy hoạch và tăng cường quản lý đất đai vùng cao huyện Trạm Tấu.
 
Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về diện tích đất vừa mới được san sẻ, chủ hộ Giàng A Cớ, thôn Khấu Ly, xã Bản Mù phấn khởi bảo: “Đất được mình trồng ngô lai và lúa rồi, tốt lắm”. Rồi anh thận trọng lấy từ ống nứa trên mái nhà xuống đưa cho mọi người giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhìn người đàn ông nâng niu mảnh giấy có tên mình và vợ đứng chủ sở hữu đất, chúng tôi cảm nhận rõ được niềm vui sướng của người nông dân  này khi có đất sản xuất trong tay.

 "Nhà nghèo nên tài sản mà bố mẹ cho cũng chỉ là ít ruộng lúa nước", anh Cớ tâm sự. Mười bẩy năm ở riêng, một, hai rồi 4 đứa con lần lượt ra đời. Miệng ăn trong gia đình tăng lên mà đất đai thì vẫn vậy. Thiếu đất sản xuất, cuộc sống đói nghèo đeo đẳng nhưng tủi nhất là khi đến mùa vụ, nhìn mọi người trong bản lũ lượt gùi lúa, gùi ngô về nhà, mà nhà mình thì trống không, thật buồn.

Tưởng mọi chuyện cứ trôi đi mãi, không ngờ nhờ chính sách của tỉnh, qua vận động, ông Páo và ông Lử là các hộ nhiều đất trong bản đã nhường cho gia đình A Cớ trên 2.400m2 đất nương rẫy. Thật mà như mơ, mừng như bắt được vàng, từ đó đã hai năm nay, không quản nắng mưa, sớm tối cả nhà từ vợ chồng đến con cái, ai cũng chăm chỉ lên nương trồng ngô, cấy lúa. Đất không phụ công người, mỗi năm cũng được thêm vài chục bao ngô, bao lúa để lo cho các con, cuộc sống vì thế cũng đỡ khó khăn.

Niềm vui của gia đình Giàng A Cớ cũng là niềm vui của gia đình  Giàng A Páo, thôn Mo Nhang xã Trạm Tấu. Khi xây dựng gia đình bố mẹ Páo cũng hết đất để chia cho con. Từ khi ra ở riêng hàng chục năm nay, Páo chỉ đi làm thuê để nuôi vợ, nuôi con, vì thế cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng. Năm 2009, Páo được bà con trong thôn nhường cho 2.000 m2 đất nương rẫy, được Nhà nước cấp thêm giống và phân bón nên mỗi  vụ này gia đình cũng thu được 10 bao ngô, lúa. Có ngô bán đi mua gạo, gia đình không còn đói ăn như trước. Bên nương ngô bắp đang vào thời kỳ chắc hạt, không giấu nổi xúc động, Giàng A Páo bảo: “Người nghèo chúng mình cảm ơn Nhà nước nhiều lắm”.

Giàng A cớ xúc động vì lần đầu tiên được cầm trên tay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Từ chủ trương đúng, cách làm đúng nên ở Bản Mù đã có 51 hộ dân nhiều đất đồng ý nhường cho 47 hộ dân thiếu đất sản xuất, với tổng diện tích là 10,08 ha. Còn đối với xã Trạm Tấu, có 63 hộ nhiều đất sản sẻ cho 74 hộ thiếu đất sản xuất, với diện tích là 35,1 ha. Cùng 2 xã trên, tiếp theo có 74 hộ dân của 4 xã là: Túc Đán, Bản Công, Phình Hồ và Xà Hồ cũng được cấp và san sẻ với tổng diện tích là 53,66 ha. Đến nay, ngô lúa đã được các hộ dân trồng lên xanh trên mảnh đất mới của mình thắp lên ngọn lửa hy vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn.

Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Trạm Tấu - Vũ Văn Vinh, một người đã gắn bó với vùng cao cho biết: “Đối với đồng bào vùng cao, đất đai là tư liệu chính để duy trì cuộc sống, một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo đó là việc phân chia đất không đồng đều. Đây thật sự là bài toán tưởng không có lời giải”. Việc Tỉnh uỷ đã ra Nghị quyết 03 đề ra những nhiệm vụ cấp bách trong phát triển kinh tế - xã hội tại huyện vùng cao Trạm Tấu giai đoạn 2006 - 2010, đồng thời Nghị quyết 06 về Quy hoạch và tăng cường quản lý đất đai vùng cao là chủ trương rất đúng đắn để giúp bà con vùng cao giải quyết bài toán này.

Cái được nhất là qua công tác đo đạc quy hoạch sắp xếp lại đất đai bà con đã xác định được giá trị của đất, từ đó có ý thức bảo vệ và phát huy hiệu quả của đất đai. Từ công tác đo đạc, đã xác định được hộ có nhiều đất, để vận động san sẻ và điều chỉnh cho hộ thiếu đất. Có đất canh tác, thêm nhiều hộ dân đã giảm bớt khó khăn. Anh Vinh chứng minh qua số liệu đầu năm nay Trạm Tấu nhận khoảng 90 tấn gạo cứu đói, giảm một nửa so với năm trước.

Đối với người Mông nói chung và người Mông Trạm Tấu nói riêng, đất đai không chỉ là tư liệu sản xuất để ổn định đời sống mà nó chính là máu thịt, là tâm hồn, nhất là đối với đất ruộng sản xuất lúa nước bởi đây là tài sản được truyền từ đời này sang đời kia. Vậy mà trong khi còn rất nhiều khó khăn, việc bà con trong gia đình, dòng họ, thôn, bản san sẻ nhường cho nhau đất đai là điều  thật đáng trân trọng.

Như tâm sự của ông Sùng A Súa, thôn Mo Nhang xã Trạm Tấu, người đã nhường cho hộ Giàng A Khua cùng thôn 2.000 m2 đất thì: "Nhà nước vận động để bà con giúp nhau thoát nghèo, mình thấy đây là chủ trương  đúng quá về vận động gia đình nhường thôi". Suy nghĩ thật giản dị nhưng thấu đáo, cho thấy chủ trương sắp xếp lại đất đai của tỉnh đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của  bà con người Mông vùng cao Trạm Tấu.

Giàng A Páo bên nương ngô sắp tới ngày thu hoạch.

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết thêm, việc đo đạc và sắp sếp lại đất đai ở Trạm Tấu đang tiếp tục được thực hiện tại xã Hát Lừu, thị trấn Trạm Tấu, Pá Lau, Pá Hu, Làng Nhì và Tà Xi láng. Như vậy sẽ có nhiều hộ dân thiếu đất sản xuất sẽ có được niềm vui có đất.

Qua thực tế cho thấy, việc sắp sếp lại đất vùng cao thông qua vận động nhường và cấp đất cho các hộ thiếu đất đã phát huy hiệu quả. Có đất sản xuất người dân không những có thu hoạch giảm bớt khó khăn về lương thực mà niềm tin vào Đảng, vào chế độ xã hội chủ nghĩa và tình yêu gắn bó với quê hương cũng được nhân lên. Tuy nhiên việc phân chia lại đất nông nghiệp ở nơi đây cũng đang nảy sinh những vấn đề cần giải quyết, đó là phần lớn đất vùng cao đã có chủ, nhất là đối với diện tích có thể khai hoang được ruộng nước, trong khi đó việc san sẻ, hoặc cấp đất phần lớn là diện tích đất nương rẫy đã canh tác lâu đời, nhiều diện tích độ dốc rất lớn và đã bạc mầu. Những gia đình được san sẻ đều là những hộ gia đình rất nghèo, việc đầu tư để đất đem lại hiệu quả kinh tế xóa đói nghèo ngay một lúc sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, nguyện vọng của bà con là ngoài đất nương rẫy, nếu được chia đất ruộng lúa nước thì việc ổn định sản xuất, xoá đói giảm nghèo sẽ bền vững hơn.

Bên cạnh đó, mặc dù được hỗ trợ sản xuất về giống,  phân bón... tuy nhiên do nhận thức hạn chế, bà con rất thiếu kiến thức sản xuất, việc người nông dân Trạm Tấu tiếp tục cần các ngành chức năng, tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ kiến thức, cách làm ăn, đặc biệt là áp dụng KHKT vào canh tác là rất cần thiết. Dù đã được cung cấp tư liệu sản xuất là đất đai, bà con cũng rất cần sự đầu tư của Nhà nước về xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là công trình thuỷ để có điều kiện khai hoang ruộng lúa nước, vì thực tế cho thấy, đối với vùng cao chỉ có ruộng lúa nước mới giúp bà con xóa đói nghèo bền vững.

Đình Tứ

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục